1. Về bố cục văn bản
Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương với 36 điều, giảm 1 chương tăng 3 điều so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997.
2. Quy định về phạm vi điều chỉnh
Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Cụ thể, Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, trong khi đó Luật Biên phòng Việt Nam là một lĩnh vực trong quản lý, bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới.
Ngoài ra, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng không có điều, khoản giải thích từ ngữ, Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã bổ sung một số giải thích từ ngữ như:
Những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam 2020
+ Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
+ Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
+ Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia…
3. Chính sách của Nhà nước về biên phòng
Đây là quy định mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020, theo đó các chính sách của Nhà nước về biên phòng đã thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Một số chính sách của Nhà nước về biên phòng như sau:
+ Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân.
+ Giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
+ Sử dụng các biện pháp chính đáng, thích hợp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…
Chính sách của Nhà nước về biên phòng ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể.
Theo đó, Điều 3 Luật BPVN đã đưa ra 07 chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó cần lưu ý đến Khoản 5 với sự bổ sung chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung Khoản 7 về “Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế” cho phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quốc phòng.
4. Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng
Đây là quy định mới của Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 và một trong 4 nguyên tắc nổi bật đó là: Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
5. Nhiệm vụ biên phòng
Trước đây, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ quy định nhiệm vục của Bộ đội Biên phòng, Luật 2020 đã quy định thêm về nhiệm vụ biên phòng nhằm xác định rõ nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng, theo đó có 7 nhiệm vụ về biên phòng như: Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo vệ biên giới quốc gia; Phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới; Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, xung đột vũ trang…
6. Các hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng
+ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm về biên phòng mà chỉ quy định Người có hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ biên giới, gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Luật Bộ đội Biên phòng 2020 đã quy định 07 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như:
– Xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phá hoại, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
– Sử dụng hoặc cho sử dụng khu vực biên giới của Việt Nam để chống phá, can thiệp vào nước khác; đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ biên giới…
7. Hoạt động cơ bản về biên phòng
Luật Biên phòng Việt Nam 2020 đã có 01 chương quy định về hoạt động cơ bản về biên phòng như: Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; Hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền; Hợp tác quốc tế về biên phòng.
8. Nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng
Về cơ bản Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng về nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng, tuy nhiên, Luật 2020 có một số quy định mới về nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng như:
+ Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng;
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
+ Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới…
9. Quyền hạn của Bộ đội Biên phòng
Về cơ bản quyền của Bộ đội Biên phòng trong Luật Biên phòng 2020 kế thừa Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung như:
+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Ngoài các trường hợp nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được nổ súng quân dụng vào tàu thuyền trên biển, sông biên giới, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin, để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ;
– Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội, vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;
– Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
+ Huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự
– Pháp lệnh Bộ đội biên phòng chỉ quy định trong trường hợp chiến đấu truy, truy lùng, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng được sử dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân.
– Luật Biên phòng Việt Nam 2020 bổ sung thêm trường hợp tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu người bị nạn, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
10. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng
Chương V Luật Biên phòng Việt Nam quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng. Thông qua việc quy định cụ thể trách nhiệm riêng cho từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Luật này cũng chỉ rõ các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp “nền biên phòng toàn dân”, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.