>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Đến hôm nay, có thể khẳng định rằng, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa tiến tới tư nhân hóa các DNNN là biểu hiện sinh động nhất cho một Nhà nước thông minh.

Trước hết, DNNN là sản phẩm tất yếu của mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi nước, các DNNN ra đời và tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng đều theo một con đường chung: Nhà nước lập ra DNNN để tăng thu ngân sách phục vụ cho lợi ích chung của xã hội; khi dân chưa biết kinh doanh thì Nhà nước lập ra DNNN để hướng dẫn, làm mẫu cho dân làm theo; khi dân đã biết kinh doanh thì Nhà nước chuyển giao cho dân làm, Nhà nước chỉ làm những gì dân chưa làm được, không cạnh tranh với dân mà là người tổ chức quản lý để dân kinh doanh trên một mặt bằng cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước từng bước thoát khỏi vị thế là nhà đầu tư, tập trung tài lực vào công việc quản lý an ninh xã hội và thu thuế để phục vụ xã hội. Đó là một trong những biểu hiện của Nhà nước thông minh.

DNNN không phải là sản phẩm độc quyền của một quốc gia nào. Tất cả các nước có nền kinh tế phát triển đều phải thực hiện lộ trình tư nhân hóa để Nhà nước thoát khỏi vị thế là nhà đầu tư. Đó chính là bài toán tối ưu, Nhà nước bỏ vốn đầu tư ít nhất và thu được nhiều thuế nhất và vẫn đảm bảo phát triển đất nước. Và chỉ khi Nhà nước thực hiện bài toán tối ưu hóa đầu tư như thế mới là một Nhà nước thông minh

Tối ưu hóa đầu tư trước hết phải là xã hội hóa đầu tư, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh để mọi công dân đều có cơ hội đầu tư bình đằng như nhau, để mọi công dân đều có cơ hội thành lập doanh nghiệp tạo việc làm cho xã hội. Các nước phát triển có tiêu chí số dân/ doanh nghiệp trung bình 20 người dân có 1 DN, chỉ số đó ở ta hiện nay là 750 dân/1DN, có tỉnh lên tới 3.000 dân/1DN. Rõ ràng là tốc độ xã hội hóa đầu tư của ta còn quá thấp. Một Nhà nước thông minh phải biết tạo điều kiện cho sự phát triển kho tàng chất xám của 80 triệu dân Việt Nam. Đó là kho tài nguyên quý nhất mà lâu nay ta không khai thác hợp lý. Bằng nhiều chính sách và biện pháp khuyến khích dân kinh doanh, đó là một Nhà nước thông minh.

Bằng con đường chuyển đổi sở hữu các DNNN cho các cá nhân và tổ chức dân doanh, các nước gọi quá trình này là tư nhân hóa, còn nước ta gọi là quá trình CPH. Khái niệm CPH thực ra còn tiềm ẩn vai trò đầu tư của Nhà nước. Bởi vì, ngay cả khi đã chuyển DNNN thành công ty CP, Nhà nước có thể vẫn nắm giữ các phần vốn nhất định, thậm chí là chi phối các công ty CP.

Như vậy số vốn của Nhà nước vẫn chưa được giải phóng triệt để và Nhà nước vẫn là một nhà đầu tư thực thụ. Triệt để hơn phải là “tư nhân hóa các DNNN trong những lĩnh vực cho phép”. Một Nhà nước thông minh cần kiên quyết thực hiện cuộc cải cách triệt để như vậy.

Một Nhà nước thông minh là ngay cả khi DNNN kinh doanh rất có hiệu quả, Nhà nước vẫn bán các DN của mình để thu tiền về ngân sách, để làm những việc dân không làm được hoặc không muốn làm vì không có lợi nhuận nhưng vì lợi ích chung của toàn xã hội. Khi đó, Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào các lĩnh vực công cộng phục vụ cộng đồng, không còn vai trò là nhà kinh doanh mà tập trung nhân tài, vật lực vào việc nghiên cứu chính sách pháp luật, giữ gìn trật tự an ninh quốc gia. Một Nhà nước thông minh là Nhà nước chỉ tập trung vào hai việc an dân và thu thuế, không phải bỏ tiền ra mà thu được nhiều thuế phục vụ dân sinh.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, một Nhà nước thông minh là phải đẩy nhanh tiến độ CPH. Bởi lẽ, CPH sẽ tạo ra hiệu quả cho đầu tư xã hội và Nhà nước được những lợi ích to lớn trên nhiều lĩnh vực. Nhà nước sẽ thu được tiền từ việc bán cổ phần. Giả sử bán toàn bộ các DNNN hiện nay với giá tạm tính là 13 tỷ USD, chưa kể giá trị quyền sử dụng đất, thì Nhà nước đã thu được một số tiền khổng lồ, nếu tính cả giá trị quyền sử dụng thì số tiền thu về ngân sách sẽ cao gấp nhiều lần. Trong cuộc bán đấu giá một công ty ở Hải Phòng với 1,6 ha đất, định giá sàn là 854 triệu nhưng bán đấu giá tới 6,6 tỷ đồng. Nhà nước không phải lo quản lý số DN, ít nhất là không phải lo cấp vốn lưu động hàng năm, giảm số người quản lý và bộ máy quản lý đại diện chủ sở hữu, khi đó sẽ tập trung xây dựng chính sách tinh giảm biên chế, tạo điều kiện xã hội hóa đầu tư, phát triển dân trí của toàn xã hội tham gia vào đầu tư, tránh trì trệ về tư duy, tránh duy ý chí. CPH sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách nhiều hơn trước vì số đối tượng nộp thuế không giảm đi, ngược lại sẽ tăng thêm. CPH sẽ giảm thiểu tối đa điều kiện tham nhũng của bộ máy công chức, tránh được lãng phí trong đầu tư, tạo ra sự minh bạch về sở hữu, cân bằng lợi ích, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Một Nhà nước thông minh là không cấm dân kinh doanh. Bởi lẽ, khi cấm dân kinh doanh, DNNN không có đối thủ cạnh tranh, sản xuất trong cơ chế hành chính, quan liêu, bao cấp, làm cho mọi người lầm tưởng là chỉ có DNNN mới là lực lượng sản xuất quyết định, then chốt.

