Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
1. Cơ sở pháp lý
Theo Điều 40 bộ luật hình sự 2015
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
=> Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất mà pháp luật hình sự áp dụng đối với người phạm tội và hậu quả pháp lý là người phạm tội phải trả giá bằng mạng sống của mình. Xét về tính răn đe thì đây là hình phạt có tính răn đe mạnh nhất Việc nhà nước loại bỏ án tử hình cho người đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi cho thấy rõ sự nhân đạo của nhà nước .
2. Cơ sở của quy định loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ
Cũng giống như các hình phạt khác, hình phạt tử hình được đặt ra để trừng trị người phạm tội, để răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Tuy nhiên, hình phạt tử hình khác hơn ở chỗ nó tước đoạt đi quyền sống của con người. Việc thực thi hình phạt tử hình đối với một người sẽ chấm dứt sự tồn tại, loại bỏ vĩnh viễn người ấy ra khỏi xã hội. Điều đó được những người ủng hộ hình phạt tử hình lý giải bằng lý do bảo vệ xã hội: “Một số tội phạm phải chết để những người còn lại được an toàn, hay ít ra là an toàn hơn”. Bởi vậy, nên bất chấp những nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ đòi xóa bỏ hình phạt tử hình của các phong trào nhân đạo, giá trị của hình phạt này vẫn không bị phủ nhận, nó vẫn được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Và mặc dù không phải là phổ biến nhưng cũng không tránh khỏi thực tế có những trường hợp người phải đối mặt với án tử hình là phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Đối với trường hợp này, pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đương đại đều có yêu cầu loại trừ việc áp dụng hoặc thi hành hình phạt tử hình. Yêu cầu đó xuất phát từ những sở cứ quan trọng đặc biệt sau đây:
Thứ nhất, việc loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ là vì lợi ích của đứa bé và sự công bằng đối với nó. Thai nhi hoặc trẻ nhỏ có sinh mệnh gắn liền với người mẹ, tử hình người mẹ đồng nghĩa với việc tước đoạt quyền sống của thai nhi hay ít ra là điều kiện sống tối cần thiết của đứa trẻ mới sinh. Đó là sự chà đạp quyền con người dã man và vô nhân đạo, không thể được chấp nhận trong xã hội văn minh. Thai nhi hay trẻ nhỏ yếu đuối và hoàn toàn vô tội, buộc nó phải gánh chịu trách nhiệm về hành vi tội lỗi của người khác, dù đó chính là người mẹ sinh ra nó cũng hết sức bất công.
Thứ hai, việc loại trừ hình phạt tử hình trong trường hợp này là bởi quyền thực hiện thiên chức làm mẹ là quyền con người thiêng liêng, không thể tước đoạt. Nhân loại thường cho rằng, quyền sống, quyền tự do là những quyền con người quan trọng nhất. Vậy nhưng thực tế là theo bản năng, đa số người mẹ trên thế gian có thể hy sinh mọi thứ, kể cả quyền sống, quyền tự do ấy vì tình mẫu tử. Điều đó làm nên phẩm giá của loài người, là cấu thành của nhân tính, nhân bản. Bởi tính chất thiêng liêng này nên không thể tước đoạt quyền thực hiện thiên chức làm mẹ của người phạm tội cho dù bản thân họ nguy hiểm đến mức phải bị loại ra khỏi xã hội.
Thứ ba, việc loại trừ hình phạt tử hình đối với người phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ thể hiện sự thừa nhận, tôn vinh của xã hội đối với công lao của người mẹ. Thiên chức sinh sản, nuôi dưỡng của người phụ nữ được tạo hóa sinh ra để tái sản xuất con người, kiến tạo nhân loại. Cho dù người phụ nữ đã phạm tội lỗi đến đâu nhưng việc người ấy đang mang thai, nuôi con nhỏ nghĩa là họ đang đóng góp công sức lớn đối với sự nghiệp phát triển của loài người. Có thể xem tình tiết đó như việc “lấy công chuộc tội” để đối xử khoan hồng đối với họ.
Thứ tư, loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ xuất phát từ đòi hỏi về tính nhân đạo của chính sách pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng. Trong khoa học pháp lý, phụ nữ được xác định là một trong các nhóm xã hội dễ bị tổn thương cần được chú trọng bảo vệ. Tình trạng mang thai, sinh nở lại khiến phụ nữ trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương hơn nữa, càng cần đến sự bảo vệ đặc biệt. Vì lẽ đó, những hành vi xâm hại phụ nữ mang thai, sinh sản luôn bị xác định là có tính chất tàn bạo hơn so với xâm hại người bình thường. Tương tự như vậy, việc áp dụng, thực thi sự trừng phạt hà khắc nhất lên người phụ nữ đang ở tình trạng đặc biệt dễ tổn thương chắc chắn sẽ rất vô nhân đạo.
3. Quy định PLQT và các quốc gia trên TG về việc loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai
Luật nhân quyền quốc tế đã sớm đặt ra yêu cầu đặc biệt liên quan đến việc loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai” (khoản 5 Điều 6); Điểm 3 trong những bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người đang phải đối mặt với án tử hình năm 1984 nhấn mạnh thêm: “Không được thi hành án tử hình đối với những phụ nữ có thai, các bà mẹ đang nuôi con nhỏ”.
Tuy nhiên, các công ước của Liên hợp quốc chỉ cấm việc thực thi mà chưa đề cập đến việc áp dụng hình phạt tử hình. Vậy nên có thể hiểu rằng, hình phạt tử hình vẫn có khả năng được áp dụng trong trường hợp này, chỉ có điều việc thi hành hình phạt sẽ không được thực hiện khi họ vẫn còn trong tình trạng mang thai, nuôi con nhỏ. Về tình trạng nuôi con nhỏ, Công ước quốc tế cũng không xác định cụ thể việc nuôi một đứa trẻ bao nhiêu tuổi là nuôi con nhỏ. Do vậy, khoảng thời gian nuôi con nhỏ được dùng làm căn cứ để không thực thi án tử hình sẽ được xác định khác nhau theo quan điểm của các quốc gia khác nhau.
Nếu như các công ước của Liên hợp quốc mới dừng lại ở việc cấm thi hành hình phạt tử hình đối với bà mẹ nuôi con nhỏ thì Hiến chương châu Phi về quyền và phúc lợi của trẻ em, Hiến chương nhân quyền Ả Rập đã có những bước tiến lớn hơn bởi quy định cấm áp dụng hình phạt tử hình đối với những đối tượng này. Điểm e Điều 30 Hiến chương châu Phi về quyền và phúc lợi trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên không áp dụng hình phạt tử hình đối với “bà mẹ tương lai, mẹ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Khoản 2 Điều 7 Hiến chương nhân quyền Ả Rập quy định: “Án tử hình không được áp dụng đối với người phụ nữ mang thai cho tới khi người đó sinh con cũng như đối với người mẹ cho con bú trong vòng hai năm kể từ khi sinh con”.
Nhìn chung lại, loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ là yêu cầu quan trọng về nhân quyền trong pháp luật quốc tế. Phù hợp với yêu cầu đó, việc thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai là không được phép ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. 84 trên tổng số 93 quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình đã thông qua quy định cấm thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai. Ngoài ra, 08 quốc gia khác tuy chưa có quy định riêng nhưng đã phê chuẩn Công uớc quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 vốn nghiêm cấm việc thực thi hình phạt tử hình với phụ nữ mang thai là: Afghanistan, Gambia, Grenada, Guyana, Liberia, Saint Vincent, Grenadines và Tanzania. Việc thực thi hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai chỉ còn là hợp pháp ở một quốc gia duy nhất trên thế giới ở Tây Ấn là Liên bang Saint Kitts và Nevis.
Quy định về loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai ở các nước trên thế giới chia làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất bao gồm các quốc gia trì hoãn việc thi hành cho đến sau khi người phụ nữ sinh con và nhóm thứ hai là nhóm các quốc gia cho phép chuyển hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân hoặc nhẹ hơn. Các quốc gia rơi vào nhóm trì hoãn thi hành hình phạt tử hình đến sau khi người phụ nữ sinh con quy định về khoảng thời gian trì hoãn rất khác nhau. Có thể chỉ 40 ngày như ở Morocco, 02 tháng ở Ai Cập, 03 tháng ở Bahrain và dài đến 03 năm như ở Thái Lan và Cộng hòa Trung Phi. Một số nước trì hoãn việc thi hành hình phạt tử hình trong một khoảng thời gian không xác định và để việc thi hành hình phạt sau khi người phụ nữ sinh con cho một cơ quan có thẩm quyền quyết định, đó là các nước như Burkina Faso, Chad, Iran, Lebanon, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, điều này chỉ được thực hiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ở các quốc gia cho phép chuyển đổi từ hình phạt tử hình mà đáng lẽ người phụ nữ mang thai sẽ phải chịu sang hình phạt khác thì đa số sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân, chẳng hạn như: Bahamas, Botswana, Ghana, Ấn Độ, Kenya, Kuwait, Lào, Malawi, Singapore, Sri Lanka, Uganda và Zambia… Một số nước ngoại lệ như: Belize – hình phạt tù chung thân có kèm lao động khổ sai và Malaysia – hình phạt tù có thời hạn tối đa 20 năm. Có 06 quốc gia đặc biệt bởi đã cho phép chuyển đổi thành án tù chung thân nhưng lại quy định Tòa án có thể xem xét trường hợp cụ thể để chuyển ngược lại thành án tử hình khi người phụ nữ đang mang án chung thân đó đã sinh con xong. Đó là Bangladesh, Eritrea, Ethiopia, Iraq, Myanmar và Pakistan.
Vấn đề loại trừ hình phạt tử hình đối với phụ nữ nuôi con nhỏ cũng được pháp luật các nước trên thế giới đặt ra bởi sự chăm sóc của người mẹ thường có ảnh hưởng sống còn đối với đứa trẻ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, khoảng thời gian nuôi con nhỏ được các quốc gia xác định rất khác nhau. Khoảng thời gian đó có thể là 40 ngày như ở Morocco hay đến 03 năm ở Thái Lan hoặc khoảng thời gian trừu tượng như “đến khi đứa trẻ cai sữa mẹ” ở Mali. Luật Iran lại chỉ giả định rằng nếu việc tử hình người mẹ gây nguy hiểm cho cuộc sống của đứa trẻ mà cô ta đang nuôi thì không được thực hiện. Trong 33 quốc gia phê chuẩn Hiến chương châu Phi về quyền và phúc lợi của trẻ em, đã có 08 nước ban hành điều luật riêng cấm áp dụng hình phạt tử hình đối với bà mẹ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo yêu cầu của Hiến chương. Trong 08 thành viên của Hiến chương nhân quyền Ả Rập có 04 quốc gia chính thức có luật cấm áp dụng đối với phụ nữ cho con bú trong vòng 02 năm kể từ khi sinh con là: Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Yemen và Palestine. Tuy nhiên, Yemen cho phép rút ngắn thời hạn 02 năm nếu có người khác chăm sóc đứa trẻ. Bên cạnh các quốc gia thông qua luật cấm thi hành (hoặc áp dụng) hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ, còn có các quốc gia mặc dù không đặt ra luật riêng nhưng đã cam kết tôn trọng yêu cầu của pháp luật quốc tế về vấn đề này.
Theo đó, hình phạt tử hình sẽ không được thi hành đối với phụ nữ nuôi con nhỏ ở 51 quốc gia trên thế giới. Ngoài 51 quốc gia này còn có 03 quốc gia cho phép Tòa án cân nhắc việc loại trừ án tử hình đối với phụ nữ nuôi con nhỏ là Bangladesh, Eritrea và Ethiopia. Toàn cảnh pháp luật hình sự thế giới cho thấy ở tuyệt đại đa số (92/93) các quốc gia còn duy trì án tử hình thì việc thi hành hình phạt này đối với phụ nữ mang thai đều được loại trừ; hơn một nửa các quốc gia này cũng loại trừ việc thi hành đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Trong đó, một số quốc gia đặc biệt đã cấm cả việc áp dụng án tử hình đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.
4. Cố tình mang thai nhiều lần có được hoãn thi hành án?
Có thể thấy, phụ nữ mang thai được hoãn phạt tù khi con được 36 tháng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi con đủ 36 tháng, không thể tránh khỏi một số trường hợp người mẹ mang thai tiếp.
Tuy nhiên, sau khi con đủ 36 tháng, không thể tránh khỏi một số trường hợp người mẹ mang thai tiếp. Vậy đối với người bị kết án là phụ nữ mà sau khi bị kết án họ liên tục có thai và sinh con để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù thì Tòa án có cho họ hoãn chấp hành hình phạt tù không?
Tại Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC, Toà án nhận định:
Nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.
Như vậy, dù cố tình có thai và sinh con liên tục thì người bị kết án vẫn tiếp tục được hoãn chấp hành án phạt tù.
Quy định trên nhằm đảm bảo quyền trẻ em. Khi trẻ em được sinh ra, cần được nuôi dưỡng trong gia đình có đầy đủ cha mẹ; đặc biệt là trong 03 năm đầu. Quy định này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam.
5.Kết luận
Quy định này mục đích là bảo vệ và đảm bảo quyền lợi của trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. Mục đích của hình phạt chỉ thực sự phát huy được tác dụng khi được áp dụng và thi hành đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Đối với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ thì việc thi hành hình phạt tù có lẽ sẽ ít đạt được mục đích của hình phạt, thậm chí là gây hệ lụy, hệ quả ngược lại, có tác động tâm lý tiêu cực tới bà mẹ và trẻ em.
Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)