Là một trong những người tiến hành tố tụng, HTND có vị trí pháp lý khá quan trọng. Số lượng HTND chiếm 2/3 trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm; đối với những vụ án phức tạp, tính chất nghiêm trọng, số lượng HTND có thể lên đến 3 người trong tổng số 5 thành viên của Hội đồng xét xử. Như vậy, trong thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm, số lượng HTND bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với Thẩm phán. Đây là một lợi thế để các HTND thể hiện “ngang quyền” và “quyết định theo đa số” trên tinh thần dân chủ. Tuy nhiên, phải thẳn thắn nhìn nhận, khi trình độ, điều kiện giữa HTND và Thẩm phán có một khoảng cách quá xa thì việc thực hiện nguyên tắc “ngang quyền” và “quyết định theo đa số” của HTND khi tham gia xét xử cũng chỉ mang tính tượng trưng, hình thức.
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Trên thực tế, một thẩm phán phải có trình độ thấp nhất là Cử nhân Luật, được bồi dưỡng tại Trường Đào tạo các chức danh tư pháp, có thời gian làm công tác pháp luật từ 4 năm trở lên (đối với cấp huyện), từ 6 năm trở lên (đối với cấp tỉnh). Thẩm phán có nhiệm vụ thụ lý hồ sơ vụ án, có quyền tiến hành các hoạt động theo tố tụng như: Ghi lời khai, thu thập chứng cứ và tiếp xúc với các đương sự trong thời gian khá dài… Đó là những điều kiện để đưa ra những quyết định đúng đắn về vụ án. Hầu như tất cả các vụ án trước khi xét xử đã được thẩm phán dự kiến kết quả và định hướng bằng bản thảo bản án. Còn HTND chưa được đào tạo bài bản, chỉ qua một số buổi tập huấn đơn giản nên khó có đủ điều kiện đánh giá hết các chứng cứ trong hồ sơ để có quyết định đúng đắn về vụ án. Trong thực tế, rất ít HTND nghiên cứu hồ sơ trong thời gian 3 ngày trước khi xét xử theo quy định. Mặt khác, quy định chế độ nghiên cứu hồ sơ cũng là sự đánh đố các HTND, nhất là đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp như án dân sự về tranh chấp đất đai, thừa kế; án hình sự có nhiều bị cáo tham gia, hồ sơ dày đến hàng trăm bút lục…
Cán bộ ngành Tư pháp thường nói vui rằng, thực hiện nhiệm vụ của một Thẩm phán, Kiểm sát viên dễ hơn làm một HTND. Bởi, các chức danh tư pháp trên thường chỉ được thụ lý một số loại án chuyên sâu, trong từng lĩnh vực ở bộ phận hình sự, dân sự, hôn nhân-gia đình (đối với cấp huyện); ở từng Tòa chuyên trách như: Tòa Dân sự, hình sự, hành chính- kinh tế- lao động (ở cấp tỉnh). Còn đã là HTND thì tham gia xét xử tất cả các loại án, từ hình sự, dân sự, đến hành chính, kinh tế, lao động và phá sản doanh nghiệp… Tuy nhiên, thực tế nếu trách nhiệm của HTND được xác định một cách rõ ràng đối với các bản án bị hủy, cải, sửa thì e rằng không ai dám chấp nhận làm HTND trong một điều kiện với tiêu chuẩn, chế độ như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, để các HTND đảm đương được chức trách, nhiệm vụ của mình nên quy định tiêu chuẩn HTND phải có trình độ cử nhân luật hoặc đã qua công tác pháp luật từ 3-5 năm. Điều quan trọng nữa là HTND phải có bản lĩnh, có tinh thần bảo vệ công lý, tích cực phản biện khi thẩm phán có dấu hiệu tiêu cực, thiếu khách quan trong quá trình tố tụng.
Việc thực hiện chế định về HTND đã nảy sinh nhiều bất cập. Quyền năng pháp lý trao cho HTND khá lớn, song chưa có cơ chế để các HTND phát huy, do vậy hoạt động còn mang tính hình thức. Chế định về HTND cần phải được nghiên cứu, sửa đổi trên cơ sở tổng kết thực tiễn để bảo đảm yếu tố khoa học và tính pháp lý trong hoạt động xét xử.
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – PHẠM DÂN
Trích dẫn từ:http://nguoidaibieu.com.vn/
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)