1. Đặt vấn đề
Đặc biệt, trong hoạt động tư pháp hình sự, nơi mà hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án) mang tính quyền lực nhà nước rất cao, nơi mà mọi hoạt động chính đều liên quan lớn đến quyền, lợi ích của công dân thì việc quy định rõ quyền hạn và trên cơ sở đó xác định cụ thể trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng, mà còn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác.
Trong nhiều năm qua, pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) nước ta đã có nhiều tiến bộ trong việc quy định, phân định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng. Đó là cơ sở pháp lý cho hoạt động TTHS đạt hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều quy định còn bất cập; một số quy định còn vướng mắc trong triển khai thực hiện trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay. Những bất cập, vướng mắc đó chủ yếu tập trung ở việc phân định chưa rõ ràng giữa chức năng quản lý hành chính và chức năng tố tụng của những người tiến hành tố tụng như Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Toà án v.v…
Vì vậy, việc nghiên cứu về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng nói chung, phân định thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tố tụng của các chức danh trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật TTHS và nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định đó trong thực tiễn. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã xác định “Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cải cách tư pháp hiện nay.
>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi:1900.0191
2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng
2.1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, các văn bản pháp luật TTHS nước ta chưa có điều khoản quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng nói chung, của thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng. Trách nhiệm, quyền hạn của những người này được quy định trong từng chế định cụ thể như trong áp dụng biện pháp cưỡng chế; trong khởi tố; điều tra; truy tố; xét xử vụ án hình sự; trong thi hành án hình sự… Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của luật TTHS, tuỳ theo bối cảnh kinh tế – xã hội, phương thức tổ chức bộ máy nhà nước, nhận thức và sự phát triển chung của xã hội mà phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng có khác nhau.
Giai đoạn sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập cho đến khi Hiến pháp năm 1959 được ban hành
Trong bối cảnh Nhà nước công nông vừa mới ra đời và cuộc kháng chiến lâu dài của đất nước, hoạt động xét xử các vụ án hình sự trong giai đoạn này chủ yếu do các Toà án quân sự, các Toà án binh thực hiện với sự buộc tội của Uỷ viên Chính phủ trên cơ sở điều tra của Quân pháp. Các Toà án quân sự, các Toà án binh không phải là các cơ quan thường trực, mà là Toà án sự việc, được hình thành để xét xử từng vụ án cụ thể; các Chánh án, Uỷ viên Chính phủ thực hiện việc buộc tội thường là kiêm nhiệm. Hơn nữa, pháp luật TTHS giai đoạn này còn rất sơ sài… Cho nên, có rất ít văn bản pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của người tiến hành tố tụng. Các quy định pháp luật nói Chánh án là nói đến Chủ tọa phiên toà. Vì vậy, nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng được đề cập hoàn toàn là nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng.
Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1988 – ban hành Bộ luật TTHS
Theo quy định của Hiến pháp năm 1959, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 và các văn bản pháp luật khác, hệ thống các cơ quan tư pháp bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đã được hình thành và hoạt động thường xuyên, có nề nếp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giai đoạn này nước ta chưa có BLTTHS; hoạt động tố tụng được thực hiện trên cơ sở các luật tổ chức và văn bản hướng dẫn đơn lẻ của cơ quan có thẩm quyền như Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao…
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng nói chung, đặc biệt là của người quản lý Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, pháp luật tố tụng giai đoạn này có đặc điểm:
Thứ nhất, chưa có các văn bản cụ thể quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng;
Thứ hai, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa chức năng quản lý hành chính và chức năng tố tụng. Đặc điểm này thể hiện tương đối rõ nét đối với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra (vốn là bộ phận cơ quan hành pháp) và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát;
Thứ ba, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; có nhiệm vụ, quyền hạn ra các quyết định tố tụng quan trọng (trừ việc ra các phán quyết về vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử theo nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật). Những người tiến hành tố tụng khác, nhất là Điều tra viên, Kiểm sát viên chỉ thực hiện các hoạt động tố tụng theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Viện trưởng Viện kiểm sát.
Quy định của BLTTHS năm 1988
BLTTHS năm 1988 là bộ luật đầu tiên pháp điển hoá các quy định của pháp luật trước đó về trình tự, thủ tục tố tụng đối với việc giải quyết vụ án hình sự; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của các cơ quan tiến hành tố tụng; về quyền, nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng.
BLTTHS năm 1988 hầu như kế thừa pháp luật TTHS trước đó về thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng. Trong BLTTHS chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng; hầu như các quyền hạn chủ yếu liên quan đến thủ tục điều tra, truy tố đều thuộc Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát; còn Điều tra viên chỉ thực hiện các biện pháp điều tra mang tính nghiệp vụ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ tố tụng theo uỷ quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát. Về thực chất, tự mình, Điều tra viên, Kiểm sát viên không quyết định được bất cứ điều gì về vụ án.
2.2. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
Kế thừa những quy định của pháp luật TTHS trước đó và tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm mới về xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở nước ta, BLTTHS năm 2003 đã hoàn thiện một bước đáng kể các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng nói chung, của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Toà án nói riêng.
– Lần đầu tiên trong BLTTHS nước ta có những điều luật quy định tập trung, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra (Điều 34), của Điều tra viên (Điều 35), của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát (Điều 36), của Kiểm sát viên (Điều 37), của Chánh án, Phó Chánh án Toà án (Điều 38) và của Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án (Điều 39, 40, 41). Đồng thời với các điều luật đó, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng còn được quy định ở các điều luật thuộc các giai đoạn tố tụng cụ thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
– Đã có quy định phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Điều tra viên; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm sát viên; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Toà án với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án.
– Đã có sự phân biệt ở một mức độ nhất định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm chung với nhiệm vụ, quyền hạn trong tiến hành tố tụng đối với từng vụ án hình sự cụ thể của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án Toà án. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động tố tụng và xác định trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
– Lần đầu tiên, BLTTHS có chương quy định về khiếu nại, tố cáo, tạo cơ sở pháp lý cho người tham gia tố tụng cũng như công dân có công cụ pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; cơ sở pháp lý để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời vụ án hình sự, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; là điều kiện để nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, từ góc độ phân định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, BLTTHS năm 2003 còn có một số bất cập, hạn chế sau đây:
Thứ nhất, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được quy định còn hạn chế. Đồng thời, sự phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra với Điều tra viên, của Viện trưởng Viện kiểm sát với Kiểm sát viên, của Chánh án với Thẩm phán trong hoạt động tố tụng đối với việc giải quyết vụ án hình sự cụ thể còn thiếu hợp lý, làm hạn chế hiệu quả, chất lượng, tính kịp thời của các hoạt động tố tụng, không nâng cao được trách nhiệm của người tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết vụ án hình sự.
Theo quy định tại Điều 34, Điều 36 của BLTTHS, khi tiến hành tố tụng đối với các vụ án cụ thể, Thủ trưởng (hoặc Phó thủ trưởng) Cơ quan điều tra, Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng) Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn ra các quyết định tố tụng; còn Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp thực hiện các biện pháp tố tụng thi hành các quyết định tố tụng đó. Như vậy, về nguyên tắc, Thủ trưởng (hoặc Phó thủ trưởng) Cơ quan điều tra, Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng) Viện kiểm sát có quyền hạn tuyệt đối trong các quyết định tố tụng trên cơ sở hoạt động và đề nghị của Điều tra viên, Kiểm sát viên; và ngược lại, hoạt động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên, Kiểm sát viên lại phụ thuộc vào tính đúng đắn, kịp thời của các quyết định tố tụng do Thủ trưởng (hoặc Phó thủ trưởng) Cơ quan điều tra, Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng) Viện kiểm sát ban hành. Cơ chế tố tụng đó một mặt tạo nên những rào cản ảnh hưởng đến chất lượng, tính kịp thời của hoạt động tố tụng; mặt khác không tạo ra cơ sở rõ ràng về trách nhiệm của Thủ trưởng (hoặc Phó thủ trưởng) Cơ quan điều tra, Viện trưởng (hoặc Phó Viện trưởng) Viện kiểm sát với Điều tra viên, Kiểm sát viên đối với kết quả hoạt động tố tụng của mình theo nguyên tắc “quyền hạn đi đôi với trách nhiệm” trong hoạt động nhà nước.
Đối với Toà án, do bị chi phối bởi nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên bất cập này cũng có nhưng không thật rõ ràng như đối với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Thứ hai, chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể trong quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án từ góc độ hành chính pháp lý và từ góc độ TTHS.
