Luật sư tư vấn:
1. Quy định về hóa đơn điện tử
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 51.
Theo đó, nổi bật là các quy định sau:
– Bán hàng dưới 200.000 đồng mỗi lần cũng phải lập hóa đơn
Đây là điểm khác biệt của hóa đơn điện tử so với hóa đơn giấy; cụ thể:
Khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn giấy, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn và trừ trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử.
– Nhiều đối tượng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử; đơn cử như:
+ Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP .
+ Doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
+ Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng…
2. Điều kiện thi lấy chứng chỉ kế toán viên
Thông tư 91/2017/TT-BTC (sau đây gọi gọn là Thông tư 91) quy định về việc thi, cấp, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên và chứng chỉ kế toán viên bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ 15/10/2017.
Theo đó, phần điều kiện dự thi lấy chứng chỉ đã rút ngắn yêu cầu thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu xuống còn 36 tháng (quy định tại Thông tư 129/2012/TT-BTC là 60 tháng).
Ngoài ra, Thông tư 91 cũng đưa ra ví dụ rõ hơn về trường hợp bảo lưu kết quả thi:
Ví dụ: Một người bắt đầu dự thi năm 2017 thì điểm các môn thi đạt yêu cầu của năm 2017 sẽ được bảo lưu trong các năm 2018, 2019.
Đến năm 2019, nếu người dự thi vẫn chưa đạt yêu cầu thi thì khi dự thi vào năm 2020 kết quả thi được tính để xét đạt yêu cầu thi sẽ là kết quả thi của các năm 2018, 2019, 2020; tương tự như vậy cho các năm từ 2021 trở đi.
3. Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp thay thế quy định cũ tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006.
Theo đó, Thông tư 107 hướng dẫn cụ thể về chứng từ, tài khoản, sổ kế toán; báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính.
Ngoài ra, ban hành kèm theo Thông tư là:
– Danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc;
– Danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán;
– Danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán;
– Danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị tại Điều 2 của Thông tư này.
Thông tư 107/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/11/2017 và chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2018.
4. Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 01/01/2018
Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 01/01/2018 như sau:
– Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP )
– Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng)
– Vùng III: 3.090.000 đồng/ tháng (tăng 190.000 đồng)
– Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).
5. Thêm nhiều khoản thu nhập tính đóng BHXH
Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì:
– Hiện nay: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = Mức lương + Phụ cấp lương
– Từ ngày 01/01/2018: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung
Lưu ý: Khoản bổ sung (phần thu nhập tính đóng BHXH mới) phải xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kì trả lương.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật thuế tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.