Căn cứ pháp lý:
Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC;
Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.
1. Cơ quan điều tra tiến hành phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Hệ thống Cơ quan Điều tra
- Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân.
- Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân.
- Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân
+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).
+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).
– Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân
+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.
+ Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
– Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
+ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
+ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành phân loại tố giác
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:
- Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;
- Các cơ quan của Hải quan;
- Các cơ quan của Kiểm lâm;
- Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;
- Các cơ quan của Kiểm ngư;
- Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
– Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.
– Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
– Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.
– Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.
– Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
– Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.
– Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ Đội An ninh ở Công an cấp huyện) sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
3. Viện kiểm sát tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Viện kiểm sát là một trong những cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Viện kiểm sát sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
4. Đội An ninh ở Công an cấp huyện tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm
Đội An ninh ở Công an cấp huyện là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Nhưng cơ quan này lại không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Đội An ninh ở Công an cấp huyện khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.
5. Công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm
Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, thông báo và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an phải báo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.
6. Một số cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tin tố giác
– Tòa án, cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm có trách nhiệm chuyển và thông báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại và hình thức khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
– Đối với tin báo về tội phạm được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó ghi nhận và giải quyết. Trường hợp chưa xác định được nơi xảy ra sự việc hoặc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà tin báo về tội phạm phản ánh thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi có trụ sở chính của phương tiện thông tin đại chúng (nơi có địa chỉ rõ ràng) có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ban đầu.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.