Khi ra đời, Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật Đầu tư đã không như kỳ vọng và cho thấy nhiều khiếm khuyết cần suy nghĩ.
Nhà đầu tư là ai?
Luật Đầu tư định nghĩa NĐT là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nghĩa là gồm cả NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, do Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành cùng một lúc sử dụng tiêu chí kép để xác định NĐT (gồm quốc tịch và nguồn vốn của NĐT), do đó, rất khó để xác định thế nào là NĐT trong nước hoặc NĐT nước ngoài, hoặc Việt kiều là NĐT trong nước hay nước ngoài (1) .
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191
Luật sư tư vấn luật đầu tư – Ảnh minh họa
Từ đây, phát sinh hàng loạt hệ lụy pháp lý về tư cách của các doanh nghiệp do NĐT nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp do NĐT nước ngoài đầu tư sẽ được coi là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) hay giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT)? Khi nào thì bị coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: khi bên nước ngoài chỉ nắm 1% vốn hay phải từ 49% hoặc 51% trở lên? Doanh nghiệp trong nước có phải đổi GCNĐKKD thành GCNĐT khi có vốn nước ngoài hay vẫn tồn tại song song cả hai loại giấy này?…
Thậm chí có sự nhầm lẫn trong tư cách của NĐT trong các biểu mẫu hồ sơ áp dụng cho đầu tư nước ngoài theo Quyết định 1088/2006/QĐ-BKH. Trong các mẫu đơn này, người ký đơn là NĐT. Yêu cầu NĐT ký tên trong các hồ sơ là trái với các quy định trong Luật Doanh nghiệp và nguyên tắc quản lý hành chính.
Theo Luật Doanh nghiệp, người ký đơn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chứ không phải là cổ đông, thành viên của doanh nghiệp (tức là NĐT). Về mặt pháp lý, NĐT và doanh nghiệp là hai thực thể pháp lý khác nhau, NĐT không thể đương nhiên đại diện cho doanh nghiệp trước cơ quan nhà nước Việt Nam.
Hơn nữa, GCNĐT được cấp cho doanh nghiệp và khi muốn thay đổi nội dung GCNĐT, chính doanh nghiệp phải làm đơn gửi cơ quan nhà nước thông qua người đại diện theo pháp luật của mình. Việc cho phép NĐT đứng đơn tạo ra sự can thiệp sâu vào việc điều hành doanh nghiệp trái với Luật Doanh nghiệp.
Dự án đầu tư hiểu sao cho đúng?
Khái niệm quan trọng thứ hai là dự án đầu tư. Theo Luật Đầu tư, dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Khái niệm dự án như trên thuần túy là một khái niệm kinh tế, chứ không phải khái niệm luật. Nó là tập hợp các hoạt động kinh tế dự kiến của doanh nghiệp và luôn thay đổi.
Theo định nghĩa của luật như trên, bất cứ hoạt động kinh doanh nào của doanh nghiệp đều có thể coi là một dự án đầu tư: xây dựng một tòa nhà, mua bán một công ty, đầu tư vào công ty khác, mở thêm một chi nhánh, bổ sung thêm ngành nghề…
Khái niệm dự án đầu tư quá rộng như vậy, dẫn đến sự áp dụng tràn lan – doanh nghiệp hầu như làm cái gì cũng phải đăng ký dự án đầu tư: Mua đất xây trụ sở – cần GCNĐT, mở thêm chi nhánh – cần GCNĐT…
Hậu quả là doanh nghiệp tốn thời gian, chi phí trong khi cơ quan nhà nước lúc nào cũng than nhiều việc. Luật Đầu tư hiện nay sa đà vào việc quản lý dự án đầu tư của các doanh nghiệp, trong khi đầu tư là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phải do doanh nghiệp tự quản và tự chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, các hình thức đầu tư trong Luật Đầu tư cũng không rõ ràng. Theo điều 21, các hình thức đầu tư trực tiếp bao gồm (i) thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn; (ii) thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các NĐT trong nước và NĐT nước ngoài; (iii) đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT; (iv) đầu tư phát triển kinh doanh; (v) mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư; (vi) đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp và (vii) các hình thức đầu tư trực tiếp khác.
