http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/01/08/4317/, tôi cho rằng cách hiểu của tác giả về chế định này có lẽ là chưa chính xác. Dưới đây là một số quan điểm của tác giả về chế định Hội thẩm nhân dân để tác giả Thu Vân và các độc giả cùng tham khảo. Về nội dung của việc quy định về thành phần của Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo đa số thành viên trong Hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Việc tham gia của Hội thẩm nhân dân là đảm bảo tính làm chủ của nhân dân trong quá trình xét xử. Hay ngay như trong Hiến pháp, ở Chương I – Về Chế độ chính trị có quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân .  Nên việc quy định thành phần của Hội đồng xét xử đảm bảo sự đa số của số lượng Hội thẩm nhân dân là phù hợp…

Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, chúng ta thấy nguồn của Hội thẩm nhân dân chủ yếu là các công, viên chức nhà nước thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau do Mặt trận tổ quốc giới thiệu  chứ không phải là những người dân thường không nằm trong biên chế của các cơ quan nhà nước. Do đó, có thể thấy rằng đó không phải là quy định nhằm bảo đảm tính “nhân dân” trong Hội đồng xét xử.

Về chuyên môn, nghiệp vụ có thể thấy rằng: việc quy định các Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử, rõ ràng Hội thẩm có đủ thẩm quyền quyết định mọi vấn đề trong quá trình xét xử, nghĩa là họ có quyền phán quyết kể cả những vấn đề hóc búa như định tội danh trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, chỉ với tiêu chuẩn của Hội thẩm là: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bầu hoặc cử làm Hội thẩm, thì khi gặp những bị cáo là những người có trình độ pháp luật, bị cáo có người giám hộ, người đại diện là các chuyên gia pháp luật, là một hay nhiều Luật sư của LVN Group chuyên nghiệp trợ giúp thì chắc chắn với các tiêu chuẩn về Hội thẩm như trên sẽ không đủ năng lực và trình độ pháp lý để đấu lại họ và không thể phán xử được. Ở phương diện này, chắc chắn các nhà làm luật cũng đã biết được điều này. Và nếu họ thấy bất cập chắc hẳn phải đặt ra vấn đề sử dụng toàn bộ thành viên Hội đồng xét xử phải là các Thẩm phán chuyên nghiệp chứ sẽ không quy định việc tham gia của Hội thẩm vào thành phần của Hội đồng xét xử.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra như trên, vậy nên hiểu thể nào cho đúng về chế định về Hội thẩm nhân dân ở nước ta hiện nay? Ở đây nên xem xét từ góc độ gốc rễ của vấn đề. Chúng ta thấy, chế định Hội thẩm nhân dân xuất phát từ yêu cầu của việc đưa phán xét về mặt xã hội vào trong bản án, các quyết định của Toà án chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề xem xét hoàn toàn dưới góc độ pháp lý thuần tuý. Nghĩa là các nhà lý thuyết cho rằng: pháp luật chỉ là những khuôn mẫu chung khá cứng nhắc được xây dựng trên sự đồng thuận theo tỷ lệ mà xã hội chấp nhận được chứ đó không được xây dựng trên cơ sở đồng thuận tuyệt đối, cho nên pháp luật cũng không phải là một giá trị tuyệt đối đúng để có thể áp dụng giải quyết chung cho mọi trường hợp.

Thứ hai, pháp luật cũng chỉ là một loại quy phạm xã hội có giá trị áp dụng cao nhất chứ không phải là toàn bộ các quy phạm xã hội có thể thay thế hoàn toàn các quy phạm xã hội khác trong đời sống hàng ngày. Do đó, cần có những tiếng nói từ phía thực tiễn xã hội trong việc đưa ra các phán quyết có tính quyết định đối với một quan hệ xã hội nào đó và người nắm giữ sứ mệnh này chính là các vị Hội thẩm nhân dân. Cụ thể là: trong các quan hệ xã hội luôn này sinh xảy ra các vấn đề một cách muôn màu muôn vẻ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau và chứa đựng yếu tố bất ngờ do đó không thể lường trước được đâu là lĩnh vực có thể xảy ra tình huống tranh chấp hay phạm tội. Ví dụ, trong thao tác nghề nghiệp của một bác sỹ theo chỉ định được phép sử dụng chất moocphin để cấp cứu bệnh nhân nhưng nạn nhân bị chết, những thành viên Hội thẩm cùng thuộc ngành nghề với bị cáo thì mới có thể đưa ra kết luận rằng anh ta đã làm như thế là đúng hay không đúng với nghiệp vụ và lương tâm? Hay trong các tập quán hôn nhân của các vùng khác nhau thì họ chấp nhận việc thành hôn ở các độ tuổi khác nhau và nhiều khi là vi phạm pháp luật quốc gia nhưng xét về mặt cấu trúc xã hội cũng có nhà nước chấp nhận các tập quán này vì cho rằng nó thuộc về các giá trị truyền thống cần được tôn trọng. Trong những trường hợp như vậy, vai trò của các Hội thẩm nhân dân ở đây phải đưa ra phán quyết về mặt xã hội là: hành vi này được chấp nhận hay không chấp nhận ở cộng đng nơi họ đang sống. Hay đối với tranh chấp thương mại: trong các điều kiện cá biệt, các giao dịch thương mại trên một địa bàn hẹp thường áp dụng các tập quán giao dịch bất thành văn, nếu các Hội thẩm không phải là những người ở địa bàn đó, không làm trong cùng lĩnh vực, ngành nghề đó thì liệu có thể đưa ra những giải đáp khách quan không?

Bên cạnh đó, một yêu cầu cũng rất quan trọng đối với Hội thẩm đó là sự đồng cảm về mặt xã hội đối với tình hình thực tiễn. Nghĩa là, việc lựa chọn những Hội thẩm có cùng môi trường, hoàn cảnh sống gần gũi với các quan hệ xã hội bị tranh chấp thì bằng niềm tin nội tâm, môi trường và hoàn cảnh sống họ mới đưa được tiếng nói của xã hội vào các phán xét của Toà án.

Vấn đề cuối cùng là việc đưa ra quyết định của Hội thẩm: từ thực tiễn nhất là trong xét xử các vụ án hình sự chúng ta thấy việc định tội danh của Hội đồng xét xử chủ yếu do Thẩm phán thực hiện nên vai trò của Hội thẩm ở đây chỉ nên xem xét ở 2 khía cạnh chủ yếu: thứ nhất, đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo thực hiện là có nguy hiểm đối với quan hệ xã hội mà bị cáo xâm hại đối với cộng đồng đó hay không (Hội thẩm là người gần gũi với mối quan hệ xã hội này mới đánh giá đúng mức được tính nguy hiểm hay không của hành vi) và đưa ra kiến nghị đối với Thẩm phán là có nên áp dụng hình phạt đối với bị cáo về hành vi đó hay không còn việc áp dụng hình phạt và định tội danh gì thì thuộc thẩm quyền của Thẩm phán? thứ hai, xem xét các tình tiết của vụ án và đưa ra những nhận thức xã hội bằng kinh nghiệm, sự gần gũi với hoàn cảnh của bị cáo thì nên áp dụng tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ…

Từ những nhận thức về Hội thẩm như vậy, chúng ta mới đặt ra vấn đề là nên xem xét đòi hỏi tiêu chuẩn của Hội thẩm cần phải đáp ứng tiêu chuẩn gì? Và giá trị nào của Hội thẩm là giá trị cần khai thác nhất thì mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với Hội thẩm.

Trên đây là một số ý kiến về vai trò của chế định Hội thẩm trong nhà nước ta hiện nay kính mong các ý kiến phản hồi của các độc giả.

SOURCE: PHẢN HỒI CỦA TÁC GIẢ TRÊN TRANG THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ – THS. CAO VIỆT THĂNG

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)