Còn nhớ, đã một lần vào những năm 1990, 1991 chúng ta có cảnh co giật về quỹ tiết kiệm, lãi suất đến 15% tháng, có nơi còn cao hơn – như vụ nước hoa Thanh Hương. Cuộc đổ vỡ lần đó cách đây hơn 15 năm. Có lẽ những nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp hiện nay không còn nhớ những gì đã xảy ra 15 năm trước!

Cơn co giật của thị trường chứng khoán hiện nay đã tạo nên sức hút kỳ lạ, nhà đầu tư không chuyên huy động hết tiền của cả nhà để chơi chứng khoán, vay tiền ngân hàng, thế chấp nhà cửa để chơi chứng khoán, bán đất đai nhà cửa để chơi chứng khoán, cắt giảm các nhu cầu gọi là xa xỉ để dồn tiền chơi chứng khoán (ngừng mua ô tô, xe máy…) vì lực hấp dẫn của chứng khoán quá lớn. Quanh họ có những người trước đây nghèo nay bỗng giàu nhờ chứng khoán, mới chơi chứng khoán 2 năm mà đã có thể mua nhà, mua xe ô tô, trong tay có vài tỷ. Một số người vừa là con nợ nay đã thấy có trong danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam; tất cả chỉ nhờ chứng khoán… Những thực tế này hút những nhà đầu tư không chuyên lao vào chứng khoán như thiêu thân. Họ chẳng cần hiểu gì về chứng khoán, chẳng theo các chỉ số nào cả, người nào hiểu thì không dám chơi nên vẫn nghèo, vì không dám mạo hiểm.

Thực tế trên đang xảy ra, không có gì ngăn nổi mặc dù chỉ số P/E là 73 của Việt Nam hiện nay là không bình thường (chỉ số giá CP trên thị trường/ thu nhập mỗi CP); trong khi các nước chỉ số này chỉ dao động từ 10 đến 20.

Thử hỏi các công ty cổ phần phát hành CP trên thị trường thực sự có được hưởng các kết quả đó hay không? HIện nay chưa có con số đích thực đánh giá ai được hưởng lợi từ quả bóng chứng khoán này. Có lẽ chỉ nhà đầu tư mua được rẻ, bán được đắt là được lợi, còn công ty chỉ được hưởng một phần từ việc định giá khi cổ phần hoá và giá trị thực của công ty.

.Nhìn thị trường chứng khoán từ nhà đầu tư không chuyên

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Bình thường thì khi giá CP ngang bằng giá trị thực của công ty thì thị trường sẽ ổn định; nhưng hiện nay TTCK Việt Nam đã vượt quá giá trị thực nhưng vẫn chưa ngừng sốt vì cung không đủ cầu. Các Tổng công ty lớn của nhà nước chưa CPH nên chưa có hàng bán ra thị trường, trong khi đó lượng tiền để chuẩn bị cho thị trường là lớn hơn nhiều: đó là các nguồn tiền kiều hối, nguồn tiền dự trữ trong dân, nguồn tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ những nguồn tiền không minh bạch có cơ hội tốt để “tắm rửa”, và TTCK là một hồ nước rất thuận lợi cho việc tắm tiền, vì tất cả cứ qua TTCK thì tiền được làm sạch bong và bỗng nhiên nhiều người giàu lên nhờ hồ nước chứng khoán này. Cần cảnh tỉnh với quy trình rửa tiền với tầm cỡ quốc tế mà TTCK đang là nơi có cơ hội. Chúng ta đã biết có khá nhiều tài khoản của Việt Nam ở nước ngoài nhưng không biết của ai! Có thể nay là cơ hội quay về cố quốc, có khi nó chợt xuất hiện và bất chợt tháo chạy sau khi tắm rửa sạch sẽ. Cũng có thể vì mục đích tắm rửa nên họ thu gom CP không kể đến doanh nghiệp làm ăn ra sao. Thậm chí họ có thể chịu lỗ vì mục tiêu của họ là tắm rửa cho đồng tiền chứ không phải kiếm lời. Việt Nam đã có Nghị định 74/2005 về chống rửa tiền nhưng Việt Nam chưa là thành viên của tổ chức chống rửa tiền quốc tế, nên hiệu quả của Nghị định hình như là quá thấp. Không thể nói chống rửa tiền nếu như thiếu luật chống rửa tiền theo đúng thông luật quốc tế.

