1. Hiểu thế nào về đại lý thương mại

Điều 166 Luật thương mại 2005 (LTM) quy định Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

Các đại lý thương mại, tùy theo phạm vi hoạt động rộng hay hẹp của họ mà được gọi là “đại lý toàn quốc”, đại lý vùng hay đại lý tỉnh.
Theo qui định của điều 1 sắc lệnh số 38-1345 ngày 23-12- 1958 thì “đại lý thương mại là một người được ủy thác.
Người này thực hiện nghiệp vụ kinh doanh của mình một cách thường xuyên và độc lập, không bị bó buộc bởi một hợp đồng thuê mượn dịch vụ nào. Họ giao dịch, thương lượng, và tùy tình hình, có thể ký các hợp đồng mua, bán, thuê mướn hay dịch vụ thay mặt cho các nhà sản xuất, các nhà công nghiệp hay thương nghiệp và phục vụ cho lợi ích kinh doanh của những người này”.
–  Đại lý thương mại được coi như là một thương nhân : Là một thương nhân, người đại lý thương mại, phải đăng ký vào sổ đăng ký kinh doanh. Ngoài ra họ còn phải đăng ký vào một quyển sổ riêng, lưu giữ tại Phòng lục sự của Tòa án thương mại trước khi tiến hành nghiệp vụ của mình, nếu không họ sẽ bị xử phạt hình sự 
– . Họ là một người được ủy thác : Hợp đồng gắn người đại lý thương mại với hãng sử dụng họ là một hợp đồng ủy thác. Hợp đồng đó bắt buộc phải được ký kết dưới hình thức viết. Nó có thể hữu hạn hay vô hạn, hợp đồng có thể bao hàm một thỏa thuận về độc quyền, nghĩa là một điều khoản theo đó doanh nghiệp sử dụng người đại lý cam kết không được giao cho một đại lý khác quyền giao dịch về các hàng hóa đó trong khu vực đã qui định.
Đồng thời, nó còn có thể có một thỏa thuận về chi trả, nghĩa là một thỏa ước theo đó người đại lý phải chịu trách nhiệm nếu bên mua không chi trả những hàng đã bán.
– Họ được quyền tổ chức thoải mái tự do những hoạt động giao dịch của mình.
Khác với những người đại diện theo qui chế người đại lý thương mại được tự do trong việc tổ chức thăm dò, tìm kiếm khách hàng của mình.Họ có quyên tuyển chọn, không cần phải xin phép trên, những chi nhánh do họ trả thù lao.
Họ có quyền nhận làm đại diện cho những người ủy thác mới mà không cần phải tham khảo ý kiến trên. Tuy vậy, họ không thể nhận làm đại diện cho một doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp của một trong những người đã ủy thác cho mình mà không có sự thỏa thuận của người này.Họ còn có cả quyền tiến hành những giao dịch thương mại phục vụ cho lợi ích riêng của mình.
Mọi đại lý thương mại, trước khi bắt đầu các hoạt động của mình phải đăng ký vào một quyển sổ riêng lưu giữ ở Phòng lục sự các Tòa án thương mại có thẩm quyền ở nơi cư trú của mình. Nếu không, họ sẽ bị truy tố theo luật hình sự

2. Nội dung, hình thức, chủ thể của đại lý thương mại

2.1. Về chủ thể

Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa phát sinh giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là bên giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là bên ủy quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là bên nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ. Bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân.
Để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý được quyền tự do lựa chọn bên thứ ba để giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ theo những quy định cụ thể trong hợp đồng đại lý. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với bên thứ ba, bên đại lý nhân danh chính mình và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng với bên thứ ba ràng buộc bên đại lý với bên thứ ba. Sau đó, bên đại lý trực tiếp thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ với bên thứ ba

2.2. Về nội dung

Nội dung của hoạt động đại lý gồm việc giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý giữa bên giao đại lý và bên đại lý và giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lý với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý.
Trong đại lý mua bán hàng hóa, bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý. Khi thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý không phải là người mua hàng của bên giao đại lý mà chỉ là người nhận hàng rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba. Chỉ khi hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba.
Khi giao kết hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa, các bên nên thỏa thuận và ghi vào trong hợp đồng các điều khoản sau:
– Hàng hóa hoặc dịch vụ đại lý;

– Hình thức đại lý: 

+ Đại lý bao tiêu : Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Trong hình thức đại lý này, bên giao đại lý ấn định giá giao đại lý, bên đại lý quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, do đó, thù lao mà bên đại lý được hưởng là mức chênh lệch giá giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá mua, giá bán do bên giao đại lý quy địnhvề 

+ Đại lý độc quyền: Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.

+ Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ: Đây là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.Các hình thức đại lý khác như: đại lý hoa hồng, đại lý bảo đảm thanh toán,… 

– Thù lao đại lý: Luật thương mại 2005 quy định như sau

Điều 171. Thù lao đại lý

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.

2. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.

3. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.

4. Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:

a) Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;

b) Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;

c) Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.

– Thời hạn của hợp đồng: 

Thời hạn đại lý được quy định tại Điều 177 LTM như sau:

+ Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

+ Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định nêu trên thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó. Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

+Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

–  Quyền và nghĩa vụ của các bên: Luật thương mại 2005 quy đinh về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào hoạt động này như sau

Điều 172. Quyền của bên giao đại lý

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các quyền sau đây:

1. ấn định giá mua, giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ đại lý cho khách hàng;

2. Ấn định giá giao đại lý;

3. Yêu cầu bên đại lý thực hiện biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật;

4. Yêu cầu bên đại lý thanh toán tiền hoặc giao hàng theo hợp đồng đại lý;

5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý.

Điều 173. Nghĩa vụ của bên giao đại lý

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên giao đại lý có các nghĩa vụ sau đây:

1. Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý;

2. Chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ;

3. Trả thù lao và các chi phí hợp lý khác cho bên đại lý;

4. Hoàn trả cho bên đại lý tài sản của bên đại lý dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;

5. Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên đại lý, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.

Điều 174. Quyền của bên đại lý

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên đại lý có các quyền sau đây:

1. Giao kết hợp đồng đại lý với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 175 của Luật này;

2. Yêu cầu bên giao đại lý giao hàng hoặc tiền theo hợp đồng đại lý; nhận lại tài sản dùng để bảo đảm (nếu có) khi kết thúc hợp đồng đại lý;

3. Yêu cầu bên giao đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện khác có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;

4. Quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng đối với đại lý bao tiêu;

5. Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.

Điều 175. Nghĩa vụ của bên đại lý

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại lý có các nghĩa vụ sau đây:

1. Mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ do bên giao đại lý ấn định;

2. Thực hiện đúng các thỏa thuận về giao nhận tiền, hàng với bên giao đại lý;

3. Thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;

4. Thanh toán cho bên giao đại lý tiền bán hàng đối với đại lý bán; giao hàng mua đối với đại lý mua; tiền cung ứng dịch vụ đối với đại lý cung ứng dịch vụ;

5. Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường hợp có lỗi do mình gây ra;

6. Chịu sự kiểm tra, giám sát của bên giao đại lý và báo cáo tình hình hoạt động đại lý với bên giao đại lý;

7. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.

Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận và ghi vào hợp đồng những nội dung khác như biện pháp bảo đảm hợp đồng, chế độ bảo hành đối với hàng hóa đại lý, nghĩa vụ thanh toán các chi phí liên quan đến hoạt động đại lý, hỗ trợ kĩ thuật, cơ sở vật chất cho đại lý tổ chức quảng cáo và tiếp thị, chế độ thưởng phạt vật chất, bồi thường thiệt hại

2.3. Về hình thức của hợp đồng

Quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa thương nhận giao đại lý và thương nhân làm đại lý. Hợp đồng đại lý phải được giao kết bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

2.4. Về đối tượng

Hợp đồng đại lý thương mại cũng là một hợp đồng dịch vụ nên đối tượng của hợp đồng đại lý là công việc mua bán hàng hóa hoặc công việc cung ứng dịch vụ của bên đại lý cho bên giao đại lý

Trân trọng cảm ơn !

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật LVN Group