1. Giai đoạn tham vấn

Mục tiêu ưu tiên của DSU là các thành viên liên quan giải quyết tranh chấp với nhau theo cách thức phù hợp với các hiệp định của WTO (Điều 3.7 của DSU). Do vậy, tham vấn song phương giữa các bên là giai đoạn giải quyết tranh chấp chính thức đầu tiên (Điều 4 của DSU). Các cuộc tham vấn song phương tạo cho các bên một cơ hội để thảo luận vấn đề và tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho các bên mà không phải tranh tụng (Điều 4.5 của DSU).

Chỉ sau khi các cuộc tham vấn bắt buộc đó không đem lại được một giải pháp thỏa đáng cho các bên trong vòng 60 ngày thì bên khiếu kiện có thể đề nghị được xét xử thông qua Ban Hội thẩm (Điều 4.7 của DSU). Ngay cả khi các cuộc tham vấn thất bại, các bên vẫn luôn có khả năng, cơ hội tìm ra được một hình thức hòa giải với nhau ở bất kỳ bước nào trong quá trình giải quyết tranh chấp sau đó.

Đến nay, đa số các tranh chấp trong WTO vẫn chưa đi quá các cuộc tham vấn, một phần vì các bên tìm được giải pháp hòa giải thỏa đáng, hoặc vì bên khiếu kiện quyết định không theo đuổi vấn đề xa hơn nữa vì các lý do khác.

Đề nghị tham vấn chính là việc chính thức đưa một tranh chấp ra WTO và khởi động quá trình áp dụng các quy định giải quyết tranh chấp. Thành viên khiếu kiện đưa ra đề nghị tham vấn với thành viên bị kiện nhưng cũng phải thông báo đề nghị này tới Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB), các Hội đồng và Ủy ban giám sát Hiệp định liên quan (Điều 4.4 của DSU). Cũng theo Điều này, một đề nghị tham vấn phải được đệ trình bằng văn bản và phải đưa ra các lý do đề nghị, xác định các vấn đề gây tranh cãi và chỉ ra các cơ sở pháp lý của bên khiếu kiện.

Trừ trường hợp có các thỏa thuận khác, bên bị khiếu kiện phải trả lời đề nghị tham vấn trong vòng 10 ngày và phải bước vào tham vấn với thiện chí trong khoảng thời gian không quá 30 ngày sau ngày nhận được đề nghị tham vấn. Nếu bên bị khiếu kiện không đáp ứng thời hạn trên, bên khiếu kiện ngay lập tức có thể tiến hành các bước để có thể xét xử giải quyết tranh chấp và đề nghị thành lập một Ban Hội thẩm (Điều 4.3 của DSU).

Ngay cả trong trường hợp bên khiếu kiện cam kết tham vấn thì bên khiếu kiện vẫn có thể tiến hành đề nghị thành lập một Ban Hội thẩm trong khoảng thời gian sớm nhất là 60 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tham vấn, với điều kiện là vẫn chưa tìm được một giải pháp thỏa đáng nào trong quá trình tham vấn.

Tuy nhiên, bước tham vấn có thể kết thúc sớm hơn nếu các bên cũng cân nhắc thấy rằng các cuộc tham vấn không giải quyết được tranh chấp (Điều 4.7 của DSU). Trong thực tế, các tranh chấp thường cho phép họ có một khoảng thời gian đáng kể dài hơn mức tối thiểu là 60 ngày.

Trong trường hợp khẩn cấp bao gồm các vấn đề liên quan tới hàng hóa dễ hư hỏng, các thành viên phải bước vào tham vấn trong khoảng thời gian không quá 10 ngày sau ngày nhận được đề nghị tham vấn. Nếu các cuộc tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong khoảng thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị thì bên khiếu kiện có thể đề nghị thành lập một Ban Hội thẩm (Điều 4.8 của DSU).

Một thành viên của WTO không phải là bên khiếu kiện, không phải là bên bị khiếu kiện có thể quan tâm đến vấn đề mà các bên tranh chấp đang thảo luận trong các cuộc tham vấn của họ. Trong trường hợp đó, thành viên nói trên được coi là bên thứ ba trong các cuộc tham vấn. Thành viên đó có thể đề nghị tham gia các cuộc tham vấn nếu thấy lợi ích của họ bị tác động bởi các cuộc tham vấn này.

2. Giai đoạn Hội thẩm

Nếu các cuộc tham vấn không giải quyết được tranh chấp thì bên khiếu kiện có thể đề nghị thành lập một Ban Hội thẩm để xét xử tranh chấp. Nội dung của đề nghị thành lập Ban Hội thẩm là rất quan trọng, vì theo Điều 7.1 của DSU, đề nghị đó xác định các điều khoản tham chiếu chuẩn cho việc xem xét tranh chấp của Ban Hội thẩm.

