Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật trong nước theo hướng làm cho pháp luật quốc nội của mình tương thích với các quy định của WTOcũng như để thực hiện những cam kết khi gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên đến nay, quá trình đó vẫn chưa hoàn tất. Việc tiếp tục chuyển hóa các cam kết với WTO thành các quy định pháp luật nội địa là một yêu cầu khách quan không chỉ nhằm mục đích thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà còn giúp khai thác và hiện thực hóa các quyền lợi thành viên của tổ chức này. Bài viết trao đổi một số quan điểm liên quan tới yêu cầu nội luật hóa các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý và thực tiễn đặt ra yêu cầu nội luật hóa các cam kết gia nhập WTO nói chung và cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ nói riêng

a) Cơ sở pháp lý

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 71/2006/QHXI phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam (Nghị quyết 71/2006/QHXI). Nghị quyết này đã quy định nguyên tắc áp dụng các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, theo đó (i) nếu các cam kết trong các văn kiện gia nhập WTO đã đủ rõ, đủ chi tiết thì áp dụng trực tiếp các cam kết đó (bao gồm các cam kết được liệt kê trong phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2006/QHXI và các cam kết khác trên cơ sở rà soát của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2)); (ii) thực hiện việc rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam để đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các văn bản pháp luật trong nước cho phù hợp với các cam kết gia nhập WTO. Ngoài ra, Nghị quyết 71/2006/QHXI khẳng định nguyên tắc giải quyết xung đột giữa quy định của Điều ước quốc tế và pháp luật nội địa như sau: trong trường hợp pháp luật Việt Nam không phù hợp với Hiệp định thành lập WTO, Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam và các tài liệu đính kèm thì sẽ áp dụng các quy định của Hiệp định thành lập WTO, Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam và các tài liệu đính kèm. Như vậy, Nghị quyết 71/2006/QHXI đã tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 6 Luật Điều ước quốc tế số 41/2005/QHXI ngày 14/6/2005 (Luật Điều ước quốc tế 2005). Theo đó, dù là các quy định của Điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết thì vẫn cần một văn bản thể hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc áp dụng trực tiếp các quy định đó sau khi thực hiện việc rà soát; các trường hợp còn lại (đối với các cam kết chưa đủ rõ, chưa đủ chi tiết hoặc pháp luật nội địa chưa phù hợp) thì cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành mới các văn bản pháp luật trong nước để thực hiện các Điều ước quốc tế (3). Như vậy, để thực hiện các cam kết gia nhập WTO nói chung và các cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ nói riêng, phải thực hiện việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức này, hay nói cách khác là phải chuyển hóa các cam kết quốc tế thành pháp luật nội địa.

