1. Sửa đổi, bổ sung để thực hiện cam kết của VN gia nhập WTO
Về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa quy định về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, tuy nhiên, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO trong lĩnh vực bảo hiểm thì Việt Nam cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Vì vậy, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Luật KDBH và bổ sung khoản 2 Điều 105 Luật KDBH việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của Chính phủ.
Về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm
Điều 7 Luật KDBH hiện hành đã quy định 2 loại hình bảo hiểm bao gồm 5 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và 11 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển rất nhanh và đã có một số nghiệp vụ bảo hiểm mới. Vì vậy, Điều 7 đã bổ sung loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm mới phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Ví dụ bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí trong nhóm bảo hiểm nhân thọ và hưu trí, bổ sung các nghiệp vụ bảo hiểm thuộc nhóm bảo hiểm sức khỏe.
Về tái bảo hiểm bắt buộc
Điều 9 Luật KDBH bỏ cơ chế tái bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tài chính cho thị trường bảo hiểm Việt Nam khi không còn quy định tái bảo hiểm bắt buộc, cần thiết bổ sung trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm phải tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm nước ngoài đạt hệ số tín nhiệm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
2. Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các luật liên quan
Sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp
Điều 59 Luật KDBH quy định các hình thức doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc công ty cổ phần và doanh nghiệp liên doanh, 100% vốn nước ngoài được chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty THHH một thành viên. Ngoài ra, HTX cũng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, có thể hoạt động kinh doanh bảo hiểm nếu đáp ứng quy định của Luật KDBH.
Vì vậy, Điều 59 Luật KDBH sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định về các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, tổ chức bảo hiểm tương đối và hợp tác xã bảo hiểm.
Về các vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh
Về đấu thầu trong kinh doanh bảo hiểm. Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2005, các dự án sử dụng vốn nhà nước 30% trở lên phải đấu thầu để chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp. Tuy nhiên, trong thực tế, việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm chưa thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu, dẫn đến những biểu hiện thiếu minh bạch trong cạnh tranh.
Về cạnh tranh trong kinh doanh, cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm có một số đặc thù như: mức phí bảo hiểm phải đủ để trích lập dự phòng nghiệp vụ và thu xếp tái bảo hiểm; mức phí, hoa hồng bảo hiểm phải phù hợp với mức trách nhiệm, điều kiện, phạm vi bảo hiểm, bảo đảm thực hiện được các nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm và an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung…
Về hợp tác trong kinh doanh bảo hiểm. Hợp tác trong kinh doanh bảo hiểm cũng còn một số tồn tại như: các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc hợp tác với tập đoàn, tổng công ty mẹ nhằm khép kín dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành; một số doanh nghiệp bảo hiểm hợp tác với cơ quan nhà nước, chủ đầu tư để ép buộc, chỉ định mua bảo hiểm, hoặc can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
Vì vậy, Điều 10 Luật KDBH sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc về đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm.
3. Sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước
Về điều kiện cấp phép
Điều 63 Luật KDBH hiện hành đã quy định về các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Thời gian qua, Bộ Tài chính nhận thấy năng lực tài chính và có bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp của chủ đầu tư xin cấp phép là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của doanh nghiệp bảo hiểm, sự ổn định, phát triển của thị trường bảo hiểm. Vì vậy, Điều 63 Luật KDBH sửa đổi, bổ sung quy định này.
Về đại lý bảo hiểm
Điểm C, khoản 1, Điều 86 Luật KDBH hiện hành quy định điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm là phải có chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cấp. Thực tế cho thấy, nhiều đại lý chưa qua đào tạo, hoặc chất lượng đào tạo không bảo đảm nhưng vẫn làm đại lý bảo hiểm. Vì vậy, Điều 86 Luật KDBH sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định đại lý bảo hiểm phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp.
Về chức năng quản lý nhà nước
Điều 120 Luật KDBH hiện hành quy định các nội dung cơ bản quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên giám sát là một trong những nội dung trọng yếu trong công tác quản lý lại chưa được đề cập trong Luật KDBH hiện hành. Mặc dù chưa có quy định rõ về giám sát nhưng Bộ Tài chính đã và đang thực hiện chức năng giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ khâu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm cho đến các khâu như chuyển đổi mô hình, cũng như giám sát các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định.
Vì vậy, Điều 120 Luật KDBH bổ sung chức năng giám sát vào một trong những nội dung quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, Điều 122 Luật KDBH quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành kinh doanh bảo hiểm.
Về bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm
Điều 97 Luật KDBH hiện hành chưa yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm lập quỹ để bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm. Trong trường hợp gặp khủng hoảng, khó khăn về tài chính hoặc phá sản, thì DNBH gặp khó khăn có thể không có khả năng tài chính để trích lập quỹ dự trữ này. Vì vậy, khoản 2 Điều 97 Luật KDBH bổ sung quy định trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Sửa đổi các quy định phải được Bộ Tài chính chấp thuận: Điều 69 Luật KDBH hiện hành đã quy định một số thay đổi phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh lợi mà còn phải bảo đảm an toàn và tính thanh khoản để bồi thường bảo hiểm hoặc trả tiền bảo hiểm kịp thời cho các tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm. Vì vậy, Điều 69 bổ sung quy định khi doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi chuyên gia tính toán hoặc đầu tư ra nước ngoài phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao