Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015).
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết ấn không phải chấp hành bản án đã tuyên (Điều 60 Bộ luật hình sự năm 2015).
Giữa thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với thời hiệu thi hành bản án có những điểm khác nhau cơ bản sau đây:
* Đối tượng bị áp dụng:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là người đã thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Còn thời hiệu thi hành án được áp dụng đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án.
* Thời gian áp dụng:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng kể từ khi tội phạm được thực hiện và trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Còn thời hiệu thi hành bản án được áp dụng kể từ khi bản án có hiệu lực thi hành.
* Về điều kiện: để người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và điều kiện để người, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án do hết thời hiệu thi hành bản án…
Luật LVN Group phân tích chi tiết hơn vấn đề pháp lý trên như sau:
1. Quy định về thời hiệu
Thời hiệu nói chung là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Trong đó thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác và có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xảy ra. (thời hạn được tính theo dương lịch)
Thời hạn một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian đó diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
+ Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
+ Nửa năm là sáu tháng;
+ Một tháng là ba mươi ngày;
+ Nửa tháng là mười lăm ngày;
+ Một tuần là bảy ngày;
+ Một ngày là hai mươi tư giờ;
+ Một giờ là sáu mươi phút;
+ Một phút là sáu mươi giây;
Thời điểm bắt đầu thời hạn và kết thúc thời hạn
– Thời điểm bắt đầu:
+ Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định;
+ Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định;
+ Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó;
– Thời điểm kết thúc:
+ Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn;
+ Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng thời hạn;
+ Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó;
+ Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn;
+ Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó;
+ Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó;
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Tùy vào lĩnh vực mà thời hiệu có thể được áp dụng theo quy định của luật có liên quan như Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật thi hành án hình sự;
2. Phân biệt thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành án hình sự
Khái niệm:
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự: Là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Thời hiệu thi hành bản án: là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên;
Thời hạn:
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
+ 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
+ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
+ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
Phân loại tội phạm gồm 4 loại:
+ Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm;
+ Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù;
+ Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù;
+ Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình;
– Thời hiệu thi hành bản án:
+ 5 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 3 năm trở xuống;
+ 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm;
+ 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
+ 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình;
+ Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 5 năm;
Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 1 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới; (Trong trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ)
– Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. (Trong thời hạn đó mà người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó trình diện hoặc bị bắt giữ)
Đối tượng áp dụng
– Đối với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đối tượng áp dụng là người đã thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Đối với thời hiệu thi hành bản án hình sự thì đối tượng áp dụng là người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án;
Trường hợp không áp dụng thời hiệu
– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hiệu thi hành bản án đều không được áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 và tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
Trên đây là phân tích, hướng dẫn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án hình sự của Luật LVN Group. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi phân tích, đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình làm việc.
Trong trường hợp quý bạn đọc có điều chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc về pháp luật hình sự vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số Hotline: 1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn !