Vì vậy, việc thực hiện kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm giao thông là một việc làm cần thiết, mang tính chất răn đe và giáo dục tới ý thức của mỗi một người tham gia giao thông. Trong đó, nộp phạt vi phạm giao thông là một thực trạng diễn ra hết sức phổ biến trong lĩnh vực xử lý vi phạm.
Do vậy, Luật LVN Group trân trọng mang tới quý khách hàng bài viết sau đây với mong muốn được giúp quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề nộp phạt vi phạm giao thông này.
1. Nộp phạt vi phạm giao thông ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020 và khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:
– Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;
– Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
– Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt nếu rơi vào các trường hợp tại mục (2) dưới đây hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là khách hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;
– Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Bưu điện,…).
2. Các trường hợp được nộp phạt vi phạm giao thông tại chỗ
Khi vi phạm giao thông, người vi phạm có thể thực hiện nộp phạt tại chỗ xử lý vi phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau (Khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi 2020:
– Xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đối với tổ chức và vi phạm không được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản. Trường hợp này thì người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản và phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
– Vi phạm giao thông tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt.
– Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp.
Lưu ý: Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại các địa điểm ở mục (3).
3. Các trường hợp có thể nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến
Hiện nay, ngoài các hình thức nộp phạt vi phạm giao thông tại chỗ ở mục (2) phía trên, người dân có thể nộp tiền phạt thông qua hình thức trực tuyến. Hiện nay, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Do đó, người dân có thể chọn phương thức nộp tiền phạt thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Khi người dân đã tiến hành xong việc nộp phạt vi phạm, Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ đã tạm giữ cho người dân thông qua bưu điện.
4. Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông
Theo quy định tại Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020) quy định về thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông tùy vào mỗi trường hợp như sau:
– Trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần: Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
– Trường hợp xử phạt tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày thu tiền phạt.
– Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
– Nếu không rơi vào các trường hợp trên thì thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
5. Quy trình nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến
Để hướng dẫn quý khách hàng một cách chi tiết nhất về nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến, Luật LVN Group xin gửi đến quý vị trình tự nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến qua mạng gồm các bước như sau:
Bước 1: Sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính đối với người vi phạm, biên bản được nhập vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm. Trên cơ sở các nội dung của biên bản vi phạm hành chính, hệ thống sẽ tự động ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số của Quyết định này thực hiện theo quy định của Chính phủ và sẽ là số duy nhất để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình.
Bước 2: Các nội dung được trích xuất từ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm: Số quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tên cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thông tin của người vi phạm (họ và tên, số giấy phép lái xe, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); Kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lại xe).
Bước 3: Thông tin về quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cơ quan cảnh sát giao thông cung cấp sẽ được Cổng dịch vụ công quốc gia chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (do người vi phạm cung cấp).
Bước 4: Kho bạc Nhà nước (ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, dồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn tất nghĩa vụ nộp phạt về Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bước 5: Bưu điện sẽ kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do Cơ quan Cảnh sát giao thông đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận lại sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bước 6: Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, người vi phạm có thể hoàn thành việc nộp tiền phạt, đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do Cơ quan Cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bước 7: Cơ quan Cảnh sát giao thông sẽ thông qua dịch vụ bưu điện để gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia để nhận lại.
Trên đây là toàn bộ phần trình bày của chúng tôi về vấn đề Nộp phạt vi phạm giao thông ở đâu và một số quy định pháp luật khác có liên quan. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.
Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, quý khách hàng vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7. Gọi số 1900.0191 hoặc gửi email chi tiết tại: Tư vấn pháp luật qua email. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ quý khách hàng. Trân trọng./.