1. Mô tả tổng quan về Khoa Luật – Đại học Công đoàn

   Khoa Luật (Khoa) là một đơn vị đào tạo thuộc trường. Khoa tiền thân là Bộ môn Luật theo QĐ số 174/QĐ-ĐHCĐ, ngày 30/01/2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn.

  Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và nhằm thực hiện chỉ thị số 32 CT/TƯ tháng 12/2003 và quyết định số 13/2003/QĐ-TTg về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị quyết số 03/ĐCT-TLĐLĐ VN về đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ Công đoàn, Nghị quyết 5A/NQ-BCH ngày 07/07/2005 trực tiếp về đẩy mạnh công tác pháp luật của Công đoàn trong tình hình mới, Trường Đại học Công đoàn đã xây dựng “Đề án đào tạo Cử nhân Luật tại trường Đại học Công đoàn”,  Ngày 13 tháng 10 năm 2008, Bộ giáo dục và Đào tạo phê duyệt và ban hành Quyết định số 6848/QĐ-BGDĐT giao cho trường ĐHCĐ đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành Luật. Ngày 17/11/2008 Hiệu trưởng trường ĐHCĐ kí quyết định số 518/QĐ-ĐHCĐ chuyển tên từ Bộ môn Luật thành Khoa Luật, giao nhiệm vụ quản lý, xây dựng đề cương giáo trình các học phần đào tạo cử nhân Luật.

– Sứ mạng: Khoa Luật có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Luật gắn với sứ mạng của Trường ĐHCĐ, nhấn mạnh tới định hướng đào tạo đội ngũ cán bộ cho tổ chức công đoàn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu khoa học về công nhân, công đoàn, quan hệ lao động; tham gia với Tổng Liên đoàn xây dựng các chính sách về NLĐ

– Mục tiêu đào tạo: Đào tạo những cử nhân Luật có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khoẻ, có tinh thần phục vụ nhân dân và cộng đồng; có tinh thần say mê, yêu nghề, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành về nghề; có tư duy khoa học, có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm để đạt thành công trong nghề nghiệp thông qua khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng tiếp thu các kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới để phát triển năng lực học tập suốt đời.

Tầm nhìn: Đến năm 2030, Khoa sẽ là cơ sở đào tạo có uy tín về đào tạo nhân lực ngành Luật, nhấn mạnh trong lĩnh vực công nhân – công đoàn, quan hệ lao động, an toàn vệ sinh lao động; có môi trường học tập, nghiên cứu chuyên nghiệp, đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có năng lực cạnh tranh và thích ứng với nền kinh tế phát triển và hội nhập Quốc tế.

– Về đội ngũ giảng viên giảng dạy ngành Luật: Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo cử nhân Luật của Trường, bao gồm: Giảng viên của khoa và giảng viên cơ hữu thuộc các đơn vị trong Trường là những viên chức có trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực uật và liên quan, có các kỹ năng sư phạm; có kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy trình độ đại học đáp ứng yêu cầu theo quy định.

2. Chức năng, nhiệm vụ:

Chức năng: Quản lý chuyên môn về đào tạo, khoa học của ngành Luật và quản lý toàn diện sinh viên chính quy học ngành Luật.

Nhiệm vụ:

– Đề xuất Hiệu trưởng về cải tiến nội dung chương trình, phát triển các chương trình đào tạo;

– Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy của các học phần được phân công trong chương trình đào tạo và thực hiện kế hoạch giảng dạy chung của nhà trường;

– Xây dựng và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh đề cương chi tiết các học phần được phân công trong chương trình đào tạo theo kế hoạch của Nhà trường; Biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo được Hiệu trưởng Nhà trường giao;

– Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hoạt động học thuật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo;

– Tham gia coi thi, xây dựng đề thi hoặc bộ đề thi các học phần; thực hiện chấm, kiểm tra thi hết môn, quản lý điểm kiểm tra, điểm thi các học phần trong chương trình đào tạo do Khoa phụ trách và thực hiện công tác giáo vụ khác;

– Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ phù hợp với chuyên môn khi được Nhà trường giao. Tích cực, chủ động đề xuất với Nhà trường tham gia các Hội nghị khoa học chuyên ngành hoặc liên quan. Phối hợp với các bộ phận hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học;

– Tham gia công tác tuyển sinh và các hoạt động của Nhà trường;

– Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc chuyên môn do Khoa đảm nhiệm;

– Triển khai và phối hợp với các bộ phận trong Nhà trường thực hiện các hoạt động có liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo;

– Tham gia tư vấn chuyên môn về lĩnh vực Khoa phụ trách;

-Xây dựng kế hoạch quản lý, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ viên chức, người lao động của Khoa;

– Ký hoặc hủy bỏ hợp đồng đối với giảng viên hợp đồng. Hỗ trợ, giúp đỡ các trợ giảng, giảng viên tập sự trở thành giảng viên chính thức;

– Quản lý toàn diện diện việc học tập, rèn luyện của sinh viên trong Khoa, kịp thời nắm bắt việc học tập và rèn luyện của sinh viên; thực hiện cố vấn học tập;

– Phối hợp với các bộ phận chức năng của Nhà trường tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên;

– Tổ chức bộ máy Ban cán sự lớp, phối hợp với các tổ chức Đoàn thể trong các lớp, theo dõi giúp đỡ Ban cán sự và các tổ chức đoàn thể của lớp hoạt động tốt, nhằm quản lý quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên. Nhận xét kết quả học tập, thực tập, rèn luyện của sinh viên;

– Hàng năm, định kỳ phối hợp với các Phòng chức năng đề nghị Hiệu trưởng: Đánh giá phân loại rèn luyện sinh viên; xét thi đua khen thưởng; kỉ luật, thực hiện chế độ chính sách (học bổng khuyến khích; trợ cấp xã hội; miễn giảm học phí) theo quy định, quy chế của Nhà nước, Bộ giáo dục và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với sinh viên thuộc Khoa quản lý;

– Tổ chức, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, viết khóa luận, chuyên đề tốt nghiệp và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Báo cáo điều kiện dự thi tốt nghiệp và tổ chức thi tốt nghiệp cho các khóa, lớp thuộc Khoa phụ trách;

– Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị của Khoa;

– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.

3. Ví trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp:  

Người học sau khi tốt nghiệp có vị trí công tác rất đa dạng, ở cả cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu…; ở cả phạm vi trong nước, có yếu tố nước ngoài và ở nước ngoài, ở cả khối đơn vị sự nghiệp và tư thục. Cụ thể:                            

– Các vị trí công tác thuộc bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, như: Trong cơ quan lập pháp, dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp); trong các cơ quan hành pháp (Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp); trong cơ quan tư pháp (thư ký, thẩm phán Tòa án; kiểm sát viên của Viện kiểm sát; điều tra viên trong các cơ quan thuộc lực lượng an ninh, công an; vị trí của cơ quan thi hành án); nhiều vị trí công tác khác thuộc các cơ quan Nhà nước phù hợp với ngành luật.

– Tại các tổ chức của Đảng, Mặt trận tổ quốc, các Hội, Hiệp hội, Đoàn, Công đoàn … từ trung ương đến địa phương.

– Trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế: Có khả năng đảm nhiệm chức danh quản lý điều hành hay trợ lý cho Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, pháp chế, hành chính, tổ chức – nhân sự….

– Đảm nhận công việc của một tư vấn viên, Luật sư của LVN Group, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

– Có thể tham gia giảng dạy các môn học về Luật trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, tiến hành nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu chuyên ngành….

4. Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật

Chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật có mã ngành 52380101. Chương trình đào tạo ngành Luật được thực hiện trong 4 năm.

Qua các khoá đào tạo, Hội đồng khoa học ngành Luật thường xuyên theo dõi, thăm dò lấy ý kiến chuyên gia, có phân tích đánh giá với quan điểm cải tiến bổ sung chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng. Đặc biệt là nhằm tăng cường hiểu biết, kiến thức thực tế của sinh viên Luật trong tương lai, chương trình đào tạo luôn cập nhật kiến thức mới, thời lượng thực hành, kiến tập, thực tập tại cơ sở của SV dần được bổ sung. Được sự quan tâm và ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Giám hiệu Trường cùng các khoa, phòng, bộ môn, Khoa đã hoàn thành tốt được nhiệm vụ đề ra, quy mô và chất lượng đào tạo ngành Luật ngày càng được nâng cao.

5. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ

5.1. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo:

 Từ năm học 2009 – 2010, Đại học Công đoàn tuyển sinh đào tạo ngành Luật, hệ chính quy khóa đầu tiên có 88 sinh viên. Từ đó, số lượng sinh viên tuyển sinh các khóa liên tục gia tăng, đến năm 2020 Khoa đã đào tạo được 8 khóa tốt nghiệp. Chất lượng đầu vào cũng ngày càng được nâng cao với điểm tuyển sinh luôn thuộc nhóm cao nhất trường, thời điểm gần đây dao động khoảng 18-24 điểm, tùy từng khối tuyển sinh.

Cùng với sự phát triển của Trường, Khoa còn được giao đào tạo các hệ song ngành, văn bằng hai và vừa học vừa làm và đào tạo ngắn hạn tại các tỉnh thành trong cả nước. Đến nay tổng số sinh viên các hệ đào tạo tại khoa có khoảng gần 5.000 sinh viên, trong đó số sinh viên đã tốt nghiệp là 3720. Nhìn chung, đa số sinh viên ngành Luật sau khi tốt nghiệp đều đã tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, vị trí công tác gồm: các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội cả trong và ngoài nước, doanh nghiệp, góp phần vào xây dựng và phát triển đất nước nói chung cũng như hệ thống Công đoàn Việt Nam nói riêng.

5.2. Thực hiện nhiệm vụ NCKH: 

Khoa là một trong những Khoa dẫn đầu về kết quả nghiên cứu khoa học trong toàn Trường, với mục tiêu nghiên cứu theo hướng ứng dụng, gắn kiến thức lý thuyết với các kỹ năng giải quyết tình huống, củng cố kiến thức và phát huy khả năng sáng tạo của giảng viên và người học. Kết quả nghiên cứu khoa học của Khoa giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, khẳng định năng lực nghiên cứu của Khoa và Trường, phát triển thương hiệu của Khoa và Trường. Đội ngũ giảng viên Khoa Luật thường xuyên tham gia, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau và đạt được những kết quả đáng kể. Khoa đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu: Giáo trình Pháp luật Lao động và Công đoàn, Giáo trình Pháp luật đại cương, Giáo trình Pháp luật Lao động, Giáo trình Giáo dục thực hành pháp luật, tập thể Khoa đã nghiên cứu thành công 15 đề tài khoa học được nghiệm thu từ loại khá trở lên, trong đó có 3 đề tài cấp Bộ, 12 đề tài cấp cơ sở cùng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.

5.3. Về thi đua khen thưởng:

– Năm 2020, giải Á quân cuộc thi Phiên tòa giả định tiền tố tụng khu vực châu Á 2020 – The BABSEACLE Annual Asia Reional CLE Pre-Trial Hearing Event do UNDP tài trợ với 10 quốc gia Châu Á tham dự. Việt Nam có 05 cơ sở đào Luật có đội dự thi.

   – Năm 2019, vào vòng Bán kết và đạt giải “Đội được yêu thích nhất” trong cuộc thi Phiên tòa giả định cấp Quốc gia 2019 (Vmoot) do trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của 52 đội đến từ 28 cơ sở đào tạo Luật trong cả nước.

   – Năm 2018, thủ khoa Tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018: Sinh viên Đặng Thu Hương  LW6C

– Năm 2017, vào vòng Tứ kết và đạt giải “Đội được yêu thích nhất” trong cuộc thi Phiên tòa giả định cấp Quốc gia 2017 (Vmoot) do trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của 52 đội đến từ 28 cơ sở đào tạo Luật trong cả nước.

   – Năm 2017, vào vòng Chung kết cuộc thi Eurka 2017, do Trung ương đoàn TNCSHCM tổ chức với đề tài “Quản lý nhà nước về thương mại đối với thực phẩm bẩn, thực trạng và giải pháp”.

