>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Cộng với đầu tư vào những dự án kém hiệu quả thì có khả năng DN bị phá sản. Một DN khi đã có đầy đủ dấu hiệu của phá sản thiết nghĩ cũng nên nhanh chóng xử lý theo luật, nhằm hạn chế những tổn thất rủi ro cho các nhà đầu tư vào DN, hạn chế những tác đông xấu mang tính phản ứng dây chuyền lên toàn bộ nền kinh tế.

1. Nợ, cấu trúc vốn và vấn đề phá sản của DN

Trên thực tế sử dụng nợ không những đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh của DN mà đối với quản trị tài chính DN thì đây còn là một vấn đề mang tính “nghệ thuật” trong việc họach định cấu trúc vốn nhằm đạt tới mục tiêu tối đa hoá giá trị DN với những phân tích để hưởng lợi ích từ tấm chắn thuế. Theo lý thuyết về cấu trúc vốn của MM, một DN nên gia tăng nợ cho đến khi giá trị từ hiện giá của tấm chắn thuế vừa đủ để dược bù trừ bằng gia tăng trong hiện giá của các chi phí kiệt quệ tài chính. Đôi khi kiệt quệ tài chính có thể đưa đến tình trạng phá sản, nhưng đôi khi nó chỉ có nghĩa là công ty đang gặp khó khăn, rắc rối về tài chính tạm thời. Ở các mức nợ trung bình, xác suất kiệt quệ tài chính không đáng kể, và chi phí kiệt quệ tài chính khá nhỏ làm cho lợi thế của tấm chắn thuế trở nên vượt trội. Nhưng tại một thời điểm nào đó, kiệt quệ tài chính sẽ tăng nhanh với việc doanh nghiệp vay nợ thêm; chi phí kiệt quệ tài chính cũng lớn lên nhanh chóng, làm cho lợi ích thu được từ tấm chắn thuế của vay nợ giảm đi và cuối cùng biến mất. Khi một DN sử dụng nợ cũng đồng nghĩa với những rủi ro về tài chính. Một DN có tỷ lệ nợ cao đôi khi rơi vào tình trạng “thiếu tự tin”, thận trọng quá mức khi thực hiện quyết định đầu tư, dễ bỏ qua những cơ hội đầu tư tốt, đi ngược lại tiêu chí tối đa hoá giá trị DN. Một vấn đề khác của DN khi sử dụng cấu trúc vốn thâm dụng nợ đó chính là tình trạng đầu tư kém hiệu quả, đầu tư không vì mục tiêu tối đa hoá giá trị DN, hậu quả tất yếu là DN sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng khó khăn trong thực hiện các nghĩa vụ nợ.

Tại VN quản trị tài chính trong các DN có những lúc bị xem nhẹ. Việc lựa chọn nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh đôi khi được hình thành một cách tự phát, không dựa trên những nguyên lý cơ bản của một chiến lược quản trị tài chính hiện đại, kết hợp với tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả và không đúng sở trường và chức năng hoạt động như: chứng khoán, địa ốc trong bối cảnh biến động khó lường của những thị trường này  thì tình trạng thua lỗ khó có thể tránh khỏi. Từ thực tế đó tình hình nợ và nợ xấu tại các DN đã và đang phát sinh khó có thể kiểm soát

Theo số liệu điều tra tại 108 Tổng công ty 90, 91 của Công ty tư vấn Mekong, số nợ phải thu tồn đọng tính đến hết năm 2006 là 2.272 tỉ đồng, chiếm 4,7% tổng số nợ phải thu. Nợ phải trả tồn đọng là 21.904 tỉ đồng, chiếm 13,7% tổng nợ phải trả. Riêng trong hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, nợ quá hạn (nợ xấu) lên tới 10.046 tỉ đồng. Nếu tính cả ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng phát triển, tổng số nợ xấu lên đến 13.659 tỉ đồng. Còn theo số liệu ước tính của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới WB, nợ xấu của các DN VN vào khoảng 6,2 tỉ USD, tức là chiếm hơn 13% GDP cả nước.

Cho đến cuối năm 2006, theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, các DNNN mới xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 314,91 tỉ đồng; xử lý nợ đọng hơn 19 nghìn tỉ đồng, chủ yếu bằng biện pháp thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro của ngân hàng. Trong số DN đã CPH, có khoảng 2.000 DN có nợ và tài sản loại trừ không tính vào giá trị DN.

Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) thì số nợ phải trả của DNNN thường gấp 1,2 -1,5 lần vốn nhà nước tại DN, thậm chí có nhiều DN nợ gấp vài lần đến hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Số nợ phải thu cũng chiếm từ 50-60% vốn chủ sở hữu, đặc biệt nợ khó đòi chiếm đến 15-20% lợi nhuận hàng năm, nhưng lại không được ghi đầy đủ trong sổ sách kế toán DN. Đến thời điểm này, việc xử lý các khoản nợ tồn đọng của khối DNNN mà Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đưa ra biện pháp vẫn chủ yếu là giãn nợ, khoanh nợ.

Riêng các DNNN hiện nay, thực trạng nợ quá hạn với các ngân hàng thương mại theo các nhóm chủ yếu sau đây:

·        Các TCT xây dựng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải, đây là nhóm DN có số nợ quá hạn lớn nhất, kéo dài nhất và nan giải đối với các ngân hàng thương mại. Số nợ vốn vay này tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại nhà nước, như: Ngân hàng Công thương VN, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN… Số nợ của các TCT này ước tính hiện nay lên tới trên 12.300 tỷ đồng, chủ yếu là nợ xấu, đã được các ngân hàng thương mại xử lý dự phòng rủi ro đưa ra theo dõi ngoài bảng.

·        Một số TCT xây dựng cũng có số nợ xấu khá lớn, thuộc một số bộ, ngành và địa phương khác nhau. Số nợ xấu của khối DN này ước tính cũng lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

·        Các DN xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, công trình giao thông, xây dựng, chế biến nông sản, may mặc, cung ứng vật tư nông nghiệp, in ấn và bao bì, mía đường,… thuộc địa phương. nợ xấu của khối DN này ước tính cũng lên tới 2.500–3.000 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên tại các DN đặc biệt là DNNN như: Tính kém minh bạch trong công bố thông tin, năng lực yếu kém , sự thiếu trách nhiệm … dẫn tới tình trạng các nhà quản lý DN đã đưa ra các quyết định đầu tư kém hiệu quả và kết quả là tình trạng nợ chồng lên nợ như đã trình bày ở trên. Theo chúng tôi  cần phải đánh giá tình trạng nợ tại các DN một cách toàn diện, chặt chẽ và nghiêm túc để có thể kiểm soát thời điểm DN bắt đầu rơi vào tình trạng  khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ hay nói một cách khác là khi DN rơi vào  tình trạng khánh kiệt tài chính để DN có biện pháp tái cấu trúc đưa DN thoát khỏit tình trạng khánh kiệt tài chính, tránh được khả năng phá sản có thể xảy ra.  Ngược lại nếu không thể vượt qua tình trạng này nên mạnh dạn áp dụng biện pháp phá sản nhằm hạn chế những tổn thất rủi ro cho các nhà đầu tư vào DN, hạn chế những tác động xấu mang tính phản ứng dây chuyền lên toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm của nền kinh tế hiện nay.

Bất kỳ DN nào khi sử dụng nợ cũng có thể lâm vào tình trạng phá sản nếu DN không sớm nhận ra và không có biện pháp tái cấu trúc tài chính kịp thời; mặt khác tại VN suy nghĩ và chấp nhận phá sản chưa phải là vấn đề luôn được các nhà quản trị DN dễ dàng chấp nhận. Pháp luật phá sản là bộ phận cấu thành không thể thiếu của pháp luật kinh doanh để giải quyết mối quan hệ nợ nần trong hoàn cảnh đặc biệt: khi DN lâm vào tình trạng khánh kiệt tài chính không thể phục hồi. Thủ tục phá sản thường chỉ được biết đến như một thủ tục đòi nợ tập thể, trong đó vấn đề trọng tâm là bảo vệ và đảm bảo công bằng cho các chủ nợ. Quyền lợi của DN bị phá sản chỉ là vấn đề được cân nhắc phụ thuộc vào tâm điểm đó, thậm chí pháp luật phá sản còn trừng phạt đối với chủ thể này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các nhà lập pháp cũng nhận thức rằng kinh doanh là hoạt động chứa đựng tính rủi ro nên các con nợ cần được đối xử khoan dung hơn. Mặt khác, tuy lợi ích của chủ nợ và DN phá sản có vẻ đối lập nhưng chúng lại có mối quan hệ mang tính tương hỗ. Vì thế, pháp luật phá sản hiện đại không chỉ đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ mà đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của các DN lâm vào tình trạng phá sản. Thủ tục phá sản còn được xem là một cơ hội để các DN mắc nợ có thể được phục hồi. Luật phá sản 2004 ra đời được đánh giá như là một cố gắng của các nhà lập pháp VN trong việc nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với tình trạng phá sản DN bằng việc khắc phục những hạn chế bất cập của Luật phá sản DN 1993, bổ sung những nội dung mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn 9 năm áp dụng Luật phá sản DN 1993, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, thể chế hóa chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

2. Kiến nghị đối với Luật phá sản 2004 

Để Luật thực sự đi vào cuộc sống cần khắc phục những vấn đề  sau:

Thứ nhất, khái niệm phá sản vẫn chưa triệt để. Điều 3 Luật phá sản 2004 không quy định rõ số nợ và thời gian quá hạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của con nợ. Vì vậy về hình thức, con nợ chỉ cần mắc nợ số tiền là 1.000 đồng và quá hạn thanh toán 1 ngày sau khi chủ nợ có đơn yêu cầu đòi nợ cũng có thể bị xem là lâm vào tình trạng phá sản. Điều này có thể dẫn đến sự lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía các chủ nợ. Kinh nghiệm một số nước khi xây dựng khái niệm phá sản theo trường phái định lượng thì thường có quy định về số nợ cụ thể, về thời hạn trễ thanh toán nợ từ phía con nợ sau khi chủ nợ có yêu cầu đòi nợ. Ví dụ theo Luật công ty của Úc chủ nợ có thể yêu cầu tòa án ra quyết định bắt đầu thủ tục thanh toán tài sản của một công ty vì lý do vỡ nợ nếu công ty đó có một khoản nợ đến hạn ít nhất là 2.000 đô la Úc và công ty không chứng minh được khả năng trả khoản nợ đến hạn đó.

Thứ hai, về các loại chủ nợ, Luật chỉ phân biệt chủ nợ có đảm bảo, chủ nợ không đảm bảo, chủ nợ có đảm bảo một phần (điều 6). Các chủ nợ khác nhau thì có địa vị pháp lý khác nhau trong thủ tục phá sản. Chủ nợ có đảm bảo và chủ nợ không có đảm bảo có quyền và nghĩa vụ khác nhau trong quá trình tham gia vào thủ tục phá sản. Về nguyên tắc, Luật phá sản 2004 đã thể hiện tinh thần bảo vệ lợi ích của chủ nợ có đảm bảo triệt để hơn so với chủ nợ không có đảm bảo. Đó là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên một số quy định của Luật phá sản 2004 lại không phù hợp với tinh thần chủ đạo đó. Cụ thể, ngay từ khi có quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì quyền được thanh toán nợ đến hạn của chủ nợ có đảm bảo đã bị hạn chế, bị tạm đình chỉ cho đến khi có quyết định thanh lý tài sản (điều 27, điều 35), trừ khi trường hợp được tòa án cho phép. Trong khi đó các chủ nợ không có đảm bảo vẫn có thể được thanh toán các khoản nợ đến hạn của mình sau khi có quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc thanh toán các khoản nợ không có đảm bảo chỉ bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản (điều 31).

Chủ nợ có khả năng bù trừ nghĩa vụ với DN lâm vào tình trạng phá sản cũng có lợi thế hơn chủ nợ có bảo đảm. Theo điều 48 chủ nợ này có quyền thỏa thuận với DN lâm vào tình trạng phá sản để thực hiện việc bù trừ và không có bất kỳ sự hạn chế nào của Luật, không chịu sự giám sát của thẩm phán. Rõ ràng điều này là không hợp lý.

Ngoài chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần, còn một loại chủ nợ nữa mà Luật không đề cập đến mặc dù sự hiện diện của loại chủ nợ này trong thủ tục phá sản là hoàn toàn hiện thực và chủ nợ này có quyền đặc trưng của mình. Đó là chủ nợ mới – chủ nợ xuất hiện trên cơ sở các hoạt động kinh doanh của DN sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Luật đề cập đến các khoản nợ mới (Điều 31) nhưng Luật lại không nói về chủ nợ mới. Luật thừa nhận sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mọi hoạt động kinh doanh của DN vẫn tiến hành bình thường nhưng phải chịu giám sát, kiểm tra của Thẩm phán, Tổ quản lý tài sản (Điều 30). Điều này có nghĩa là DN có thể giao kết hợp đồng mới – xuất hiện những chủ nợ mới, các khoản nợ mới. Đây cũng là điểm không chặt chẽ của Luật 2004. Về lý thuyết, chủ nợ mới – khác với các chủ nợ cũ (những chủ nợ xuất hiện trên cơ sở các hợp đồng giao kết trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản) luôn có quyền được ưu tiên thanh toán trong mọi trường hợp. Chỉ có như vậy các quy định của Luật về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của DN mới có tính khả thi. Nếu không có sự bảo đảm của Luật về quyền ưu tiên thanh toán thì không một chủ nợ nào lại giao kết hợp đồng với một con nợ đã có quyết định mở thủ tục phá sản và mọi cố gắng phục hồi hoạt động kinh doanh của DN lâm vào tình trạng khánh kiệt tài chính chỉ là mong muốn không có tính khả thi. Quyền ưu tiên thanh toán của chủ nợ mới cần được thừa nhận trong cả thủ tục thanh lý tài sản. Một vấn đề được đặt ra: Các chủ nợ mới có quyền tham gia vào danh sách chủ nợ hay không? Câu hỏi này không được trả lời rõ ràng trong Luật. Các chủ nợ có đảm bảo mặc dù có quyền ưu tiên thanh toán nhưng vẫn phải có tên trong danh sách chủ nợ để có quyền đòi nợ, có quyền tham gia vào hội nghị chủ nợ. Theo lô gíc này thì các chủ nợ mới cũng phải có tên trong danh sách chủ nợ. Tuy nhiên yêu cầu này có một số khó khăn. Vấn đề là danh sách chủ nợ được lập trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng báo quyết định của tòa án mở thủ tục phá sản. Sau 13 ngày niêm yết và giải quyết khiếu nại nếu có thì danh sách này được đóng lại. Trong khi đó DN có quyết định mở thủ tục phá sản vẫn tồn tại, vẫn hoạt động kinh doanh, vẫn phải ký kết các giao dịch mới, có các chủ nợ mới và chỉ chấm dứt hoạt động kinh doanh khi có quyết định thanh lý tài sản (Điều 82). Để giải quyết khó khăn này, Luật cần quy định khả năng bổ sung danh sách chủ nợ trong trường hợp cần thiết.

Tính khả thi của Luật phá sản có quan hệ tỷ lệ thuận với thời gian chính thức để giải quyết một vụ phá sản, mức độ tốn kém của các thủ tục và giá trị có thể thu hồi. Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2008 do Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC và Ngân hàng Thế giới WB công bố, VN được xếp ở vị trí 91. Trong đó, ở tiêu chí thứ 10, giải thể DN, báo cáo cho rằng việc giải quyết các trường hợp phá sản DN ở VN còn kém hiệu quả, xếp hạng 121/178. Thủ tục phá sản phải mất ít nhất 5 năm, tốn kém đến 15% giá trị tài sản của DN. Đối với những DN vỡ nợ thì các bên liên quan chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản. Vì thế, rất ít DN tuân theo các quy định và thủ tục chính thức khi muốn đóng cửa hoạt động.

Tóm lại:  Để Luật phá sản thực sự có tính khả thi thì cần phải đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý một vụ phá sản và nâng cao giá trị thu hồi thực tế. Để làm được việc này cần phải tiếp tục cải cách hành chính, bổ sung các hướng dẫn cần thiết cũng như cần sự vận hành hiệu quả của một thị trường thứ cấp cho việc thanh lý các tài sản của các DN bị kiệt quệ tài chính đến mức phải xử lý phá sản.để tăng cường tính thực thi của Luật phá sản.

Tài liệu tham khảo

  1. GS.TS. Trần NgọcThơ, Tài chính DN hiện đại, NXB Thống kê, 2006
  2. Myers, Brealey (2000) Principles of Corporate Finance –Sixth Edition, Macgraw Hill
  3. http://www.gso.gov.vn
  4. http://www.mof.gov.vn

SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 212, THÁNG 6 NĂM 2008 – PHAN THỊ BÍCH NGUYỆT

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)