1. Quy định chung về chính quyền địa phương

Đế tổ chức quyền lực nhà nước tại địa phương, mọi quốc gia khác đều phân chia lãnh thố ra các đơn vị hành chính và tổ chức cơ quan quản lý ở đó đế bảo đảm mối liên hệ giữa trung ương và địa phương, thực hiện chính sách của nhà nước tại địa phương và quản lý địa phương. Trên thế giới có nhiều cách tổ chức cơ quan quản lý địa phương và cũng có nhiều tên gọi khác nhau về các cơ quan đó. Ngay trong một nước cũng có nhiều mô hình tổ chức cơ quan quản lý khác nhau ở đơn vị hành chính khác nhau cùng tổn tại.

Theo quy định của luật thực định thì Chính quyền địa phương là một tổ chức hành chính có tư cách pháp nhân được hiến pháp và pháp luật công nhận sự tồn tại vì mục đích quản lý một khu vực nằm trong một quốc gia Các cán bộ chính quyền địa phương là dân địa phương. Chính quyền địa phương có trách nhiệm cung ứng hàng hóa công cộng (nhiệm vụ chi) cho nhân dân trong địa phương mình và có quyền thu thuế địa phương

Về cơ bản có bốn mô hình chính quyền địa phương sau đây

– Cơ quan chính quyền địa phương là một bộ máy hành chính đứng đầu là một quan chức chủ đạo (Tỉnh trưởng, Quận trưởng) được bổ nhiệm từ trên.

– Chính quyền địa phương là cơ quan hành chính do cấp trên bổ nhiệm (hoặc được bầu ra) kết hợp với một Hội đồng tự quản do dân cư bầu ra.

– Mô hình quản lý địa phương bởi một Uỷ ban hành chính do dân cư hay các Hội đổng tự quản cấp dưới trực tiếp bầu ra.

– Mô hình chính quyền địa phương là một Hội đồng – cơ quan đại diện quyền tự quản hoặc quyền lực Nhà nước – do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chính quyền cấp trên

Các hình thức tổ chức cơ quan quản lý địa phương trên đây mặc dù có tên gọi khác nhau, cơ cấu và địa vị pháp lý của mỗi bộ phận không giống nhau nhưng tựu chung lại đều mang một tính chất là cơ quan chính quyền nhà nước ở địa phương, được lập ra để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước trên địa bàn lãnh thổ. Ngay mô hình chính quyền kiểu “tự quản địa phương” ở nhiều nước, tuy thường được đặt ngoài hệ thống nhà nước nhưng chúng vẫn là hình thức thực hiện quyền lực nhà nước, tức thực hiện quyền lực nhà nước bằng các cơ cấu phi nhà nước

2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

– Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.

– Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

– Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Hội đồng nhân dân:

– Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

– Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

– Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

– Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

3. Phân cấp trong quản lý nhà nước là gì?

Phân cấp trong quản lý nhà nước: Được hiểu là việc sắp xếp nhiệm vụ quyền hạn giữa các cấp chính quyền, giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương (CQĐP) trong việc thực hiện quyền quản lý nhà nước trong một lĩnh vực cụ thể.

– Chủ thể phân cấp: Chính quyền trung ương hoặc chính quyền địa phương

– Chủ thể nhận phân cấp: Chính quyền địa phương cấp dưới.

– Phương thức phân cấp: Phương thức phân cấp được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật gồm Nghị định của Chính phủ, Quyết định của UBND các cấp,…. Căn cứ tình hình cụ thể có thể phân cấp tiếp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.

– Nguyên tắc thực hiện phân cấp: Theo Nghị quyết số 99/2020/NQ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, thực hiện đẩy mạnh phân cấp phải phù hợp với khả năng tự cân đối về ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương, vùng, miền và đặc thù nông thôn, đô thị, hải đảo gắn với đề cao trách nhiệm của CQĐP trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương theo hướng bảo đảm các nguyên tắc sau:

+ Phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, các quy định của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia; bảo đảm Chính phủ quản lý thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cân đối vĩ mô;

+ Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý;

+ Phù hợp với đặc thù nông thôn, đô thị, hải đảo, yêu cầu quản lý đối với ngành, lĩnh vực; khả năng tự cân đối ngân sách và vai trò trung tâm phát triển kinh tế – xã hội vùng, bảo đảm phân cấp nhiệm vụ gắn với bảo đảm nguồn lực;

+ Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành, lĩnh vực với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, bảo đảm an ninh quốc gia trong phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực;

+ Phù hợp với điều kiện, trình độ quản lý và khả năng tiếp nhận phân cấp của địa phương, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện;

+ Tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước phân cấp, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.

4. Ủy quyền hành chính là gì?

Ủy quyền hành chính: Trên cơ sở quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, có thể thấy một số điểm mới, cụ thể hóa đặc điểm của ủy quyền hành chính như sau:

– Chủ thể ủy quyền: Cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, Chủ tịch UBND;

– Chủ thể nhận ủy quyền: UBND cấp dưới trực tiếp, cơ quan chuyên môn cùng cấp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp.

– Hình thức ủy quyền hành chính: Bằng văn bản.

– Quyền hạn, trách nhiệm của chủ thể nhận ủy quyền: Không được ủy quyền tiếp; chịu trách nhiệm trước cơ quan ủy quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền.

– Nội dung, thời hạn ủy quyền: Thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Thông thường áp dụng đối với những công việc có tính sự vụ, thời hạn tương đối ngắn.

5. Phân biệt uỷ quyền và phân cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

Thứ nhất: Về thẩm quyền thực hiện:

Đối với hoạt động phân cấp, theo quy định thì đối với địa phương cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc phân cấp là HĐND, UBND. Theo đó, căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể, cơ quan nhà nước ở địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện. Như vậy theo quy định, việc phân cấp cũng phải tùy thuộc vào tình hình cụ thể và điều kiện, khả năng thực hiện chứ không phải tất cả các trường hợp đều có thể phân cấp và cơ quan được phân cấp (UBND cấp dưới hoặc các sở, ban, ngành hoặc các phòng, ban, trực thuộc UBND) phải thực hiện trong phạm vi được phân cấp.

Đối với hoạt động ủy quyền, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Như vậy, điểm khác biệt trong thẩm quyền thực hiện của hoạt động ủy quyền so với phân cấp đó là ngoài việc cơ quan thực hiện ủy quyền, thì Luật cũng quy định việc ủy quyền của cá nhân mà cụ thể đó là Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, Luật chưa quy định trường hợp ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cùng cấp. Điều này dẫn đến vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong các nội dung ủy quyền cho người đứng đầu Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) thực hiện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng.

Thứ hai: Về thời gian thực hiện:

Đối với hoạt động phân cấp, Luật không quy định việc xác định khoảng thời gian phân cấp nhất định nhưng “phải được thực hiện một cách liên tục, thường xuyên”.

Đối với ủy quyền thì phải xác định trong một khoảng thời gian cụ thể.

Thứ ba: Về nguyên tắc và hình thức thực hiện

Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11  của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo đó, khi thực hiện việc phân cấp phải đảm bảo các nguyên tắc:

– Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;

– Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

– Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn lãnh thổ;

– Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực;

– Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác;

– Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

Còn đối với hoạt động ủy quyền, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định cụ thể từng nguyên tắc trong một khoản của điều như đối với phân cấp mà chỉ mang tính chất chung.

Thứ tư: Về hình thức:

Hình thức phân cấp bắt buộc phải là văn bản quy phạm pháp luật, còn đối với ủy quyền thì chỉ quy định là hình thức văn bản (với quy định này được hiểu là việc ủy quyền có thể tùy thuộc vào nội dung của văn bản, thẩm quyền để xác định văn bản ủy quyền theo hình thức văn bản hành chính hay văn bản quy phạm pháp luật).