>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

1.  Căn cứ pháp lý của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam:

Luật Doanh nghiệp 2005 đề cập đến mô hình tập đoàn như là một hình  thức của nhóm công ty. Nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Nhóm công ty bao gồm: công ty mẹ – công ty con, tập đoàn kinh tế và các hình thức khác. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc có quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT, GĐ, TGĐ hoặc có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty đó. Tuỳ thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con và bản chất mối quan hệ mà công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với công ty con với tư cách thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông. Các hợp đồng, giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con phải thực hiện bình đẳng như giao dịch giữa những chủ thể pháp lý độc lập, ngoại trừ những chi phối mang tính chất thực hiện các quyền của công ty mẹ đối với công ty con theo quy định. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 chưa quy định cụ thể về loại hình tập đoàn.

Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp(sau đây gọi tắt là NĐ 139) quy định(đ.26):Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ – công ty con. Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định. Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.Công ty con cũng được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc của pháp luật liên quan. Công ty mẹ, công ty con và các công ty khác hợp thành tập đoàn kinh tế có các quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động phù hợp với hình thức tổ chức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật liên quan và Điều lệ công ty. Cụm từ “tập đoàn” có thể sử dụng như một thành tố phụ trợ cấu thành tên riêng của công ty mẹ khi đặt tên doanh nghiệp.

Mô hình tổ chức của tập đoàn kinh tế là mô hình công ty mẹ – công ty con. Vì vậy mối quan hệ công ty mẹ – công ty con – công ty liên kết cũng như quan hệ giữa tập đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước là tâm điểm của chính sách và pháp luật về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam thời gian qua. Điều này thể hiện tập trung ở Nghị định 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về tổ chức, quản lý tổng công ty Nhà nước và chuyển đổi tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ – công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ( sau đây gọi tắt là NĐ 111).

Nghị định 111/2007/NĐ-CP xác định mô hình công ty mẹ – công ty con là hình thức liên kết và chi phối lẫn nhau bằng đầu tư, góp vốn, bí quyết công nghệ, thương hiệu hoặc thị trường giữa các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, trong đó có một công ty nhà nước giữ quyền chi phối các doanh nghiệp thành viên khác (gọi tắt là công ty mẹ) và các doanh nghiệp thành viên khác bị công ty mẹ chi phối (gọi tắt là công ty con) hoặc có một phần vốn góp không chi phối của công ty mẹ (gọi tắt là công ty liên kết). Tổ hợp công ty mẹ và các công ty con( mà hiện nay gọi là Tập đoàn) không có tư cách pháp nhân. Công ty mẹ có tư cách pháp nhân, có tên gọi riêng, có con dấu, có bộ máy quản lý và điều hành, có trụ sở chính trong nước. Công ty mẹ là công ty nhà nước, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước; được hình thành từ việc chuyển đổi, tổ chức tổng công ty, công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty, công nhà nước độc lập hoặc trên cơ sở một công ty đầu tư, mua cổ phần, góp vốn và các nguồn lực khác vào các công ty con, công ty liên kết. Các công ty con bao gồm các công ty có vốn góp chi phối của công ty mẹ như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty ở nước ngoài; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu. Công ty mẹ có thể có các công ty liên kết là các công ty có vốn góp không chi phối của công ty mẹ, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty ở nước ngoài. Về chức năng, công ty mẹ có chức năng trực tiếp sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác hoặc chỉ thực hiện việc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác.Công ty mẹ có các quyền, nghĩa vụ của công ty nhà nước quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước; thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông tại các công ty con và công ty liên kết. Các mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được xác định trên cơ sở Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 hay Luật Doanh nghiệp 2005 tùy theo tính chất của loại công ty con, cụ thể:

Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong mối quan hệ này, công ty mẹ là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 (Đ. 64, 65, 66), Điều lệ của công ty và các quy định của Chính phủ. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty ở nước ngoài.Trong quan hệ này, công ty mẹ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông, thành viên, bên liên doanh, bên góp vốn chi phối theo quy định của pháp luật ( Luật Doanh nghiệp) và Điều lệ của công ty con. Công ty mẹ trực tiếp quản lý cổ phần, vốn góp chi phối ở công ty con; có quyền và nghĩa vụ đối với cổ phần, vốn góp chi phối theo quy định tại Điều 58 của Luật Doanh nghiệp nhà nước. Công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty ở nước ngoài có cổ phần, vốn góp chi phối của công ty mẹ, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, pháp luật nước ngoài và các quy định pháp luật có liên quan.

Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty liên kết, công ty mẹ thực hiện việc quản lý phần vốn góp của mình ở công ty liên kết theo quy định tại Điều 59 của Luật Doanh nghiệp nhà nước.

