Khách hàng: Thưa Luật sư LVN Group, Luật sư cho tôi hỏi những yếu tố nào ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay ở Việt Nam.

Xin cảm ơn!

Trả lời:

 

1. Hệ thống thể chế giải quyết khiếu nại

Hệ thống thể chế giải quyết khiếu nại được hiểu là cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Hệ thống thể chế là yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính. Nếu hệ thống thể chế đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp thì việc thực hiện quy trình sẽ thông suốt, hiệu quả. Ngược lại, nếu hệ thống chồng chéo, thiếu đồng bộ, không phù hợp thì việc thực hiên quy trình sẽ vướng mắc, không thống nhất, kém hiệu quả.

Hiện nay hệ thống thể chế giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam là cấu trúc và cơ chế vận hành của cơ quan hành chính và Toà án nhân dân trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Khi phát sinh khiếu nại hành chính thì trước hết thẩm quyền giải quyết khiếu nại là của cơ quan hành chính. Nếu không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan hành chính thì người khiếu nại có quyền khỏi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân với những điều kiện nhất định.

 

2. Những bất cập của thể chế giải quyết khiếu nại hành chính

Thể chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện hành có nhiều bất cập, cụ thể:

– Số lượng vụ việc khiếu nại hành chính ngày càng gia tăng, tính chất phức tạp, cơ quan hành chính bị “quá tải”, trong khi đó Toà án có rất ít việc để xét xử do công dân không khởi kiện đến Toà án vì nhiều lý do khác nhau.

  • Hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính thấp, số lượng quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới bị cấp trên sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là đốì với quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
  • Hiệu lực xét xử các vụ án hành chính của Toà án thấp, số lượng vụ việc khởi kiện đến Toà án chiếm tỷ lệ rất nhỏ so vối số lượng vụ việc khiếu kiện hành chính phát sinh.
  • Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính mâu thuẫn, chồng chéo. Luật Khiếu nại, tố cáo quy định thủ trưởng cơ quan hành chính có quyết định hành chính bị khiếu nại là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu là hoàn toàn không hợp lý, không thể để một người vừa là người bị kiện, vừa là người xử kiện.
  • Thủ tục giải quyết khiếu nại mang nặng tính “hành chính”, khép kín, thiếu sự minh bạch làm cho người khiếu nại, người bị khiếu nại và các bên liên quan ít cơ cơ hội “tranh tụng” để tìm ra sự thật khách quan và biện pháp giải quyết phù hợp.
  • Hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết nại hành chính đã có hiệu lực pháp luật thấp, thường chậm chễ, kéo dài hoặc không được thi hành do chưa có cơ chế hữu hiệu để tổ chức thi hành.
  • Cơ quan hành chính nhà nước thiếu tính chuyên nghiệp trong giải quyết khiếu kiện hành chính, bị chi phối bởi hoạt động chấp hành và điều hành, cho nên hiệu quả giải quyết không cao.
  • Việc giải quyết khiếu kiện của Toà án nhân dân, mặc dù đã đáp ứng được phần nào tính công khai, nhưng vẫn còn nhiều những tồn tại, bất cập do thủ tục tố tụng, phương thức tổ chức và hoạt động, cũng như thẩm quyền của Tòa án như:

+ Thẩm quyền xét xử của Toà án chỉ giới hạn ở một số loại việc nhất định trong khi đó khiếu kiện hành chính diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Quyền hạn của Toà án khi xét xử các vụ án hành chính không rõ ràng, không cụ thể, dẫn đến phán quyết của Toà án có hiệu lực hạn chế.

+ Thủ tục tố tụng xét xử vụ án hành chính cơ bản giống thủ tục xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, lao động, chưa có những thủ tục đặc thù phù hợp với đặc điểm của loại án hành chính.

+ Chưa có cơ chế riêng để tổ chức thi hành các bản án hành chính của Toà án do tính chất đặc thù của chủ thể phải thi hành án là cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.

+ Hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn đã hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân, tổ chức tại Tòa án, điển hình là mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Có thể thấy, những tồn tại, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính.

 

3. Tổ chức bộ máy

Tổ chức bộ máy giải quyết khiếu nại hành chính là hệ thống cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết và tham mưu giải quyết khiếu nại hành chính. Để hình thành tổ chức bộ máy pháp luật quy định rõ, cụ thể thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của từng người, bộ phận, đơn vị, cơ quan, mối quan hệ giữa người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với người tham mưu, quan hệ giữa các bộ phận tham mưu, cơ chế phối hợp, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới… Tổ chức bộ máy giải quyết khiếu nại là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính.

Tổ chức bộ máy giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam được tổ chức theo cấp hành chính:

– Ở cấp Trung ương: Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại hành chính. Tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác giải quyết khiếu nại là Thanh tra Chính phủ, ngoài ra các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham mưu giúp Thủ tướng giải quyết những vụ việc khiếu nại thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

– Ở các Bộ, ngành: Tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưỏng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giải quyết khiếu nại là Thanh tra Bộ và một số đơn vị chức năng thuộc Bộ.

