Sau khi thanh toán xong bên bán đưa cho công ty tôi mật mã của phần mền và dowload online để sử dụngKhi mua xong bên em muốn bán lại cho 1 công ty khác, vậy trong trường hợp này sản phẩm mua bên nước ngoài ko có tờ khai vậy em phải làm thủ tục sao để báo cáo thuế mua bán hợp pháp.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Câu hỏi của bạn được trả lời cụ thể như sau:

1. Cở sở pháp lý

– Thông tư 103/2014/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam

– Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân, luật sử đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và nghị định số 65/2013/NĐ-CP

– Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng

– Luật số 71/2014/QH13

2. Loại thuế phải nộp đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài

Đối với trường hợp này của bạn được xác định là bên công ty bạn phải nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài. Theo quy định của pháp luật thì nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì phải nộp thuế nhà thầu. Việc công ty bạn nộp thuế nhà thầu này chính là cách thức để bạn hợp pháp hóa phần mềm đó.

Theo đó, Điều 5 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định về loại thuế phải nộp đối với nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài như sau:

“1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.”

Theo đó, bạn cần xác định là bên bán cho công ty anh (chị) là tổ chức hay là cá nhân để áp dụng loại thuế hợp lý.

3. Nộp thuế trong trường hợp nhà thầu nước ngoài là tổ chức

Đối với trường hợp nhà thầu nước ngoài là tổ chức thì công ty bạn phải nộp thay thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng:

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”

Do đó, công ty bạn sẽ không phải nộp thuế giá trị gia tăng đối với thu nhập từ việc bán phần mềm của nhà thầu nước ngoài.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Đối với trường hợp này thì bạn cần xác định là bên bán phần mềm cho công ty bạn có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không để xác định phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Do bạn cung cấp là dùng thẻ tín dụng visa để thanh toán online để thanh toán quốc tế, nên trong trường hợp này xác định là nhà thầu nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam nên sẽ thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp Theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC như sau:

Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Theo đó, Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được,chưa trừ các khoản thuế phải nộp. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

Như vậy doanh thu được xác định là toàn bộ doanh thu mà nhà thầu nước ngoài nhận được bao gồm các khoản thuế và chi phí khác do bên Việt Nam trả thay, trừ thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp doanh thu nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thì được xác định theo công thức sau:

Doanh thu tính thuế TNDN

=

Doanh thu không bao gồm thuế TNDN

1 – Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng tính trên doanh thu được xác định Theo biểu thuế quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC. Đối với thu nhập từ bản quyền là 10%

Theo đó,

Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = doanh thu tính thuế TNDN x 10%

4. Nộp thuế trong trường hợp nhà thầu nước ngoài là cá nhân

Trường hợp nhà thầu nước ngoài là cá nhân thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng như sau:

Thuế giá trị gia tăng: Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì phần mềm thuộc đối tượng không phải nộp thuế giá trị gia tăng nên công ty không phải kê khai, nộp thuế.

Thuế thu nhập cá nhân: Về thuế thu nhập cá nhân thì được tính Theo quy định tại Điều 13 thông tư 111/2013/TT-BTC và khoản 7 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x thuế suất 5%

Theo đó, thu nhập tính thuế từ bản quyền được xác định là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số lần thanh toán hoặc số lần nhận tiền mà người nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

Theo đó, bạn căn cứ vào từng trường hợp để thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho bên bán.

Khi bên bạn đã hợp thức hóa phần mềm đó thì bên bạn thực hiện việc bán lại phần mềm đó như hàng hóa thông thường và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nên không phải nộp thuế GTGT đối với phần mềm này. Còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài

Theo Điều 7 Thông tue 103/TT-BTC:

* Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp, phân phối hàng hóa; cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I).

* Trường hợp hàng hóa được cung cấp dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo một số dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như dịch vụ quảng cáo tiếp thị (marketing), hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế và các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ 10:

Công ty A ở Việt Nam ký hợp đồng mua dây chuyền máy móc thiết bị cho Dự án Nhà máy xi măng với Công ty B ở nước ngoài. Tổng giá trị Hợp đồng là 100 triệu USD (không bao gồm thuế GTGT), bao gồm giá trị máy móc thiết bị là 80 triệu USD, giá trị dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng là 20 triệu USD.

Nghĩa vụ thuế TNDN của Công ty B đối với Giá trị hợp đồng được xác định như sau:

– Thuế TNDN được tính riêng đối với giá trị dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu (80 triệu USD) và tính riêng đối với giá trị dịch vụ (20 triệu USD) theo từng tỷ lệ thuế TNDN theo quy định.

– Trường hợp Hợp đồng không xác định cụ thể giá trị dây chuyền máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì tính thuế TNDN trên tổng giá trị hợp đồng (100 triệu USD) với tỷ lệ thuế TNDN theo quy định.

*  Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau:

– Thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế/dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam.

– Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm).

“Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm”, “Quyền sở hữu công nghiệp”, “Chuyển giao công nghệ” quy định tại Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản.

– Thu nhập từ Lãi tiền vay: là thu nhập của Bên cho vay từ các khoản cho vay dưới bất kỳ dạng nào mà khoản vay đó có hay không được đảm bảo bằng thế chấp, người cho vay đó có hay không được hưởng lợi tức của người đi vay; thu nhập từ lãi tiền gửi (trừ lãi tiền gửi của các cá nhân người nước ngoài và lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản tiền gửi để duy trì hoạt động tại Việt Nam của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam), kể cả các khoản thưởng đi kèm lãi tiền gửi (nếu có); thu nhập từ lãi trả chậm theo quy định của các hợp đồng; thu nhập từ lãi trái phiếu, chiết khấu giá trái phiếu (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế), tín phiếu kho bạc; thu nhập từ lãi chứng chỉ tiền gửi.

Lãi tiền vay bao gồm cả các khoản phí mà Bên Việt Nam phải trả theo quy định của hợp đồng.

– Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

– Tiền phạt, tiền bồi thường thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng.

– Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191để được giải đáp.

Trân trọng./.

Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Quỳnh – Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group