>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Những rủi ro có thể?

Tạp chí Ngân hàng số 21 tháng 11-2008 có đăng bài “Nhận cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành phải chăng rất an toàn” của tác giả Đỗ Thế Mãi. Tác giả đã đưa ra hai tình huống rủi ro trong trường hợp ngân hàng cho vay và nhận tài sản bảo đảm là thẻ tiết kiệm do chính ngân hàng mình phát hành, đó là: Rủi ro về thứ tự ưu tiên thanh toán và Rủi ro về hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Đối với loại Rủi ro về thứ tự ưu tiên thanh toán,tác giả cho rằng: “Ngân hàng nhận cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm do chính mình phát hành có thể không thu được đồng nào từ việc xử lý sổ tiết kiệm khi phải xử lý sổ tiết kiệm của khách hàng để thu nợ do không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm”.

Đối với loại Rủi ro về hợp đồng thế chấp vô hiệu, tác giả cho rằng: “Do nhận thức việc cầm cố/thế chấp sổ tiết kiệm là không có rủi ro, vì vậy một số ngân hàng ký kết một hợp đồng thế chấp sổ tiết kiệm để đảm bảo chung cho nhiều hợp đồng tín dụng khác nhau đã không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng thế chấp nói trên. Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật giao dịch bảo đảm hiện hành, hợp đồng thế chấp trên đã bị vô hiệu. Dù hậu quả là như thế nào, ngân hàng có thu được nợ hay không thì việc ký một hợp đồng thế chấp mà hợp đồng đó lại vô hiệu là điều không ai muốn, và tất nhiên, lúc này rủi ro vẫn thuộc về ngân hàng”.

Ý kiến trên đã gây ra sự hoài nghi, lo lắng cho các ngân hàng. Liệu từ trước đến nay, tất cả các ngân hàng đều làm sai pháp luật và các hợp đồng bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm sẽ bị vô hiệu?

Những rủi ro không có thật

Theo tôi, hoàn toàn không có hậu quả vô hiệu và rủi ro về bảo đảm tiền vay trong trường hợp nhận bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm nói trên.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm, thì cầm cố là việc chuyển giao tài sản, còn thế chấp thì không có việc chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Tuy nhiên, đối với một số tài sản cụ thể, thì pháp luật lại quy định rõ là chỉ có thế chấp hoặc cầm cố, chứ không hoàn toàn dựa theo yếu tố chuyển giao hay không. Ví dụ một số loại tài sản chỉ thế chấp, như: Quyền sử dụng đất (Luật Đất đai năm 2003), nhà ở (Luật Nhà ở năm 2005), tàu cá (Luật Thuỷ sản năm 2003), tàu biển (Bộ luật Hàng hải năm 2005). Và một số tài sản khác, thì lại chỉ có cầm cố, như: Các công cụ chuyển nhượng là séc, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ (Luật các Công cụ chuyển nhượng năm 2005); chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá (Quy chế Phát hành giấy tờ có giá trong nước của TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24-3-2008 của Thống đốc NHNN) và thẻ tiết kiệm.

Việc nhận bảo đảm tiền vay bằng thẻ tiết kiệm, chỉ có thể là biện pháp cầm cố chứ không phải là thế chấp theo quy định của pháp luật. Tại Điều 21 về “Sử dụng thẻ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm tiền vay”, Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25-9-2006) của Thống đốc NHNN chỉ quy định về việc cầm cố, mà không nói về thế chấp thẻ tiết kiệm. Tại Điều 19 về “Quyền của bên nhận cầm cố trong trường hợp nhận cầm cố vận đơn, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá”, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm đã đưa thẻ tiết kiệm vào nhóm biện pháp bảo đảm là cầm cố tài sản.

Theo các quy định trên, thì pháp luật đã mặc nhiên xác định thẻ tiết kiệm được xếp vào nhóm giấy tờ có giá, chỉ sử dụng để cầm cố mà không sử dụng khái niệm thế chấp để bảo đảm các nghĩa vụ dân sự. Nếu thẻ tiết kiệm cũng được thế chấp, thì Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN nói trên đã phải ghi thêm chữ “thế chấp” và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP nói trên đã không ghi nhận thẻ tiết kiệm vào Mục “Cầm cố tài sản”. Biện pháp thế chấp cũng không bảo đảm chắc chắn bằng cầm cố và trong trường hợp tài sản là thẻ tiết kiệm, nếu “thế chấp”, thì phải làm thủ tục phức tạp hơn, kém hiệu quả hơn cầm cố. Nếu như được áp dụng cả cầm cố và thế chấp, thì lựa chọn đầu tiên của các ngân hàng cũng sẽ là cầm cố. Do vậy, nếu như ngân hàng nào có sử dụng nhầm thuật ngữ “thế chấp” thẻ tiết kiệm thì vẫn sẽ được hiểu về bản chất pháp lý là “cầm cố”, cũng tương tự như việc đối với bất động sản, thì chỉ có khái niệm pháp lý “thế chấp”, chứ không có “cầm cố” bất động sản.

Do việc nhận bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm chỉ là biện pháp cầm cố, cho nên không bắt buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10-3-2000 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này cũng hoàn toàn  không cần thiết phảiđặt ra yêu cầu tự nguyện đăng ký giao dịch bảo đảm, vì không giải quyết được vấn đề gì về pháp lý cũng như thực tế. Ngân hàng nhận cầm cố thẻ tiết kiệm chỉ cần tự mình phong toả hoặc “yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm phong toả tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bên cầm cố” theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Hợp đồng cầm cố này sẽ có hiệu lực từ thời điểm phong toả, mà hoàn toàn không phụ thuộc vào việc có hay không đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngân hàng nhận cầm cố sau (nếu có) buộc phải “đăng ký” với ngân hàng nhận tiền gửi tiết kiệm (nhận cầm cố trước), chứ không thể dành quyền ưu tiên thanh toán trước từ việc đăng ký “thế chấp” (nếu có).

Như vậy, cả hai loại rủi ro mà tác giả bài viết trên đưa ra là hoàn toàn không có căn cứ, không cần phải đối phó, vì là điều không xảy ra. Nếu có rủi ro trong việc cầm cố thẻ tiết kiệm nói chung hay cầm cố thẻ tiết kiệm do chính ngân hàng mình phát hành, thì là những loại rủi ro khác.

Những rủi ro tiềm tàng

Dù bảo đảm bằng cầm cố thẻ tiết kiệm là một trong những biện pháp an toàn nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra nhiều sự rủi ro bất trắc như sau:

– Tiền gửi tiết kiệm cùa pháp nhân hoặc tổ chức khác giao cho cá nhân đứng tên (như cá nhân cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền quỹ công đoàn);

– Tiền gửi tiết kiệm của người này, nhưng lại do người khác đứng tên hộ (như con cái cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền do bố mẹ nhờ gửi hộ);

– Tiền gửi tiết kiệm thuộc sở hữu chung của vợ chồng (như chỉ một người vợ hoặc chồng cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền lương của mình);

– Tiền gửi tiết kiệm thuộc sở hữu chung của nhiều người (như một người cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền của một nhóm bạn góp vào);

– Tiền gửi tiết kiệm không có toàn bộ hay một phần (như cầm cố thẻ tiết kiệm giả);

– Tiền gửi tiết kiệm là tài sản do phạm tội mà có (như cầm cố thẻ tiết kiệm là tiền tham ô);

– Tiền gửi tiết kiệm bị rút ra trong khi đang được cầm cố (như cầm cố nhưng không hoàn tất thủ tục phong toả);

– Tiền gửi tiết kiệm không rút ra được (như cầm cố thẻ tiết kiệm của ngân hàng bị phá sản);

– …..

Những tình trạng trên xảy ra một cách tương đối phổ biến. Tuy nhiên, trên thực tế, hậu quả rủi ro cuối cùng chỉ xảy ra rất ít và được các bên liên quan dễ dàng chấp nhận để xử lý ổn thoả. Do đó, việc nhận cầm cố thẻ tiết kiệm luôn là một trong những biện pháp bảo đảm tiền vay an toàn nhất. Nếu các ngân hàng chủ động xem xét khắc phục những khả năng nói trên thì sẽ giảm thiểu rủi ro hơn nữa.

Và mức độ rủi ro theo cơ sở pháp lý

Tại Công văn số 1132/NHNN-CSTT ngày 18-10-2002 của NHNN về cho vay có cầm cố bằng giấy tờ có giá đã hướng dẫn các ngân hàng xác định khả năng tài chính để trả nợ vay của Khách hàng bằng chính giá trị thực tế của giấy tờ có giá. Cũng theo Công văn này, thì các ngân hàng chỉ cn yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về phương án, dự án và mục đích vay vốn để ghi vào hồ sơ vay vốn, chứ không nhất thiết phải thẩm định như đối với các trường hợp cho vay thông thường khác.

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của NHNN cũng đã xác định việc cầm cố thẻ tiết kiệm được xếp loại rủi ro bằng không. Cụ thể, tại điểm g, khoản 1, Điều 6, Quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19-4-2005 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 03/2007/QĐ-NHNN ngày 19-01-2007) của Thống đốc NHNN đã quy định: Các khoản phải đòi bằng đồng Việt Nam được bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm thuộc nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro là 0% (trong khi bảo đảm bằng bất động sản là 50%).

Và khoản 4, Điều 8, Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22-4-2005 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25-4-2007) của Thống đốc NHNN đã quy định: Tỷ lệ khấu trừ tối đa để tính dự phòng cụ thể đối với các khoản nợ có tài sản bảo đảm là thẻ tiết kiệm có thể lên đến 100% (trong khi bất động sản tối đa là 50%).

Như vậy, về cả pháp lý cũng như thực tế, việc bảo đảm tiền vay bằng cầm cố thẻ tiết kiệm có xác xuất rủi ro là rất thấp, nên hoàn toàn không đáng lo ngại. Đồng thời cũng hoàn toàn không xảy ra các loại rủi ro như đối với biện pháp thế chấp các tài sản khác.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG – LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————- 

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.