  • Ở cấp tỉnh: Tham mưu giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết khiếu nại là Thanh tra tỉnh và các sở, ngành chức năng (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, sở Tài chính..). Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ nội dung, tính chất vụ việc khiếu nại để giao Chánh Thanh tra cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc giao Chánh Thanh tra chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại.

Ở các Sở, ngành, đơn vị tham mưu cho Giám đốc Sở giải quyết là Thanh tra sở và các đơn vị phòng, ban chuyên môn.

  • Ở cấp huyện: Tham mưu giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện giải quyết khiếu nại là Thanh tra huyện và các Phòng, ban chuyên môn (như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị…). Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ nội dung, tính chất vụ việc khiếu nại để giao Chánh Thanh tra cấp huyện hoặc Thủ trưỏng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc giao Chánh Thanh tra chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh, kêt luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại.
  • Ở cấp xã: Tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại là cán bộ chuyên môn: cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp…

Mối quan hệ giữa người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cấp trên với cấp dưới là mối quan hệ thứ bậc, quan hệ kiểm tra, giám sát trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Luật Khiếu nại, tố cáo quy định cơ quan Thanh tra nhà nước có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại là phù hợp với vị trí, vai trò của cơ quan này trong tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra không thể am hiểu chuyên sâu trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước như các quan chuyên môn. Do đó, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ vào nội dung, tính chất của vụ việc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện sẽ giao cơ quan nào tham mưu, giải quyết.

Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, thì giao cơ quan thanh tra chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác tham mưu, giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn tuy có lợi thế về chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng lại không có “tính toàn cục” như cơ quan thanh tra, hơn nữa dễ có tính “bảo thủ” khi tham mưu cho thủ trưởng cơ quan hành chính giải quyết những khiếu nại mà trước đó mình đã tham mưu để ban hành quyết định hành chính.

Nghiên cứu thực trạng tổ chức bộ máy làm công tác giải quyết khiếu nại hành chính ở Việt Nam cho thấy, bộ máy tổ chức chưa chặt chẽ, thiếu tính chuyên nghiệp; mối quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan hành chính – người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với bộ phận tham mưu chưa rõ trách nhiệm, còn tình trạng thủ trưởng cơ quan hành chính “khoán trắng” cho cơ quan tham mưu từ khâu tiếp nhận đơn, đến kiểm tra, xã minh, tổ chức đối thoại, họp liên ngành… Mối quan hệ giữa các cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại thiếu chặt chẽ, thường xuyên, cơ chế phối hợp không rõ ràng. Những tồn tại nêu trên đã và đang ảnh hưỏng trực tiếp đến hiệu qảu giải quyết khiếu nại hành chính.

 

4. Đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại

Yếu tố con người có vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại trong các cuộc cách mạng xã hội và trong quản lý nhà nước. Trong thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém“.

Trong hoạt động giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước thì yếu tố cán bộ đóng vai trò then chốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả tính đúng đắn của hoạt động này. Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết khiếu nại thuộc về thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên để giải quyết khiếu nại đúng pháp luật, có hiệu quả thì thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải dựa vào đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại. Chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phụ thuộc phần lớn vào năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu. Khác với hoạt động xét xử chuyên nghiệp của Toà án, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ngoài nhiệm vụ giải quyết khiếu nại còn có nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu là chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại hiện nay đang tăng về số lượng, một bộ phận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, trước tình hình khiếu nại đang diễn ra hiện nay và yêu cầu quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước thì đội ngũ cán bộ làm công tác này còn nhiều tồn tại, bất cập:

– Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại bố trí chưa ổn định, chưa có tính chuyên nghiệp, còn kiêm nhiệm nhiều việc khác. Trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ, phần lớn đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo bài bản, hệ thống kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, quản lý nhà nước và kỹ năng giải quyết khiếu nại hành chính.

– Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ chưa cao, còn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu,..với nhân dân trong quá trình thực thi công vụ.

– Số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Việc bố trí cán bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất và yêu cầu của công việc, đội ngũ cán bộ này chủ yếu tập trung ở các cơ quan Thanh tra nhà nước. Cơ chế quản lý, sử dụng và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại chưa hợp lý, chưa có những chính sách thoả đáng để tạo động lực khuyến khích cán bộ đề cao trách nhiệm, phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Những tồn tại và bất cập nêu trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính.

 

5. Điều kiện vật chất

Điều kiện vật chất như: Tài chính, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mức độ ứng dựng công nghệ hiện đại.

Điều kiện vật chất phục vụ cho công tác giải quyết khiếu nại hành chính bao gồm các nguồn lực về vật chất như: tài chính, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mức độ ứng công nghệ hiện đại… Đây là các kiện cần thiết bảo đảm hoạt động giải quyết khiếu nại có hiệu quả. Nếu phí về vật chất cao, dù không đem lại hiệu quả về kinh tế nhưng có hiệu quả to lơn về chính trị- xã hội, tư tưởng, niềm tin của quần chúng nhân dân với chính quyền. Việc đầu tư thích đáng, phù hợp trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng những công nghệ hiện đại và việc sử dụng tối đa công năng, công suất của trang thiết bị cũng là yếu tố bảo đảm hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính.

 

Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).