Cần lưu ý rằng, trong Nghị định 111 cũng quy định việc áp dụng mô hình tập đoàn kinh tế theo hình thức công ty mẹ – công ty con với công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu áp dụngđối với những công ty …. đang là công ty mẹ của . . . tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ( đ. 29 k.2 NĐ 111). Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nếu áp dụng theo mô hình này thì luật điều chỉnh công ty mẹ và quan hệ công ty mẹ – công ty con – công ty liên kết chỉ dựa trên các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 mà thôi ( không áp dụng Luật Doanh nghiệp nhà nước). Như vậy, có thể thấy sự khác nhau trong NĐ 139 và NĐ 111 về quan niệm  hình thức tồn tại của công ty mẹ. Theo NĐ 139 thì công ty mẹ – tập đoàn được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn; còn theo NĐ 111 thì công ty mẹ là công ty nhà nước, tức không thể là công ty cổ phần hay công ty TNHH có hai thành viên trở lên, vì chỉ có một chủ sở hữu là nhà nước. Trong NĐ 111 có đề cập đến mô hình công ty mẹ là công ty nhà nước, tuy nhiên mô hình này chỉ áp dụng đối với các tổng công ty nhà nước( mà các tập đoàn thì không phải và không muốn trở lại mô hình tổng công ty). Cóthể nói mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế nhà nước ở nước ta hiện nay là mô hình có tính chất pha trộn giữa quy định về tập đoàn theo những lý thuyết, nguyên tắc cơ bản với những quy định về tổ chức quản lý tổng công ty nhà nước tồn tại từ trước đến nay ở nước ta, phục vụ các mục tiêu kinh tế – xã hội đã được nhà nước đề ra. Nói một cách cụ thể hơn, hiện nay công ty mẹ – tập đoàn thì chịu sự điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp Nhà nước còn các công ty con thì hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tất cả điều này tạo nên tình trạng lệch pha trong tổ chức quản lý và điều hành cũng như xác lập các mối quan hệ công ty mẹ – công ty con và gây nên nhiều lúng túng trong chỉ đạo và điều hành.

2. Một số đặc thù của Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam:

– Về đối tượng: Tập đoàn kinh tế Việt Nam chủ yếu là tập đoàn kinh tế “quốc doanh”, tức bao gồm hầu hết các doanh nghiệp nhà nước hoặc có gốc gác “cận” nhà nước; được hình thành bằng một quyết định hành chính của Chính phủ. Sự ra đời của Tập đoàn không phải trên cơ sở tự nguyện hoặc bằng các quá trình đầu tư vốn, mua lại, hợp nhất, … mà hầu hết vốn điều lệ ở những công ty trong tập đoàn là vốn của Nhà nước theo những mức khác nhau: 100%, trên 50% và dưới 50%.

– Về lĩnh vực hoạt động: Đặc điểm của tập đoàn kinh tế nhà nước ở nước ta là được đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Điều này đang đặt ra một số quan ngại về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng. Vấn đề càng trầm trọng hơn nếu biết rằng hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay đều đang nắm giữ vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường – tức là những loại doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng lạm dụng vị thế của mình để áp đặt điều kiện kinh doanh bất bình đẳng, thậm chí bất bình thường lên các doanh nghiệp khác.

– Về hình thức sở hữu: Tập đoàn kinh tế Việt Nam, do hình thành trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nên thường có tính chất đơn sở hữu, tức là chỉ thuộc sở hữu nhà nước. Theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003, nội hàm của khái niệm doanh nghiệp nhà nước bao gồm 5 loại: công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty TNHH nhà nước hai thành viên trở lên, công ty TNHH nhà nước một thành viên, công ty ( TNHH hoặc CP) mà nhà nước nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối (tức là trên 50% vốn điều lệ). Cách quy định này làm cho tất cả tập đoàn hiện nay ở Việt Nam thực chất đều là các doanh nghiệp nhà nước và hoàn toàn không tạo điều kiện để các tập đoàn thoát ra khỏi cái bóng của Tổng công ty nhà nước – mô hình vốn đã không phù hợp và chính yêu cầu cải cách chúng đã làm xuất hiện chủ trương xây dựng tập đoàn. Do tất cả thành viên tập đoàn đều thuộc sở hữu nhà nước nên không thể thoát ra khỏi tập quán điều hành theo kiểu mệnh lệnh hành chính. Tâm lý lệ thuộc và xin – cho là không tránh khỏi trong quan hệ giữa công ty con với công ty mẹ và giữa công ty mẹ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý kinh tế.

– Về mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế: Tập đoàn kinh tếnhà nướcở Việt Nam là một tổ hợp các doanh nghiệp liên kết với nhau trong hoạt động kinh doanh gồm công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết. Như vậy có thể nói tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay áp dụng theo cấu trúc “holding” với mô hình công ty mẹ – con. Công ty mẹ là công ty do nhà nước sở hữu 100% vốn. Các công ty con, công ty liên kết là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần có tư cách pháp nhân riêng, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Công ty mẹ -Tập đoàn thực hiện cả 2 chức năng: đầu tư tài chínhtrực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận.

3. Bình luận pháp luật về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam:

Những bất cập về tổ chức hoạt động và quản lý mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam gần đây cho thấy cần phải rà soát lại những quy định pháp luật, hợp nhất các quy định tản mạn trong các văn bản pháp luật và nhất thể hóa chúng về nội dung, phương pháp điều chỉnh. Trong chiều hướng đó, tác giả đề xuất một số điểm sau:

Thứ nhất, cần tuân thủ đúng quy định của Luật doanh nghiệp về tổ chức quản lý Tập đoàn kinh tế nhà nước theo mô hình công ty mẹ – công ty con:

Luật Doanh nghiệp 2005 đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2006; một số văn bản cụ thể hóa Luật Doanh nghiệp cũng đã được ban hành. Vì vậy, tác giả cho rằng, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước nhất thiết phải xây dựng theo những chuẩn mực của Luật doanh nghiệp. Cần phải rà soát lại tất cả các văn bản không phù hợp với quy định của luật doanh nghiệp về mô hình tập đoàn để điều chỉnh và phương châm điều chỉnh là nhất thiết phải trên cơ sở các quy định của Luật Doanh nghiệp. Nếu duy trì việc tồn tại song song nhiều quy chế tổ chức bộ máy quản lý theo những quy định pháp luật khác nhau sẽ tạo nên sự bất cập trong quản lý chính nội bộ tập đoàn. Trong mô hình tập đoàn, công ty mẹ và công ty con đều là những pháp nhân bình đẳng. Công ty mẹ không có quyền trực tiếp quản lý tài sản của công ty con, không can thiệp vào các quyết định cụ thể của công ty con, kể cả trường hợp công ty con là công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu. Đối với công ty con là công ty cổ phần hoặc TNHH hai thành viên trở lên, dù công ty mẹ có cổ phần, vốn góp chi phối, việc thực thi Luật Doanh nghiệp nhìn chung có thuận lợi hơn (công ty mẹ góp vốn đầu tư và quản lý vốn đầu tư vào công ty con thông qua người đại diện do công ty mẹ chỉ định tham gia và nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quản lý công ty con). Tuy nhiên, đối với công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ làm chủ sở hữu, khó tránh khỏi sự can thiệp quá sâu vào họat động của công ty này mà lý do thường được đưa ra là để bảo đảm tài sản, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Việc quán triệt các quan hệ quản lý theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp sẽ tháo gỡ một cách hiệu quả vướng mắc này.

Thứ hai, Chính phủ cần ban hành một Nghị định về Tập đoàn kinh tế nhà nước: Trái với các ý kiến gần đây, phản đối việc ban hành nghị định riêng cho tập đoàn, tác giả cho rằng cần phải nhanh chóng ban hành nghị định này nhằm khắc phục tình trạng “ mất phương hướng” của tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay. Như đã nói, hiện đang tồn tại một mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật về tập đoàn. Đó là việc công ty mẹ – tập đoàn là một công ty nhà nước, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước ( ít nhất cho đến khi thực hiện xong lộ trình chuyển đổi theo đ. 166 Luật Doanh nghiệp, tức là đến 01/7/2010); còn các công ty con và công ty liên kết thì hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Cần lưu ý là đ. 166 Luật Doanh nghiệp quy định: Việc chuyển đổi công ty nhà nước “ thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hàng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn 04 năm kể từ ngày Luật này (Luật Doanh nghiệp) có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần”. Quy định này cho thấy việc chuyển các công ty nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là điều tất yếu. Trong thời gian chuyển tiếp này, Chính phủ cần ban hành một Nghị định về Tập Đoàn. Nội dung Nghị định này cần phải đảm bảo tập đoàn kinh tế nhà nước vận hành theo những quy định của Luật Doanh nghiệp; sửa đổi một cách cơ bản Quy chế về tài chính tập đoàn theo hướng tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tập đoàn. Chấm dứt triệt để tính chất “ chủ quản” của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính hoặc bộ quản lý ngành. Cụ thể, Nghị định phải tập trung vào các nội dung sau:

– Xác định rõ chủ sở hữu của Tập đoàn là ai? Pháp nhân nào? Chính Phủ hay cấp Bộ? Điều này tuyệt đối cần thiết để việc phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn, từ đó cũng dễ dàng xác định trách nhiệm hơn. Phân biệt rõ giữa quản lý với tư cách chủ sở hữu với quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật;

– Xác định rõ các quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ – tập đoàn trong vấn đề quản lý vốn và bổ nhiệm nhân sự;

– Xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn và trách nhiệm của lãnh đạo tập đoàn trước chủ sở hữu trong việc quản lý vốn và hoạt động kinh doanh; kể cả trách nhiệm cá nhân đối với những yếu kém, sai phạm trong tập đoàn;

– Xác lập các mối quan hệ giữa công ty mẹ và các loại công ty con, công ty liên kết trên các lĩnh vực tài chính, hoạt động kinh doanh và nhân sự;

– Xác định các loại nghĩa vụ của các công ty con đối với công ty mẹ – tập đoàn và của công ty mẹ – tập đoàn đối với chủ sở hữu nhà nước; những việc được và không được làm của tập đoàn trong hoạt động kinh doanh và trách nhiệm xã hội;

– Xác định quy chế và quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn trong việc tuân thủ pháp luật, điều lệ tập đoàn;

Thật ra những nội dung nêu trên hoàn toàn không phải là điều mới mẽ, chúng đã tồn tại rải rác ở các văn bản pháp luật như đã trình bày. Tuy nhiên, cần phải thống nhất trong một văn bản pháp luật có giá trị thực thi cao và chuẩn hóa theo những nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp. Một Nghị định về Tập đoàn kinh tế nhà nước như vậy sẽ chấm dứt được những mâu thuẫn trong các quy định về tập đoàn theo Nghị định 139 và Nghị định 111; đồng thời tránh sa vào những sửa đổi riêng biệt của từng bộ ngành, dễ tạo nên những mâu thuẫn mới.

Thứ ba, Cần thúc đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn kinh tế nhà nước: Như đã nói, Tập đoàn là tổ hợp các công ty, trong đó công ty mẹ là công ty nhà nước, các công ty con hầu hết cũng thuộc sở hữu nhà nước. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiệu lực, các văn bản hướng dẫn cũng đang được áp dụng dù đã bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên việc thay đổi chúng là điều không thuộc thẩm quyền của các tập đoàn kinh tế. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa  việc đa dạng hóa sở hữu trong các Tập đoàn kinh tế nhà nước với việc cổ phần hóa các công ty nhà nước, đầu tư vốn vào các công ty để thành lập các công ty TNHH hoặc cổ phần, công ty liên doanh. Các loại công ty con này vốn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, sẽ giúp “pha loãng” mối quan hệ có tính hành chính giữa cơ quan quản lý nhà nước với Tập đoàn và giữa Tập đoàn với các công ty thành viên. Tất nhiên, sẽ có lo ngại về khả năng chi phối, kiểm soát của Tập đoàn đối với các công ty con này, đàng sau đó là sự sút giảm vai trò của nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, sự lo ngại như vậy là không có căn cứ. Mức độ chi phối của Tập đoàn vẫn rất mạnh theo mức độ chi phối về vốn đầu tư của Tập đoàn tại các công ty con. Vấn đề ở đây chỉ là sự chi phối, kiểm soát của tập đoàn đối với các công ty con và sự quản lý của nhà nước đối với Tập đoàn có cơ sở trên Luật Doanh nghiệp hay không. Điều này tạo nên sự nhất quán pháp lý – vốn là yêu cầu quan trong khi hội nhập. Mở rộng quan điểm này, tác giả cho rằng cần phải nghĩ đến việc cổ phần hóa cả công ty mẹ hoặc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên ( theo đ. 166 Luật Doanh nghiệp LDN hoặc theo đ. 29k.2 NĐ 111/2007). Thực hiện điều này quan hệ quản lý giữa nhà nước với tập đoàn có sự thay đổi cơ bản theo những quy định của Luật Doanh nghiệp; tức nhà nước chỉ chi phối hoạt động của doanh nghiệp với tư cách là người sơ hữu vốn./.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Doanh Nghiệp nhà nước – 2003;

2. Luật Doanh nghiệp 2005;

3. Nghị Định 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về tổ chức, quản lý tổng công ty Nhà nước và chuyển đổi tổng công ty Nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ – công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

4. Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp;

5. Các Bản Điều lệ của các Tập Đoàn: Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập Đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập Đoàn Cao su Việt Nam.

6. Tập đoàn kinh tế – Lý luận và kinh nghiệm quốc tế ứng dụng vào ViệtNam – Chủ biên: Trần tiến Cường – Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW – NXB Giao thông Vận tải 2005;

7. Mô hình Tập đoàn kinh tế trong Công nghiệp hóa, hiện đại hóa- Đề tài NCKH của Học viện hành chính Quốc Gia 2001;

8. Một số bài báo đăng rải rác ở các tạp chí.

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 221 THÁNG 3 NĂM 2009 – TS. LÊ VĂN HƯNG –  Khoa Luật, ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)