Một Nhà nước thông minh là phải nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm về hiệu quả đầu tư của Nhà nước thông qua các DNNN, phải chỉ ra các tác hại của sự duy trì DNNN như hiện nay. Chúng ta đã có quá nhiều ví dụ chứng minh về sự lãng phí, tham nhũng đến ghê người. Chẳng hạn, thất thoát trong xây dựng cơ bản, trong quy hoạch duy ý chí khi cả nước có tới trên 100 cảng biển; khi xi măng lò đứng công nghệ bãi rác ở Trung Quốc được đón nhận ồ ạt vào nước ta; khi chương trình mía – đường đang trở thành thảm kịch cay đắng cho toàn nền kinh tế với con số thất thoát đến 7.000 – 8.000 tỷ đồng. Tại sao ngân sách Nhà nước cứ phải gồng mình lên để gánh nợ cho các DNNN? Theo thống kê thì trung bình Nhà nước phải đầu tư 20 đồng vốn mới thu được một đồng lãi. Thử hỏi dân doanh có đầu tư như vậy không? Dân doanh làm gì có thất thoát, còn Nhà nước thì thất thoát bao nhiêu ngàn tỷ mà không truy tìm ra thủ phạm ?

Khi khảo sát các doanh nghiệp dân doanh đầu tư cùng công suất, cùng công nghệ, cùng chất lượng như Nhà nước thì dân chỉ đầu tư bằng 50% so với Nhà nước. Điều đó cho thấy sự thất thoát đã làm thâm thủng ngân sách Nhà nước đến mức nào?

Một Nhà nước thông minh là phải biết nghe những phê phán, nhận định khách quan. Vừa qua, Chính phủ có thí điểm kiểm toán nước ngoài vào kiểm toán 100 DNNN. Đến tháng 10/2004 mới kiểm toán được 42 DNNN thuc các tổng công ty 91 như Thép, Giấy, Xi măng, Thủy sản, Dệt may, Cao su, Mía đường 2, Lương thực miền Nam cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn là 7,6% (ấy là chưa kể đến giá trị quyền sử dụng đất và nhiều ưu đãi khác mà Nhà nước đã dành cho họ), trong khi ở Trung Quốc, các công ty CP tham gia thị trường chứng khoán có tỷ suất sinh lợi trên vốn là 12%, ở ấn Độ là 24%. Cần trân trọng những thông tin ấy và sử dụng chúng trong quản lý vĩ mô nền kinh tế.

Một Nhà nước thông minh là phải dũng cảm thừa nhận kết quả thực tiễn của những cải cách, cho dù một vài người nào đó không muốn có sự cải cách ấy. Qua khảo sát 500 DNNN CPH cho thấy một bức tranh mới, vốn điều lệ tăng 50%, lợi nhuận trước thuế tăng 137%, nộp ngân sách tăng 45%, thu nhập của người lao động tăng 60%, số lao động tăng 13%, cổ tức thực hiện trung bình 15,5%. Phải thừa nhận rằng, đó là hiệu quả của việc chuyển đổi sở hữu các DNNN!

Một Nhà nước thông minh phải luôn luôn quan tâm đến sự minh bạch về sở hữu trong toàn xã hội. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động DNNN không cao lại là những vấn đề về sự không minh bạch về sở hữu. Bản chất sở hữu toàn dân trong DNNN đã tạo nên màn sương mù. Hệ thống các cơ quan và cá nhân là đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DNNN đã tạo nên vô vàn người có lợi ích liên quan và đang là lực cản vô hình đối với việc chuyển đổi sở hữu của DNNN.

Một Nhà nước thông minh phải nhận biết kịp thời và ngăn chặn có hiệu quả những nguy cơ xâm hại đến lợi ích của nhân dân và cộng đồng. Trong các DNNN ở nước ta hiện nay, luôn luôn duy trì và phát triển ba nguy cơ dẫn đến sự xâm hại lợi ích của DN, của người lao động và Nhà nước, đó là: người quản lý làm sai lệch thông tin đầu vào và thông tin đầu ra để vụ lợi cho mình; đó là các hoạt động làm sai sổ sách kế toán hóa đơn chứng từ, gửi giá vào sản phẩm mua vào làm sai lệch báo cáo tài chính; người quản lý thực hiện những hợp đồng nội gián tư lợi để chuyển dịch lợi ích từ DN do mình quản lý sang DN mà ở đó mình có lợi ích riêng và người quản lý đánh cắp cơ hội kinh doanh của ông chủ để vụ lợi cho mình. Nguyên nhân sâu xa của những nguy cơ nêu trên là từ rất lâu đã hình thành một “tầng lớp” những ông chủ hờ của DNNN nhưng lại có quyền chi tiền Nhà nước như của chính mình.

Tóm lại, cải cách DNNN hay tư nhân hóa DNNN là một trong những biện pháp quan trọng để chúng ta xây dựng một Nhà nước thông minh – Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

SOURCE: TẠP CHÍ NHÀ NƯỚC SỐ 17, THÁNG 7 NĂM 2010 – LG. CAO BÁ KHOÁT

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)