Theo các Điều 34, 36, 38 của BLTTHS thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án được quy định theo hai khoản: quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung (Khoản 1) và nhiệm vụ, quyền hạn khi trực tiếp tiến hành điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, xét xử đối với từng vụ án hình sự cụ thể (Khoản 2). Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, sự phân biệt này không thật rõ ràng. Là thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án có nhiệm vụ tổ chức hoạt động điều tra, truy tố và xét xử bằng cách phân công, thay đổi người tiến hành tố tụng; kiểm tra hoạt động tố tụng của những người được phân công; huỷ bỏ hay thay đổi các quyết định tố tụng của cấp dưới (đối với Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát) và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Còn các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền tố tụng trong giải quyết vụ án cụ thể thì nên quy định cho người tiến hành tố tụng. Ngoài ra, về vấn đề này từng cơ quan tiến hành tố tụng còn có những bất cập cụ thể, như:
Đối với Cơ quan điều tra: mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan với Cơ quan điều tra; mối quan hệ giữa nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng và nhiệm vụ, quyền hạn hành chính (Phó Thủ trưởng cơ quan đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan điều tra); mối quan hệ tố tụng với quan hệ hành chính của cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Biên phòng, Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an hay quân đội… cũng đang rất phức tạp, thiếu rõ ràng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tố tụng;
Đối với Viện kiểm sát, chưa phân biệt được rõ ràng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố;
Đối với Toà án, khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án chưa phân biệt được trong cơ cấu điều luật nhiệm vụ, quyền hạn chung, nhiệm vụ, quyền hạn trong xét xử và nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án. Tại Điều 38 của BLTTHS, thẩm quyền của Chánh án, Phó Chánh án trong lĩnh vực thi hành án hình sự lại được quy định ở Khoản 1 về thẩm quyền tố tụng chung là thiếu hợp lý.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
Việc hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành tố tụng trong BLTTHS có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn, đảm bảo cho các quy định của BLTTHS có tính khả thi cao, nâng cao hiệu quả hoạt động TTHS, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, người tham gia tố tụng nói riêng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Theo chúng tôi, việc hoàn thiện đó phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:
Một là, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động TTHS; tăng quyền hạn, trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Có như vậy, hoạt động tố tụng mới chủ động, khách quan, hiệu quả; người tiến hành tố tụng mới phản ứng kịp thời với tình hình và dám tự mình chịu trách nhiệm về các quyết định của mình;
Hai là, đảm bảo quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm trong hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng. Không để xảy ra tình trạng quyền hạn của một người còn trách nhiệm lại thuộc về người khác hoặc tình trạng quyền hạn thì quy định cụ thể nhưng trách nhiệm thì chung chung. Chỉ khi quyền hạn đi liền với trách nhiệm thì người tiến hành tố tụng mới thận trọng hơn trong thực hiện nhiệm vụ tố tụng của mình, góp phần xử lý vụ án đúng đắn, khách quan;
Ba là, đảm bảo nguyên tắc độc lập trong TTHS. Người trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng phải là người được quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án;
Bốn là, các quy định phải đảm bảo tính khả thi. Nhiệm vụ, quyền hạn được quy định phải được bảo đảm thực hiện bằng các quy định của pháp luật, bằng các biện pháp tổ chức và được sự kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ v.v..
Xuất phát từ những yêu cầu trên, qua phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của việc hoàn thiện BLTTHS về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, chúng tôi kiến nghị:
Hình thành hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng, nhiệm vụ được xác định rõ ràng, có tính độc lập theo tính chất của chức năng tố tụng.
– Cần xây dựng một hệ thống cơ quan điều tra thống nhất, có tính độc lập tương đối với chức năng duy nhất là điều tra vụ án hình sự. Hệ thống cơ quan này bao gồm cơ quan điều tra của công an nhân dân và cơ quan điều tra trong quân đội.
Không nên giao chức năng điều tra vụ án hình sự cho các cơ quan như Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc các cơ quan quản lý hành chính khác của Bộ Công an, đơn vị bộ đội. Các cơ quan này chỉ thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu nhằm thu thập, bảo vệ chứng cứ; việc khởi tố, điều tra vụ án phải do Cơ quan điều tra thực hiện. Có như vậy, mới tách thẩm quyền hành chính ra khỏi thẩm quyền tố tụng; tách chức năng quản lý hành chính khỏi chức năng quản lý tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra; hạn chế sự phụ thuộc hoạt động điều tra vào sự quản lý, chỉ huy của người chỉ huy hoặc quản lý hành chính;
– Xây dựng cơ quan công tố thay cho Viện kiểm sát với chức năng duy nhất là thực hành quyền công tố trong TTHS. Để thực hành quyền công tố, cơ quan công tố phải là người chỉ đạo hoạt động khởi tố vụ án (phát động hoạt động tố tụng), chỉ đạo hoạt động điều tra và thực hiện việc buộc tội, quyết định truy tố người phạm tội ra trước Toà án để xét xử và bảo vệ sự buộc tội đó trước Toà. Từ góc độ đó, cơ quan công tố tự mình có thể ra bất kỳ quyết định tố tụng nào và tự mình hoặc giao cho cơ quan điều tra thi hành hoặc phê chuẩn các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra; đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoặc về sự phê chuẩn đó.
