1. Khái quát về tài sản theo luật dân sự năm 2015

Tài sản trước hết là điều kiện vật chất để nuôi sống con người (lương thực, thực phẩm), tài sản còn là các vật chất khác do con người tạo ra, chiếm hữu và sử dụng được nhằm để duy trì, bảo vệ cuộc sống và phát triển (nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và các vật phẩm khác,… ).

Như vậy, tài sản là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng phổ biến trong xã hội có tư hữu, có nhà nước và có pháp luật. Theo từ điển Tiếng Việt, tài sản là của cải hoặc tinh thần nói chung có trong quyền sở hữu của mình.

Bộ luật dân sự năm 2015 nêu khái niệm tài sản như sau:

“Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” (Khoản 1 Điều 105).

Theo Khoản 1 Điều 105 BLDS 2015, tài sản bao gồm các loại đó là: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

 

1.1 Tài sản là vật 

Vật là một bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại khách quan mà con người có thể cảm giác được bằng các giác quan của mình. Tuy nhiên, không phải vật nào trong thế giới khách quan cũng đều là vật trong quan hệ pháp luật dân sự. Khái niệm vật trong BLDS dùng để chỉ những vật mà con người có thể chiếm hữu được, chi phối được, có thể cân, đo, đong đếm, xác định được bề rộng, bề dài, theo sự tồn tại và vật hình thành trong tương lai và con người phải khai thác được, sử dụng được phục vụ cho lợi ích của mình. Như vậy, ngoài yếu tố là bộ phận của yếu tố vật chất, đáp ứng được nhu cầu của con người, vật có thực với tính cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự. Xét về mặt vật lý, vật chất tồn tại dưới ba dạng: rắn, lỏng, khí.

Xét theo cấu tạo hóa, lý, sinh và công dụng của vật thì: vật còn được xác định là vật chính và vật phụ (Điều 110, ví dụ: điện thoại là vật chính, vỏ ốp của chiếc điện thoại đấy là vật phụ), vật chia được và vật không chia được (Điều 111, ví dụ: gạo, xăng, dầu là những vật chia được; giường, tủ, bàn là những vật không chia được), vật tiêu hao và vật không tiêu hao (Điều 112, ví dụ: xà phòng qua một lần sử dụng bị giảm trọng lượng là vật tiêu hao; ngôi nhà, chiếc xe ô tô là vật không tiêu hao), vật cùng loại và vật đặc định (Điều 113, ví dụ: gạo, sữa là vật cùng loại còn bức tranh nàng Monalisa có chữ kí tác giả là vật đặc định), vật đồng bộ (Điều 114, ví dụ: đôi giày). Cách phân loại vật trong BLDS là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là vật trong việc chuyển giao, đồng thời là căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp có đối tượng là vật phát sinh từ các quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng dân sự cụ thể.

Xét về chế độ pháp lý, vật được phân loại là: vật tự do lưu thông (vật lưu thông không cần điều kiện, được tự do mua bán, thuê, mượn, tặng cho,… và là giao dịch của các giao dịch dân sự), vật hạn chế lưu thông (vật khi lưu thông cần điều kiện về chủ thể, hình thức, thủ tục,… nhất định. VD: dược phẩm) và vật cấm lưu thông (là những vật tuyệt đối không được lưu thông dân sự. VD: ma túy).

 

1.2 Tài sản là tiền

Tiền theo kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Một tài sản được coi là tiền hiện nay khi nó đang có giá trị lưu hành trên thực tế. Tiền có các chức năng như trao đổi, thanh toán, dự trữ và khi xét về mặt chủ quyền quốc gia thì tiền có chức năng bình ổn giá cả và giữ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có tiền mệnh giá Việt Nam đồng (VNĐ) mới được lưu thông trong giao dịch dân sự Việt Nam.

 

1.3 Tài sản là giấy tờ có giá

Giấy tờ có giá là loại tài sản rất phổ biến trong giao lưu dân sự hiện nay đặc biệt là giao dịch trong các hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác. Giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Theo Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, giấy tờ có giá là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu,… Tuy nhiên, các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sổ hưu trí, sổ tiết kiệm, giấy biên một khoản nợ không phải là giấy tờ có giá; chỉ có tài khoản dư trong ngân hàng hay cơ sở quỹ tiết kiệm mới là tài sản.

 

1.4 Tài sản là quyền tài sản

Điều 115 BLDS 2015 quy định về quyền tài sản như sau:

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Khái quát hơn, quyền tài sản là các quyền trị giá được bằng tiền, có thể chuyển giao được trong quan hệ pháp luật dân sự.

Ví dụ: Quyền sáng chế, phát minh ra máy gặt lúa, xe lăn cho người tàn tật, giống cây trồng, vật nuôi mới… được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể thấy:

Tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác biệt cần thiết phả có quy chế pháp lý điều chỉnh riêng. Chính vì vậy, việc phân loại tài sản là cần thiết không chỉ có ý nghĩa trong hoạt động lập pháp mà còn có ý nghĩa trong thực tiễn áp dụng pháp luật. BLDS 2015 dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại tài sản

 

2. Phân loại tài sản theo quy định luật dân sự năm 2015

2.1 Dựa vào đặc tính vật lí

Căn cứ vào tính chất của tài sản, BLDS 2015 chia tài sản thành động sản và bất động sản. Khoản 2 Điều 105 BLDS 2015 quy định như sau:

Tài sản bao gồm bất động sản và động sản …”.

Khái niệm bất động sản và động sản được quy định tại Điều 107 BLDS 2015 như sau:

1. Bất động sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật;

2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.

