Ngày 30/09/2004, Ủy ban nhân dân Huyện Củ Chi có Quyết định số 6187/QĐ-UB về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu đối với hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Đức.
Ông Đức có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích đất 17.196m2 trong diện tích 2.206.433 m2 nêu trên, khiếu nại Quyết định số 6187 của Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi là ông chưa có quyết định thu hồi đất theo từng hộ gia đình.
Ông Đức khiếu nại Quyết định số 1168 chỉ gửi cho các cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện quyết định theo thẩm quyền, không có gửi cho ông để thi hành, chưa xác định diện tích đất của từng hộ dân bị thu hồi đất, số tờ bản đồ, số thửa, loại đất. Đến nay, ông Đức chưa có quyết định thu hồi đất theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ.
Ngày 24/08/2007 Ủy ban nhân dân Huyện Củ Chi có Quyết định số 3881/QĐ-UBND bác đơn khiếu nại của ông Đức . Ngày 14/09/2007 ông Đức làm đơn khiếu nại quyết định số 3881 gửi đến ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM.
Ngày 11/09/2008 UBND TP.HCM có Quyết định số 3898/QĐ- UBND bác đơn khiếu nại của ông Đức, quy định: “Đây là quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch UBND thành phố, đối với khiếu nại của ông Nguyễn Văn Đức. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, ông Nguyễn Văn Đức có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định”.
Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số: 1900.0191
Căn cứ Quyết định số 3898, ngày 29/09/2008 ông Đức làm đơn khởi kiện vụ án hành chính gửi Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM. TAND TP.HCM trả lại đơn khởi kiện của ông Đức .
Ngày 10/11/2008 ông Đức nhận được phiếu hướng dẫn số 164939/HD-VP của Thanh tra Chính phủ. Nội dung phiếu hướng dẫn: “Căn cứ Luật Khiếu nại tố cáo, Văn phòng Thanh tra Chính phủ trả lại đơn và hướng dẫn ông Đức trình đơn đến Tòa hành chính Tòa án Nhân dân TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét”.
Căn cứ phiếu hướng dẫn số 164939, ngày 27/11/2008 ông Đức làm đơn khiếu nại gửi đến ông Chánh án TAND TP.HCM. Ngày 05/01/2009 ông Đức nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại số 15/2008/QĐ-TATP-HC giữ nguyên việc trả đơn khởi kiện vụ án hành chính cho ông Đức. Lý do: Quyết định số 3898 của UBND TP.HCM là quyết định giải quyết khiếu nại không phải là quyết định hành chính. Vì vậy, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hành chính.
Những mâu thuẫn phát sinh trong việc áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước
Qua các sự kiện pháp lý nêu trên, Thanh tra Chính phủ và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng pháp luật để giải quyết khiếu nại của ông Đức khác nhau và mâu thuẫn nhau. Điều đó đã cho thấy rằng các quy định của pháp luật chưa thống nhất để giải quyết một sự kiện pháp lý cụ thể như trường hợp của ông Đức.
– Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 138 của Luật Đất đai có quy định: quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi người khiếu nại đã được UBND cấp huyện giải quyết khiếu nại lần đầu mà không đồng ý. Luật Đất đai không có quy định quyết định giải quyết khiếu nại lần 2.
– Căn cứ Điều 43 và Điều 46 của Luật khiếu nại tố cáo, người khiếu nại khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
– Căn cứ Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, tại Điều 2 của Pháp lệnh quy định: cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 nhưng người khiếu nại không đồng ý. Như vậy, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đều là cơ sở cho người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính.
Theo các quy định của 03 văn bản pháp luật nêu trên có các từ ngữ sau đây đáng lưu ý:
– Luật Đất đai: có quy định quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng (không có quy định lần 2) thì người khiếu nại không có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
– Luật Khiếu nại, tố cáo: có quy định quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính.
– Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính: Đối tượng để người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính gồm có: quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và quyết định giải quyết khiếu nại lần 2.
Trong trường hợp ông Đức, TAND TP.HCM bác đơn khởi kiện của ông Đức lý do là Quyết định số 3898 của UBND TP.HCM là quyết định giải quyết khiếu nại không phải là quyết định hành chính. Vì vậy, tòa án không thụ lý vụ án hành chính.
Theo các luật và pháp lệnh nêu trên, các cơ quan Nhà nước giải quyết khiếu nại của công dân về đất đai có khác nhau. Yêu cầu quản lý xã hội là pháp luật phải được thống nhất. Nếu chưa được thống nhất thì cần phải được sửa đổi, bổ sung để giải quyết khiếu nại của công dân về đất đai theo một chuẩn mực chung, để tránh trường hợp mỗi cơ quan giải quyết khác nhau, làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM – LS. VÕ THÀNH VỊ
Trích dẫn từ:http://www.hcmcbar.org
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)