Lưu ý rằng, khái niệm tổ chức kinh tế liên doanh hay công ty liên doanh không tồn tại trong Luật Doanh nghiệp. Còn hình thức “đầu tư phát triển kinh doanh” – một hình thức đầu tư hoàn toàn mới lạ và quá chung chung, hoặc việc “mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư” cũng có thể hiểu là “sáp nhập và mua lại doanh nghiệp”.
______________________________________
(1) Xem thêm bài “Việt Kiều: Nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài?” trên TBKTSG số 16-2010, ra ngày 15-4-2010
Có cần duy trì Luật Đầu tư không?
Về nguồn gốc, Luật Đầu tư được cho là kế thừa Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam (1987) và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước – KKĐTTN (1994). Tuy nhiên, khi xem xét sâu hơn, Luật ĐTNN tại Việt Nam quy định chủ yếu về cách thức tổ chức thành lập, hoạt động, giải thể của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và về bản chất, là một bộ phận của pháp luật về tổ chức doanh nghiệp.
Trong khi đó, Luật KKĐTTN lại tập trung vào các chính sách và thủ tục hưởng các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp trong nước – nó là luật về nội dung chứ không phải luật về tổ chức. Do phạm vi điều chỉnh là khác nhau, không thể chỉ căn cứ vào tên gọi mà gom Luật ĐTNN và Luật KKĐTTN lại với nhau một cách máy móc.
Đáng lẽ ra, các vấn đề tổ chức, thành lập, hoạt động của doanh nghiệp trong Luật ĐTNN cần được chuyển sang Luật Doanh nghiệp, còn quy định về chính sách đầu tư, khuyến khích đầu tư cần được chuyển sang một luật về khuyến khích đầu tư chung. Nghĩa là, nếu được sắp xếp hợp lý, chúng ta cần có Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Luật Khuyến Khích đầu tư (chung), chứ không phải là Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Luật Đầu tư (chung) như hiện nay.
Luật Đầu tư quy định về chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư, về hình thức và thủ tục đầu tư, về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Các vấn đề về chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư là những chính sách lớn và ổn định, và vì thế, có thể điều chỉnh bằng luật. Những vấn đề khác như quyền và nghĩa vụ của các bên, hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư – cấp phép… không cần thiết phải điều chỉnh bằng luật. Những vấn đề này có thể được điều chỉnh, và trong một số trường hợp, đã được điều chỉnh bằng luật chuyên ngành hoặc văn bản dưới luật.
Nhìn tổng thể, Luật Đầu tư dường như đã không được xây dựng trên những tư tưởng và mục đích rõ ràng, nhiều quy định bị trùng lặp hoặc mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác và khó áp dụng trong thực tế. Chúng tôi cho rằng Luật Đầu tư hiện tại cần được sửa đổi hoặc thay thế bằng một luật về khuyến khích đầu tư – tức là Nhà nước chỉ cần định hướng đầu tư vào những lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần thiết, còn thực hiện như thế nào là vấn đề kinh tế do doanh nghiệp tự quyết định. Hơn nữa, Luật Đầu tư chỉ nên điều chỉnh về mặt chính sách nhằm tránh giẫm chân lên các luật chuyên ngành cũng thể hiện đúng vai trò là luật chung về đầu tư.
T.L
Dự án nào phải đăng ký đầu tư?
Loại trừ trường hợp dự án (khoản đầu tư) có giá trị dưới 15 tỉ đồng của nhà đầu tư trong nước, theo Luật Đầu tư hiện hành, các dự án đầu tư có vốn nước ngoài hoặc vốn trong nước có giá trị từ 15 tỉ đồng trở lên đều phải thực hiện thủ tục đơn giản nhất là đăng ký đầu tư. Thủ tục phức tạp hơn là thẩm tra đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện, có nguồn vốn lớn hoặc dự án do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư (gọi chung là đăng ký). Nhà đầu tư nước ngoài còn phải đăng ký dự án đầu tư để xin cấp GCNĐT cho những dự án đầu tư dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) hay dự án mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước nhưng có hoạt động phân phối, bán lẻ. Doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư ra nước ngoài cũng cần phải xin cấp GCNĐT.
Lưu ý rằng việc thỏa mãn yêu cầu đăng ký dự án đầu tư theo Luật Đầu tư là hoàn toàn độc lập với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2005.
N.Q.V
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – TÙNG LAM
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)