Do đó, điều quan trọng là phải soạn thảo đề nghị thành lập Ban Hội thẩm đủ tính chính xác để tránh làm cho bên bị khiếu kiện phản đối ngay từ đầu chống lại khiếu kiện hoặc khiến cho Ban Hội thẩm từ chối xem xét đối với một vài khía cạnh của đơn kiện.

Ngay cả sau khi Ban Hội thẩm đã được DSB thành lập thì việc xác định thành phần của Ban Hội thẩm là cần thiết vì WTO không có Ban Hội thẩm thường trực cũng như không có các Hội thẩm viên thường trực mà thành phần các Ban Hội thẩm được xác định tuỳ tính chất từng vụ việc (Điều 8 của DSU).

Ban Hội thẩm có thể gồm ba hoặc năm thành viên tuỳ từng trường hợp cụ thể. Các ứng cử viên Hội thẩm phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định về chuyên môn và tính độc lập (các điều 8.1 và 8.2 của DSU). Khi Ban Thư ký WTO đề xuất bổ nhiệm các cá nhân có năng lực làm thành viên của Ban Hội thẩm, các bên không được phản đối sự bổ nhiệm này trừ khi có các lý do bắt buộc (Điều 8.6 của DSU).

Các Hội thẩm viên làm việc độc lập với tư cách của cá nhân họ mà không phải là đại diện chính phủ hay tổ chức nơi họ làm việc.

Các thành viên WTO bị cấm không được đưa ra các chỉ đạo cho Hội thẩm viên hoặc làm tác động tới họ liên quan đến tranh chấp đang giải quyết.

Trong trường hợp có nhiều bên khiếu kiện, tức là có hơn một thành viên đề nghị thành lập Ban Hội thẩm liên quan tới cùng một vấn đề, Điều 9.1 của DSU sẽ được áp dụng, theo đó yêu cầu DSB nếu khả thi thì chỉ thiết lập một Ban Hội thẩm để xem xét các khiếu kiện có tính tới quyền của tất cả các thành viên.

Một khi được thành lập và xác định thành phần, Ban Hội thẩm bây giờ tồn tại như một thiết chế tập thể và bắt đầu làm việc, mà trước tiên là đệ trình tài liệu liên quan và xét xử miệng. Sau đó Ban Hội thẩm nghị án và chuẩn bị báo cáo của Ban Hội thẩm.

3. Thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm

Báo cáo của Ban hội thẩm chỉ có hiệu lực ràng buộc khi đã được DSB thông qua. Tuy nhiên, nếu một bên nào đó có kháng cáo thì việc thông qua chưa được thực hiện, vì còn chờ sự xem xét của Cơ quan Phúc thẩm.

Để được thông qua tại cuộc họp DSB, báo cáo của Ban Hội thẩm (mà không bị kháng cáo) phải được đưa vào trong chương trình nghị sự của cuộc họp DSB.

Trong trường hợp một trong hai bên (bên khiếu kiện và bên bị khiếu kiện) có kháng cáo, vụ việc sẽ được xem xét lại ở cấp phúc thẩm, với những trình tự và thủ tục riêng cho giai đoạn này. Tuy nhiên, thủ tục xét xử phúc thẩm nhìn chung phải hoàn tất trong vòng 60 ngày và trong mọi trường hợp không được vượt quá 90 ngày kể từ ngày nộp thông báo kháng cáo.

Sau khi DSB thông qua các báo cáo về việc xét xử vụ kiện, trong vòng 30 ngày, bên thua kiện phải thông báo cho DSB về dự định thực hiện các khuyến nghị và phán quyết của DSB.

4. Trình tự phúc thẩm

Các bên tranh chấp có thể kháng cáo các vấn đề pháp lý trong Báo cáo của Ban hội thẩm (yêu cầu phúc thẩm) trên cơ sở yêu cầu chính thức bằng văn bản. Khi có yêu cầu này thủ tục phúc thẩm sẽ được bắt đầu.

Trong quá trình làm việc của SAB, các Bên tranh chấp và các Bên thứ ba có quyền đệ trình ý kiến bằng văn bản hoặc trình bày miệng tại phiên họp của cơ quan này. Hoạt động của SAB được giữ bí mật. Việc xem xét và đưa ra Báo cáo phải được thực hiện với sự tham gia của các Bên tranh chấp. Cơ quan Phúc thẩm ra Báo cáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kháng cáo (trường hợp có yêu cầu gia hạn thì có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa nhưng phải thông báo lý do cho DSB biết). Báo cáo này có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc loại bỏ các vấn đề và kết luận pháp lý của Ban hội thẩm. Các Bên không có quyền phản đối Báo cáo này. DSB thông qua Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm trong thời hạn 30 ngày kể từ khi Báo cáo của SAB được chuyển đến tất cả các thành viên trừ khi DSB đồng thuận phủ quyết.

5. Những ưu điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO như đã trình bày ở trên có một số ưu điểm lớn so với các phương thức giải quyết tranh chấp trong Luật quốc tế và có nhiều điểm tiến bộ hơn trong tương quan với thủ tục giải quyết tranh chấp trong GATT, tiền thân của WTO.

Thứ nhất, việc giải quyết được tiến hành thận trọng, qua hai bước bởi các cơ quan trung lập (Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm), đảm bảo giải quyết một cách chính xác các tranh chấp. Đây là lần đầu tiên trong một cơ chế tài phán giải quyết tranh chấp quốc tế xuất hiện một Cơ quan Phúc thẩm với các cơ hội xem xét lại quyết định ban đầu, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia tranh chấp.

Thứ hai, cơ chế này được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ với các thời hạn, ngắn, xác định. Điều này cho phép các tranh chấp được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo ý nghĩa của các biện pháp giải quyết đưa ra đối với các bên, đặc biệt là bên thắng cuộc (bởi một cơ hội thương mại có thể không còn ý nghĩa nếu biện pháp giải quyết đưa ra quá muộn màng).

Thứ ba, cơ chế thông qua tự động (đồng thuận phủ quyết) của DSB cho phép các báo cáo được thông qua dễ dàng. Cơ chế này thật sự có ý nghĩa trong các trường hợp bên bị xem là có biện pháp vi phạm qui định là nước có tiềm lực kinh tế mạnh bởi áp lực mà các nước này có thể tạo ra trong quá trình thông qua quyết định sẽ không còn lớn như trước đây.

Thứ tư, cơ chế này cho phép đưa ra giải pháp cuối cùng cho tranh chấp, bảo đảm quyền lợi của Bên bị vi phạm, tránh những bế tắc không thể vượt qua trong những phương thức giải quyết ngoại giao (ví dụ: tham vấn trong HĐTM).

Thứ năm, DSU có nhiều qui định về thủ tục dành riêng cho các nước đang phát triển hoặc kém phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho các nước này khi tham gia thủ tục giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình.

6. Những nhược điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO

Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng từ năm 1995 đến nay, cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO cũng đã bộc lộ một số nhược điểm nhất định, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, như:

Thứ nhất, phương thức đồng thuận phủ quyết (hay đồng thuận tiêu cực) đồng nghĩa với việc hầu như các báo cáo (của Ban hội thẩm hoặc của Cơ quan 17 Phúc thẩm) đều được thông qua tại DSB. Điều này dẫn đến tình trạng các báo cáo khuyến nghị được thông qua dễ dàng hơn nhiều nhưng khả năng thực thi thì lại giảm sút.

Thứ hai, về nguyên tắc, nếu bên vi phạm không tự nguyện thực hiện các khuyến nghị của DSB thì bên kia có thể yêu cầu DSB cho phép thực hiện các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, biện pháp trả đũa có thể không có ý nghĩa hoặc ít có hiệu quả nếu nước trả đũa là nước đang phát triển.

Thứ ba, nhiều qui định được xem là “ưu tiên” cho các nước đang phát triển trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có ý nghĩa rất mờ nhạt trên thực tế: có qui định chỉ mang tính tuyên bố hơn là qui định thực tế (ví dụ qui định về nghĩa vụ của các Bên tranh chấp “đặc biệt lưu ý” đến quyền lợi của các nước đang phát triển: nội hàm của khái niệm “đặc biệt lưu ý” không được qui định rõ cũng không được xác định rõ trong các báo cáo của các ban hội thẩm hay của cơ quan phúc thẩm); có qui định trên thực tế rất ít hiệu quả (ví dụ trách nhiệm trợ giúp pháp lý của Ban Thư ký WTO trên thực tế do một số ít cá nhân thực hiện, không thể đáp ứng đủ nhu cầu to lớn về trợ giúp pháp lý của các nước đang phát triển là thành viên WTO).

Thứ tư, cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO có xu hướng thiên về các yếu tố kỹ thuật, pháp lý đòi hỏi các bên tham gia phải có một đội ngũ chuyên gia kinh tế, pháp lý giàu kinh nghiệm. Đối với các nước đang phát triển, đây thực sự là một thách thức không nhỏ. Kinh nghiệm cho thấy các nước đang phát triển khi tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO đều phải thuê các Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn pháp lý và chuyên môn của nước ngoài với những mức chi phí mà không phải nước nào cũng chấp nhận được.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)