Như vậy cơn co giật của TTCK cũng có thể do hiện tượng này mà ra, mà sự cố này hiện nay Việt Nam chưa có thuốc giải cứu có hiệu quả.

Rõ ràng TTCK đã tạo cơ hội để công khai hoá sự giàu có một cách “hợp pháp” nhất. Từ đó việc kê khai tài sản trở lên nhẹ nhàng hơn vì có lý do chơi chứng khoán. Có trời mà biết được trò chơi này ra sao?

Nhiều người dự báo rằng khi quả bóng chứng khoán nổ ra sẽ có một số nhà đầu tư “nhảy lầu”, điều đó có thể xảy ra nhưng ở Việt Nam chưa chắc.

Các rủi ro mà IMF đã cảnh báo mới là rủi ro cho ngân hàng, rủi ro cho ngoại hối, chưa đề cập đến rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên. Nhưng thử hình dung xem đống tiền đầu tư thực sự có đẩy sản xuất lên hay không? Hỏi có doanh nghiệp nào làm ăn tốt đến mức đạt lãi suất đến chóng mặt như vậy không? Hình như cơn sốt chứng khoán này chỉ tác động đến các nhà đầu tư chứ thực sự chưa ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất.

Việc buôn chứng khoán đang là mốt, rất nhiều người chỉ buôn chứng khoán mà kiếm tiền lời rất nhanh, không có một cơ quan thuế nào kiểm tra được! Chỉ cần có manh mối và điện thoại di động là có thể kiếm vài chục triệu tiền lãi trong 1 ngày. Mọi giao dịch đều phi tang không để lại chứng cứ nào! Thoả thuận giá mua và giá bán, ở giữa ăn chênh lệch. Như vậy cái họ cần là thông tin – mà thông tin thì vẫn không minh bạch. Sự rò rỉ thông tin và thông tin không minh bạch đã là miếng đất màu mỡ của những người nắm được các mối quan hệ. Rõ là các mối quan hệ đã là một thị trường có lợi cho những ai nắm được nó trong trò chơi chứng khoán!

Cơn co giật còn kéo dài vì theo phân tích của một số chuyên gia thì tích luỹ vốn của TTCK Việt Nam vẫn đang chiếm một tỉ lệ nhỏ so với GDP. Việc người dân sử dụng tiền để đầu tư vào chứng khoán cho thấy một xu hướng chuyển đổi từ các thị trường bất động sản, tiết kiệm, tiêu dùng sang TTCK.

Chân dung những nhà đầu tư không chuyên? Họ là ai? Có thể là bất kỳ ai, có thể là công chức, là tiểu thương, là nhà đầu tư nước ngoài, là người về hưu, là cán bộ quản lý doanh nghiệp, thậm chí là nông dân và công nhân. Mỗi người lại có cả một đội hình ăn theo, trước tiên là gia đình, bè bạn và tất cả những người “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”! Ta thường gọi là những nhà đầu tư ăn theo. Họ có thể hiểu hoặc không hiểu một tí gì về TTCK nhưng đều chịu sức hút kỳ lạ của thị trường.

Liệu cơn co giật này kéo dài đến bao giờ? Bao giờ thì bóng vỡ? Liệu có ai đó nhảy lầu hay không? Đó là những câu hỏi mà các nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nên đặt ra trước khi quyết định tung vốn vào chứng khoán!

Lời khuyên : Thiết nghĩ là chỉ mua với giá gấp 2, 3 lần hoặc 5 lần tương ứng với chênh lệch giữa định giá và giá thực của doanh nghiệp là an toàn. Hoặc là có lời một chút thì bán ngay không nên “kho tầu”. Chỉ mua và sở hữu cái gì mà mình biết chắc giá trị và khả năng sinh lời.

Luật gia: Cao Bá Khoát – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp K & Cộng sự

———————————————– 

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;