Nhưng sự thực có phải mọi quốc gia mở cửa mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng, gắn kết chặt chẽ, đều sẽ hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa? Toàn cầu hóa liệu có là phép mầu để biến một quốc gia từ đang phát triển trở thành một con rồng vươn mình bay lên? Ở đây, bài viết xin chủ yếu đánh giá những tác động quá của quá trình toàn cầu hóa trên hai lĩnh vực phổ bến là thương mại và đầu tư.
Mới đây khi tổng kết về kinh nghiệm ở 13 quốc gia được coi là tăng trưởng bền vững trong thời gian qua (7% trong vòng 25 năm kể từ năm 1950), Uỷ ban Phát triển và Tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới có đưa ra 5 nguyên nhân chung các quốc gia này có được: Bộ máy hành chính tận tụy, hội nhập kinh tế thế giới, đầu tư và tiết kiệm cao, môi trường và sử dụng năng lượng, mối liên hệ nông thôn và thành thị. Như vậy, dường như hội nhập kinh tế thế giới, tham gia quá trình toàn cầu hóa là tất yếu để phát triển bền vững. Chúng ta hãy thử suy nghĩ theo một chiều hướng khác.
Mahathir Mohamad – Nguyên Thủ tướng Malaysia, một người có nhiều nghiên cứu về vấn đề tác động toàn cầu hóa đến các quốc gia thế giới thứ ba, đã từng nhận xét: “… trong tiến trình toàn cầu hoá như đang được quảng bá, thực hiện và thúc ép lên chúng ta, có những kẻ thắng lớn và những người thua to, và khuôn mẫu cơ bản của kẻ thắng, người thua khong hề thay đổi – và không công bằng; vì kẻ thắng luôn là những nước giàu và người thua luôn là những nước nghèo.” [2, 11]
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài – Ảnh minh họa
1. Thương mại toàn cầu
Trong các lý thuyết thương mại quốc tế, các nhà kinh tế cho rằng các quốc gia có lợi thế riêng của mình, nếu tập trung phát huy lợi thế đó và trao đổi lấy những mặt hàng bất lợi thế của mình với các quốc gia khác sẽ mang lại lợi ích cao hơn cho các bên tham gia. Vì vậy, cần mở cửa rộng rãi, để đón nhận luồng hàng hóa từ các quốc gia khác. Thực sự, nếu hai bên tham gia với một vị thế bình đẳng thì có thể lý thuyết này thật hoàn hảo. Nhưng trên thực tế, các nước giàu, phát triển luôn luôn rêu rao thương mại bình đẳng, tự do hóa thương mại, nhưng chính các quốc gia này đang duy trì sự bất bình đẳng đó.
Trong hội nghị chính sách đối với các nền kinh tế chuyển đổi, tổ chức tại Hà Nội năm 2004, Alan Deardorff, Giáo sư kinh tế quốc tế, Đại học Michigan – Mỹ, phát biểu: “Hiệp định thương mại song phương thường đưa đến những thỏa thuận rất không tương xứng giữa các nước nhỏ với Mỹ hoặc châu Âu. Trong loại hiệp định này, các nước lớn hay các khối thương mại như EU có xu hướng giành lợi thế về mình chứ không phải lúc nào cũng vì lợi ích của các nước đối tác. Các hiệp định song phương không phải là thương mại tự do xét trên khía cạnh như là thành quả truyền thống của thương mại. Chúng là những thỏa thuận phân biệt đối xử hoặc ưu đãi giữa một số nước với các nước khác trên thế giới.” [1, 91]
VN hiện nay vẫn hơn 70% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn mà lĩnh vực sản xuất chính là nông nghiệp. Trong cơ cấu xuất khẩu, những mặt hàng chủ yếu của chúng ta chiếm tỷ trọng không nhỏ vẫn là những mặt hàng nông phẩm (Thủy sản, Gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su, rau quả…). Các sản phẩm này khi xuất khẩu hầu hết dưới dạng thô và sơ chế, giá trị thu được rất thấp. Bên cạnh đó, những mặt hàng này vấp phải những hàng rào hàng bảo hộ gay gắt từ nước ngoài. Khi chúng ta gia nhập WTO, một sân chơi được cho là bình đẳng, tự do, các hàng hóa là lợi thế các quốc gia sẽ được trao đổi, mua bán thuận lợi. Lật lại lịch sử khi ra đời 1995, WTO đã phớt lờ những vấn đề các nước đang phát triển bức xúc nhất là nông nghiệp. Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn duy trì một chế độ bảo hộ dưới dạng trợ cấp nông nghiệp ở mức cao (khoảng 300 tỷ USD/năm) khiến cho giá trị nông sản xuất khẩu của họ thấp hơn mức giá sản xuất ở các quốc gia đang phát triển.
Hội nghị Seattle năm 1999 đánh dấu một bước ngoặt: lần đầu tiên, các nước đang phát triển đã đương đầu với các nước phát triển và bác bỏ đề xuất của họ mở ra một v.ng đàm phán mới về tự do hoá thương mại (mang tên vòng Thiên niên kỷ). Trong khi đó, bên ngoài hội nghị, các tổ chức của xã hội dân sự thế giới xuống đường biểu tình ồ ạt, phản kháng WTO. Thông qua tại hội nghị Doha năm 2001, tuyên bố khai mạc của vòng đàm phán “về phát triển” xác định “đặt nhu cầu và lợi ích của các nước đang phát triển vào trung tâm chương tr.nh làm việc”, và “thương mại quốc tế có thể giữ vai trò to lớn trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế và giảm bớt đói nghèo”. Dù đặt chữ ký dưới bản tuyên bố này, nhiều nước phía Nam tỏ ra hoài nghi lời hứa của phía Bắc, và họ đã có lý. Một lần nữa, các nước phát triển nuốt lời cam kết của họ, trước tiên trong hồ sơ nông nghiệp. Năm 2002, Mỹ ra đạo luật tăng trợ cấp cho nông nghiệp lên gấp đôi. Đưa ra ra cùng năm đó, cuộc cải cách chính sách nông nghiệp chung của Liên hiệp châu Âu hoá ra chỉ là thay đổi hình thái, màu mè của những trợ cấp trước đây (chuyển trợ cấp nông sản thành trợ cấp nông dân).
Gia nhập WTO, VN đã buộc phải cam kết thêm nhiều điều khác: bãi bỏ ngay mọi trợ cấp trong xuất khẩu nông sản (các nước thành viên khác đến năm 2013 mới cắt giảm); từ bỏ quyền sử dụng biện pháp tự vệ trong nông nghiệp (các nước thành viên khác vẫn giữ quyền đó).
Các quốc gia phát triển luôn đưa ra “củ cà rốt” mở cửa thị trường, đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhưng thực tế khi quyền lợi bị xâm hại họ sẵn sàng đập “cây gậy” chống bán phá giá, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật một cách vô lý lên đầu bất cứ quốc gia nào mà họ cho là vi phạm (Điển hình như vụ kiện chống bán phá giá cá basa của VN). Điều trớ trêu là những đối tượng trực tiếp chịu những “cú đánh” này lại là những người nông dân nghèo, những người vốn dĩ cuộc sống đã phải chịu quá nhiều khó khăn.
Bên cạnh tác động tiêu cực về cạnh tranh bất bình đẳng, thương mại quốc tế còn đem lại cho các quốc gia đang phát triển “nguồn tài nguyên dồi dào” – rác thải. Những thứ mà các quốc gia phát triển thải ra: rác thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt… việc tái chế hay tiêu hủy trở nên đắt đỏ và ô nhiễm. Vì vậy, có xu thế xuất khẩu những thứ này sang các quốc gia đang phát triển trong đó có VN, biến những nơi này thành bãi rác, nơi tái chế và vùng ô nhiễm khổng lồ. Chúng ta cảm tưởng những chiếc ô tô, ti vi, hay các máy móc được bán sang VN với giá rẻ đó là một sự “cảm thông” của các quốc gia phát triển với những nước nghèo. Sự thực là các quốc gia đang phát triển khó có thể nào chống lại các luồng hàng hóa như vậy. Trong các hiệp định về tự do hóa thương mại, việc sử dụng hàng rào bảo hộ kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, còn áp dụng hàng rào kỹ thuật các quốc gia đang phát triển lại không có lợi thế do trình độ công nghệ thấp ở các quốc gia này.
2. Đầu tư quốc tế
Ngày nay, các luồng tiền đầu tư không còn giới hạn số lượng, biên giới, thời gian, vấn đề chỉ là suất sinh lời trên vốn cao. Và hàng ngày, các nước phát triển vẫn luôn rao giảng mở cửa, mở cửa hơn nữa, chúng tôi đem tiền cho các anh tại sao lại đóng. Cái chúng tôi đem lại là vốn, công ăn việc làm, giải quyết những vấn đề xã hội, và bao nhiêu điều tốt đẹp, vì thế đừng giới hạn đầu tư.
Ở đây, không thể phủ nhận những mặt tích cực mà đầu tư nước ngoài mang lại cho một quốc gia –điều này đã được nhiều công trình nghiên cứu nêu ra. Nhưng xét một khía cạnh khác, đặc biệt nhìn dưới góc độ tính bền vững trong phát triển kinh tế, đầu tư quốc tế có những điểm cần quan tâm.
Thứ nhất, Luồng tiền đầu tư có từ nhiều nguồn trong đó có cả từ những tập đoàn tư bản lớn mà vốn, công nghệ, trình độ quản lý đã đạt mức cao. Với những điều kiện đó, khi các tập đoàn này vào, họ có thể sử dụng nhiều biện pháp thậm chí mang tính “thanh toán”. Gần như các doanh nghiệp trong nước rất khó khăn trong việc cạnh tranh, hoặc phải chấp nhận làm các công ty con cho những tập đoàn này. Một dẫn chứng kinh điển là trường hợp một tập đoàn nước ngọt hàng đầu thế giới đã chịu lỗ nhiều năm liền để có thể thâu tóm vốn sở hữu và chiếm lĩnh thị phần ở VN – đây là một bài học mà cho tới này vẫn còn nguyên tính thời sự. Chúng ta thử suy nghĩ, nếu thị trường trong nước chịu sự kiểm soát phần lớn từ các tập đoàn đầu tư nước ngoài, khi có một trục trặc xảy ra (ví dụ như: khủng hoảng, suy thoái, hay động cơ chính trị…), các tập đoàn này đồng loạt rút chân, một lượng lớn lao động thất nghiệp, các ngành sản xuất ngưng trệ, hàng hóa không thể tự túc được, nền kinh tế sẽ càng rơi xuống đáy tiêu điều.
Thứ hai, nhiều lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang các nước đang phát triển, đang dần hủy hoại môi trường ở những quốc gia này và tất nhiên trong đó có VN. Với những hàng rào về môi trường nghiêm ngặt ở quốc gia mình, nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển khó có thể sản xuất, kinh doanh với công nghệ hiện có, và họ nghĩ ra nơi đầu tư lý tưởng đó là các nước đang phát triển – nơi mà đang chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư nên vấn đề môi trường không kiểm soát chặt chẽ.
Một cách khôn ngoan, họ – các nước phát triển cho rằng thật là tốt biết bao khi một nước đang phát triển vươn lên thành “cường quốc” trong ngành công nghiệp nào đó. Thông qua đầu tư, hợp tác quốc tế, điều tuyệt vời này có thể trở thành sự thật.
Cuối năm 2007, VN được xếp hạng 6 thế giới về đóng tàu thủy, đây quả thực là một kết quả đáng tự hào. Nhưng tại sao các quốc gia đóng tàu nổi tiếng thế giới trong lịch sử điển hình như Anh lại không tập trung phát triển ngành này nữa?
Thật ra, chúng ta vẫn chỉ được coi như “làm thuê” khi tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30% và đó hầu hết là những chi tiết, công đoạn có mức độ ô nhiễm môi trường rất lớn.
