Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

Thi hành án là hệ thống cơ quan trực thuộc Bộ tư pháp và là một trong số 3 cơ quan giải quyết vụ án bao gồm: cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng và cơ quan thi hành án. Với vị trí, vai trò như vậy thi hành án có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống các cơ quan tư pháp nói chung. Thế nhưng, ngành thi hành án cũng có những khó khăn riêng của mình. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu những khó khăn chính của ngành thi hành án như thế nào.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900.0191

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Luật sư tư vấn:

1. Sự bất hợp tác từ phía người phải thi hành án, lý do khách quan hay chủ quan

Sự bất hợp tác từ phía người phải thi hành án là khó khăn lớn nhất của toàn ngành thi hành án hiện nay. Đa số các vụ việc, người phải thi hành án đều tỏ thái độ bất tuân mệnh lệnh, chống đối, chây ỳ với chấp hành viên. Lý do là ở chỗ:

 Trong những lý do của việc này, đầu tiên và quan trọng nhất là lý do tâm lý. Rõ ràng, không ai muốn mất trắng đi một phần tài sản mà trước kia thuộc quyền sở hữu của mình, vậy nên, bất chấp bản án, quyết định đã tuyên của toà án, người phải thi hành án luôn tìm cách bảo thủ ý kiến, cố chấp giữ lấy tài sản của mình.  Đây là lý do chủ quan từ phía người phải thi hành án.

  Một lý do khác dẫn đến thực trạng trên đó là bản án, quyết định đôi khi tuyên chưa rõ ràng, thường xuyên thay đổi gây khó hiểu cho người phải thi hành án và khó khăn cho cả chấp hành viên lẫn người phải thi hành án. Điều đó dẫn đến thực trạng sau một thời gian dài mà bản án, quyết định của toà vẫn chưa được thi hành xong, vật, tiền hay bất động sản chưa được cưỡng chế thành công. Đây là lý do khách quan tác động lên người phải thi hành án.

Tài sản cưỡng chế quá lớn, vượt quá khả năng trả tiền, vật, hoặc bất động sản đó của người phải thi hành án. Đây thuộc loại trường hợp bất khả kháng, chấp hành viên chỉ có thể làm việc theo nhiệm vụ và cố gắng hết sức để làm được công việc của mình còn kết quả thì khó có thể đạt được, cũng chỉ báo cáo lại tình hình trong hồ sơ và được sự chấp nhận của quy định ngành thi hành án. Đây cũng là một lý do khách quan.

Người phải thi hành án quyết tâm liều lĩnh chống lại bản án, quyết định. Đây là trường hợp ý chí của người phải thi hành án đã sai lầm nghiêm trọng nhưng vẫn biết và chấp nhận sự sai lầm đó trong khi người phải thi hành án hoàn toàn có thể chấp nhận chuyển giao tiền vật. Trong trường hợp này, giá trị tiền, vật thường là thấp hoặc rất thấp. Cũng cần nói thêm một khi sự liều lĩnh đó lên đến cùng cực thì mức độ chống đối sẽ rất cao, chẳng hạn dùng hung khí đe doạ, tấn công vũ lực chấp hành viên. Đây là lý do chủ quan.

Người phải thi hành án không có tài sản để kê biên, không trừ được tiền trong tài khoản, thu nhập thấp không trừ tiền được, không khai thác được tài sản của người phải thi hành án, không chuyển giao được vật, tài sản, giấy tờ cũng như không buộc người phải thi hành án phải thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định được. Để thi hành cưỡng chế hiệu quả, chấp hành viên tuân theo quy định pháp luật về biện pháp cưỡng chế thi hành án tại điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014. Tuy nhiên, nếu mọi biện pháp cưỡng chế trở nên không hiệu quả như đã nêu thì chấp hành viên cũng không thể thực hiện được công việc được giao. Nói đơn giản là trong trường hợp này, người phải thi hành án không có một tài sản nào để thi hành án cả. Đây cũng là một lý do khách quan.

Người phải thi hành án và người được thi hành án không đạt được thống nhất trong kê biên tài sản. Thoả thuận trong kê biên trên được ghi nhận trong điều 6 văn bản hợp nhất số: 12/VBHN-VPQH. Còn kê biên tài sản được Luật Thi hành án 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định tại các điều 84, điều 89, điều 90, điều 91, điều 92, điều 93, điều 94, điều 95, điều 96, điều 97.  Mặc dù pháp luật đã quy định chặt chẽ trong tất cả các trường hợp cầm kê biên tuy nhiên đó chỉ là quy trình còn về kết quả kê biên thì nhiều trường hợp người phải thi hành án không muốn hoặc muốn ở mức thấp nhất kết quả kê biên trong khi người được thi hành án lại muốn kết quả cao nhất khi kê biên tài sản. Đây là tâm lý chủ quan của hai chủ thể.

Nói chung, về phía người phải thi hành án những khó khăn trong việc chây ỳ, chống đối xuất phát từ chính thực tại bản thân họ cũng như có sự tác động khách quan của hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng trong số đó, khó khăn mang tính chủ quan là nhiều và lớn hơn cả.

2. Khó khăn trong việc cưỡng chế giao vật, trở ngại từ khách quan hay từ chấp hành viên

Cưỡng chế giao vật và bất động sản là công việc mà nhiều chấp hành viên tham gia trong các vụ việc được toà án tuyên. Xét về mức độ, cưỡng chế giao vật cũng khó khăn không kém so với cưỡng chế trả tiền, còn về nội dung, nó bao gồm những khó khăn sau:

Không thể cưỡng chế được. Đôi khi do trình độ và năng lực của chấp hành viên là có hạn nên không thể thắng được ý chí chây ỳ của người phải thi hành án, cũng như sự tinh vi của người phải thi hành án là quá xảo quyệt. Chẳng hạn khi cưỡng chế giao vật, người phải thi hành án lại nói vật đó là của người khác đem đến gửi nhờ trong nhà mình. Mà theo tinh thần của Luật Thi hành án 2008 sửa đổi bổ sung 2014 thì không thể cưỡng chế tài sản không phải là của người phải thi hành án được.

Đã kê biên tài sản thành công nhưng tài sản là vật tiêu hao, theo thời gian và trong những điều kiện nhất định, nhất là nơi để tài sản của chi cục thi hành án không đảm bảo cho vật thì vật sẽ bị tiêu hao như biến dạng, hỏng hóc, thay đổi, suy giảm chức năng…Điều này diễn ra khiến cho giá trị căn nhà đó thay đổi, gây ảnh hưởng đến tổng số tiền phải thi hành án mà Nhà nước phải thi hành mỗi năm cũng như tổng số tiền cần dạtđược so với chỉ tiêu ở từng địa phương. Ví dụ như một căn nhà sau khi cưỡng chế được một thời gian thì xuống cấp ảnh hưởng đến giá bán căn nhà đó.

Chấp hành viên không biết bảo trì, bảo dưỡng vật hoặc không có kiến thức, không được đào tạo việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa vật đó dẫn đến vật bị hư hỏng có nguy cơ xuống thấp cao.

Tài sản đã kê biên nhưng không ổn định về giá. Nếu đem bán, chấp hành viên phải tuân theo quy luật giá cả thị trường, lúc tăng, lúc giảm. Nếu đem bán tài sản đó đi trong khi giá cả mặt hàng đó giảm sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi hành án được toà án tuyên cũng như chỉ tiêu cơ quan đặt ra.

Không bán được tài sản. Vẫn là công tác bán tài sản sau khi cưỡng chế, việc bán được hay không vật phụ thuộc vào người mua có cần đến vật đó và đồng ý mua hay không. Vì vậy không phải lúc nào ta cũng tìm được người mua, ngoài ra việc thương lượng giá cả sao cho phù hợp với người mua cũng là một vấn đề đáng nói, không phải người mua nào cũng không mặc cả giá. Ngoài ra, việc bán vật cũng phụ thuộc vào bản thân vật đó có dễ bán hay không, nếu là vật đặc định thì sẽ khó khăn hơn so với vật cùng loại.

Nhìn vào những khó khăn trên ta có thể thấy cưỡng chế giao vật gặp trở ngại hầu như từ phía hoàn cảnh thực tế thì khả năng thành công rất thấp, còn trở ngại do năng lực của chấp hành viên thì là ảnh hưởng đến kết quả của mỗi lần thi hành án.

3. Khó khăn từ đội ngũ chấp hành viên, nguyên nhân là như thế nào

Chấp hành viên trong khi thi hành án vẫn còn chưa phát huy được năng lực của mình. Điển hình như về trình độ học vấn và thực tiễn việc làm đang còn có khoảng cách, chưa phát huy hiệu quả kỹ năng được đào tạo hoặc không được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, khả năng thuyết phục tâm lý của chấp hành viên còn kém, mới chỉ dừng lại ở “bề mặt” của quá trình cưỡng chế chứ khả năng làm việc không thể đi vào chiều sâu cốt lõi của sự việc để tìm ra giải pháp.

Hình thức làm việc hưởng lương theo tháng tỏ ra không phù hợp với chấp hành viên. Vì làm nhiều, làm ít, cưỡng chế nhanh các vụ việc hay cưỡng chế chậm các vụ việc công đều như nhau. Đây là hình thức cào bằng trong công việc. Cần có hình thức hưởng lương mới là hưởng lương theo việc làm. Theo đó cưỡng chế được nhiều vụ việc được nhiều lương, cưỡng chế được ít vụ việc được ít lương. Đây cũng là tinh thần của việc phát huy nghị quyết số 27- NQ/TW năm 2018  về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp

4. Có những khó khăn gì trong hệ thống pháp luật hiện nay về lĩnh vực thi hành án

Pháp luật đang bỏ ngỏ cơ chế chuyển hoá giữa cưỡng chế trả vật và cưỡng chế trả tiền. Xét về lý luận, giữa cưỡng chế trả vật và cưỡng chế trả tiền có mối liên hệ với nhau, và nếu tìm hiểu kỹ cơ chế này có thể phục vụ rất thuận lợi cho thi hành án, giúp đẩy nhanh quá trình thi hành án, tạo tâm lý tốt hơn cho người phải thi hành án. Tuy nhiên hiện nay pháp luật đang chưa có quy định rõ ràng về cơ chế này.

Pháp luật chưa có quy định cụ thể về cưỡng chế trả vật, bất động sản đã thay đổi hiện trạng. Về thực tiễn đây là khó khăn được nêu trong mục 2 còn về phương diện pháp luật đây cũng là một khó khăn lớn hiện nay.

Pháp luật chưa có giải pháp cho những án tồn đọng chưa thi hành. Đây là vấn đề đáng chú ý của ngành thi hành án khi trong suốt thời gian qua dư luận luôn lên tiếng về việc chậm trễ trong công tác thi hành án, còn nhiều án tồn đọng. Theo thống kê của tổng cục thi hành án dân sự, thống kê kết quả thi hành án dân sự về tiền 11 tháng năm 2020 thì  tổng số án tồn đọng năm trước chuyển sang là 286252 vụ việc trên tổng số 850474 vụ việc phải thi hành.

5. Giải pháp cho những khó khăn trên 

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực thi hành án, nhất là những cơ chế còn bỏ ngỏ, xây dựng cơ chế thi hành pháp luật hiệu quả nâng cao công tác thi hành án dân sự.

Nâng cao tinh thần làm việc cũng như ý thức, trách nhiệm của chấp hành viên. Tạo thêm nhiều các đợt tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn, xây dựng các tình hướng diễn tập để chấp hành viên có thêm khả năng làm việc thực tiễn.

Học hỏi thêm kinh nghiệm nước ngoài về thi hành án dân sự và giải quyết các vụ việc còn tồn đọng, từ đó vận dụng vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam

Đưa chế định thừa phát lại vào hoạt động, Nhà nước khuyến khích thành lập các tổ chức thừa phát lại và quản lý có hiệu quả các tổ chức này. Tích cực hơn nữa trong tạo điều kiện cho các chủ thể là người học luật thành lập tổ chức thừa phát lại, chẳng hạn như ban hành văn bản pháp luật mở rộng mô hình thừa phát lại, dành những ưu đãi cho các tổ chức thừa phát lại này. Đồng thời, cũng cần quản lý thật chặt các tổ chức này, tránh việc “hoạt động hình thức” dẫn đến thành lập các tổ chức “ đòi nợ thuê” đội lốt.

Thay đổi hình thức hưởng lương của chấp hành viên, từ hưởng lương tháng thành hưởng lương theo kết quả làm việc. điều này giúp thúc đẩy năng suất lao động trong đội ngũ chấp hành viên, phát triển ngành thi hành án.

Thi hành biện pháp tuyên truyền, vận động ý thức pháp luật nói chung và ý thức pháp luật thi hành án nói riêng đối với đương sự, nhất là người phải thi hành án để tránh tình trạng chây ỳ, chống đối trong thi hành án.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group