Cơ quan công tố có quyền hạn và trách nhiệm không chỉ trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, mà quan trọng hơn nữa là phát hiện tội phạm và áp dụng mọi biện pháp pháp luật quy định để tội phạm được xử lý. Vì vậy, theo chúng tôi, cần tăng cường hơn nữa quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan công tố trong xử lý tin báo về tội phạm, phát hiện tội phạm, xác minh và khởi tố vụ án hình sự.
Về chức năng, cơ quan công tố chỉ đạo hoạt động khởi tố, chỉ đạo hoạt động điều tra để chuẩn bị cho việc buộc tội người phạm tội. Vì vậy, không nên giao cho cơ quan công tố chức năng điều tra và không nên tổ chức cơ quan điều tra riêng của cơ quan công tố.
Phân biệt rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động tố tụng và trong tiến hành tố tụng đối với vụ án cụ thể. Tăng quyền hạn, trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong hoạt động tố tụng.
Đây là nội dung rất quan trọng trong việc hoàn thiện quy định của BLTTHS về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (tăng cường tranh tụng, đảm bảo dân chủ, công khai các hoạt động tố tụng, gắn quyền hạn với trách nhiệm của người tiến hành tố tụng…), nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng và bảo đảm tính kịp thời của hoạt động tố tụng đối với từng vụ án cụ thể.
– Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án chỉ thực hiện các nhiệm vụ hành chính tư pháp và phát động quá trình tố tụng thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan mình (như quyết định khởi tố vụ án, quyết định phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán…);
– Các nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng cụ thể liên quan đến giải quyết vụ án (như ra các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, các quyết định về giải quyết thực chất vụ án như tạm đình chỉ, đình chỉ, kết luận điều tra, đề nghị truy tố, truy tố, đưa vụ án ra xét xử…) do Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật; không nên để tình trạng người trực tiếp thực hiện các biện pháp tố tụng thì không có thẩm quyền quyết định và ngược lại, người có thẩm quyết định thì chỉ nghe báo cáo mà không trực tiếp tiến hành tố tụng làm cho các quyết định tố tụng khó có thể chính xác, khách quan. Hơn nữa, tình trạng này cũng dễ dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng giữa những người tiến hành tố tụng;
Từ những phân tích trên, về cơ cấu, BLTTHS chỉ cần điều khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn hành chính tư pháp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án (không bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng) và điều khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán (bao gồm cả của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án khi họ trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án).
Quy định rõ hậu quả tố tụng và trách nhiệm đối với việc vi phạm các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.
– Chúng tôi cho rằng, mọi trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền hạn, trách nhiệm được quy định trong BLTTHS đều là vi phạm nghiêm trọng thủ tục TTHS và phải được khắc phục bằng các biện pháp tố tụng: các quyết định trái pháp luật phải được hủy bỏ hoặc hủy bỏ để tiến hành tố tụng lại cho đúng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, tính chính xác, khách quan trong giải quyết vụ án hình sự.
– Hoàn thiện các quy định của BLTTHS về khiếu nại theo hướng: Khiếu nại về các hành vi hay quyết định hành chính tư pháp của cơ quan, người tiến hành tố tụng thì do Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng tự mình hoặc cấp trên giải quyết; khiếu nại về các hành vi và quyết định tố tụng thì do các cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng có thẩm quyền giải quyết bằng các biện pháp tố tụng như hủy bỏ, thay thế, hủy bỏ và tiến hành tố tụng lại hoặc tự mình sửa đổi… Cụ thể là: khiếu nại liên quan đến hoạt động điều tra vụ án do Kiểm sát viên chi đạo hoạt động điều tra giải quyết; khiếu nại liên quan đến hoạt động công tố do cơ quan công tố cấp trên giải quyết; khiếu nại liên quan đến hoạt động xét xử do Tòa án cấp trên giải quyết1.
1 Xem thêm: Đỗ Văn Đương, Cần phân định rõ thẩm quyền hành chính với trách nhiệm và quyền hạn tố tụng trong TTHS, Tạp chí Kiểm sát, số 18-20/2008, tr. 18-23.
PGS, TS. Trần Văn Độ – Chánh án Tòa án quân sự trung ương
(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Công ty luật LVN Group cung cấp đến khách hàng dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến pháp luật hình sự. Khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi thông qua các cách thức sau:
– Tư vấn trực tuyến qua tổng đài 1900.0191
– Tư vấn qua email dịch vụ có trả phí:[email protected]
– Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tiếp tại văn phòng tại Phòng 2007, Tầng 20, Tòa nhà C2, Vincom Trần Duy Hưng, Đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. ;
– Dịch vụ Luật sư tranh tụng chuyên nghiệp, uy tín trong các vụ án hình sự
Rất mong sớm nhận được hợp tác của khách hàng!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group