Khách hàng: Thưa chuyên gia tâm lý, Bây giờ em đang rất lo sợ, em đã có thai và đang còn đi học cấp 3, vì vậy em không dám nói chuyện này với gia đình. Em phải làm gì bây giờ? Vì bây giờ em đang học cấp ba, em không hiểu rõ về hôn nhân và gia đình như kết hôn, điều kiện của nó? Xin Luật sư của LVN Group hãy giúp em ạ?

Cảm ơn!

1. Tư vấn tâm lý

Em thân mến!

Qua thư, tôi phần nào hiểu được hiện giờ em đang rất bối rối và lo sợ khi có thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, chắc chắn là em không thể giấu cái thai đó mãi được. Nếu em cứ luôn lo lắng và sợ hãi cũng rất ảnh hưởng đến thai nhi cũng như cơ thể em. Hiện giờ em cũng còn rất trẻ và cũng còn thiếu kĩ năng nên sẽ có nhiều nguy cơ trong quá trình mang thai hơn, bởi vậy việc em cần nhận được sự trợ giúp lúc này là rất quan trọng. Đừng kéo dài tình trạng này nữa, hãy nói với mọi người trong gia đình càng sớm càng tốt.

Trong gia đình em ai là người bình tĩnh và ít nóng giận nhất? Em có thể chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện với người đó trước và người đó sẽ cùng em nói với các thành viên khác. Hoặc cũng có thể nói với bố mẹ cùng một lúc để em không phải lặp lại câu chuyện và chỉ phải đối mặt với phản ứng của mọi người một lần. Tuy nhiên cho dù bình tĩnh đến đâu thì có lẽ mọi người cũng sẽ rất sốc khi nghe tin này, bởi vậy em cần chuẩn bị tâm lý trước những phản ứng của mọi người: khóc, giận dữ, hoặc thậm chí mắng mỏ, đây cũng là phản ứng rất bình thường của người làm cha, làm mẹ khi biết tin như vậy. Hãy cứ im lặng khi mọi người đang “sốc” và “hoang mang”, đừng cãi lại, hãy thể hiện thái độ ăn năn và biết lỗi. Dù sao thì người thân trong gia đình cũng không mong muốn những điều xấu cho em đâu, chỉ là hiện giờ họ quá buồn.

Sau khi nói chuyện với bố mẹ thì việc tiếp theo sẽ là quyết định cần phải làm gì? Giữ lại hay phá bỏ? Nếu phá bỏ thì như thế nào? Giữ lại thì như thế nào? Bạn trai em sẽ cần có trách nhiệm gì trong chuyện này? Việc quyết định như thế nào là phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình huống, nguyện vọng của em cũng như gia đình.

Hiện giờ em còn rất trẻ, tương lai ở phía trước vẫn còn dài. Hi vọng rằng qua lần vấp ngã này, em sẽ cẩn thận và tỉnh táo hơn trong mọi chuyện.

Chúc em mọi điều tốt lành!

 

2. Khái niệm kết hôn 

Kết hôn không phải là một khái niệm xa lạ với bất cứ ai. Kết hôn được coi như là két quả của một tình yêu đẹp. Kết hôn theo ngôn ngữ pháp lý được hiểu là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Theo đó, không phải cứ có tình yêu hay hai người muốn kết hôn là kết hôn, pháp luật quy định khi có đủ các điều kiện nhất định thì mới đước kết hôn và được nhà nước công nhận là kết hôn hợp pháp. Tuy nhiên, không phải ai cũng năm rõ pháp luật và hiểu hết các điều kiện để có thể kết hôn hợp pháp, bằng chứng cho thấy trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều cuộc hôn nhân là kết hôn trái pháp luật dẫn tới hậu quả là bị hủy kết hôn trái pháp luật.

Theo khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

=> Như vậy, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.

 

3. Đăng ký kết hôn

Đăng ký kết hôn là ghi vào Sổ đăng ký kết hôn để chính thức công nhận nam nữ là vợ chồng trước pháp luật. Đăng kí kết hôn là hoạt động hành chính nhà nước, là thủ tục pháp lý làm cơ sở để Nhà nước công nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ.

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch mới có giá trị pháp lý. Để được đăng ký kết hôn, nam nữ phải làm tờ khai đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng kí kết hôn. Trên cơ sở đó, cơ quan đăng ký kết hôn tiến hành xác minh, nếu các bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì tổ chức đăng kí kết hôn cho nam nữ, ghi việc kết hôn vào sổ đăng kí kết hôn và trao Giấy chứng nhận kết hôn cho nam nữ.

Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

 

4. Điều kiện kết hôn

Theo Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình, điều kiện kết hôn như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Như vậy việc kết hôn chỉ được thừa nhận khi hai bên không cùng giới tính trong giấy khai sinh. Vậy hôn nhân đồng giới tại Việt Nam chưa được pháp luật công nhận.

=> Vậy có thể thấy gồm có những điều kiện sau:

a. Điều kiện về độ tuổi kết hôn

Theo quy định đã trích dẫn trên đây, hiện nay tuổi có thể kết hôn với nam là tử đủ 20 tuổi, với nữ là từ đủ 18 tuổi, so với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình trước đó – Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên

Sở dĩ có việc thay đổi này là vì nếu quy định tuổi kết hôn của nữ là vừa bước qua tuổi 18 thì quy định này là không thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Đó là, theo Bộ luật Dân sự người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý… Còn theo Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện.

b. Điều kiện về ý chí kết hôn

Pháp luật quy định hai bên nam nữ tự nguyện quyết định hôn nhân nhằm đảm bảo việc tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ của vợ, chồng, hạnh phúc gia đình và đảm bảo quyền tự chủ của công dân nói riêng và con người nói chung. Bên cạnh đó, chủ thể kết hôn không thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự bởi người mất năng lực hành vi dân sự không biểu đạt được ý chí tự nguyện của mình.

c. Các trường hợp cấm kết hôn

Các trường hợp cấm kết hôn gồm:

– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Để hiện thực hóa các điều kiện kết hôn trên, pháp luật hộ tịch quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đòi hỏi các giấy tờ chứng minh nhân thân (như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu,…) để chứng minh tuổi khi yêu cầu kết hôn và đòi hỏi được thực hiện với sự có mặt đầy đủ của hai bên nam nữ có yêu cầu kết hôn mà không được ủy quyền nhằm đảm bảo tự nguyên kê khai các thông tin, tự nguyện ký vào tờ khai và thể hiện được ý chí tự nguyện của các bên.

 

5. Điều kiện kết hôn hợp pháp 

Kết hôn được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể các điều kiện bao gồm:

Về độ tuổi: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Độ tuổi này được thừa nhận ở hầu hết các nước trên thế giới và rất phù hợp với thực tế vì ở độ tuổi như vậy, cả nám và nữ đều đã là người đủ năng lực hành vi dân sự, có thể tự lao động để nuôi bản thân cũng như có đủ trưởng thành để xây dựng cuộc sống hôn nhân.

Về ý trí: Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Việc kết hôn cũng được coi như một giao dịch dân sự vậy, các bên tham gia vào quan hệ vọ chồng phải tự mình tham gia, tự mình thỏa thuận và tự nguyện, không được lừa dối, cưỡng ép kêt hôn.

Về năng lực chủ thể: nam nữ kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự. Tại thời điểm kết hôn, nam nữ tham gia đăng ký kết hôn phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Điều kiện này đi kèm với điều kiện về ý trí, khi các bên tham gia đăng ký kết hôn mà bị mất năng lực hành vi dân sự thì không thể tự mình tham gia, không thể tự mình quyết định việc đăng ký kết hôn.

Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau: Kết hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Về kết hôn đồng giới, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bỏ quy định “cấm kết hôn với những người cùng giới” thay vào đó là quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Theo đó thì những người đồng giới tính vẫn có thể thực hiện kết hôn với nhau nhưng không được pháp luật và nhà nước thừa nhận (làm thủ tục đăng ký kết hôn), tức là không được nhà nước bảo vệ nếu như có tranh chấp xảy ra. Xét trong hoàn cảnh nước ta chưa có chuẩn bị về việc thừa nhận hôn nhân đồng giới thì quy định này hoàn toàn hợp lý, đây cũng là bước đệm để có thể thừa nhận hôn nhân đồng giới và htuwcj hiện quyền con người theo công ước quốc tế trong tương lai. 

 

Bộ phận tư vấn tâm lý – Công ty Luật LVN Group.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, phổ biến. Nếu có điều gì cần chia sẻ, trợ giúp về tâm lý quý khách hãy gọi đến tổng đài tư vấn tâm lý :  1900.0191 chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng bạn tháo gỡ khó khăn.)