Cũng giống như cách định nghĩa tài sản , BLDS đã sử dụng phương pháp liệt kê để định nghĩa bất động sản. Các tài sản là bất động sản là đất đai và những tài sản là nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai và tính chất của các loại tài sản này là không di chuyển được về mặt cơ học (có thể hiểu cụ thể là nếu tách dời những tài sản này khỏi đất thì chúng sẽ bị hư học hoặc không trở về trạng thái ban đầu được). Đất đai hiển nhiên là một loại tài sản không thể di dời. Những tài sản gắn liền với đất đai như nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai đều là bất động sản. Loại tài sản thứ ba là những tài sản mà sự tồn tại của chúng không thể tách dời khỏi đất đai. Dựa vào đối tượng thì những vật quyền thuộc về bất động sản đó là quyền sở hữu, quyền dụng ích, quyền dùng và quyền ở, quyền cho thuê dài hạn, quyền địa dịch, quyền cầm cố bất động sản, quyền để đương và quyền đi kiện đòi một bất động sản.

Còn động sản là những tài sản mà không thuộc bất động sản. Theo tính chất của vật thì là những vật di dời được như: tàu, thuyền, nhà cửa tháo ra lắm vào mà không bị tổn hại gì,… Về vật quyền thì nó có thể là quyền đi kiện để đòi một động sản, quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ (văn học, khoa học, y học,…),…

Cách phân loại tài sản thành bất động sản và động sản chủ yếu dựa vào đặc tính vật lý của tài sản là có thể di dời được hay không. Cách phân loại này là tiêu chí hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới đều sử dụng bởi việc xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến hai loại tài sản này rất khác nhau cần phải có quy phạm điều chỉnh riêng đối với từng loại. Việc phân chia tài sản thành bất động sản và động sản có rất nhiều ý nghĩa bởi tài sản là công cụ quan trọng trong đời sống xã hội, nó liên quan đến hàng loạt các vấn đề pháp lý như: thuế, thừa kế, giao dịch dân sự,… cũng như trong thực tiễn các thỏa thuận dân sự.

Việc xác định tài sản là động sản hay bất động sản là căn cứ xác lập thủ tục đăng kí tài sản. Khoản 1, 2 Điều 106 BLDS 2015 về đăng ký tài sản quy định:

1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản;

2.Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác”.

Như vậy, đối với động sản: chiếm hữu là cách biểu thị công khai quyền sở hữu. Tuy nhiên, đối với tài sản là bất động sản thì đăng kí là biện pháp công khai các quyền về bất động sản. Để được công nhận là chủ sở hữu, người có tài sản là bất động sản phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu, từ đó chủ thể mới có bằng chứng để chứng minh mình là chủ sở hữu của tài sản.

Việc phân loại còn là căn cứ để xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với động sản và bất động sản, địa điểm thực hiện nghĩa vụ chuyển giao bất động sản, liên quan đến các giao dịch có đối tượng là bất động sản,…

Việc xác định tài sản là bất động sản hay động sản còn là căn cứ xác định các quyền năng của chủ thể đối với từng loại tài sản nhất định. Đối với động sản, chủ sở hữu là người có quyền định đoạt, chiếm hữu, sử dụng. Người chủ sở hữu có thể ủy quyền định đoạt, chiếm hữu, sử dụng cho người khác, hoặc chuyển một trong số các quyền này cho người khác thông qua giao dịch dân sự. Đối với bất động sản, với tính chất là tài sản gắn liền với đất đai, khó di dời và có giá trị sử dụng lớn, nên vấn đề chủ sở hữu, quyền sử dụng bất động sản được quy đinh rõ ràng và khác so với động sản. Đối với bất động sản là đất đai, pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhưng chủ thể sử dụng trước tiếp đất đai lại là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình,… Những chủ thể này không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền sử dụng đất đai. Đối với bất động sản do đặc tính của nó là không thể di dời nên việc thực hiện quyền năng của quyền sở hữu, sử dụng đối với loại tài sản này sẽ gặp những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, BLDS cũng đã ghi nhận cho các chủ sở hữu có những quyền năng nhất định đối với tài sản của người khác nếu là bất động sản. Cụ thể quy định ở các điều tại Mục 1 Chương XIV Phần thứ hai BLDS 2015.

 

2.2 Dựa vào hình thái tồn tại của tài sản

Tài sản hữu hình (hay còn gọi là vật) là tất cả những gì tồn tại dưới dạng vật chất, dưới góc độ pháp lí, một vật có thực của thế giới vật chất và chỉ trở thành tài sản nếu nó được sở hữu hoặc có thể sở hữu được. Để có thể được sở hữu, vật với tính cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự. Ví dụ như: tiền, xe ô tô, máy tính,.. Tài sản vô hình là tài sản không có hình dáng vật chất, không nhìn thấy được, không cầm nắm được. Thực chất, tài sản vô hình chính là các quyền tài sản, bao gồm quyền tài sản trên một tài sản hữu hình hay còn gọi là vật quyền hoặc có thể trên một tài sản vô hình khác và các trái quyền trị giá được bằng tiền. Ví dụ như: quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp,…

Việc phân biệt tài sản vô hình và tài sản hữu hình có ý nghĩa trong việc định giá tài sản, việc quy định quyền và nghĩa vụ của các bên và cơ chế bảo vệ. Ví dụ như trong giao dịch dân sự với tài sản là quyền sử dụng nhà ở (hợp đồng thuê nhà) với giao dịch dân sự với tài sản là ô tô (mua – bán) thì quyền của các chủ thể được BLDS quy định là khác nhau cũng như có cơ chế bảo vệ khác nhau.

Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)