1. Vậy Phá sản là gì?
Thuật ngữ “Phá sản” thường được sử dụng để chỉ những chủ thể bị lâm vào tình trạng hỗn loạn về tài chính và không còn khả năng thanh toán các khoản nợ. Có nhiều mức độ phá sản khác nhau, bao gồm từ tình trạng bị mất khả năng thanh toán tạm thời cho đến những trường hợp chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp với tư cách một thực thể kinh doanh.
Tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến – Ảnh minh họa
2. Các tác động của phá sản
Xét tổng thể, các tác động của phá sản là tiêu cực dưới các mặt sau:
Về mặt kinh tế: Một doanh nghiệp bị phá sản trong điều kiện ngày nay có thể dẫn đến những tác động tiêu cực. Khi quy mô của doanh nghiệp phá sản càng lớn, tham gia vào quá trình phân công lao động của ngành nghề đó càng sâu và rộng, số lượng bạn hàng ngày càng đông, thì sự phá sản của nó có thể dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp bạn hàng theo “hiệu ứng domino” – phá sản dây chuyền.
Về mặt xã hội: Phá sản doanh nghiệp để lại những hậu quả tiêu cực nhất định về mặt xã hội bởi nó làm tăng số lượng người thất nghiệp, làm cho sức ép về việc làm ngày càng lớn và có thể làm nảy sinh các tệ nạn xã hội, thậm chí các tội phạm.
Về mặt chính trị: Phá sản dây chuyền sẽ dẫn tới sự suy thoái và khủng hoảng nền kinh tế quốc gia, thậm chí khủng hoảng kinh tế khu vực và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khủng hoảng sâu sắc về chính trị.
Như vậy, xét ở ba mặt trên, phá sản với tính cách là một hiện tượng xã hội tiêu cực cần được hạn chế và ngăn chặn đến mức tối đa. Để hạn chế các tác động tiêu cực, phá sản cần phải được coi là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất của chính phủ đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Yêu cầu này cần phải được thể hiện một cách nhất quán trong pháp luật phá sản qua các nội dung như: tiêu chí xác định một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, vấn đề hồi phục doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ khi tuyên bố phá sản…
3. Có các hình thức phá sản nào?
Nếu căn cứ vào đối tượng có thể bị tuyên bố phá sản, có hai loại Phá sản cá nhân và Phá sản doanh nghiệp. Cá nhân ở đây có thể là các chủ thể như chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đăng ký kinh doanh, thành viên hợp doanh trong các công ty hợp danh…
Nếu căn cứ vào mục đích sử dụng các khoản vay có nguy cơ không được thanh toán, có hai loại Phá sản trong tiêu dùng và Phá sản trong kinh doanh. Phá sản trong tiêu dùng xảy ra khi cá nhân bị vỡ nợ dân sự do vay mượn vì mục đích tiêu dùng. Tương tự, phá sản trong kinh doanh xảy ra khi doanh nghiệp/ cá nhân lâm vào tình trạng phá sản dùng khoản vay vào mục đích kinh doanh.
Nếu căn cứ vào tính chất của vụ phá sản, có hai loại Phá sản về hiệu quả kinh tế và Phá sản về tài chính: 1) Phá sản về hiệu quả kinh tế là tình trạng các khoản lợi nhuận ròng thu được từ hoạt động kinh doanh không tương xứng với vốn đầu tư đã bỏ ra. Mức lợi nhuận tương xứng ở đây được hiểu là mức lợi nhuận cơ hội tương ứng với mức rủi ro của cuộc đầu tư đó. Một doanh nghiệp có thể bị lâm vào tình trạng phá sản về hiệu quả kinh tế ngay cả trong trường hợp doanh nghiệp đó không có bất cứ món nợ nào. Bởi lẽ, đối tượng chính được đề cập trong hình thức phá sản này là lợi nhuận kinh doanh được đo lường độc lập với chi phí trả lãi vay của doanh nghiệp; 2) Phá sản về tài chính được dùng để chỉ một doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng không được thực hiện các nghĩa vụ trả nợ mà nó đã cam kết với các chủ nợ theo đúng kỳ hạn. Một doanh nghiệp bị thua lỗ liên tục trong kinh doanh (phá sản về hiệu quả kinh tế) sẽ bị gánh nặng nợ nần chồng chất và sẽ dẫn tới tình trạng bị phá sản về tài chính.
Nếu căn cứ vào nguyên nhân phá sản, có Phá sản trung thực và Phá sản man trá. Phá sản trung thực là hậu quả khách quan và trực tiếp của tình trạng không thích ứng của doanh nghiệp mắc nợ trước các đòi hỏi khắt khe và nghiệt ngã của thương trường Tức là việc phá sản xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch hoạ, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, chênh lệch tỷ giá hối đoái… Phá sản man trá hoàn toàn là hậu quả của những thủ đoạn, hành vi gian dối, có sự sắp đặt từ trước của chủ doanh nghiệp mắc nợ lợi dụng cơ chế phá sản để chiếm đoạt tài sản của các chủ nợ. Chẳng hạn, con nợ gian lận trong việc ký kết các hợp đồng chuyển giao tài sản, báo cáo sai hoặc đưa ra những thông tin không trung thực… Đây là một hành vi cạnh tranh nguy hiểm và vì vậy thường được xử lý rất nghiêm khắc về mặt hình sự.
Nếu dựa vào cơ sở làm phát sinh quan hệ pháp lý về phá sản, có Phá sản tự nguyện (Voluntary Bankruptcy) và Phá sản bắt buộc (Involuntary Bankruptcy). Phá sản tự nguyện là do chủ doanh nghiệp mắc nợ tự đề nghị khi thấy doanh nghiệp hoàn toàn mất khả năng thanh toán, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các chủ nợ. Phá sản bắt buộc được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của các chủ nợ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của doanh nghiệp mắc nợ.
4. Vấn đề pháp lý trong phá sản
Pháp luật phá sản là một tổng thể thống nhất các quy phạm pháp luật nhằm hướng đến việc giải quyết đúng đắn yêu cầu tuyên bố phá sản, trong đó luật phá sản đóng vai trò trung tâm vì nó quy định những vấn đề có tính nguyên tắc của thủ tục giải quyết một vụ phá sản.
Pháp luật về phá sản điều chỉnh các nhóm vấn đề chính sau đây: i) Tiêu chí xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; ii) Thủ tục phá sản; iii) Thanh lý tài sản phá sản; iv) Xử lý các khoản nghĩa vụ; v) Thi hành phán quyết phá sản của Toà án.
Pháp luật về phá sản luôn là một hệ thống mở và vận động để phù hợp với các yêu cầu của mỗi nền kinh tế ở các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên sự hình thành nhanh chóng các công ty đa quốc gia cùng với toàn cầu hoá trong điều kiện hiện nay đòi hỏi các nền kinh tế phải có cách nhìn nhận hiện tượng phá sản một cách thống nhất, và sư hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để bảo đảm an ninh kinh tế chung trên cơ sở giảm thiểu các bất lợi bắt nguồn từ phá sản.
Mới đây, vấn đề phá sản của các công ty xuyên quốc gia lần đầu tiên được Liên minh Châu Âu quy định trong một quy chế được áp dụng đối với tất cả các quốc gia thành viên. Theo đó, quyết định tuyên bố phá sản của toà án thuộc một trong những quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đương nhiên có hiệu lực thi hành tại tất cả các quốc gia thành viên.
Tham khảo văn bản pháp luật liên quan:
Luật Phá sản số 21/2004/QH11 năm 2004
Trân trọng./.
Bộ phận Luật sư của LVN Group doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group