   – Năm 2016, giấy khen của Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn cho Khoa vì có thành tích trong xây dựng và phát triển Trường ĐH Công đoàn năm 2016

   – Năm 2016, thủ khoa xuất sắc Tốt nghiệp các trường ĐH CĐ, HV trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016: Sinh viên Bùi Thị Hồng Trang LW4C

   – Năm 2015, Giấy khen của BCH Đoàn Trường ĐH Công đoàn cho Liên chi Đoàn Khoa vì đã có thành tích xuất sắc trong chương trình “Giảng đường xanh” năm học 2014-2015

   – Năm 2012, giải Khuyến khích cuộc thi Tranh luận bằng Tiếng Anh về pháp luật khu vực Đông Nam Á tại Chieng Mai, Thái Lan năm 2012: Sinh viên Đặng Thương Thương, lớp LW1

   – Năm 2012, Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương đoàn TNCS HCM cho đồng chí Nguyễn Huy Khoa vì có thành tích xuất sắc trong Công tác Đoàn và phong trào thanh niên khối Đại học Cao đẳng năm học 2011-2012

   – Năm 2011, giải khuyến khích Tài năng khoa học trẻ Việt Nam do Bộ Giáo Dục & Đào tạo tổ chức năm 2011, với đề tài: “Giáo dục pháp luật thực hành – một phương pháp hướng nghiệp cho sinh viên tại Khoa Luật Đại học Công đoàn”

5.4. Thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục:

     Trong quá trình xây dựng và phát triển, Khoa luôn chú trọng đến đảm bảo chất lượng giáo dục, do đó khi mới mở CTĐT, Khoa đã thiết kế và xây dựng CTĐT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trong quá trình triển khai CTĐT, để nâng cao chất lượng giảng dạy, sau mỗi học kỳ của năm học, Khoa đã phối hợp với Phòng KT&ĐBCLGD của Trường lấy ý kiến phản hồi về mức độ hài lòng của sinh viên đối với GV giảng dạy, kết quả khảo sát từ SV là cơ hội để mỗi giảng viên tự phấn đấu và rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy. Để không ngừng nâng cao chất lượng, Khoa đã triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng của Khoa như: Rà soát các CTĐT, đảm bảo không bị trùng lặp mã học phần, nội dung học phần giữa các hệ đào tạo; Xác định phù hợp tỷ lệ điểm thành phần, có tính đến điểm chuyên cần; Rà soát đề cương chi tiết các học phần, cập nhật tài liệu học tập; Tổ chức trao đổi, tập huấn về công tác CVHT; Phối hợp với Phòng CTSV, hàng quý tổ chức các buổi họp giao ban công tác SV với thành phần tham gia họp là giáo vụ khoa và CVHT; Tiếp tục triển khai các bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng giáo dục, với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, tổ chức đào tạo và quản lý chương trình, Khoa đã thực hiện TĐG CTĐT ngành Luật và đăng ký kiểm định chất lượng CTĐT theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Bộ GD&ĐT.

5.5. Các hoạt động hỗ trợ người học

Hàng năm, Khoa đều tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về chuyên môn, gặp gỡ sinh viên với các doanh nghiệp, các Hiệp hội nghề nghiệp để sinh viên mới vào trường có được những định hướng nghề nghiệp phù hợp, sinh viên sắp tốt nghiệp có được các cơ hội việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế Trường. Ngoài học bổng của Trường, sinh viên của Khoa còn có nhiều cơ hội nhận học bổng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt Khoa thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia cuộc thi phiên tòa giả định cấp quốc gia, khu vực….

Với môi trường giáo dục, đào tạo có tương tác, kết hợp với ứng dụng thực tế người học đã được phát huy tối đa tính sáng tạo, hiểu biết và kỹ năng của mình trong quá trình đào tạo để đạt được những thành công sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa thường xuyên trao đổi với các nhà tuyển dụng nhằm điều chỉnh CTĐT phù hợp với thực tiễn xã hội.