1. Phạm nhân là gì?

Phạm nhân là một từ gốc Hán, theo nghĩa Hán Việt có nghĩa là người phạm tội. Trong thuật ngữ pháp lí hiện hành, phạm nhân có hai nghĩa: theo nghĩa rộng: phạm nhân là người đã bị Toà án tuyên là đã có tội phải chịu hình phạt và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo nghĩa hẹp, phạm nhân là người phạm tội đã bị Toà án kết án hình phạt tù nhưng đang được cải tạo trong các trại giam hoặc là người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành.

Phạm nhân là người đã bị Tòa án tuyên là đã có tội phải chịu hình phạt và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Nội quy trại giam

Nội quy trại giam do Bộ Công an ban hành kèm theo Thông tư 36/2011/TT-BCA:

Để giữ nghiêm kỷ luật trại giam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân, Bộ trưởng Bộ Công an quy định Nội quy trại giam như sau:

Điều 1. Phạm nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Toà án, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ trại giam, tự giác rèn luyện và giúp đỡ phạm nhân khác cùng cải tạo tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.

Nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm pháp luật, Nội quy trại giam hoặc cản trở việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân khác. Phạm nhân có trách nhiệm kịp thời tố giác hành vi vi phạm của phạm nhân khác.

Điều 2. Phạm nhân phải thực hiện đúng quy định về thời gian, hiệu lệnh, lễ tiết trong sinh hoạt, học tập, lao động, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí.

Khi có lệnh tập hợp, phạm nhân phải nhanh chóng xếp hàng theo tổ, đội và giữ trật tự; trường hợp có báo động phải giữ nguyên vị trí và tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của cán bộ trại giam.

Khi ra, vào cổng trại giam, phạm nhân phải bỏ mũ, nón và cầm ở tay phải, báo cáo rõ họ tên, tổ, đội với cán bộ có trách nhiệm. Nếu đi theo tổ, đội thì đi thành hàng đôi; phải bỏ mũ, nón và cầm ở tay phải đối với hàng đi bên phải, cầm ở tay trái đối với hàng đi bên trái; tổ trưởng, đội trưởng phạm nhân phải báo cáo rõ tên tổ, đội, số người với cán bộ có trách nhiệm.

Điều 3. Trong giao tiếp giữa phạm nhân với nhau, phạm nhân chỉ được dùng tiếng Việt, trừ phạm nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt và xưng hô với nhau là “tôi”, “anh” hoặc “chị”.

Khi gặp cán bộ, khách đến thăm hoặc làm việc với trại giam, phạm nhân phải đứng nghiêm cách xa 5m đến 7m, bỏ mũ, nón và cầm ở tay phải, chào cán bộ hoặc chào quý khách. Nếu tổ, đội phạm nhân gặp cán bộ, khách đến thăm hoặc làm việc thì tổ trưởng hoặc đội trưởng phạm nhân hô tất cả đứng nghiêm, bỏ mũ, nón và thay mặt tập thể phạm nhân chào cán bộ hoặc quý khách. Phạm nhân xưng hô với cán bộ là “tôi” và “cán bộ”, với khách là “tôi” và “quý khách”.

Điều 4. Phạm nhân phải nằm đúng chỗ đã quy định trong buồng giam, giữ gìn vệ sinh chỗ ở và nơi công cộng; không được tự tiện đi lại quá phạm vi quy định; hàng ngày phải chịu sự điểm danh, kiểm diện của cán bộ trại giam.

Cấm phạm nhân tự ý thay đổi chỗ nằm hoặc có hành vi gây mất an ninh, trật tự trại giam.

Điều 5. Phạm nhân được đem vào buồng giam quần áo, chăn, màn, chiếu, khăn mặt, dép do trại giam cấp và 01 bộ quần áo thường, 01 gối vải cá nhân, cốc nhựa, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, kẹp tóc nhựa, giấy trắng, bút viết, kính thuốc gọng nhựa, thuốc chữa bệnh theo chỉ định của cán bộ y tế trại giam, đồ dùng cho vệ sinh phụ nữ, đồ dùng sinh hoạt cho trẻ em (nếu có trẻ em ở với bố hoặc mẹ trong trại giam) và túi đựng đồ dùng theo quy định.

