1. Khái niệm tài sản

Khái niệm tài sản: Tài sản – với tư cách là khách thể của quan hệ sở hữu – đã được Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 xác định như sau: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Vật chính là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật và mọi vật khác vói ý nghĩa vật lí ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí).

Với ý nghĩa là một phạm trù pháp lí, vật là bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng được một nhu cầu nào đó (vật chất) của con người. Tuy nhiên, không phải bất cứ bộ phận nào của thế giới vật chất đều được coi là vật. Vì vậy, có những bộ phận của thế giới vật chất ở dạng này thì được coi là vật nhưng ở dạng khác lại không được coi là vật.

Ví dụ: Không khí trong tự nhiên, nước suối, nước sông, nước biển… không được coi là vật. Nhưng nếu các vật này được đóng vào bình nước hay được làm nóng, làm lạnh… lại được coi là vật.

Như vậy, ngoài yếu tố đáp ứng được nhu cầu của con người, vật với tư cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của các giao dịch dân sự.

Do sự phát triển của khoa học, công nghệ, khái niệm vật trong khoa học pháp lí cũng được mở rộng.

Ví dụ: Phần mềm trong máy tính hoặc chất thải nếu sử dụng làm nguyên liệu sẽ được coi là vật nhưng bình thường không được coi là vật.

Vật là tài sản không chỉ là những vật tồn tại hiện hữu mà còn bao gồm cả những vật (hay tài sản) chắc chắn sẽ có. Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 đã xác định loại tài sản này là hoa lợi và lợi tức – đây chính là sự gia tăng của tài sản ữong những điều kiện nhất định. Tương tự, tiền và những loại giấy tờ có giá cũng được xác định là những loại tài sản có tính chất đặc biệt.

2. Quyền hưởng dụng là gì?

Đối với tài sản, trong các quan hệ xã hội, có những chủ thể chỉ hướng tới nhu cầu được khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản hay vì xác lập quyền sở hữu với tài sản. Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định khái niệm quyền hưởng dụng tại điều 257 như sau: Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể nhưng việc hưởng lợi ích từ việc khai thác tài sản đó lại thuộc quyền của chủ thể khác.

Ví dụ: cha mẹ già muốn sang tên, chuyển quyền sở hữu nhà cho con để tránh những tranh chấp sau khi ch mẹ mất nhưng vẫn muốn được thu tiền cho thuê nhà để đảm bảo có nguồn thu nhập, sinh sống hoặc trường hợp bố mẹ ở các địa phương mua nhà cho con đi học, đi làm tại Hà Nội trao cho con toàn quyền khai thác, hưởng lợi từ căn nhà nhưng muốn giữ quyền sở hữu để kiểm soát và gìn giữ tài sản. Tuy nhiên, khi người con có quyền hưởng dụng thì có quyền cho thuê, cho phép người khác thực hiện quyền hưởng dụng đó.

BLDS quy định về quyền hưởng dụng để chủ sở hữu có thể trao cho người khác quyền hưởng dụng đối với tài sản thuộc sở hữu của mình nhưng vẫn giữ quyền sở hữu đối với tài sản. Mặt khác, người hưởng dụng cũng có quyền đối với tài sản hưởng dụng tương đối độc lập với chủ sở hữu, vì thế người hưởng dụng có thể thực hiện quyền hưởng dụng của mình một cách hiệu quả nhất.

3. Xác lập quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật

Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của pháp luật là quyền của một chủ thể được khai thác, sử dụng tài sản của một chủ thể khác mà giữa họ không có giao kết hợp đồng hoặc người hưởng dụng không dựa theo di chúc của cá nhân người lập di chúc để lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng sau khi người để lại tài sản chết.

Về quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật, thì hiện nay ở Việt Nam không có một quy định cụ thể nào, mà chỉ quy định về việc quản lý tài sản riêng của các con vị thành niên; việc sử dụng, định đoạt tài sản của người con phải vì lợi ích của người con chưa trưởng thành. Pháp luật Việt Nam hiện không có quy định về trường hợp cha mẹ khấu trừ những khoản chi nuôi dưỡng con chưa trưởng thành và khoản chi phí cho việc học tập của con vị thành niên vào tài sản riêng của người con này. 

Trước đây, Điều 744 BLDS năm 1995 quy định về quyền tiếp tục sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình: “Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu trong hộ có thành viên chết, thì các thành viên khác trong hộ được quyền tiếp tục sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ đó; nếu trong hộ gia đình không còn thành viên nào, thì Nhà nước thu hồi đất đó”. 

Như vậy, theo quy định trên thì những thành viên trong gia đình của người chết được tiếp tục khai thác đất nông nghiệp cho đến hết thời hạn được giao đất, là một quyền hưởng dụng rất phổ biến ở Việt Nam.

Trên thực tế, ở Việt Nam còn rất nhiều trường hợp quyền hưởng dụng phát sinh từ những quan hệ rất cụ thể. Ví dụ như tài sản của người chồng hoặc người vợ đã chết để lại hoặc là bất động sản hoặc là động sản mà những người có quyền thừa kế các di sản này của người chồng hoặc người vợ đã chết, nhưng không có tranh chấp về việc hưởng di sản và không có yêu cầu chia thừa kế di sản, thì người chồng hoặc người vợ còn sống có quyền hưởng dụng tài sản của người đã chết có thể đến hết đời, nếu những người có quyền hưởng thừa kế không có yêu cầu chia di sản.

4. Xác lập quyền hưởng dụng theo thỏa thuận

Quyền hưởng dụng được xác lập theo thỏa thuận là việc bên có tài sản là động sản hoặc bất động sản thỏa thuận với bên có hưởng dụng tài sản đó có thời hạn hoặc không có thời hạn, theo đó bên hưởng dụng có quyền sử dụng tài sản là đối tượng của hương dụng để hưởng hoa lợi, lợi tức hoặc nhằm đáp ứng nhu cầu sinh sống của bản thân hoặc của các thành viên trong gia đình người có quyền hưởng dụng.

Hợp đồng hưởng dụng tài sản của chủ sở hữu cũng thỏa mãn các điều kiện về chủ thể, về tài sản được phép chuyển giao, về nội dung, về hình thức, thủ tục theo luật định. Hợp đồng hưởng dụng là hợp đồng dân sự, cho nên có nội dung của một hợp đồng dân sự. Nội dung của hợp đồng hưởng dụng tuân theo quy định tại Điều 398 BLDS năm 2015 về đối tượng hưởng dụng là động sản, bất động sản, câu cối, súc vật… số lượng, chất lượng của đối tượng hưởng dụng; giá hưởng dụng (nếu có), phương thức thanh toán; thời  hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; phương thức giai quyết tranh chấp…

5. Quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc

Với tư cách là chủ sở hữu của tài sản, chủ sở hữu tài sản có quyền lập di chúc chỉ định người thừa kế quyền hưởng dụng tài sản của mình sau khi người lập di chúc chết.

Nền kinh tế thị trường là môi trường của mọi cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu khác nhau phát huy được triệt để nhất năng lực của mình để tạo ra những sản phẩm cho xã hội thông qua các giao dịch dân sự, thương mại. Quy định về quyền hưởng dụng trong BLDS năm 2015, là một cải cách lớn trong những quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản với những mục đích tạo điều kiện cho các chủ thể trong xã hội khai thác tài sản của các chủ sở hữu, đồng thời tạo ra cơ chế nhằm khuyến khích khả năng khai thác tối đa và có hiệu quả tài sản trong xã hội, để giảm bớt những chi phí cho chủ thể có nhu cầu sử dụng tài sản mà không phải chi phí cho việc mua tài sản, tiết kiệm được thời gian và không phải chịu một khoản chi lớn về tài sản. Quy định về quyền hưởng dụng đã góp phần bảo vệ sản xuất, sự bình ổn trong quan hệ dân sự và tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc khai thác những tiềm năng của tài sản thuộc các thành phần kinh tế và hình thức sở hữu khác nhau trong xã hội.  

Xác lập quyền địa dịch theo di chúc, lần đầu tiên ở Việt Nam được quy định trong BLDS năm 2015. Đây là một quy định có tính linh hoạt phù hợp với thời đại và quan hệ xã hội trên mọi mặt của đời sống sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ.

BLDS năm 2015 quy định quyền hưởng dụng được xác lập do luật định, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc được quy định tại Điều 258 BLDS năm 2015, đã mở ra những khả năng để chủ sở hữu tài sản có quyền lựa chọn các hình thức định đoạt tài sản của mình, trong đó có quyền định đoạt quyền hưởng dụng tài sản của mình theo di chúc. Đây là quy định phù hợp với đời sống kinh tế, xã hội hiện đại ở Việt Nam, được thể hiện trong những khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, đã như một truyền thống và theo thông lệ, nhân sự kiện cá nhân qua đời thì toàn bộ tài sản của cá nhân khi còn sống tạo ra, có được và cá nhân với tư cách chủ sở hữu khối tài sản của mình, có quyền định đoạt bằng cách lập di chúc chỉ định người thừa kế di sản của mình sau khi qua đời. Thừa kế theo di chúc là cách thức chuyển dịch tài sản của cá nhân sau khi chết cho người khác được chỉ định thừa kế theo di chúc. Người thừa kế theo di chúc có thể là một hoặc nhiều người theo sự chỉ định của người lập di chúc. Quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc không nhằm chuyển dịch tài sản và quyền sở hữu tài sản cho người hưởng dụng, mà chỉ chuyển giao tài sản cho người hưởng dụng có kỳ hạn hoặc suốt đời nếu là cá nhân, tối đa ba mươi năm nếu pháp nhân là người hưởng dụng, mà không chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người hưởng dụng. Đây là sự khác biệt về tính chất thừa kế theo di chúc di sản thông thường với việc xác lập quyền hưởng dụng tài sản theo di chúc. Người hưởng dụng có thể bị truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người hưởng dụng theo luật định hoặc được xác định trong di chúc của người để lại tài sản hưởng dụng. 

Thứ hai, quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc có thể có thời hạn do người lập di chúc ấn định, thời hạn hưởng dụng ngắn hay dài tùy thuộc vào ý chí của người lập di chúc, mà không phụ thuộc vào đối tượng của quyền hưởng dụng là bất động sản hay động sản hay cây trồng hay vật nuôi… Nếu quyền hưởng dụng có thời hạn theo di chúc, thì người hưởng dụng chỉ có quyền tự mình hoặc cho người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng theo di chúc thuộc quyền sở hữu chung của những người thừa kế hợp pháp di sản của người để lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng đó. Vì vậy, người hưởng dụng có quyền yêu cầu những người thừa kế với tư cách là đồng sở hữu chung theo phần đối với tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Thứ ba, trường hợp quyền hưởng dụng có thời hạn theo di chúc thì khi kết thúc thời hạn của quyền hưởng dụng, những người thừa kế hợp pháp của người để lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng có quyền yêu cầu người hưởng dụng có kỳ hạn theo di chúc chuyển giao tài sản cho mình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 264 BLDS năm 2015: “Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng”. Giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian hưởng dụng được xác định theo cách tính lấy tổng giá trị mà tài sản đó thu được khi đến thời vụ thu hoạch trừ đi chi phí quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, phần còn lại thuộc về người hưởng dụng.

5.1 Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng theo di chúc:

Những cơ sở pháp lý liên quan đến tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng đã đươc phân tích cho thấy sự khác biệt giữa thừa kế theo di chúc của người được chỉ định nhận di sản thừa kế theo di chúc và người hưởng dụng tài sản được chỉ định theo di chúc. Khi thời hạn của quyền hưởng dụng theo di chúc chấm dứt, những người thừa kế hợp pháp tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng có quyền chia di sản hoặc thỏa thuận với người hưởng dụng tài sản theo di chúc có thời hạn tiếp tục được hưởng dụng tai sản. Trong trường hợp này, người hưởng dụng không hưởng dụng theo di chúc mà thực hiện quyền hưởng dụng theo hợp đồng mà một bên là những người thừa kế, bên còn lại là người hưởng dụng. Theo đó, quyền hưởng dụng được xác lập theo hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo hợp đồng hưởng dụng. Hợp đồng hưởng dụng có các nội dụng của hợp đồng dân sự và giải quyết tranh chấp được áp dụng các quy định về hợp đồng dân sự – hợp đồng hưởng dụng. Hợp đồng hưởng dụng có thể có thời hạn, có thể không có thời hạn và được giải quyết theo những quy định chung về hợp đồng dân sự. Quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc, do vậy những điều kiện có hiệu lực của di chúc được thực hiện. Những điều kiện có hiệu lực của di chúc định đoạt tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được chyển giao cho người hưởng dụng theo di chúc, cũng tuân theo các quy định về di chúc trong BLDS năm 2015.