b) Yêu cầu của thực tiễn

Việc nội luật hóa các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có thể thực hiện bằng cách sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan để cụ thể hóa cam kết quốc tế trong hệ thống pháp luật nội địa. Tuy nhiên, cách thức này sẽ mất nhiều thời gian vì vậy mà có thể hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này bằng việc ban hành một luật để sửa nhiều luật, có nghĩa là có thể ban hành Luật về Gia nhập WTO (4). Trên thế giới cũng đã có nước áp dụng phương pháp này, như Hoa Kỳ chẳng hạn. Nước này đã ban hành một luật gọi là Luật về các thỏa thuận của vòng đàm phán Uruguay với hơn 780 điều khoản liên quan đến việc sửa đổi hơn 20 văn bản luật về những vấn đề có liên quan đến việc Hoa Kỳ trở thành thành viên của WTO (5). Hiện tại, Nghị quyết 71/2006/QHXI cũng đã xác định một số nội dung áp dụng trực tiếp các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Tuy nhiên, Phụ lục này thực chất cũng chưa đầy đủ, chưa thực hiện được chức năng của “một luật sửa nhiều luật”. Nghị quyết 71/2006/QHXI cũng không khẳng định rõ là các nội dung áp dụng trực tiếp này có thay thế các điều khoản liên quan trong các luật chuyên ngành hay không (mặc dù theo chúng tôi là phải được hiểu như vậy), nên cũng dẫn đến sự không thống nhất trong việc áp dụng. Có thể đơn cử một ví dụ sau. Nghị quyết 71/2006/QHXI quy định nội dung áp dụng trực tiếp cam kết liên quan đến quyền của các doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty cổ phần được quy định trong điều lệ của mình những vấn đề sau: điều kiện hợp lệ của cuộc họp hội đồng thành viên và đại hội đồng cổ đông, các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng thành viên và đại hội đồng cổ đông và tỷ lệ số phiếu cần thiết để thông qua các quyết định của hội đồng thành viên và đại hội đồng cổ đông. Các quy định này, về cơ bản là khác với các quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp 2005 đang có hiệu lực thi hành (6). Vì Nghị quyết 71/2006/QHXI không nói rõ là các quy định này có thay thế các quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp 2005 hay không nên dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Trong thực tế áp dụng, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã giải thích về quan hệ giữa Nghị Quyết 71/2006/NQ-UBTVQH, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư bằng công văn số 771/BKH-TCT ngày 26/12/2007 như sau: không áp dụng Nghị quyết 71/2006/QHXI về các vấn đề nêu trên mà áp dụng trực tiếp cam kết tại Đoạn 502 và 503 Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. Theo đó, các quyền nêu trên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp liên doanh và là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ thuộc các ngành mà Việt Nam có cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ (Biểu cam kết). Hướng dẫn này của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thực chất đã không thừa nhận các quy định liên quan được ghi trong Phụ lục của Nghị quyết 71/2006/QHXI. Nếu cách giải thích của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là đúng thì Phụ lục của Nghị quyết 71/2006/QHXI liên quan đến các vấn đề nêu trên tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (hoặc thậm chí hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhưng lại là những dịch vụ mà Việt Nam không cam kết trong Biểu cam kết (7)) với các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ có trong Biểu cam kết. Theo đó, nếu theo cách hiểu này, chỉ có các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ có trong Biểu cam kết mới được phép tự do quy định về loại quyết định thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; số đại biểu cần thiết để cuộc họp Hội đồng thành viên và Đại hội đồng cổ đông hợp lệ và tỷ lệ số phiếu để thông qua các quyết định của các cuộc họp nói trên.

Ngoài ra, Nghị quyết 71/2006/QHXI quy định, nếu các cam kết của Việt Nam với WTO được quy định “đủ rõ, đủ chi tiết” trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập WTO thì được áp dụng trực tiếp, những cam kết “chưa đủ rõ, chưa đủ chi tiết” thì sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật trong nước để thực thi các cam kết. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng, thế nào là “đủ rõ, đủ chi tiết” và thế nào là “chưa đủ rõ, chưa đủ chi tiết” phụ thuộc nhiều vào nhận định chủ quan của những người có liên quan đến việc áp dụng các quy định đó.

Thêm vào đó, nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật giữa Điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia được nêu trong Nghị quyết 71/2006/NQ-UBTVQH khi áp dụng trong thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề chưa được rõ ràng. Nếu vận dụng một cách cứng nhắc nguyên tắc “trong trường hợp pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng Điều ước quốc tế” (8), thì sẽ dẫn đến việc, nếu trong Biểu cam kết có quy định hạn chế quyền tham gia thị trường trong nước của dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài hơn so với các quy định tương ứng của pháp luật trong nước thì các quy định trong Biểu cam kết sẽ được áp dụng. Điều này thực chất là trái với tinh thần và nguyên tắc áp dụng Biểu cam kết của các thành viên WTO theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), sẽ được phân tích kỹ hơn ở mục 2 (iv) của bài viết này. Trong thực tiễn áp dụng các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt là các cam kết liên quan đến hoạt động đầu tư đã phát sinh nhiều vướng mắc do cách hiểu không thống nhất của các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư trong việc thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho các dự án đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam không cam kết trong Biểu cam kết, hoặc những lĩnh vực có trong Biểu cam kết nhưng Việt Nam bảo lưu “chưa cam kết” đối với một phương thức cung ứng dịch vụ nhất định, hoặc “chưa cam kết” về đối xử quốc gia. Trong thực tiễn, đối với các ngành dịch vụ mà quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam kém thuận lợi hơn so với các quy định của pháp luật nội địa hiện hành, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư lại không cấp phép và /hoặc yêu cầu phải đáp ứng những yêu cầu hoặc tuân thủ các điều kiện chặt chẽ, mà trước đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, các dự án tương tự vẫn được cấp phép và /hoặc áp dụng các điều kiện thuận lợi hơn hay thậm chí không yêu cầu bất kỳ điều kiện nào (9). Vì những lý do nêu trên, việc nội luật hóa các cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam là cần thiết để việc hiểu và thực hiện chúng được thống nhất.

2. Một số ý kiến liên quan đến việc nội luật hóa các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực dịch vụ

Xuất phát từ những đặc trưng rất riêng của yêu cầu tự do hóa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ theo GATS /WTO(10), quá trình “nội luật hóa” các cam kết của Việt Nam liên quan đến quyền tham gia thị trường của dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cần lưu ý những vấn đề sau:

(i)    Biểu cam kết dịch vụ của mỗi thành viên khi gia nhập WTO là sự cá biệt hóa trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của GATS liên quan đến mức độ mở cửa thị trường dịch vụ của thành viên đó. Chỉ các ngành dịch vụ được cam kết trong Biểu cam kết mới chịu sự điều chỉnh của Điều XVI (Tiếp cận thị trường) và Điều XVII (Đối xử quốc gia) của GATS. Do đó, các lĩnh vực dịch vụ không nằm trong Biểu cam kết của Việt Nam thì Việt Nam không có nghĩa vụ phải dành quyền tiếp cận thị trường hay áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các thành viên WTO khác trong các lĩnh vực đó. Vì vậy, căn cứ vào yêu cầu thực tế của nền kinh tế, pháp luật nội địa của Việt Nam có quyền quy định việc hạn chế hay không hạn chế quyền tiếp cận thị trường, hoặc quyết định có nên đặt ra những phân biệt đối xử đối với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của các thành viên khác trong các lĩnh vực dịch vụ không có trong Biểu cam kết hay không.

(ii)   Đối với các dịch vụ có trong Biểu cam kết của Việt Nam§, giới hạn tiếp cận thị trường đối với từng ngành và phân ngành cụ thể cũng có những hạn chế nhất định được liệt kê trong các tuyên bố “chưa cam kết” đối với một phương thức cung cấp dịch vụ nhất định và /hoặc đối với một phân ngành dịch vụ nhất định nào đó hoặc trong các trường hợp ngoại lệ của các nhóm cam kết “không hạn chế, ngoại trừ”. Vì vậy, pháp luật nội địa hoàn toàn có thể khai thác những khu vực “chưa cam kết” hoặc “ngoại trừ” này để có thể duy trì và đưa ra thêm những quy định có tính chất phân biệt đối xử (đối xử kém thuận lợi hơn) đối với dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài khi cần thiết mà không bị coi là vi phạm các cam kết gia nhập WTO.

(iii) Việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia đối với các dịch vụ có trong Biểu cam kết cũng không phải là tuyệt đối. Việt Nam cũng có quyền quy định trong pháp luật nội địa những quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của các thành viên khác nếu đối với một phương thức cung cấp dịch vụ nhất định của một phân ngành dịch vụ nhất định trong Biểu cam kết, Việt Nam tuyên bố “chưa cam kết”, hoặc có liệt kê những ngoại lệ mang tính phân biệt đối xử trong các trường hợp ngoại lệ của nhóm cam kết “không hạn chế, ngoại trừ” tại cột Đối xử quốc gia của Biểu cam kết.

(iv) Tuy nhiên, điều quan trọng là việc loại ra ngoài Biểu cam kết một ngành dịch vụ nhất định, việc không cam kết đối với một phương thức cung cấp một dịch vụ nhất định hoặc việc đặt ra những hạn chế nhất định đối với một phương thức cung cấp dịch vụ nào đó không có nghĩa là dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoàn toàn không được phép tham gia thị trường Việt Nam đối với dịch vụ không có trong Biểu cam kết, đối với phương thức không cam kết hoặc phải chịu ràng buộc bởi những hạn chế được liệt kê trong Biểu cam kết. Điều XVI của GATS về Tiếp cận thị trường và Điều XVII của GATS về Đối xử quốc gia đều quy định rằng mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của các thành viên khác các đối xử không kém thuận lợi hơn liên quan đến quyền tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia đối với các lĩnh vực dịch vụ được nêu tại Biểu cam kết cụ thể của thành viên đó theo những điều kiện, điều khoản và hạn chế đã được quy định cụ thể trong Biểu Cam kết cụ thể đó. Như vậy, yêu cầu “không kém thuận lợi hơn” này có nghĩa là các cam kết được ghi tại cột tiếp cận thị trường là những ràng buộc tối thiểu. Điều này có thể giải thích là nếu pháp luật quốc gia của một thành viên lại có những quy định mang tính chất “mở” hơn đối với dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài so với các hạn chế được ghi trong cột tiếp cận thị trường, hoặc pháp luật quốc gia không có hạn chế gì về việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia như được liệt kê là các ngoại lệ ở cột Đối xử quốc gia trong Biểu cam kết, thì về nguyên tắc, dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài được quyền tiếp cận với các đối xử mang tính chất “mở” hơn đó. Ví dụ như, trước thời điểm gia nhập WTO, Điều 20 Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH ngày 16/11/2001 và Điều 25 Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quảng cáo cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được phép đặt chi nhánh để kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam, trong khi đó Biểu cam kết chưa cam kết về việc đặt chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài. Hoặc Điều 21 Nghị định 24/2003/NĐ-CP nói trên còn cho phép nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nước ngoài được liên doanh với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam để cung cấp dịch vụ quảng cáo mà không giới hạn tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài, trong khi theo Biểu cam kết, giới hạn về vốn góp đối với phía nước ngoài là không được quá 51% (hạn chế này chỉ được dỡ bỏ vào 01/01/2009). Về nguyên tắc, sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nước ngoài vẫn được phép thành lập chi nhánh và doanh nghiệp liên doanh mà không giới hạn tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài để cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thực định hiện hành của Việt Nam. Việc đạt được cam kết chặt chẽ hơn về điều kiện và thời hạn mở cửa thị trường cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nước ngoài trong Biểu cam kết của Việt Nam đã để “mở” khả năng cho Việt Nam có thể thay đổi quy định của pháp luật nội địa, ví dụ như ngừng cấp phép thành lập chi nhánh của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam khi xét thấy cần thiết mà không bị coi là vi phạm cam kết gia nhập WTO. Như vậy, việc không đưa một số ngành hoặc phân ngành dịch vụ nhất định vào trong Biểu cam kết hoặc bảo lưu một số quyền nhất định đối với một số lĩnh vực được liệt kê trong Biểu cam kết của Việt Nam là kết quả (hay đúng hơn là sự thành công) của quá trình đàm phán gia nhập WTO nhằm bảo hộ nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Việc bảo lưu này có ý nghĩa dành quyền chủ động để pháp luật nội địa Việt Nam có thể cho phép hoặc không cho phép dịch vụ hoặc nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài được gia nhập thị trường theo phương thức đó, hoặc quyết định áp dụng hay không áp dụng các hạn chế được liệt kê. Vì vậy, căn cứ vào tình hình trong nước và chiến lược phát triển kinh tế từng thời kỳ, Việt Nam có thể chủ động mở cửa rộng hơn so với cam kết đối với một hoặc một số ngành dịch vụ nhất định.

Tóm lại, về nguyên tắc, tự do hóa thương mại theo WTO /GATS là “tự do hóa dần dần”, “từng bước” (11), và các nghĩa vụ về mở cửa thị trường và đối xử quốc gia của mỗi thành viên dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phụ thuộc vào các nội dung cam kết cụ thể trong Biểu cam kết riêng của mỗi thành viên khi đàm phán gia nhập WTO. Vì vậy, căn cứ vào nhu cầu bảo hộ đối với những phân ngành dịch vụ cụ thể, Việt Nam vẫn có thể duy trì những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thị trường hoặc các quy định mang tính phân biệt đối xử với dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ của các thành viên khác với điều kiện phân ngành dịch vụ đó không có trong Biểu cam kết hoặc có trong Biểu cam kết nhưng Việt Nam đã có những bảo lưu nhất định được nêu rõ trong Biểu cam kết đó. Điều này giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc đặt ra các quy định có tính chất hạn chế sự tham gia thị trường Việt Nam của một số dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nhất định mà không bị coi là vi phạm cam kết quốc tế. Tất nhiên, như đã phân tích ở trên, Việt Nam hoàn toàn có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) duy trì các đối xử thuận lợi hơn so với các cam kết trong Biểu cam kết đối với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như các quy định hiện hành của pháp luật nội địa để thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong những ngành và phân ngành dịch vụ mà Việt Nam cần khuyến khích đầu tư. Để có thể hiện thực hóa các quyền nêu trên, việc nội luật hóa các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực dịch vụ là rất quan trọng và cần thiết. Mặc dù pháp luật Việt Nam có quy định nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật, theo đó Điều ước quốc tế được ưu tiên áp dụng khi có sự quy định khác nhau về cùng một vấn đề, các quy định tương đối đặc thù của GATS trong thực tế đã dẫn đến các cách hiểu khác nhau và tạo nên sự không thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam với WTO trong lĩnh vực dịch vụ. Vì vậy, nếu không có sự chuyển hóa các cam kết của Việt Nam với WTO trong lĩnh vực dịch vụ vào pháp luật nội địa thì việc thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực này sẽ gặp nhiều trở ngại, không những chỉ đối với việc thực hiện các nghĩa vụ mà còn là việc vận dụng những quyền lợi mà Việt Nam có được với tư cách là một thành viên của tổ chức này.

(1) Xem: Văn phòng Quốc hội – Hệ thống hoá các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Nxb Tư pháp, Hà Nội 2005.

(2) Nội quy kỳ họp được ban hành theo Nghị quyết số 07/2002/QH11 của Quốc hội khóa XI tại kỳ họp thứ hai năm 2002.

(3) Khoản 3, Điều 6 Luật Điều ước Quốc tế 2005 quy định như sau: “Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó”.

(4) PGS. TS Nguyễn Như Phát, TS Phan Thảo Nguyên (2006), Pháp luật thương mại dịch vụ Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Bưu điện, Hà Nội, tr. 189.

(5) Văn phòng Quốc hội (2004), Báo cáo về công tác lập pháp để thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ” Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội (trích trong PGS. TS Nguyễn Như Phátt, TS Phan Thảo Nguyên (2006), Tlđd, tr. 189).

(6) Luật Doanh nghiệp 2005 quy định cụ thể các vấn đề cần quyết định của Đại hội đồng cổ đông và hội đồng thành viên, tỷ lệ tối thiểu để cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần và hội đồng thành viên của công ty TNHH hợp lệ, tỷ lệ tối thiểu để thông qua các quyết định của các cơ quan trên, mặc dù cho phép điều lệ công ty được quy định tỷ lệ cụ thể. Xem các điều 51, 52, 103 và 104 Luật Doanh nghiệp 2005.

(7) Một số ngành hoặc phân ngành dịch vụ mà Việt Nam không cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ như: Dịch vụ bất động sản, dịch vụ bưu chính, dịch vụ giáo dục tiểu học, dịch vụ báo chí, dịch vụ hướng dẫn viên du lịch….

(8) Khoản 1, Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 2005.

(9) Xem Dự thảo tháng 8/2008 Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết áp dụng một số cam kết liên quan đến đầu tư của Việt Nam với WTO.

(10) Xem thêm, Hà Thị Thanh Bình (2008), Tự do hóa thương mại dịch vụ theo GATS và việc thực thi các cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ phân phối khi gia nhập WTO, Tạp chí Khoa học Pháp lý, 2(45)(32-39).

(11) Lời nói đầu của Hiệp định chung về thương mại dÞch vô (GATS).

(Nghiên cứu lập pháp số 5 (142) tháng 3/2009)

ThS. Hà Thị Thanh Bình – Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh