1. Tổng quan về Đại học Vinh
Ngày 16 tháng 7 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số: 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 28 tháng 8 năm 1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Quyết định số: 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 25 tháng 4 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số: 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Ngày 11 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số: 1136/TTg-KGVX về việc bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm.
Trường Đại học Vinh là đơn vị hành chính sự nghiệp, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, có con dấu và biểu tượng riêng. Quyết định số: 62/2001/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nhiệm vụ của Trường Đại học Vinh là đào tạo giáo viên có trình độ đại học và từng bước mở thêm các ngành đào tạo khác phù hợp với khả năng của Trường và nhu cầu nhân lực của xã hội, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp ở khu vực Bắc Trung Bộ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng nhanh với thế giới việc làm; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và cả nước; hướng đến là trường đại học trọng điểm quốc gia, có một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tiền thân là trường đại học sư phạm với nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhưng trước những yêu cầu bức thiết về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội nên từ cuối những năm 1980, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quyết tâm đưa Trường trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành. Từ năm 1991, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát triển và hoàn thiện các ngành đào tạo sư phạm, Trường đã mở rộng và phát triển hàng chục mã ngành ngoài sư phạm để không ngừng đáp ứng các yêu cầu của xã hội về nhân lực trên các lĩnh vực: kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, điện tử viễn thông, luật, công nghệ thông tin… Đến nay, Nhà trường đã đào tạo nhiều bậc học, ngành học khác nhau với 15 chuyên ngành tiến sĩ, 31 chuyên ngành thạc sĩ; đào tạo 50 ngành kỹ sư, cử nhân; đào tạo học sinh trung học phổ thông chuyên với 6 môn chuyên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Tiếng Anh). Quy mô tuyển sinh của Trường ở các hệ, bậc học, ngành, hình thức đào tạo không ngừng tăng lên. Hiện nay toàn Trường có khoảng 42.000 học sinh, sinh viên, học viên. Ngoài ra, Trường còn liên kết với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước đào tạo các trình độ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Cơ cấu của Trường Đại học Vinh là trường đại học 3 cấp: Trường, Khoa – Trường trực thuộc, Bộ môn.
Ban Giám hiệu có GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng gồm: PGS.TS.NGƯT. Phạm Minh Hùng, PGS.TS.NGƯT. Ngô Sỹ Tùng, PGS.TS. Thái Văn Thành, PGS.TS. Ngô Đình Phương và TS. Mai Văn Tư.
Trường có 18 khoa đào tạo: Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Địa lý – Quản lý tài nguyên, Khoa Điện tử Viễn thông, Khoa Giáo dục, Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Giáo dục Quốc phòng, Khoa Hoá học, Khoa Kinh tế, Khoa Lịch sử, Khoa Luật, Khoa Nông Lâm Ngư, Khoa Sinh học, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Khoa Sư phạm Ngữ Văn, Khoa Sư phạm Toán học, Khoa Thể dục, Khoa Vật lý và Công nghệ, Khoa Xây dựng; có 2 trường trực thuộc: Trường THPT Chuyên và Trường Thực hành sư phạm.
Có 24 phòng ban, trung tâm, viện, trạm: Tổ chuyên trách, Phòng Công tác chính trị – Học sinh sinh viên, Phòng Đào tạo, Phòng Đào tạo Sau đại học, Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Khoa học – Hợp tác quốc tế, Phòng Kế hoạch – Tài chính, Phòng Quản trị, Phòng Thanh tra giáo dục, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Bảo vệ, Nhà Xuất bản, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh Vinh, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trung tâm Nội trú, Trung tâm Thể dục – Thể thao, Trung tâm Thông tin – Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trung tâm Thực hành – Thí nghiệm, Ban Quản lý các dự án xây dựng, Trạm Y tế.
Có 9 ban, trung tâm chuyên môn, nghiên cứu, ứng dụng: Tạp chí Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn, Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Kiểm định an toàn Thực phẩm – Môi trường, Trung tâm Thực hành và Tư vấn pháp luật, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Quản lý dịch vụ, Ban Quản lý các dự án giáo dục.
Có 1 văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh. Chương trình giáo dục của Trường Đại học Vinh được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp thu kinh nghiệm các chương trình tiên tiến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo tính linh hoạt, liên thông. Hiện nay, Trường Đại học Vinh đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với tất cả các bậc học, loại hình đào tạo.
2. Giới thiệu chung về Khoa Luật trường Đại học Vinh
Khoa Luật được thành lập vào ngày 2/1/2009, theo Quyết định của Bộ giáo dục và đào tạo, trực thuộc sự quản lý của Trường Đại học Vinh. Là một khoa trẻ, nhưng trải qua hơn 8 năm xây dựng và phát triển, Khoa Luật đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò, sứ mạng của mình. Hiện nay, khoa đứng đầu toàn trường về số lượng sinh viên; cơ sở đào tạo của khoa trải dài hầu hết các tỉnh trong cả nước. Trải qua chặng đường phát triển của mình, khoa Luật tự hào khi xây dựng được thương hiệu riêng và tạo ra dấu ấn rõ rệt đối với trường Đại học Vinh nói riêng, cũng như các cơ sở đào tạo Luật trên cả nước nói chung.
Sứ mạng
Cung cấp nguồn nhân lực pháp luật và dịch vụ pháp lý chất lượng cao cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật, bồi dưỡng năng lực ứng phó với các vấn đề mà xã hội hiện đại đang phải đối mặt trong xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay. Từ đó góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
3. Cơ cấu tổ chức
Hiện nay khoa Luật có 40 cán bộ, giảng viên. Trong đó có 1 phó Giáo sư; 5 Tiến sĩ; và 30 Thạc sĩ, được đào tạo cả trong nước và ngoài nước như ở: Anh, Trung Quốc, Nga…
Khoa Luật gồm 4 Bộ môn: Bộ môn Luật Hành chính – Nhà nước; Bộ môn Luật Dân sự; Bộ môn Luật Hình sự; Bộ môn Luật Kinh tế – Quốc tế.
Các môn học do khoa phụ trách bao gồm:
Bộ môn Luật Hành chính – Nhà nước: Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật; Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; Luật Hiến pháp; Luật Hành chính và tố tụng hành chính; Kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật; Công chứng, chứng thực; Lý luận Nhà nước pháp quyền.
Bộ môn Luật Kinh tế – Quốc tế: Luật thương mại, Luật lao động, Luật đất đai, Luật môi trường, Luật tài chính, Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế, Luật Kinh tế, Luật cạnh tranh.
Bộ môn Luật Hình sự: Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Thi hành án hình sự, Khoa học điều tra hình sự, Tội phạm học, Hành nghề Luật sư của LVN Group.
Bộ môn Luật Dân sự: Luật Dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật hôn nhân gia đình, Luật sở hữu trí tuệ, Pháp luật hợp đồng, Thi hành án dân sự, Luật La Mã.
Bên cạnh hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, khoa Luật còn có các chức năng trong hoạt động sinh viên như hỗ trợ sinh viên, quản lý sinh viên như: Trợ lý Quản lý sinh viên; Cố vấn học tập; Liên chi đoàn; Chi bộ sinh viên. Đặc biệt, để nâng cao việc thực hành nghề cho sinh viên, năm 2010 khoa đã thành lập Trung tâm Tư vấn Pháp luật nhằm cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội và tạo ra môi trường thực hành các kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
4. Quy mô đào tạo
Quy mô đào tạo của khoa không ngừng phát triển qua từng giai đoạn. Từ chỗ chỉ đào tạo vài trăm cử nhân đại học pháp lí khi mới thành lập, đến nay khoa đã đào tạo hai cấp học từ cử nhân đến thạc sĩ với nhiều hệ đào tạo như chính quy, đào tạo từ xa, vừa làm vừa học. Hiện nay, quy mô đào tạo của khoa là 3671 sinh viên và 65 học viên cao học.
Đối với trình độ cử nhân: Khoa có 02 chuyên ngành đào tạo chính là Luật học và Luật Kinh tế, với đội ngũ giảng viên có học vấn, kinh nghiệm giảng dạy cao.
Đối với trình độ Thạc sĩ: hiện nay, khoa đang đào tạo chuyên ngành Lý luận và lịch sử Nhà nước và pháp luật.
5. Thành tựu của Khoa Luật – Đại học Vinh
5.1. Kết quả đào tạo
Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã đào tạo được hơn 2000 cán bộ pháp luật, trong đó chủ yếu là cử nhân đại học.
Với phương châm chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu, trong thời gian qua tập thể cán bộ giảng dạy của khoa luôn luôn nghiên cứu, đổi mới các phương pháp dạy và xây dựng hệ thống các môn học đáp ứng được thực tiễn cuộc sống do đó có thể thấy kết quả sự cố gắng, nỗ lực đó là chất lượng sinh viên ở tất cả các hệ, nhất là hệ chính quy, khá ổn định và từng bước được nâng cao. Tỉ lệ sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp hàng năm đạt cao, nhiều sinh viên đạt loại khá, giỏi. Các đơn vị tuyển dụng luôn đánh giá cao về năng lực chuyên môn cũng như các kĩ năng mềm, thái độ, tác phong làm việc của sinh viên.
5.2. Sinh viên ra trường đang làm việc tại một số đơn vị sau:
- Tòa án Nhân dân
- Viện Kiểm sát
- Ủy ban Nhân dân
- Văn phòng Luật sư; văn phòng Công chứng
- Công an
- Giảng viên các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp
- Cán bộ pháp chế của một số cơ quan, doanh nghiệp
5.3. Về nghiên cứu khoa học
Đến nay, cán bộ, giảng viên của Khoa đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Trường cùng nhiều bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, góp phần giải quyết vấn đề lí luận và thực tiễn trong công tác giảng dạy pháp luật, công tác lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Khoa đã biên soạn và xuất bản 04 bộ giáo trình hệ đại học giành cho sinh viên chính quy, hệ vừa làm, vừa học, sách tham khảo và nhiều ấn phẩm khác.
5.4. Khen thưởng
Trong nhiều năm liền, Khoa Luật được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, nhiều cá nhân được công nhận chiến sĩ thi đua cấp trường; một số giảng viên được công nhận chiến sĩ thi đua cấp Bộ.
Về thành tích nghiên cứu khoa học, khoa Luật cũng nhiều lần được khen thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên.
Các phong trào của công đoàn khoa được đẩy mạnh và gặt hái được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi dành cho Công đoàn. Đặc biệt hoạt động của Đoàn thanh niên – Hội sinh viên khoa đạt được nhiều thành tích; nhiều năm liền đạt thành tích đơn vị xuất sắc tiêu biểu và nằm trong top đầu của Đoàn trường và Hội sinh viên trường.
6. Phương hướng phát triển
– Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đạt các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực và phẩm chất. Đến năm 2020 số lượng Tiến sĩ sẽ đạt 50%; cán bộ được đào tào, bồi dưỡng về chuyên môn; nghiệp vụ sư phạm; trình độ tin học và ngoại ngữ.
– Tiếp tục đa dạng hoá các loại hình đào tạo và áp dụng hài hoà các phương pháp đào tạo truyền thống và hiện đại, tạo ra sự sinh động, hấp dẫn; kết hợp yêu cầu đảm bảo chất lượng với đáp ứng tối đa nhu cầu của người học và của xã hội.
– Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở trong nước và quốc tế; tiến tới thử nghiệm việc giảng dạy, seminar khoa học bằng tiếng Anh.
– Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hoạt động nghiên cứu khoa học; gắn các kết quả nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy, đào tạo, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra ở trong nước và quốc tế.
– Xây dựng các mô hình thực hành nghề nghiệp cho sinh viên, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia thực tập ở một số cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp; Tổ chức xã hội; giao lưu với các cơ sở đào tạo khác và tham gia các chương trình tập huấn kỹ năng ở nước ngoài.
Với những thành công đã đạt được, trong thời gian tiếp theo Khoa Luật – Trường Đại học Vinh cố gắng giữ vững vị trí tiên phong trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các phong trào Đoàn thể.