Những tài sản như vàng, bạc, ngoại tệ, tiền Việt Nam, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, đồng hồ, đồ trang sức quý hiếm, các loại máy móc, thiết bị, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, các loại giấy tờ có giá trị khác và quần áo, tư trang chưa sử dụng phải gửi lưu ký trại giam.

Cấm phạm nhân sử dụng và đưa vào trại giam các loại máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, vũ khí, chất độc, chất nổ, chất dễ cháy, ma tuý, hoá chất, chất phóng xạ, sách, báo, phim, băng, đĩa, văn hoá phẩm có nội dung không lành mạnh, rượu, bia, các chất kích thích khác và những đồ vật có thể gây nguy hại cho bản thân và người khác.

Điều 6. Quần, áo phạm nhân sử dụng phải được đóng dấu (trừ quần lót và áo lót ba lỗ), dấu “phạm nhân” đóng phía trước quần, sau lưng áo, trước ngực trái áo đóng dấu “tên và 7 số cuối của số hồ sơ phạm nhân”. Khi phạm nhân học tập, sinh hoạt tập thể, ra vào cổng trại giam, gặp thân nhân hoặc tiếp xúc với người ngoài trại giam phải mặc quần áo dài do trại giam cấp. Phạm nhân nam phải cắt tóc ngắn nhưng không được cắt trọc đầu và không được để râu, ria mép.

Cấm phạm nhân cho mượn hoặc sửa chữa khác kiểu quần áo do trại giam cấp hoặc tẩy xoá dấu đóng trên quần áo.

Điều 7. Đến giờ quy định phạm nhân được nhận khẩu phần ăn của mình và phải ăn đúng nơi quy định. Cấm phạm nhân tự đun nấu trong khu vực giam giữ và tụ tập ăn uống.

Điều 8. Phạm nhân có tiền gửi lưu ký trại giam được sử dụng mua lương thực, thực phẩm đã chế biến sẵn để ăn thêm, đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt, học tập hàng ngày của cá nhân theo quy định của trại giam.

Cấm phạm nhân mua bán, trao đổi, vay mượn bất cứ thứ gì dưới bất kỳ hình thức nào giữa phạm nhân với nhau và với người khác.

Khi phạm nhân cần tương trợ vật chất lẫn nhau phải được sự đồng ý của cán bộ trại giam.

Điều 9. Khi được phép gặp thân nhân hoặc tiếp xúc với người ngoài, phạm nhân phải chấp hành đúng quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của cán bộ trại giam.

Cấm phạm nhân liên lạc điện thoại, gửi, nhận thư, tiền, quà, gặp thân nhân, tiếp xúc với người ngoài khi chưa được phép của Giám thị trại giam.

Điều 10. Phạm nhân phải lao động, học nghề đúng nơi quy định của trại giam, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động; tích cực lao động, học nghề theo sự hướng dẫn của cán bộ trại giam. Phạm nhân ốm đau có xác nhận của cán bộ y tế được nghỉ lao động.

Cấm phạm nhân chây lười, trốn tránh lao động, học nghề hoặc có hành vi cản trở việc lao động, học nghề của phạm nhân khác. Nghiêm cấm phạm nhân thuê, bắt phạm nhân khác phục vụ, làm thay công việc của mình hoặc của phạm nhân khác dưới mọi hình thức.

Điều 11. Phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh hướng dẫn của cán bộ trại giam trong học tập và tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí.

Cấm phạm nhân bói toán, cúng lễ, truyền đạo, thực hành các hình thức mê tín, dị đoan hoặc đánh bạc dưới mọi hình thức.

Cấm phạm nhân có lời nói, hành vi thiếu văn hoá hoặc xúc phạm đến cán bộ, người khác.

Điều 12. Phạm nhân có trách nhiệm bảo vệ tài sản của trại giam, của mình và của người khác, báo cáo kịp thời cho cán bộ trại giam về các hành vi xâm phạm đến tài sản đó.

Điều 13. Cấm phạm nhân đe doạ, đánh đập, ức hiếp, cưỡng đoạt lẫn nhau, huỷ hoại thân thể, tự xăm trổ hoặc xăm trổ lên thân thể người khác, tự đeo lên cơ thể mình hoặc đeo cho người khác những vật thể bằng kim loại hoặc chất khác. Cấm các hình thức đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác (trừ quan hệ vợ, chồng khi được phép). Cấm phạm nhân lập hoặc tham gia hội, băng, nhóm dưới bất cứ hình thức nào.

