1. Tội phạm tham nhũng là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:

“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”

Trong BLHS 2015, không có khái niệm về các tội phạm tham nhũng mà đưa ra khái niệm về các tội phạm chức vụ nói chung, trong đó chia ra hai nhóm tội phạm: nhóm tội phạm tham nhũng và nhóm các tội phạm về chức vụ. BLHS 2015 vẫn giữ nguyên 7 hành vi tham nhũng được hình sự hoá, bao gồm: (1) Tham ô tài sản; (2) Nhận hối lộ; (3) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; (4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; (5) Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; (6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; (7) Giả mạo trong công tác.

Từ việc khái quát những dấu hiệu pháp lý liên quan đến các tội tham nhũng, có thể hiểu: “Các tội tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, xâm phạm hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ nhằm mục đích trục lợi”.

2. Dấu hiệu cấu thành tội phạm tham nhũng

Một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự nếu người đó đáp ứng đầy đủ những cấu thành tội phạm của tội đó, bao gồm các yếu tố về: mặt khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và mặt chủ thể của tội phạm.

2.1. Về mặt khách thể của tội phạm

Tội phạm tham nhũng xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ. Hoạt động xâm hại ấy làm sai đi bản chất công việc mà cơ quan có thẩm quyền và hoạt động ấy đáng nhẽ không được làm.

2.2. Về mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội vào Tội phạm tham nhũng được quy định tại Mục 1, Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là người thực hiện một trong những hành vi sau đây:

– Hành vi tham ô tài sản: người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý;

-Hành vi nhận hối lộ: người nào có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

– Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

– Hành vi giả mạo trong công tác: có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một trong các hành vi (i) sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; (ii) làm, cấp giấy tờ giả; (iii) giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ.

Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt. Chẳng hạn, việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần…

2.3. Về mặt chủ quan của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng với lỗi cố ý. Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng.

2.4. Về mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt của Bộ luật Hình sự. Ngoài quy định về việc người đó phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì họ còn phải là người nắm giữ một chức vụ, quyền hạn nhất định và họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao.

Người nắm giữ chức vụ, quyền hạn ấy không chỉ là người nắm giữ một chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước mà còn bao gồm người nắm giữ chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng của tội phạm liên quan đến tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, người tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Những đặc trưng cơ bản của tội tham nhũng

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tham nhũng có những đặc trưng cơ bản như sau:

3.1. Chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn

    Đặc điểm của tham nhũng là chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó (khoản 3, Điều 1, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).

    Nhìn chung, nhóm đối tượng này có đặc điểm đặc thù so với các nhóm đối tượng khác như: họ thường là những người có quá trình công tác và cống hiến nên có nhiều kinh nghiệm; được đào tạo có hệ thống, là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau; là những người có quan hệ rộng và có uy tín xã hội nhất định và thậm chí có thế mạnh về kinh tế. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng. 

3.2. Chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao 

    “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng thứ hai của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3.3. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi

    Hành vi tham nhũng là hành vi cố ý. Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích. 

    Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ. Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt; ví dụ như: việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần…

    Đối với khu vực tư, khi có vụ việc tham nhũng xảy ra, pháp luật đã có những sự điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc khu vực tư cấu kết, móc nối với những người thoái hoá, biến chất trong khu vực công hoặc lợi dụng ảnh hưởng của những người này để trục lợi. Trong trường hợp đó, họ trở thành đồng phạm khi người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

4. Tâm lý của tội phạm tham nhũng

Thứ nhất, nguyên nhân và động cơ chủ yếu của tham nhũng là lòng tham của con người. Cách đây hơn 2.200 năm, Hàn Phi Tử trong thiên Vong trưng (Những điềm mất nước) và thiên Gian hiếp thí thần (Bọn bề tôi gian dối, ức hiếp và giết nhà vua) cho rằng, con người sinh ra vốn tham dục, vị lợi; bản chất con người là “ích kỷ” và đặc tính chủ yếu của nó là “sự ham mê lợi ích và thù ghét tai họa” nên luôn “thích điều lợi và tìm nó, ghét cái hại và tránh nó, …”. Lẽ cố nhiên đam mê lợi ích không phải lúc nào cũng xấu, nhưng để lòng tham dẫn dắt, che mờ lý trí, điều khiển, kiểm soát hành động và vì lợi ích của bản thân, của nhóm lợi ích mà chà đạp lên lợi ích của tập thể, cộng đồng và quần chúng nhân dân thì rõ ràng là không thể chấp nhận được. Mọi hành vi tham nhũng dù dưới hình thức nào chăng nữa đều có thể quy về “lợi ích cá nhân”. Lợi ích nhóm cũng xuất phát từ lợi ích cá nhân mà ra. Nếu không vì lợi ích của bản thân thì chẳng ai còn muốn tham nhũng nữa. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù hành vi đó là vi phạm đạo đức, pháp luật, hay vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng.

Thứ hai là do lối sống “ăn bám”, ỷ lại, lười lao động thích hưởng thụ của một bộ phận, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ ngày nay. Chính lối sống này kết hợp với bản chất ích kỷ, đam mê lợi ích vật chất của các bậc phụ huynh, cán bộ, công chức,… là chất xúc tác để thúc đẩy con người ta lao vào các “phi vụ” phạm pháp. Lối sống hưởng thụ len lỏi vào các cơ quan công quyền thể hiện ở sự quan liêu và suy đồi của không ít cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; cống hiến thì ít mà muốn hưởng thụ thì nhiều, nên sách nhiễu, làm khó để vòi vĩnh, “gợi ý”, “lót đường”, “rải thảm”.

Thứ ba là do cuộc sống, áp lực công việc, do môi trường xung quanh; do giáo dục, do cơ chế và do chính bản thân mà đạo đức con người ngày càng bị suy thoái, tha hóa. Điều này làm cho tệ tham nhũng càng có điều kiện thuận lợi để phát sinh và lan rộng trong toàn xã hội. Tình trạng này đang có xu hướng ngày càng tăng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X nhận định: “Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn yếu kém. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc sống đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm”. Hơn nữa, một bộ phận cán bộ, công chức chưa có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị. Điều này dẫn đến sự tha hóa, suy thoái về đạo đức không thể tránh khỏi của các công chức, viên chức nhà nước, sẵn sàng vì lợi ích cá nhân mà tham nhũng. Đảng và Nhà nước ta đã nhận ra được nguyên nhân này, nhưng biện pháp giải quyết chưa thật sự hiệu quả.

Ở nguyên nhân này, môi trường làm việc là điều kiện khách quan ảnh hưởng đến sự suy thoái đạo đức. Hiện tượng đút lót, quà cáp để vụ lợi trong các cơ quan công quyền không phải là điều quá xa lạ và diễn ra ở hầu hết mọi nơi. Trong một môi trường như vậy, nếu như không “nhập gia tùy tục”, người ta sẽ bị hất tung khỏi “vòng xoáy cuộc đời”. Theo lo-gíc phát triển khách quan của cuộc sống, nếu mỗi con người không giữ được đạo “trung dung”, “trung thứ” và “tính trực” và nếu “quân bất quân, thần bất thần, tử bất tử” (Khổng Tử) thì xã hội sẽ lâm nguy, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nguyên nhân này dần dần hình thành hiện tượng tham nhũng tập thể, vì vậy khi có thanh tra, kiểm tra thì bao che lẫn nhau, dẫn đến việc khó khăn trong vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Thứ tư là do tâm lý, “truyền thống văn hóa” và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn yếu kém. Với quan niệm “dầu bôi trơn bánh xe”, “đầu xuôi đuôi lọt”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và nghĩ rằng giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết công việc là “thủ tục đầu tiên” cũng là nguyên nhân thúc đẩy tham nhũng. Hơn thế, người ta còn dùng hối lộ, quà cáp như một hình thức “kết thân”, “đầu tư chiều sâu”, “đầu tư vào tương lai” để tạo thuận lợi cho con đường công danh sự nghiệp sau này cho cả bản thân lẫn người thân. Chính hành vi tâm lý và trình độ nhận thức này đã vô tình làm cho không ít cán bộ, nhân viên bị tham nhũng thụ động. Tình trạng này kéo dài làm xuất hiện tư tưởng gây khó dễ ở cán bộ, công chức để nhận “phong bì” từ dân mới giải quyết công việc, cho rằng nhận hối lộ là một thủ tục tất yếu trong quá trình xử lý công việc. Bởi vậy, một số cán bộ, đảng viên khi có quyền lực đã đem địa vị, quyền hành ra để “mặc cả” và cho rằng “muốn ăn chân giò phải thò chai rượu”. Vô hình trung điều này tạo nên một cách suy nghĩ, một thói quen xấu trong cả cán bộ công chức và cả những người muốn dùng tiền để giải quyết công việc, dần dần hình thành nên “văn hóa phong bì”.

Thứ năm và cũng là nguyên nhân quan trọng, dễ dẫn đến tham nhũng nhất đó chính là sự sơ hở, bất cập, thiếu công khai, thiếu minh bạch, cơ chế “xin – cho” còn tồn tại. Đây là nguyên nhân thường xuyên được đề cập và lặp đi lặp lại nhiều lần trong các phiên họp của Quốc hội. Nguyên nhân này thể hiện ở chỗ: cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng, quản lý, luân chuyển tài sản có nhiều sơ hở, giao tài sản cho nhân viên nhưng không có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, gian lận trong công tác để chiếm đoạt tài sản,… Các thủ tục, quy định của Nhà nước chưa được công khai, rõ ràng nên nhân dân có suy nghĩ “tiếp cận, giải quyết” mới xong, tạo điều kiện cho cán bộ tham nhũng; thiếu công khai, minh bạch trong công tác quản lý, trong công tác kê khai tài sản, trong công tác sử dụng tài sản, và thiếu minh bạch trong các văn bản, quy định, thủ tục. Hơn nữa, việc thiếu trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo cấp cao ở các cơ quan, đơn vị cũng dẫn đến tình trạng thiếu công khai, minh bạch mặc dù việc báo cáo nghe có vẻ vẫn rất “ổn”, “tốt” trong khi thực tế đó chỉ là “báo cáo láo”.

Thứ sáu, một nguyên nhân cần được nghiên cứu thêm đó là tư duy chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn phảng phất tư duy “truyền thống”, phong kiến, manh mún, chắp vá, thiếu tính hệ thống dẫn đến thiếu mạnh dạn và quyết tâm trong việc thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy chính trị. Giữa đổi mới tư duy chính trị và đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta chưa có sự đồng bộ, thống nhất cần thiết nên thường xuyên diễn ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” làm tầm thường hóa hệ thống pháp luật.

Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa mang tính chất khái quát là chúng ta chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ. Hồ Chí Minh từng cho rằng “dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết những vấn đề xã hội”. Tuy nhiên dân chủ phải gắn liền với dân trí. Nhìn chung trình độ dân trí, kể cả quan trí của chúng ta chưa cao nên nhân dân chưa có nhiều khả năng tham gia làm chủ, quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù chúng ta đã có bước tiến đáng kể về việc ban hành quy chế dân chủ, song nhìn chung việc thực hiện đưa quy chế vào cuộc sống còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan cơ bản nêu trên còn có những nguyên nhân khách quan rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng tham nhũng ở nước ta.

5. Nguyên nhân khách quan của tội phạm tham nhũng

Thứ nhất là việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa triệt để, không theo kịp được trình độ phát triển của hoạt động thực tiễn. Trong quá trình lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, để xây dựng, phát triển và bình ổn trật tự xã hội còn nghiêng về “đức trị”, “nhân trị” mà chưa nghiêng về “pháp trị”. Chính sách thưởng phạt chưa đủ sức răn đe người phạm tội và khuyến khích người lập công, tố giác tội phạm.

Thứ hai là do hệ thống pháp luật, chính sách ở nước ta thiếu đồng bộ, chưa thỏa đáng và nhất quán; trong xử lý, chế tài chưa nghiêm minh, pháp luật còn nhiều kẽ hở, cơ chế quản lý còn nhiều yếu kém. Các thủ tục hành chính hay giấy tờ, đất đai đều chưa minh bạch, rườm rà, cơ chế quản lý bất động sản chưa hiệu quả và chặt chẽ tạo kẽ hở cho các cán bộ, viên chức tham nhũng. Pháp luật là công cụ mạnh nhất để ngăn chặn, chế tài và xử lý tham nhũng nhưng pháp luật lại chưa nghiêm, lỏng lẻo tạo điều kiện, cơ hội cho tham nhũng phát triển.

Thứ ba là do những bất cập trong triết lý về giáo dục, chưa hình thành được một triết lý giáo dục đủ tầm cỡ, làm trụ cột lâu dài, xuyên suốt và bền vững trong quá trình phát triển, kể cả giáo dục nói chung và giáo dục pháp luật nói riêng; giáo dục đạo đức cán bộ, đảng viên trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường chưa được chú trọng đúng mức. Hơn nữa, việc đưa những người thiếu năng lực và thiếu phẩm chất đạo đức vào làm cho các cơ quan nhà nước do “quan hệ”, nể nang, “đi đêm”,… làm suy thoái hệ thống chính trị và làm cho tình trạng tham nhũng ngày càng phát triển nhanh chóng.

Thứ tư là do sự quản lý, thanh tra, kiểm tra lỏng lẻo, yếu kém của Nhà nước; xử lý qua loa, chỉ mang tính “hình thức” như cảnh cáo, phê bình hoặc chủ trương “đại sự hóa tiểu sự, tiểu sự hóa vô sự” vì người vi phạm thường là cán bộ có quyền lực và địa vị, nên chưa mang tính răn đe. Các cán bộ cấp cao và cấp trên chưa làm gương cho cấp dưới, chưa thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với phương châm “một tấm gương sống về đạo đức gấp hàng trăm, hàng nghìn bài diễn thuyết”. Việc chấp hành kỷ luật cũng bị xem nhẹ dẫn đến tình trạng “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe”,… Người quản lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra cũng chưa thật sự mạnh tay và làm việc có hiệu quả, vẫn còn nặng tình trạng “báo cáo tốt”, tệ hại hơn còn đồng lõa, “gợi ý” làm cho tệ tham nhũng gia tăng, khó có thể ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời.

Thứ năm là do việc thực hiện chính sách phòng, chống tham nhũng của nước ta chưa hiệu quả, đồng bộ, chưa đáp ứng được thực trạng tham nhũng hiện nay, thiếu một chương trình phòng, chống lâu dài, tổng thể mà chỉ chủ yếu tập trung vào việc giải quyết những vụ “tham nhũng vặt”, nhỏ lẻ. Mặt khác, các chính sách của nước ta chưa khuyến khích toàn dân và cả hệ thống chính trị cùng phòng, chống tham nhũng. Chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ những người phát hiện và dám tố cáo tham nhũng. Việc tuyên dương người đứng lên tố cáo tham nhũng hiện nay cũng chưa phải là giải pháp hiệu quả để động viên toàn dân tham gia. Hơn nữa, người “đưa hối lộ” đi tố cáo tham nhũng cũng bị khép tội “đưa hối lộ” nên cũng làm hạn chế việc tố cáo tham nhũng của nhân dân.

Thứ sáu là do mặt trái (bản chất) của nền kinh tế thị trường và sự phân cực giữa các giai tầng trong xã hội ngày càng sâu sắc làm cho các giá trị đạo đức bị đảo lộn. Đồng tiền đang lên ngôi trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Khi đồng tiền được xem là “thước đo của vạn vật” thì các giá trị đạo đức, nhân phẩm sẽ đứng trước bên bờ vực. C. Mác từng cảnh báo: “Trong xã hội tư bản đồng tiền là một vấn đề trung tâm của mọi quan hệ cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè đều bị dìm chết trong dòng nước băng giá của đầu óc vị kỷ” và khẳng định: “Tất cả những mối liên hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người phong kiến đều bị giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài mối lợi lạnh lùng với “lối trả tiền ngay” tiền trao cháo múc không tình nghĩa”. Việc chạy theo sức mạnh của đồng tiền làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Có không ít tổ chức, cá nhân vì những mục tiêu riêng để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đã dùng mọi thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn hối lộ được sử dụng phổ biến nhất. Hơn nữa, chính sách tuyển dụng, trọng dụng và đãi ngộ các nhân viên công quyền chưa thỏa đáng (chính sách tiền lương) là nguyên nhân góp phần thúc đẩy mọi người cần phải kiếm thêm để bù đắp cho gia đình họ làm cho tình trạng tham nhũng phát triển và lan rộng.

Qua những phân tích trên đây chúng ta thấy rằng nguyên nhân của tham nhũng là sự tổng hợp, hội tụ nhiều nguyên nhân, điều kiện  cả chủ quan lẫn khách quan, cả con người lẫn cơ chế của Nhà nước ta. Tham nhũng là một trong những nguy cơ làm cản trở công cuộc đổi mới. Cùng với lãng phí, tham nhũng đang diễn ra trầm trọng, kéo dài, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, xâm hại đến công lý và công bằng xã hội, gây thiệt hại lớn về tài sản Nhà nước và của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta đã đã có nhiều chủ trương, biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn chưa hiệu quả. Do đó cần phải có nhận thức toàn diện hơn về bản chất và nguyên nhân của tham nhũng để có giải pháp hữu hiệu. Muốn triệt phá tham nhũng, chúng ta cần loại trừ hết các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tham nhũng. Các biện pháp phòng và chống cũng phải mang tính hệ thống, toàn diện.