1. Góp vốn bằng công nghệ là gì?

– Góp vốn bằng công nghệ chính là việc thành viên/cổ đông sáng lập sử dụng giá trị quyền chuyển giao công nghệ mà thành viên/cổ đông đang sử dụng công nghệ để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp. Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm: Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ; Quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba. Sau khi góp vốn bằng giá trị quyền chuyển giao công nghệ thì thành viên/cổ đông sáng lập đó không còn là chủ sử dụng đối với loại tài sản này. Giá trị quyền sử dụng công nghệ thuộc về doanh nghiệp nơi mà thành viên/cổ đông đó đã đăng ký góp vốn vào.

– Xét về mặt pháp lý, góp vốn là hành vi pháp lý mà theo đó người góp vốn chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người kinh doanh để đổi lại những lợi ích từ việc góp vốn. Thực tế, việc góp vốn là việc nhiều người cùng góp nguồn lực của mình để tạo nên một nguồn lực chung lớn hơn nhằm thực hiện ý tưởng kinh doanh mang lại mục đích sau cùng là lợi nhuận. Góp vốn là vấn đề then chốt trong hoạt động kinh doanh.

2. Tài sản góp vốn bằng công nghệ

– Về tài sản góp vốn bằng công nghệ, theo Điều 35 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

– Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

– Theo Điều 8, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, tổ chức, cá nhân có quyền chuyển giao công nghệ được quyền góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư; trường hợp dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước thì công nghệ đưa vào góp vốn phải được thẩm định giá theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp.

3. Trường hợp định giá tài sản góp vốn công nghệ không có sử dụng ngân sách nhà nước

Trường hợp định giá tài sản góp vốn công nghệ không có sử dụng ngân sách nhà nước và không là đối tượng sở hữu trí tuệ được quy định như sau:

Theo Khoản 1 Khoản 2 Điều 36 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“Điều 36. Định giá tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.”

Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 07/01/2014 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Thẩm định giá tài sản vô hình, trong đó có tài sản là công nghệ, bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập. Mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp thẩm định giá khác nhau.

– Cách tiếp cận từ thị trường

Nội dung của cách tiếp cận từ thị trường: Giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Lựa chọn và phân tích chi tiết đặc điểm, tính tương đồng của tài sản vô hình so sánh với tài sản vô hình cần thẩm định giá, cụ thể: Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình; Các điều khoản về tài chính liên quan đến việc mua bán, hoặc chuyển giao quyền sử dụng; Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được sử dụng; Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng tài sản vô hình; Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình; Các đặc điểm khác của tài sản vô hình.

– Cách tiếp cần từ chi phí:

Nội dung của cách tiếp cận từ chi phí: Cách tiếp cận từ chi phí ước tính giá trị tài sản vô hình căn cứ vào chi phí tái tạo ra tài sản vô hình giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản vô hình tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

– Cách tiếp cận từ thu nhập:

Nội dung cách tiếp cận từ thu nhập: Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm ba phương pháp chính là: phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm.

4. Trường hợp công nghệ đưa vào góp vốn có sử dụng ngân sách nhà nước

Phương pháp xác định giá trị tài sản theo một trong 4 phương pháp quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BTC ngày 20/02/2019 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Trường hợp áp dụng từ 2 phương pháp trở lên, đề nghị cần đánh giá và chỉ rõ phương pháp nào là phương pháp chính, phương pháp nào được sử dụng để kiểm tra, đối chiếu, từ đó phân tích, tính toán để đi đến kết luận cuối cùng về giá trị tài sản.

– Phương pháp xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Việc xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo công thức sau:

Giá trị của tài sản = Kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ + Lợi nhuận (Dự kiến) + Thuế TTĐB (nếu có) + Thuế GTGT, thuế khác (nếu có)

Trong đó:

+ Kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện trong thời gian dài, cần điều chỉnh giá trị của kinh phí đầu tư về thời điểm xác định giá trị;

+ Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế khác (nếu có) được xác định theo quy định pháp luật thuế hiện hành;

+ Lợi nhuận dự kiến theo quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin thu thập được của các tài sản là nhiệm vụ khoa học và công nghệ tương tự đã được chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng trên thị trường tại thời điểm xác định giá trị.

– Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ chi phí

Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ chi phí được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và theo chi phí tái tạo, chi phí thay thế của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định theo kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ.

Xác định giá trị hao mòn của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ gồm:

+ Hao mòn do lỗi thời chức năng, công nghệ: Trong trường hợp lỗi thời về chức năng, công nghệ có thể khắc phục được thì giá trị hao mòn do lỗi thời về chức năng, công nghệ được xác định trên cơ sở chi phí để khắc phục sự lỗi thời về chức năng, công nghệ của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ví dụ: chi phí cải tiến sáng chế, chi phí thay đổi kiểu dáng công nghiệp. Trong trường hợp lỗi thời về chức năng, công nghệ không thể khắc phục được thì giá trị hao mòn do lỗi thời về chức năng, công nghệ được xác định trên cơ sở tổn thất về giá trị tài sản do lỗi thời về chức năng, công nghệ;