5.2. Người được hưởng dụng tài sản theo di chúc:

Theo quy định tại Điều 624 BLDS năm 2015: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Di chúc là sự thể hiện ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc, là chỉ định cho một hoặc nhiều người có quyền hưởng dụng tài sản của người lập di chúc sau khi qua đời. Ý nguyện của người lập di chúc được thể hiện thông qua quyền dân sự của cá nhân được pháp luật quy định. Quyền của người lập di chúc là quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản chỉ định người hưởng dụng tài sản của mình suốt đời hoặc có thời hạn. Dựa trên ý nguyện của người lập di chúc, được thể hiện rõ trong nội dung của di chúc cho ai được hưởng dụng di sản là cá nhân hay tổ chức; người được chỉ định hưởng quyền hưởng dụng tài sản gì và có nghĩa vụ gì khi thực hiện quyền hưởng dụng tài sản. Người hưởng dụng tài sản theo di chúc có thể là cá nhân, có thể là pháp nhân; theo đó, thời hạn hưởng dụng của pháp nhân được pháp luật quy định tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân, đới với cá nhân có thể hưởng dụng tối đa đến hết cuộc đời.

Như vậy, quyền hưởng dụng được xác lập theo di chúc theo quy định của pháp luật phải nhằm chuyển tài sản của người lập di chúc cho người hưởng dụng sau khi người lập di chúc chết. Xét về tính chất của giao dịch dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí đơn phương, hoàn toàn độc lập, tự định đoạt ý chí của cá nhân người lập di chúc mà không có bất kỳ sự lệ thuộc nào vào bất kỳ ý kiến của ai, do vậy di chúc là giao dịch dân sự một bên.

Giao dịch dân sự này là loại giao dịch đặc biệt, tuy rằng các điều kiện của chủ thể lập di chúc, ý chí của chủ thể, nội dung và hình thức của di chúc đều phù hợp với quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc nhưng di chúc chỉ phát sinh hiệu lực thi hành sau khi người để lại di chúc chết. Do hành vi đơn phương của người lập di chúc và nội dung của di chúc nhằm chuyển dịch tài sản cho người hưởng dụng có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng hoặc không có bất kỳ mối quan hệ nào giữa người hưởng dụng và người để lại tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng theo di chúc.

Người được chỉ định là người hưởng dụng tài sản theo di chúc không có quyền sở hữu tài sản, mà chỉ có quyền khai thác, sử dụng tài sản của người chết để lại trong thời hạn nhất định hoặc suốt đời người hưởng dụng nếu là cá nhân. Đã như một tiền lệ và như một đạo lý trong cuộc sống là chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình bằng cách lập di chúc và chỉ định người thừa kế, người được di tặng tài sản của người để lại di chúc sau khi chết. Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật nói chung thì đều có chung một căn cứ là xác lập quyền sở hữu do được thừa kế. Thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều có một đặc điểm chung là chuyển dịch tài sản của một người sau khi qua đời cho người khác nhận di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người có quyền hưởng di sản thừa kế là chủ sở hữu của những phần di sản được chia. Tuy nhiên, theo quy định về căn cứ xác lập quyền hưởng dụng tại Điều 258 BLDS năm 2015, thì người được chỉ định hưởng quyền hưởng dung theo di chúc của người để lại di sản chỉ có quyền khai thác, sử dụng tài sản để hưởng dụng tài sản và những lợi ích vật chất do tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng mang lại.

Đối với di sản của chủ sở hữu lập di chúc để lại cho người khác có quyền hưởng dụng là một doanh nghiệp, một công ty, một dây chuyền sản xuất của cơ sở sản xuất thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ khác nhau không bị chia nhỏ thành nhiều phần cho những người có quyền thừa kế; tài sản của người quá cố để lại quyền hưởng dụng theo di chúc vẫn được khai thác, sử dụng bình thường, theo đó sản xuất không bị phá vỡ, người lao động vẫn có việc làm và tính ổn định trong sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ của người hưởng dụng tài sản vẫn được duy trì vào việc sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ vẫn phát triển mặc dù chủ sở hữu tài sản đã qua đời.