Thứ ba, một khía cạnh không thể không nhắc tới về ảnh hưởng của đầu tư quốc tế là đầu tư tài chính. Với xu thế toàn cầu hóa, một nhà đầu tư không cần phải cất công lặn lội đường xá xa xôi để đem nguồn tiền đi sinh lời. Họ có thể ngồi tại New York, Paris, Tokyo hay London để chi phối hoạt động tài chính ở cách đó nửa vòng trái đất. Các luồng vốn tài chính đổ vào các quốc gia dưới dạng đầu tư chứng khoán, bất động sản trong một thời điểm nó có thể đẩy các thị trường này phát triển rất nhanh. Nhưng khi thấy đã “đút túi” được một khoản lớn, các nhà đầu tư nước ngoài lại có động thái rút vốn khiến thị trường rơi vào tình trạng suy thoái, nhiều doanh nghiệp phá sản, đời sống nhiều người dân rơi vào tình trạng khó khăn. Đây là bài học lớn rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính lớn ở Đông Nam Á năm 1997. Dường như điều này vẫn liên tục lặp lại ở các thị trường mới nổi khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn ra sức kêu gọi mở thị trường để rộng đường họ chi phối. Cuối năm 2006, đầu năm 2007, thị trường chứng khoán VN thực sự sôi động khi giá cổ phiếu được đẩy lên cao hàng ngày, thu hút nhiều nhà đầu tư lên sàn. Từ những người am hiểu kinh tế, tài chính đến người không biết gì nhiều, trí thức, công nhân, sinh viên và cả những bác nông dân bán đất để lên sàn, thậm chí họ mua mà còn không biết rõ mã cổ phiếu mình mua của công ty nào. Tất nhiên, điều này làm cho thị trường phát triển quá mức và quả bong bóng tài chính có thể nổ bất cứ lúc nào. Khi chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để đẩy lùi nguy cơ lạm phát, các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền hàng loạt và thị trường chứng khoán đi xuống một cách nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư từ chỗ tỉ phú, triệu phú lâm vào cảnh trắng tay thậm chí trở thành con nợ.
Thứ tư, việc thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xây dựng các khu công nghiệp. Quỹ đất để xây những khu công nghiệp này lẽ dĩ nhiên là lấy từ nông nghiệp. Khi không có quy hoạch hợp lý và tính toán dài hạn, hàng loạt người nông dân mất đất, trong tay không có nghề nghiệp, nhiều người tuổi tác không phù hợp để chuyển đổi công việc, cuộc sống họ vốn đã khó khăn, bấp bênh nay càng khó khăn hơn. Nhiều người cầm một đống tiền đền bù nhưng không biết phải làm gì, và những vấn đề xã hội cũng kéo theo đó gia tăng: thất nghiệp, cờ bạc, nghiện hút…
Khái niệm phát triển bền vững được đề cập và phổ biến rộng rãi từ năm 1987 từ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Tương lai chung của chúng ta) của Uỷ ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) nay là Uỷ ban Brundtland. Báo cáo ghi rõ: Phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”, hay nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế – xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội… phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hoà ba lĩnh vực chính: kinh tế, xã hội, môi trường.
Xét trên những tiêu chí trên, có thể thấy xu thế toàn cầu hóa có những tác động tiêu cực không nhỏ tới sự phát triển bền vững ở quốc gia đang phát triển như VN trên cả bình diện kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, VN trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới cần chú ý tới những tác động này. Thực chất đây là “mặt đối lập” của những thuận lợi mà toàn cầu hóa mang lại cho các quốc gia. Chúng ta không thể tách mình khỏi xu thế này nhưng chúng ta cần một chiến lược hội nhập bền vững, phát triển kinh tế nhưng phải đánh giá và có những giải pháp phù hợp cho vấn đề môi trường và xã hội.
———————————————————-
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu hội nghị quốc về chính sách đối với các nền kinh tế chuyển đổi (Hà Nội, 2004).
2. Mahathir Mohamad (2004), Toàn cầu hóa và những hiện thực mới – NXB Trẻ.
3. Ngân hàng thế giới (2005), Không chỉ là tăng trưởng kinh tế – Nhập môn về phát triển bền
vững – NXB Văn hóa – Thông tin.
4. Tạp chí Cộng sản – Số 14/2008
5. Trang web Báo Tuổi trẻ: http://www.tuoitre.com.vn
6. Trang web Báo Lao động: http://www.laodong.com.vn
7. Trang web Bộ Tài nguyên và môi trường: http://www.monre.gov.vn
Những Box minh hoạ kèm trong bài
BOX 1
Thép phế hay là rác thải?
Tính đến nay (8/2008), có 3 vụ nhập khẩu thép phế lớn có quy mô hàng nghìn tấn được xác định là rác thải vi phạm Luật bảo vệ môi trường. Vụ nhập rác thép phế gây ồn ào đầu tiên trong dư luận là trường hợp Công ty XNK của Nhật đã xuất 5.000 tấn thép phế cho Công ty Gang thép Thái Nguyên vào năm 2003. Sau gần 2 tháng bị giữ ở cảng Hải Phòng, lô thép phế này đã phải tái xuất sang nước thứ 3, bán sang Hàn Quốc.
Vụ việc thứ 2 “lình xình” kéo dài tới 9 tháng mới có kết quả xử lý chính thức. Đó là trường hợp hơn 7.000 tấn thép phế của 6 công ty nhập vào cảng TP.HCM và Hải Phòng vào tháng 9/2007. Rốt cục, do các DN không thể tái xuất được, Chính phủ đành cho phép các DN nấu luyện “rác thép phế” này ở lò điện trong nước.
Gần đây nhất, vào tháng 7/2008, lô thép phế hơn 430 tấn nhập về cảng Đà Nẵng của Công ty Thép Thành Lợi đã bị giữ lại cảng vì vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Ngày 18/8, UBND thành phố Đà Nẵng đã ra quyết định cho tiêu hủy lô rác này, mặc dù trước đó, Bộ TN&MT đã yêu cầu phải áp dụng hình thức tái xuất.
Nguồn: monre.gov.vn/monrenet/default.aspx?tabid=209&ItemID=49181
BOX 2
Hầu hết các khu công nghiệp bị ô nhiễm nặng về bụi. Theo ông Trần Hồng Hà, Cục Trưởng Cục Bảo vệ môi trường (Bộ TN&MT), môi trường không khí ở hầu hết các Khu công nghiệp VN đều bị ô nhiễm nặng về bụi và khí thải độc hại, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 đến 3 lần, cá biệt có những nơi vượt 10 đến 20 lần. Lượng khí thải cabonic ở VN không lớn, nhưng đang có chiều hướng tăng và sẽ tăng nhanh vào cuối thập kỷ này nếu không có những giải pháp xử lý, hạn chế hữu hiệu. Mặc dù đã ngăn chặn được một phần nhưng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi, có lúc đến mức trầm trọng.
Nguồn:laodong.com.vn/Home/moitruong/tinmoitruong/20 07/12/69615.laodong
BOX 3
Ô nhiễm hạt nix ở Hyundai Vinashin: “Kẻ giết người thầm lặng”. Để làm sạch các mảng dơ bẩn, lớp sơn cũ, lớp gỉ sét… bám chặt thành vỏ tàu, HVS đã dùng xỉ đồng bắn tẩy trước khi tàu được sửa chữa, sơn mới. Đó là công nghệ được HVS lựa chọn và áp dụng tại VN trong nhiều năm qua. Hằng năm HVS cần một lượng rất lớn hạt xỉ đồng phục vụ việc làm vệ sinh các tàu biển. Từ năm 1999-2007, HVS đã đưa vào VN xấp xỉ đến 750.000 tấn xỉ đồng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định việc sử dụng hạt xỉ đồng làm phát sinh bụi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân hai thôn Mỹ Giang và Ninh Yển thuộc xã Ninh Phước, Ninh Hoà, Khánh Hoà.
Nguồn:tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=226739&ChannelID=3
BOX 4
Theo khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ở vùng đồng bằng sông Hồn trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động mất việc làm, trong khi đó 1 ha đất nông nghiệp hằng năm tạo ra việc làm cho 13 lao động nông nghiệp. Người mất việc làm chủ yếu là nông dân, trình độ văn hóa, chuyên môn thấp, chưa qua đào tạo nghề phi nông nghiệp nên cơ hội tìm việc làm ngoài nông nghiệp rất khó. Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tại các vùng mất đất do đô thị hóa và xây dựng KCN ở vùng ĐBSH, tỷ lệ lao động không được đào tạo nghề, không có chuyên môn rất cao: Hà Nội 76,2%; Hải Phòng 89%; Hà Tây 75% và Bắc Ninh 87%.
Do đó, số lao động không có việc làm sau khi bị thu hồi đất tăng nhanh ở tất cả các tỉnh có khảo sát. Tại Hà Nội, tỷ lệ lao động không có việc làm trước khi thu hồi đất là 4,7% đã tăng lên 12,4% sau khi bị thu hồi đất. Hai tỷ lệ tương ứng của các tỉnh khác, như Hải Phòng là 5,1% và 10,8%; Bắc Ninh 5,3% và 7,9%.
Nguồn: Tạp chí Cộng sản, Số 14/2008.
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 217 THÁNG 11 NĂM 2008 – THS. NGUYỄN MINH TUẤN
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)