Điều 14. Cấm phạm nhân hút thuốc lá, thuốc lào trong buồng giam, bệnh xá, buồng kỷ luật, thư viện, phòng đọc sách, nơi học tập, sinh hoạt tập thể, nhà, xưởng lao động, học nghề, nơi có thể gây cháy, nổ hoặc những nơi có treo biển “cấm lửa”, “cấm hút thuốc”.

Điều 15. Phạm nhân thực hiện tốt Nội quy này sẽ được khen thưởng, trường hợp vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạm nhân gây thiệt hại cho trại giam hoặc cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Về chế độ gặp thân nhân của phạm nhân

 Thông tư quy định phạm nhân được gặp thân nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự, trừ trường hợp đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Thi hành án hình sự; phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân theo quy định tại Điều 76 Luật Thi hành án hình sự.

Phạm nhân chấp hành tốt Nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, yêu cầu giáo dục, cải tạo hoặc để thực hiện quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo quy định của pháp luật thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ (chồng) ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.

Trường hợp phạm nhân có ít nhất 04 tháng liền kề thời điểm xét duyệt được xếp loại Tốt hoặc do yêu cầu của công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân cần có sự phối hợp, tác động của gia đình thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể xem xét, quyết định cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại nhà thăm gặp trong thời gian không quá 60 phút. Việc tổ chức cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đối tượng được thăm gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột, số lượng thân nhân mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân không quá 03 người.

4. Quy định về nhận, gửi thư và nhận quà từ thân nhân                      

Khi gặp thân nhân, phạm nhân được nhận, gửi thư, quà theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự nhưng tối đa không quá 03 kg trong một lần gặp; ngoài ra, mỗi tháng phạm nhân được nhận quà do thân nhân gửi qua đường Bưu chính 02 lần theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự, mỗi lần không quá 03 kg, nếu gửi 01 lần thì không quá 06 kg.

Trong trường hợp lâu ngày phạm nhân không được gặp thân nhân và nhận quà theo quy định thì trọng lượng quà có thể được nhận nhiều hơn và do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.

Phạm nhân được gửi 02 lá thư trong một tháng, trước khi gửi nếu phát hiện có nội dung xấu, ảnh hưởng quá trình chấp hành án của phạm nhân thì lập biên bản và không cho gửi.

Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ bị giam riêng, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật thì trong thời gian chưa được công nhận cải tạo tiến bộ, Thủ trưởng cơ sở giam giữ có thể hạn chế việc nhận, gửi thư và nhận quà. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo việc hạn chế nhận, gửi thư và nhận quà cho thân nhân phạm nhân biết để thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 22/01/2020 và bãi bỏ các Chương II, III Nội quy trại giam quân sự ban hành kèm theo Thông tư số 132/2012/TT-BQP ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.​

5. Xử lý phạm nhân vi phạm nội quy

Tại điều 38 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định về việc xử lý phạm nhân như sau:

Điều 38. Xử lý phạm nhân vi phạm

1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì bị kỷ luật bằng một trong những hình thức sau:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người già yếu.

2. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ.

3. Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; trường hợp không thuộc quyền hạn điều tra của mình thì phải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

4. Phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc huỷ hoại tài sản nơi chấp hành án thì phải bồi thường.

5.1. Các hình thức xử lý phạm nhân:

     Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy từng mức độ vi phạm mà bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau:

  • Khiển trách;
  • Cảnh cáo;
  • Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

     Nếu trong trường hợp phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật thì phạm nhân sẽ không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Tuy nhiên tại K1Đ38 Luật thi hành án hình sự quy định sẽ không được áp dụng biện pháp cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân là người già yếu.

     Một lưu ý là trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; trường hợp không thuộc quyền hạn điều tra của mình thì phải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

     Nếu phạm nhân làm hư hỏng, làm mất hoặc huỷ hoại tài sản nơi chấp hành án thì phải bồi thường.

5.2. Thẩm quyền xử lý phạm nhân khi vi phạm

     Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì những người sau có quyền ra quyết định xử lý phạm nhân:

  • Giám thị trại giam,
  • Giám thị trại tạm giam,
  • Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ.