Tội trốn tránh NVQS là hành vi không chấp hành quy định pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh tập trung huấn luyện. Đối với tội trốn tránh NVQS hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này…
1. Dấu hiệu định tội của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
1.1 Khách thể của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Khách thể của tội phạm trốn tránh xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực hành chính đối với việc thực hiện NVQS. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân (Điều 45 Hiến pháp 2013). Theo Điều 332 BLHS năm 2015, thì tội trốn tránh NVQS trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xây dựng nền quốc phòng toàn dân.Việc quy định tội phạm này nhằm đảm bảo cho quy định của Hiến pháp và Luật NVQS được chấp hành nghiêm chỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.Tuy chỉ là lĩnh vực quản lý hành chính, những liên quan trực tiếp đến việc thi hành Luật nghĩa quân sự và việc tổ chức thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tâp trung huấn luyện lại do cơ quan quân sự địa phương thực hiện, nên có thể nói tội phạm này xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan quân sự địa phương về đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện.
1.2 Mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
1.2.1 Hành vi khách quan
Theo Điều 332 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Người phạm tội này có thể thực hiện một số hoặc một số hành vi sau: Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự; Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự: là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật như: đã có lệnh gọi, nhưng không đến cơ quan quân sự đăng ký NVQS hoặc đến không đúng thời gian, địa điểm đăng ký; không đi khám sức khỏe hoặc có hành vi gian dối khi khám sức khỏe nhằm trốn tránh việc nhập ngũ; khi có thay đổi về địa chỉ, nơi làm việc, học tập nhưng không đăng ký di chuyển bổ sung …
Theo quy định tại Điều 16 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 thì:
Điều 16. Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu1. Tháng một hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.2. Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân quy định tại khoản 1 Điều này để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.3. Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu phải trực tiếp đăng ký tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 15 của Luật này.
Việc kiểm tra sức khỏe cho những công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự, căn cứ theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định về khám sức khỏe thực hiện NVQS. Tổ kiểm tra sức khỏe do Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách. Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được gọi là công dân sẵn sàng nhập ngũ. Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, có lệnh gọi nhập ngũ nhưng cố tình không nhập ngũ (bỏ trốn hoặc tự gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho bản thân) hoặc đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ. Nếu hành vi bỏ trốn được thực hiện sau khi đơn vị quân đội đã tiếp nhận thì sẽ cấu thành tội Đào ngũ Điều 402 BLHS 2015.
Được coi là đã có lệnh gọi nhập ngũ là trường hợp người phạm tội đã nhận được lệnh gọi nhập ngũ do chỉ huy trưởng quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và lệnh gọi nhập ngũ phải được đưa trước 15 ngày. Nếu lệnh gọi nhập ngũ không do cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc lệnh đó không phải của Chỉ huy trưởng Quân sự mà người gọi nhập ngũ không chấp hành thì không có hành vi phạm tội này. Trong trường hợp người được gọi nhập ngũ biết trước sẽ có lệnh gọi nhập ngũ nhưng đã cố tình trốn tránh như: bỏ đi khỏi địa phương để lấy cớ không nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì cũng được coi là hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.
Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của Luật NVQS 2015 phải có nghĩa vụ tập trung huấn luyện. Đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện, dùng các thủ đoạn khác để lẩn tránh hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được chương trình huấn luyện. Theo quy định Luật NVQS 2015 thì công dân nam trước khi đến tuổi nhập ngũ và trước khi nhập ngũ, phải được huấn luyện theo chương trình quân sự phổ thông, bao gồm giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện ý thức tổ chức, kỷ luật và rèn luyện thể lực.
Hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện không chỉ đối với người trước khi được gọi nhập ngũ mà còn đối với hạ sĩ đã được xuất ngũ thuộc ngạch dự bị. Theo quy định Điều 27 Luật NVQS 2015 đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị quân đội; quy định số lần và thời gian huấn luyện của mỗi lần; giữa các lần huấn luyện, được gọi hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị tập trung để kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong thời gian không quá 07 ngày; trường hợp cần thiết được quyền giữ hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị ở lại huấn luyện thêm không quá 02 tháng nhưng tổng số thời gian không vượt quá 12 tháng.
1.2.2 Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là những thiệt hại do hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện gây ra. Các thiệt hại này có thể là vật chất hoặc phi vật chất. Tuy nhiên, tội phạm này có cấu thành hình thức nên hậu quả không phải là những dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì vậy, chỉ cần xác định hành vi phạm tội và các dấu hiệu khách quan khác chứ không cần xác định hậu quả của tội phạm, nếu có thiệt hại xảy ra thì đó chỉ là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.
1.2.3 Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định thêm dấu hiệu khách quan nào khác là yếu tố định tội hoặc là yếu tố định khung hình phạt. Tuy nhiên, để xác định chính xác hành vi khách quan cũng như các yếu tố khác của tội phạm này, cần nghiên cứu Luật NVQS và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đăng ký NVQS, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện. Các quy định này có ý nghĩa rất quan trong việc xác định hành vi của một người đã vi phạm các quy định về đăng ký NVQS, gọi nhập ngũ và gọi tập trung huấn luyện hay chưa.
1.3 Chủ thể của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì chủ thể tội phạm này chỉ có thể là con người cụ thể. Chủ thể của tội phạm này là công dân Việt Nam đang ở trong độ tuổi phải thực hiện NVQS theo quy định của Luật NVQS 2015 mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Theo quy định tại Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến hết 25 tuổi công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”. Như vậy theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự 2015 độ tuổi nhập ngũ của công dân là từ 18 tuổi đến hết 25 tuối riêng đối với công dân tham gia chương trình đào tạo hệ cao đẳng, đại học chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một chương trình đào tạo đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi (Điểm mới trong quy định Luật nghĩa vụ quân sự 2015 năng độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân nam từ 25 tuổi đến hết 27 tuổi). Điều đó dẫn tới độ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự của tội phạm này từ 17 tuổi đến 27 tuổi. Riêng đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký ngạch dự bị các hạng 1, 2 thì công dân nam từ 18 tuổi đến 45 tuổi, công dân nữ từ 18 tuổi đến 40 tuổi.
Nhưng không phải chỉ những người từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi mới là chủ thể của tội phạm này vì đó là độ tuổi nhập ngũ, còn theo quy định tại Điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự:
Điều 12. Đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự1. Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.2. Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.
Do đó chủ thể của tội phạm này là công dân nam từ đủ 17 tuổi đến hết 27 tuổi. Tuy nhiên, tùy từng hành vi phạm tội cụ thể mà chủ thể này là công dân nam từ đủ 17 tuổi hay mười 18 tuổi. Nếu người phạm tội có hành vi không chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi huấn luyện thì chỉ cần đủ 17 tuổi, nhưng nếu người phạm tội có hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì họ phải đủ 18 tuổi. Đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký ngạch dự bị các hạng 1, 2 thì công dân nam từ 18 tuổi đến 45 tuổi, công dân nữ từ 18 tuổi đến 40 tuổi nếu như không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.
Như vậy chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là công dân nam trong độ tuổi thực hiện NVQS, Hạ sĩ quan, binh sĩ đăng ký ngạch dự bị các hạng 1, 2 việc xác định chủ thể của tội phạm này phải căn cứ vào các quy định của Luật NVQS và các Luật sửa đổi bổ sung Luật này có liên quan sức khỏe, độ tuổi thực hiện NVQS.
Để có thể trở thành chủ thể của tội phạm này ngoài các dấu hiệu trên, người có hành vi trốn tránh NVQS chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người thực hiện hành vi này là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nếu hành vi không chấp hành đúng các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ… có lý do chính đáng thì không bị coi là tội phạm.
1.4 Mặt chủ quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Người phạm tội trốn tránh NVQS thực hiện hành vi do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trốn tránh NVQS, gây ảnh hưởng đến Kế hoạch tuyển quân, Kế hoạch huấn luyện của cơ quan quân sự nhưng vẫn cố tình không thực hiện. Người phạm tội có thể thấy trước hậu quả của hành vì trốn tránh NVQS, nhưng chủ yếu là bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội có thể có nhiều động cơ khác nhau, tuy thuộc vào hoàn cảnh, điệu kiện của xã hội và gia đình người phạm tội. Ví dụ: Trong thời chiến, người phạm tội vì sợ chết, trong thời bình vì sợ gian khổ, có người vì sợ đi bộ đội người yêu sẽ đi lấy chồng, có người vì sợ gia đình khó khăn… Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, là việc xác định động cơ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.
2. Phân biệt tội trốn tránh NVQS với tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ
2.1 Điểm giống nhau
Về khách thể: Người phạm hai tội này trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Về mặt chủ quan: Thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội.
2.2 Điểm khác nhau
2.2.1 Về chủ thể
Người được cho là phạm vào hai tội là công dân Việt Nam có năng lực có năng lực trách nhiệm hình đạt độ tuổi nhất định sự theo quy định của BLHS. Tuy nhiên, cũng chỉ đối với những người độ tuổi theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định. Đối với tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ thì công dân nam từ đủ 18 tuổi đến 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến 40 tuổi thuộc diện đăng ký ngạch dự bị hạng 1, 2. Đối với tội trốn tránh NVQS độ từ 17 tuổi đến 25, đối với công dân có trình độ cao đẳng, đại học đến 27 tuổi theo Điều 30 Luật NVQS 2015. Quân nhân dự bị không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ khác với với người trốn tránh NVQS ở chỗ là người trốn tránh nghĩa vụ quân sự bao gồm cả người chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự, chưa khám sức khỏe, còn quân nhân dự bị là người đủ điều kiện để gọi nhập ngũ.
2.2.2 Hành vi khách quan
Tội trốn tránh NVQS là hành vi không chấp hành quy định pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh tập trung huấn luyện. Đối với tội trốn tránh NVQS hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ là hành vi không có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ. Đối với tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi có lệnh tổng động viên, tổng động viên cục bộ mà không chấp hành hoặc khi có chiến tranh hoặc khi có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội mà không có mặt đúng thời gian.