Khi đó, việc làm không chỉ được hình thành trong khu vực nhà nước, mà trong các khu vực kinh tế khác cũng được coi trọng và chính những khu vực kinh tế này trong nhiều năm nay đã là nguồn tạo việc làm lớn nhất; hàng năm đã tạo thêm việc làm mới và thu hút thêm hàng triệu lao động xã hội. Vị trí của người lao động, dù tự tạo việc làm, làm việc ở tổ hợp tác, ở doanh nghiệp tư nhân, ở doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp của Nhà nước… đều được thực hiện bình đẳng thông qua Bộ Luật Lao động và Luật BHXH.
Hệ thống lý luận về thị trường lao động trên thế giới đã nghiên cứu rất cơ bản về các yếu tố của thị trường: như nguồn lao động, việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc, thông tin thị trường… cũng như tác động tương hỗ của thị trường lao động đến các thị trường hàng hoá thông thường khác và thị trường tài chính. Vì vậy, những nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp và các loại hình thất nghiệp cũng rất đa dạng và khác biệt nhau. Thất nghiệp có thể do tác động trực tiếp do thời vận kinh tế đang đi xuống; thất nghiệp có thể do chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kỹ thuật; thất nghiệp có thể do tính mùa vụ; thất nghiệp do cọ xát… Đồng thời, người ta cũng đã nghiên cứu đồng bộ đến một hệ thống chính sách việc làm và thị trường lao động nhằm quản lý, điều tiết sự hoạt động của thị trường nhằm hạn chế những tác hại do nạn thất nghiệp gây ra.
Thị trường lao động, bên cạnh những đặc trưng cơ bản của những thị trường hàng hóa khác, nó còn mang tính đặc biệt, bởi nó liên quan đến hàng hoá sức lao động, nó liên quan đến con người, đến đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ. Ngay ở các nước phát triển, thất nghiệp có thể được coi là trọng tâm của các rủi ro xã hội. Khi bị thất nghiệp, trước hết người lao động bị mất thu nhập và bị mất đi cơ sở nguồn tài chính cho sự tồn tại. Sau đó là các hậu quả về tâm lý – xã hội cho bản thân họ và gia đình và tiếp đến là hậu quả đối với xã hội. Khi nạn thất nghiệp ở mức độ cao trong một quốc gia sẽ đe doạ đến sự ổn định của xã hội.
Ở nước ta, Luật BHXH ban hành năm 2006 trong đó có Chương V với 8 điều (từ Điều 80 đến 87) về Bảo hiểm thất nghiệp và Mục 3 Chương VI với 4 Điều (từ Điều102 đến Điều 105) về Quỹ BHXH thất nghiệp và có hiệu lực thi hành từ năm 2009 đã xác lập sự cần thiết và chín muồi của việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở nước ta. Điều đó cũng có nghĩa là tạo thêm một công cụ bảo đảm của xã hội nhằm chống lại những rủi ro do mất việc làm gây ra đối với người lao động trong nền kinh tế thị trường.
Ở các nước công nghiệp phát triển có nền kinh tế thị trường đầy đủ đã tiến hành BHTN nhiều năm nay như: CHLB Đức từ 1927… Các nước này coi sự phấn đấu cho trạng thái việc làm cao hay nạn thất nghiệp với tỷ lệ thấp thấp luôn là một trong những mục tiêu chiến lược của quốc gia. Đối với nước ta, chính sách BHTN lần đầu tiên được ban hành và triển khai tổ chức thực hiện vào năm 2009. Đây là một công việc hoàn toàn mới đối với vấn đề quản lý thị trường lao động và thực hiện chính sách thị trường lao động, chính sách BHTN ở nước ta. Chúng ta phải xây dựng từ đầu hệ thống quản lý lao động và đăng ký lao động; xây dựng mới và tiếp thụ những hệ thống giới thiệu việc làm và đào tạo lại nghề hiện có cho người lao động thất nghiệp; tổ chức thu và chi trả trợ cấp thất nghiệp cũng như việc tính toán cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Không những vậy, chúng ta cũng cần có một cái nhìn tổng thể về thị trường lao động, về những đặc trưng của thị trường lao động và nạn thất nghiệp ở nước ta trong giai đoạn trước mắt và lâu dài để từ đó có thể ngay từ bước đi ban đầu đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu, nhằm thực hiện tốt chính sách BHTN.
Mô hình triển khai thực hiện chính sách BHTN ở Việt Nam sẽ bao gồm những nội dung sau:
– Hệ thống tổ chức thu đóng góp và chi trả chế độ BHTN;
– Hệ thống quản lý người lao động thất nghiệp;
– Hệ thống tổ chức đăng ký nhu cầu lao động cho doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động;
– Tổ chức đào tạo lại nghề cho người lao động thất nghiệp.
Có 3 mô hình được đề xuất để triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHTN được đưa ra như sau:
– Mô hình thứ nhất: ngành lao động tổ chức thực hiện;
– Mô hình thứ hai: ngành BHXH tổ chức thực hiện ;
– Mô hình thứ ba: liên kết giữa 2 ngành: lao động và BHXH hoặc thêm ngành Tài chính tổ chức thực hiện.
Mô hình lựa chọn phải là mô hình đồng thời đáp ứng được các yêu cầu:
– Đảm bảo thực hiện tốt chế độ chính sách BHTN, đảm bảo đầy đủ, kịp thời các quyền lợi hợp pháp cho người lao động, giúp cho người lao động sớm có việc làm mới.
– Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế – xã hội cho từng địa phương và trên phạm vi cả nước khi triển khai thực hiện chính sách BHTN.
Quá trình nghiên cứu thảo luận về các mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHTN đã được phân tích đầy đủ. Đặc biệt, căn cứ vào khuôn khổ các nội dung của chính sách BHTN hiện hành, cũng như căn cứ vào cơ cấu tổ chức, bộ máy thực hiện các chính sách xã hội hiện tại, chúng tôi thấy rằng mô hình thứ hai – ngành BHXH tổ chức thực hiện là mô hình hợp lý và mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội hơn cả trong nhiều năm tới.
Nghị định 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam tại Khoản 1, Điều 1. Vị trí chức năng, ghi rõ: BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ BHTN, quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN (sau đây gọi chung là BHXH), BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện (sau đây gọi chung là BHYT) theo quy định của pháp luật. Khoản 10, Điều 2 Nhiệm vụ, quyền hạn: Tổ chức thu BHTN của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức chi trả thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, đóng BHYT cho người được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
1. Tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ bổ sung của các cấp trong hệ thống ngành BHXH Việt Nam khi thực hiện chính sách BHTN
a) Cấp Trung ương:
Theo Nghị đinh 94/2008/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức BHXH Việt Nam ở Trung ương gồm: 12 Ban và 6 Đơn vị sự nghiệp. Trong đó có các Ban liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHTN là:
– Ban Thực hiện chính sách BHXH: tổ chức hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN: tính mức hưởng và thời gian hưởng.
– Ban Thu: hướng dẫn và quản lý về nghiệp vụ thu BHTN; nghiệp vụ theo dõi tình hình biến động của người lao động thất nghiệp (đăng ký thất nghiệp); về giải quyết các vấn đề có liên quan đến sự phối hợp thực hiện với các ngành khác như: giới thiệu việc làm, đào tạo nghề… Liên kết xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu việc làm trong phạm vi cả nước nhằm giúp từng cơ sở, địa phương cũng như người lao động có thể biết được nguồn việc làm không chỉ ở địa bàn mình đang quản lý hay địa bàn người lao động đang sống mà là nhu cầu lao động trong cả nước.
– Ban Chi: hướng dẫn và quản lý về nghiệp vụ chi trả các trợ cấp BHTN và các khoản hỗ trợ giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề…
Ban Kế hoạch – Tài chính có nhiệm vụ lập kế hoạch thu – chi chế độ BHTN; Ban Tuyên truyền thực hiện tuyên truyền về chính sách BHTN tới các doanh nghiệp và người lao động; Trung tâm Thông tin xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý về lao động thất nghiệp và ngân hàng việc làm…
b) Cấp BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Những hoạt động trực tiếp về thực hiện chính sách BHTN được tiến hành ở BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện. Những nội dung cụ thể về tổ chức thực hiện chính sách BHTN sẽ gắn liền với BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, bao gồm:
– Phòng Thu được bổ sung thêm nhiệm vụ: thu BHTN; cấp thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHTN khi bị thất nghiệp; tiếp nhận nhu cầu lao động của các đơn vị tham gia BHXH; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp; tư vấn, gửi đi đào tạo lại hoặc đào tạo mới ngành nghề cho người lao động thất nghiệp; tổng hợp chung về công tác thu BHTN trên địa bàn BHXH tỉnh quản lý.
– Phòng Chính sách được bổ sung thêm nhiệm vụ: tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ BHTN; tổng hợp chung về thực hiện các chế độ BHTN trên địa bàn BHXH tỉnh quản lý.
– Phòng Kế hoạch – Tài chính được bổ sung thêm nhiệm vụ: quản lý về chi BHTN: chi trả tiền trợ cấp BHTN, chi hỗ trợ giới thiệu việc làm, chi hỗ trợ đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch thu – chi về BHTN trên địa bàn BHXH tỉnh quản lý.
– Các phòng khác theo chức năng nhiệm vụ đươc giao, phối hợp thực hiện chính sách BHTN, ví dụ: quản lý lao động thất nghiệp của Phòng Công nghệ Thông tin; tuyên truyền về chính sách BHTN…
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đối với một số tỉnh và thành phố lớn có thể thành lập một phòng riêng lấy tên là phòng BHTN. Phòng BHTN sẽ đảm nhận nhiệm vụ chuyên về đăng ký lao động thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp; tư vấn và gửi đi đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp và hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Ngoài ra, để thực hiện cải cách hành chính, hiện nay trong hệ thống BHXH các tỉnh, thành phố đang thí điểm cơ chế một cửa liên thông và sớm được thực hiện trong phạm vi cả nước thì Phòng Tiếp nhận – quản lý hồ sơ sẽ giúp cho việc tiếp cận giữa người lao động thất nghiệp với việc thực hiện chính sách BHTN một cách dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả.
c) Cấp BHXH quận, huyện:
BHXH huyện được bổ sung thêm nhiệm vụ: thu đóng góp BHTN; cấp thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHTN khi bị thất nghiệp; tiếp nhận nhu cầu lao động của các doanh nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp; gửi đi đào tạo lại nghề hoặc đào tạo nghề mới cho người lao động thất nghiệp; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHTN; quản lý chi về BHTN; chi trả tiền trợ cấp BHTN, chi hỗ trợ đào tạo nghề… cho các đối tượng tham gia BHTN trên địa bàn huyện (quận) quản lý.
2. Quy trình chung về thực hiện chính sách BHTN tại BHXH các cấp tỉnh (thành phố tương đương) và cấp huyện (quận tương đương)
2.1. Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng BHTN theo mức quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật BHXH và trích tiền lương, tiền công của từng người lao động theo mức quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật BHXH để đóng cùng một lúc vào quỹ BHTN.
Để quản lý từng đơn vị sử dụng lao động và từng người lao động trong đơn vị tham gia BHTN, tránh chồng chéo giữa BHXH tỉnh và BHXH huyện, việc phân cấp quản lý thu BHTN đươc thực hiện như phân cấp thu BHXH bắt buộc: Người sử dụng lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT đóng trụ sở chính ở địa bàn nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT tại địa bàn đó theo phân cấp của cơ quan BHXH. Trường hợp đơn vị không đủ tư cách pháp nhân, không có tài khoản, con dấu riêng thì đóng theo đơn vị quản lý cấp trên.
2.2. Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN và mỗi năm chuyển một lần vào quỹ BHTN. Hàng năm, BHXH tỉnh và huyện tổng hợp về tình hình lao động, tiền lương, tiền công và kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ về BHTN chuyển về cơ quan tài chính cấp huyện, tỉnh để được cấp kinh phí.
2.3. BHXH tỉnh, BHXH huyện thực hiện: tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHTN; tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp để họ nhanh chóng tìm được việc làm mới; thực hiện việc trả trợ cấp thất nghiệp theo đúng chế độ, kịp thời, thuận tiện. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc BHXH kể trên phải lập kế hoạch tài chính cho chính sách BHTN trên cơ sở dự báo biến động về lao động thất nghiệp hàng năm, cũng như dự toán nguồn kinh phí để hỗ trợ cho công tác giới thiệu việc làm, hỗ trợ công tác đào tạo nghề.
2.4. Người lao đông tham gia BHTN đăng ký thất nghiệp với cơ quan BHXH, nơi người lao động được người sử dụng lao động trước đó đóng BHXH, BHYT và BHTN đồng thời chịu sự quản lý của cơ quan BHXH trong thời gian thất nghiệp.
2.5. BHXH tỉnh, BHXH huyện: tư vấn và gửi đi đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp; hỗ trợ học nghề cho đối tượng hưởng chế độ BHTN được thực hiện thông qua hợp đồng ký kết với các cơ sở đào tạo dạy nghề. Việc học nghề gì, thời gian học kéo dài bao lâu, trình độ học nghề đạt được như thế nào… cần có sự thỏa thuận giữa cơ quan BHXH với người lao động thất nghiệp trên cơ sở căn cứ vào thực trạng cung – cầu trên thị trường lao động của địa phương, của vùng nhằm tạo khả năng sớm tìm được việc làm mới. Tương tự như vậy, mức hỗ trợ đào tạo nghề cũng được quy định cụ thể cho phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHTN.
3. Quy trình về tổ chức đăng ký lao động thất nghiệp, quản lý lao động thất nghiệp và tiếp nhận đăng ký nhu cầu lao động từ các doanh nghiệp
3.1. Người lao động tham gia BHTN sẽ đăng ký thất nghiệp với cơ quan BHXH khi bị mất việc làm, khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trong thời hạn 7 ngày (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần) kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan BHXH nơi nộp hồ sơ tham gia BHTN để đăng ký thất nghiệp. Hàng tháng, thông báo với cơ quan BHXH về tình trạng tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
3.2. Cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục đăng ký thất nghiệp đối với người lao động. Hoàn tất thủ tục đăng ký thất nghiệp: lập hồ sơ, cập nhật, lưu trữ thông tin. ứng dụng công nghê thông tin vào quản lý lao động thất nghiệp nhằm tránh sai sót, trùng lắp cũng như theo dõi được toàn bộ quá trình của từng người lao động thất nghiệp.
3.3. Cơ quan BHXH có nhiệm vụ quản lý lao động thất nghiệp và theo dõi quá trình của người lao động kể từ khi thất nghiệp, nhận trợ cấp thất nghiệp… cho đến khi tìm được việc làm mới.
3.4. Cơ quan BHXH phối hợp thường xuyên với các đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn mình quản lý, để tiếp nhận thông tin về nhu cầu về lao động của họ, làm cơ sở nguồn việc làm giới thiệu trực tiếp cho người lao động thất nghiệp đóng trên cùng địa bàn hoặc chuyển tiếp nhu cầu lao động tới các đơn vị BHXH khác cùng giới thiệu.
4. Quy trình về tổ chức giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp
4.1. Phòng Thu thuộc BHXH tỉnh và BHXH huyện một mặt liên kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý để thu nhận thường xuyên nhu cầu lao động của họ (về số lượng lao động, loại hình ngành nghề và trình độ ngành nghề yêu cầu, giới tính…) và mặt khác liên kết với các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề nhằm có thể tư vấn, giới thiệu kịp thời việc làm hoặc nghề nghiệp cần đào tạo cho người lao động thất nghiệp.
4.2. Người lao động tham gia BHTN, khi bị thất nghiệp có thể chủ động tìm việc làm (nếu đủ khả năng) hoặc đến cơ quan BHXH yêu cầu giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho mình để sớm có việc làm mới. Người lao động cần hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của cơ quan BHXH để nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc phục vụ cho đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Người lao động phải có ý thức sẵn sàng làm việc hoặc tham gia khóa học nghề phù hợp khi được cơ quan BHXH giới thiệu.
4.3. Cơ quan BHXH tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động cũng được tư vấn học nghề phù hợp với khả năng nguyện vọng của người lao động đang thất nghiệp. Cơ quan BHXH sẽ bố trí cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tham gia một khoá học nghề phù hợp tại các cơ sở dạy nghề, nơi mà cơ quan BHXH đã ký hợp đồng đào tạo nghề. Cơ quan BHXH trả kinh phí đào tạo nghề cho các cơ sở đào tạo nghề theo hợp đồng ký kết với mức kinh phi theo quy định của nhà nước về đào tạo nghề và khả năng chi trả của quỹ BHTN.
Trên đây là dự kiến về mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHTN từ giác độ nghiên cứu khoa học cho phù hợp với chính sách BHTN đang khởi đầu. Hy vọng rằng, mô hình dự thảo này sẽ sớm được vận hành thông suốt nhằm đưa chính sách BHTN vào đời sống kinh tế – xã hội ở nước ta.
SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI THÁNG 11 NĂM 2008 – TS. PHẠM ĐÌNH THÀNH