1. Khái niệm về công ty
Chữ “công ty” có hai nghĩa:
– Trước hêt đó là một hợp đồng theo đó hai hay nhiều người thoả thuận để chung một số tài sản nhằm mục đích chia lời hay hường các lợi ích do tài sản này đem lại, đó là văn kiện thành lập công ty.
– Mặt khác công ty là pháp nhân khai thác số tài sản chung, được công nhận có năng lực pháp lý để hành động nhân danh và vĩ quyền lợi của tập thể.
Trong ngôn ngữ thương mại, chữ “Công ty ” chủ yếu chỉ định pháp nhân trong khi văn bản thành lập công ty được gọi là hợp đồng thành lập công ty hoặc “Bản điều lệ”.
Công ty có các hình thức và tầm cỡ khác nhau, có thể gồm hai thành viên như trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hàng ngàn cổ đông như trong Công ty cổ phần. Tầm quan trọng của công ty trong nền kinh tế to lớn hơn nhiều so với các Doanh nghiệp tư nhân mặc dù về số lượng các doanh nghiệp này có thể nhiều hơn.
2. Bản chất pháp lý của công ty
Vấn đề đặt ra là câng ty vốn được thành lập do sự kết hợp của một số người cùng nhau góp vốn để theo đuổi một mục đích kinh tế chung, về phương diện bản chất pháp lý là một hợp đồng hay là một định chế? Quan điểm xem công ty là một loại hợp đồng được các tác giả cổ điển chủ trương, họ xem nguyên tắc tự do của ý chí là cơ sở của mọi hành vi pháp lý; cũng như hôn nhân, công ty là một loại hợp đồng. Nhiều quy tắc trong Luật Công ty đã mượn kỹ thuật của hợp đồng: công ty phải thoả mãn các điều kiện về sự hữu hiệu của hợp đồng (sự thoả thuận, năng lực, đối tượng) và các quy tắc điều hành công ty có thể được giải thích bằng luật về hợp đồng (Giám đốc được ủy quyền để quản lý công ty).
Tuy nhiên, ý niệm hợp đồng không đủ biện minh cho bản chất pháp lý của công ty khi mà nhà làm luật đã quy định những điều kiện bắt buộc để thành lập công ty. Ngoài ra, công ty chỉ có thể hoạt động sau khi đã thực hiện một thủ tục hành chính, đó là việc đăng ký, chứ không phải chỉ đơn thuần sau khi đã có sự thoả hiệp ý chí của các thành viên. Pháp nhân của công ty có những quyền lợi riêng biệt với quyền lợi của các thành viên. Người điều hành công ty được chỉ định theo các điều kiện do luật quy định và có các quyền được ấn định một cách bắt buộc bởi luật pháp. Điều lệ công ty có thể được sửa đổi bởi đa số thành viên, trong khi việc sửa đổi hợp đồng phải được sự nhất trí của tất cả các bên ký kết.
Do đó, đã xuất hiện quan điềm cho rằng công ty là một định chế. Định chế là tổng thể các quy tắc pháp lý có tính cách bắt buộc đối với một nhóm người theo một mục đích xác định; quyền lợi riêng phụ thuộc vào mục đích xã hội theo đuổi. Như vậy, quyền lợi của các thành viên công ty không cố định như dự liệu tròng văn bản thành lập mà có thể được thay đổi theo quyết định của đa số nhân danh quyền lợi của công ty; những người lãnh đạo của công ty không phải là những người được ủy quyền mà là các cơ quan có nhiệm vụ thực hiện ý chí chung; các quyết định của đa số có thể bị huỷ bỏ nếu trái với lợi ích của công ty.
Nhưng cả hai lý thuyết trên, xét riêng rẽ đều không thoả đáng. Quan niệm định chế đã bỏ qua văn bân thành lập công ty vốn có bản chất là một hợp đồng. Do đó, cần phối hợp cả hai quan niệm này: trong công ty có những quy tắc thuộc về hợp đồng, và cũng có các quy tắc thuộc về định chế. Các điều khoản có tính hợp đồng rất rõ nét trong Công ty hợp danh, trong khi đối với Công ty cổ phần thì định chế lại lấn át hợp đồng.
3. Việc góp vốn vào công ty
Theo khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
Vốn điều lệ công ty là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu, hoặc mức vốn điều lệ công ty tối đa là bao nhiêu khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh bình thường.
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn được quy định như sau:
“1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, vốn góp phải là tài sản được liệt kê theo quy định trên hoặc tài sản khác được định giá bằng Đồng Việt Nam. Lưu ý, việc góp vốn bằng “công sức” hay đóng góp bằng “trí tuệ” không được coi là một hình thức góp vốn vì đây là những đối tượng không được coi là tài sản.
Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp không quy định số vốn tối thiểu phải góp vào công ty là bao nhiêu mà sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi công ty. Tuy nhiên, một số ngành, nghề kinh doanh có yêu cầu phạt đạt đủ số vốn góp tối thiểu (vốn pháp định) mới được phép hoạt động kinh doanh
4. Thời hạn góp vốn điều lệ là bao lâu?
Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà Nhà Đầu Tư Nước Ngoài dự kiến thành lập tại Việt Nam mà thời hạn góp vốn điều lệ khác nhau như sau:
- Đối với loại hình Công ty TNHH: Trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thành viên góp vốn trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chủ sở hữu trong Công ty TNHH một thành viên có nghĩa vụ góp vốn đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết. Sau khi các thành viên trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên góp đủ vốn đã cam kết, Công Ty phải cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
- Đối với loại hình Công ty Cổ phần: Cổ đông trong Công ty Cổ phần có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc các cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Nếu trong thời hạn quy định trên, công ty không nhận đủ số vốn góp từ thành viên hoặc cổ động thì công ty phải mua lại số sổ phần của cổ đông (đối với riêng công ty cổ phần) hoặc làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với số vốn góp thực tế tại thời điểm thực hiện thủ tục.
Lưu ý: Thời hạn góp vốn của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài thường được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với dự án thành lập mới, thời hạn này thông thường đúng bằng thời hạn góp vốn điều lệ là 90 ngày để từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công Ty Vốn Nước Ngoài như nêu trên.
3, Những trường hợp cho phép xử lý phần vốn góp vào công ty
Căn cứ luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau về xử lý phần vốn góp vào công ty như sau:
1 – Trường hợp thành viên công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên công ty.
2 – Trường hợp thành viên là cá nhân bị Tòa án tuyên bố mất tích thì quyền và nghĩa vụ của thành viên được thực hiện thông qua người quản lý tài sản của thành viên đó theo quy định của pháp luật về dân sự.
3 – Trường hợp thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện.
4 – Phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật này trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế không muốn trở thành thành viên;
b) Người được tặng cho theo quy định tại khoản 6 Điều này không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên;
c) Thành viên công ty là tổ chức giải thể hoặc phá sản.
5 – Trường hợp phần vốn góp của thành viên công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
6 – Trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở thành thành viên công ty theo quy định sau đây:
a) Người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty;
b) Người được tặng cho không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này thì người này chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.
7 – Trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai hình thức sau đây:
a) Trở thành thành viên công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;
b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
8 – Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.
9 – Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.