+ Hao mòn do lỗi thời về kinh tế: được xác định trên cơ sở mức giảm giá trị tài sản do chịu sự tác động trực tiếp của môi trường bên ngoài, tình hình thị trường so với thời điểm tạo ra tài sản, ví dụ: tỷ lệ lạm phát tăng làm giá trị thực tế của kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ giảm xuống; quy định của Chính phủ hạn chế sử dụng một sản phẩm tương tự với tài sản là kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ làm giảm cung sản phẩm dẫn tới giảm giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; khả năng thanh toán của xã hội suy giảm làm giảm cầu đối với sản phẩm tương tự với tài sản là kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ dẫn tới giảm giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

– Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thị trường

Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thị trường được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và giá thị trường của tài sản so sánh có thể là các mức giá sau đây: Tiền chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được lưu giữ tại cơ quan quản lý nhà nước hoặc được công bố trên thị trường; Giá chào bán, chào mua trên thị trường; Giá niêm yết trên sàn giao dịch; Giá chào thầu, đấu giá; Giá góp vốn liên doanh, liên kết, thế chấp; Giá mua thực tế trên thị trường; Giá tài sản so sánh trong các hình thức giao dịch khác trên thị trường.

– Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thu nhập

Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thu nhập được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và theo 3 phương pháp chính sau.

Phương pháp tiền sử dụng.

+ Tiền sử dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định bằng số tiền sử dụng thực tế được ghi nhận trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng của tài sản so sánh;

+ Tiền sử dụng bao gồm: Tiền sử dụng trả trước, tiền sử dụng kỳ vụ (có thể xác định trên cơ sở suất tiền sử dụng theo doanh thu, lợi nhuận, đơn vị sản phẩm); thuế phát sinh từ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng; chi phí quảng cáo, chào bán và các chi phí khác phát sinh đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng.

Phương pháp lợi nhuận vượt trội: Lợi nhuận vượt trội được xác định trên cơ sở chênh lệch lợi nhuận giữa việc sử dụng và không sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Phương pháp thu nhập tăng thêm: Thu nhập tăng thêm được xác định trên cơ sở giá trị chênh lệch giữa tổng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp và tổng lợi nhuận thu được do sử dụng các tài sản hữu hình, tài sản vô hình, tài sản tài chính khác không phải là tài sản cần xác định giá.

5. Trường hợp đối tượng công nghệ đưa vào góp vốn được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.

– Trường hợp này, về cơ bản sẽ có 3 cách tiếp cận để định giá đối tượng sở hữ trí tuệ chủ yếu là theo cách tiếp cận từ chi phí, theo cách tiếp cận từ thị trường và theo cách tiếp cận từ thu nhập. Tuy nhiên, trong trường hợp định giá phục vụ việc sử dụng, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là tài sản trí tuệ, việc định giá nên dựa trên các căn cứ sau.

– Lợi thế thị trường mà công nghệ là tài sản trí tuệ mang lại cho bên nhận chuyển giao. Ví dụ: Sự phù hợp và cần thiết của tài sản trí tuệ đối với nhu cầu của bên nhận chuyển giao; Chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn, mức độ rủi ro dự kiến mà bên nhận chuyển giao phải chịu trong nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, ứng dụng, thương mại hóa tài sản trí tuệ; Điều kiện cần thiết để khai thác, ứng dụng hiệu tài sản trí tuệ đó; Khả năng xảy ra tranh chấp, tố tụng và chi phí dự kiến để giải quyết khi xảy ra tranh chấp, tố tụng về các vấn đề liên quan đến tài sản trí tuệ.

– Quan hệ giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao tài sản trí tuệ. Ví dụ: Bên chuyển giao, bên nhận chuyển giao là độc quyền hay không độc quyền; Khả năng thanh toán của bên nhận chuyển giao tại thời điểm định giá; Năng lực của bên nhận chuyển giao trong việc sử dụng tài sản trí tuệ, ví dụ: kinh nghiệm, năng lực về nhân lực và cơ sở vật chất – kỹ thuật để khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ; Lịch sử giao dịch giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao.

– Tính chất và phạm vi của việc chuyển giao, ví dụ: Chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng; Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng tài sản trí tuệ; Quyền được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng tài sản trí tuệ cho bên thứ ba; Thời hạn sử dụng; Lĩnh vực sử dụng tài sản trí tuệ; Quyền được cải tiến, nhận thông tin cải tiến tài sản trí tuệ; Phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do tài sản trí tuệ, công nghệ được chuyển giao tạo ra; Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, bảo hành và các điều kiện, tài sản kèm theo; Đóng góp của mỗi bên đối với các hoạt động trong tạo lập, duy trì và khai thác tài sản trí tuệ, ví dụ: hoạt động đăng ký, duy trì, trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ; nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện, sản xuất thử nghiệm, sản xuất quy mô công nghiệp; tiếp thị, phân phối, thương mại hóa hàng hóa, dịch vụ tạo ra tài sản trí tuệ; Phương án thanh toán giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao tài sản trí tuệ trong việc bảo đảm chia sẻ rủi ro.