1. Mở đầu vấn đề
Nhân học triết học – đó là một trào lưu triết học Đức đã xuất hiện từ những năm 20. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nó bị chủ nghĩa hiện sinh lấn át và sau đs đã phát triển chậm lại. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ vừa qua, nó biến thành một trào lưu rộng rãi có tham vọng lý giải bằng lý luận của tri thức hiện đại về con người, hòng đạt tới một quan niệm mới về bản chất con người.
2. Nhà triết gia sáng lập nhân triết học
Khi nói về nhân học triết học, một mặt thì nó duy trì một vài phương hướng chủ yếu của triết học nhân học phi lý chủ nghĩa thuộc nửa đầu thế kỷ XX, trước hết của chủ nghĩa hiện sinh; mặt khác thì nhân triết học ra sức xác định và sử dụng những cách xem xét và lý giải riêng của mình về con người hòng giải thoát khỏi, hoặc những cực đoan phản khoa học của chủ nghĩa hiện sinh, hoặc khỏi sự giải thích duy khoa học, duy lý chủ nghĩa về con người, đồng thời bảo đảm sự thống nhất nào đấy giữa những quan điểm triết học và khoa học cụ thể về con người.
Khi xuất phát từ luận điểm cho rằng, bản chất tự nhiên của con người tự mình đã đưa con người ra ngoài giới hạn của tính xác định thuần túy tự nhiên, các nhà nhân học triết học đã ra sức khắc phục khuôn khổ chật hẹp của sự phân tích khoa học tự nhiên và xem xét con người trên một chiều rộng hơn của các khoa học về tinh thần, về văn hóa (dân tộc học, ngôn ngữ học, xã hội học, lịch sử tôn giáo, nghệ thuật…). Do đó, phạm vi phân tích nhân học không còn bị hạn chế bởi nhân học tự nhiên và tâm lý học động vật truyền thống của Đức nữa, mà được mở rộng ra bao gồm cả nhân học xã hội Anh và nhân học văn hóa Mỹ.
Ngay từ năm 1928, M. Sêlơ (M.Scheler), người sáng lập nhân học triết học, trong tác phẩm Vị trí của con người trong vũ trụ đã đề ra việc cần thiết phải lập ra “nhân học triết học” với tư cách là khoa học chủ yếu về bản chất của con người. Nó thống nhất việc nghiên cứu khoa học cụ thể, trực quan, những phạm vi khác nhau của sự tồn tại con người với sự nhận thức toàn vẹn, với triết học của nó.
Trong tác phẩm Những giai đoạn của thế giới hữu sinh và con người (1928) của H. Pletnơ (H. Plessner) – một người sáng lập khác của nhân học triết học, nhà triết học này đã xét tới một vài khía cạnh của bản chất con người gắn với mối quan hệ của nó với thế giới động vật và thực vật.
Tiếp đó, là các nhà triết học A. Gêlen (A. Gehlen), E. Rôthake (E. Rothaker), A. Pốcman (A. Portman), H.E. Henstenbéc (H.E. Hengstenberg), H. Lanman (M. Landman) và nhiều người khác, đã tiếp tục chương trình của M. Sêlơ (M. Scheler). Nhưng trong nửa thế kỷ qua, nhân học triết học không sao trở thành học thuyết toàn vẹn về con người và chẳng bao lâu lại biến thành những nhân học khu vực riêng biệt chỉ được lý giải về mặt triết học – sinh học, tâm lý học, tôn giáo, văn hóa.
3. Quan điểm nhân triết học của Augustine thành Hippo
Với các tác giả Kitô giáo thời cổ đại, đó là Augustine thành Hippo – Augustine thành Hippo là một trong những tác giả viết sách bằng tiếng Latinh cổ đầu tiên của Ki-tô giáo có một viễn kiến nhân học rất rõ, mặc dù việc ông có ảnh hưởng nào đến Max Scheler, người sáng lập môn nhân học triết học như là một bộ môn độc lập, hay có ảnh hưởng đến các triết gia chủ đạo kế tục Max Scheler thì chưa rõ. Augustine được trích dẫn bởi Husserl và Heidegger như là một trong những tác giả sớm nghiên cứu về ý thức thời gian và vai trò của nhìn (seeing) trong xúc cảm về việc “sống-ở-đời” (being-in-the-world).
Theo quan điểm của Augustine, ông xem con người như là một nhất thể hoàn hảo có hai bản thể, đó là: hồn và xác. Ông gần với Aristoteles hơn là gần với Platon trong quan niệm nhân học này. Trong một công trình nghiên cứu thời kỳ sau của ông On Care to be Had For the Dead (De cura pro mortuis gerenda) chương 5 (420), ông nhấn mạnh rằng thân xác là phần thiết yếu của cá nhân con người: “Thân xác tự chúng không hề bị hắt hủi. (…) Vì chúng không gắn với thứ đồ trang sức hay trợ giúp cái từ ngoài áp dụng vào, mà gắn với chính bản tính của con người.”
Hình tượng Augustine thích dùng để mô tả sự hợp nhất xác-hồn là hôn nhân: caro tua, coniux tua – thân xác của anh là người vợ của anh. Ban đầu, hai yếu tố này nằm trong sự hài hòa hoàn hảo. Sau sự sa ngã của con người, giờ đây chúng đang trải qua cuộc đấu tranh nghiệt ngã giữa chúng với nhau.
Hồn và xác – Chúng là những sự vật khác nhau về phạm trù, cụ thể:
– Thân xác là vật thể ba chiều được hợp thành từ bốn yếu tố, trong khi đó linh hồn không có bất cứ các chiều không gian nào.
– Linh hồn là một loại bản thể, tham dự vào lý tính, phù hợp với việc cai quản thân xác.
Ông Augustine không bận tâm, như Platon và Descartes, đến việc đi sâu vào chi tiết trong việc nỗ lực giải thích môn siêu hình học về sự hợp nhất linh hồn và thân xác. Đối với ông chỉ cần thừa nhận rằng chúng khác nhau về mặt siêu hình học là đủ. Là một con người thì phải là một thể đa hợp giữa linh hồn và thân xác, và linh hồn cao hơn thân xác. Vế thứ hai của câu phát biểu này được đặt cơ sở trong sự phân loại các sự vật theo thứ bậc của ông thành: những sự vật tồn tại đơn thuần, những sự vật tồn tại và sống và những sự vật tồn tại, sống và có trí tuệ hay lý tính.
Theo N. Blasquez, thuyết nhị nguyên của Augustine về các bản thể thân xác và linh hồn không ngăn cản ông coi sự thống nhất giữa thân xác và linh hồn như là tự thân bản thể. Theo Aristoteles và các triết gia khác ở thời cổ đại, ông định nghỉa con người là một con vật khả tử có lý tính – animal rationale mortale.
4. Quan điểm nhân triết học thời kỳ hiện đại
Nhân học triết học với tư cách là một loại tư tưởng, trước khi nó được đặt nền tảng như là một môn triết học riêng biệt vào những năm 1920, đã xuất hiện như là tư tưởng hậu-trung đại (post-mediaeval thought) đang cố gắng thoát ra khỏi khỏi tôn giáo Kitô và truyền thống Aristoteles. Nguồn gốc của sự giải phóng này, đặc trưng của tính hiện đại, là thuyết hoài nghi Descartes được Descartes trình bày trong hai suy niệm đầu trong công trình Những suy niệm về đệ nhất triết học (1641).
Immanuel Kant (1727-1804) giảng dạy những bài giảng đầu tiên về nhân học trong thế giới học thuật Âu châu. Ông đặc biệt phát triển một quan niệm về nhân học thực tiễn, theo đó con người được nghiên cứu như là một tác nhân tự do. Đồng thời, ông quan niệm nhân học của ông như là một bộ môn thường nghiệm, chứ không phải như là một bộ môn triết học hiểu theo nghĩa chặt chẽ. Cả công trình triết học và nhân học của ông đã là một trong những ảnh hưởng trong lĩnh vực này suốt thế kỷ 19 và 20. Sau Kant, Ludwig Feuerbach đôi khi được coi là sự ảnh hưởng và là nhà sáng lập quan trọng nhất tiếp theo của nhân học triết học.
Trong suốt thế kỷ 19, một đóng góp quan trọng đến từ các nhà duy tâm Đức thời hậu-Kant như Fichte, Schelling, và Hegel, cũng như từ Søren Kierkegaard.
Từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, những người có công đóng góp đầy ảnh hưởng là Friedrich Nietzsche, John Dewey và Rudolf Steiner.
Ta có thể thấy:
a. Nhân học triết học như là một bộ môn độc lập
Vì sự phát triển của nó trong những năm 1920, trong môi trường văn hóa Weimar của Đức, nhân học triết học cũng được hóa thành một bộ môn triết học, cạnh tranh với các phân môn truyền thống khác là nhận thức luận, đạo đức học, siêu hình học, mỹ học. Đó là sự nỗ lực hợp nhất những cách hiểu riêng lẻ về hành vi của con người vừa như là những vật thụ tạo của các môi trường xã hội của họ vừa như là những kẻ sáng tạo ra những giá trị riêng của họ. Mặc dù phần đông các triết gia suốt chiều dài lịch sử triết học có thể được coi là có một “nhân học” riêng biệt làm nâng đỡ cho tư tưởng của họ, bản thân nhân học triết học, như là một bộ môn đặc biệt trong triết học nảy sinh trong giai đoạn hiện tại sau này như là một kết quả tự nhiên từ việc phát triển các phương pháp trong triết học, như hiện tượng học và thuyết hiện sinh. Hiện tượng học, bộ môn triết học này có được năng lực của nó từ sự phản tư phương pháp luận về kinh nghiệm của con người (viễn tượng ngôi thứ nhất) cũng như từ kinh nghiệm cá nhân của chính các triết gia, một cách tự nhiên giúp cho sự hình thành những cuộc khảo sát triết học về bản tính con người và thân phận con người.
Một tiêu điểm quan trọng của sự khảo sát này là xem xét các quan hệ liên nhân cũng như bản thể học đang giữ vai trò trong suốt quá trình các quan hệ này diễn ra – mà tính liên chủ thể là một chủ đề quan trọng của nó. Tính liên chủ thể là nghiên cứu về việc làm thế nào hai cá nhân, hai chủ thể, các kinh nghiệm và các lối lý giải của họ về thế giới được hiểu hoàn toàn khác nhau và có quan hệ với nhau. Gần đây, nhân học đã bắt đầu thay đổi hướng tới các nghiên cứu về tính liên chủ thể và các chủ đề hiện sinh/hiện tượng học khác. Nghiên cứu ngôn ngữ cũng đạt được sự vượt trội mới trong triết học và xã hội học do mối liên quan mật thiết giữa ngôn ngữ với vấn đề liên chủ thể.
b. Quan điểm nhân triết học ở nước Đức những năm 1920
Theo Max Scheler, từ 1900 đến 1920 đã là môn sinh của hiện tượng học Husserl, một hình thái triết học bá quyền ở Đức vào thời này. Scheler tìm cách áp dụng lối tiếp cận hiện tượng học Husserl vào các chủ đề khác nhau.
Kể từ 1920, Scheler đặt nền tảng cho nhân học triết học như là một bộ môn triết học, cạnh tranh với hiện tượng học và các môn triết học khác. Husserl và Martin Heidegger, hai triết gia quyền uy nhất ở Đức lúc bấy giờ, và việc họ phê phán nhân học triết học và Scheler đã có ảnh hưởng to lớn đến bộ môn này.
Ông Scheler định nghĩa con người không phải là “con vật có lý tính” (như cách định nghĩa của truyền thống kể từ Aristoteles) mà về cơ bản là hữu thể biết yêu (loving being). Ông đoạn tuyệt với quan niệm hình-chất (hylomorphic conception) truyền thống về nhân vị, và mô tả hữu thể nhân vị với cấu trúc bộ ba: thân xác nghiệm sinh, linh hồn và tinh thần. Yêu và ghét không phải là những xúc cảm tâm lý, mà là những hành vi tinh thần, có ý hướng của nhân vị, cái mà ông gọi bằng phạm trù “các xúc cảm ý hướng” (intentional feelings). Scheler đặt nhân học triết học của ông vào một siêu hình học Kitô giáo về tinh thần. Sau này, Helmuth Plessner sẽ giải phóng nhân học triết học ra khỏi Kitô giáo.
Helmuth Plessner và Arnold Gehlen chịu ảnh hưởng của Scheler, và cả ba người này là những người đại diện tiêu biểu của nhân học triết học với tính cách là một phong trào.
c. Quan điểm nhân triết học từ những năm 1940
Theo Ernst Cassirer – một triết gia phái Kant-mới, là nguồn suối ảnh hưởng nhất cho định nghĩa và sự phát triển của lĩnh vực này từ những năm 1940 đến những năm 1960. Sự ảnh hưởng đặc biệt của Cassirer là ở chỗ mô tả của ông về con người như là một con vật biểu trưng, lối mô tả này được một học giả của nhân học biểu trưng và về cái tưởng tượng là Gilbert Durand sử dụng lại trong những năm 1960.
Vào năm 1953, vị giáo hoàng tương lai là Karol Wojtyla, dựa vào luận án tiến sĩ của mình về Max Scheler, giới hạn mình vào các công trình mà Scheler viết trước khi bác bỏ Công giáo và truyền thống Do thái-Kitô giáo. Wojtyla sử dụng Scheler như là một ví dụ cho thấy rằng hiện tượng học có thể được hòa giải với Công giáo. Một số tác giả cho rằng Wojtyla có ảnh hưởng đến nhân học triết học.
Trong thế kỷ 20, những đóng góp và những ảnh hưởng quan trọng khác cho nhân học triết học bao gồm: Paul Häberlin (1878–1960); Martin Buber (1878–1965), E.R. Dodds (1893–1979), Hans-Georg Gadamer (1900–2002), Eric Voegelin (1901–1985), Hans Jonas (1903–1993), Josef Pieper (1904–1997), Hans-Eduard Hengstenberg (1904–1998), Jean-Paul Sartre (1905–1980), Joseph Maréchal (1878-1944), Maurice Merleau-Ponty (1908–1961), Paul Ricoeur (1913–2005), René Girard (1923–), Alasdair MacIntyre (1929–), Pierre Bourdieu (1930–2002), Hans Blumenberg, Jacques Derrida (1930–2004) và Emerich Coreth (1919-2006).
d. Nghiên cứu của Michael Jackson về tính liên chủ thể
Michael Jackson là một nhà nhân học triết học quan trọng khác. Hoạt động nghiên cứu và điền dã của ông tập trung vào các chủ đề hiện sinh là “sống-ở-đời” (Đức: Dasein; Anh: being-in-the-world) cũng như các quan hệ liên nhân. Phương pháp luận của ông thách thức nhân học truyền thống ở chỗ nó đặt tiêu điểm vào kinh nghiệm của ngôi thứ nhất. Trong cuốn sách lừng danh nhất của ông Minima Ethnographica, tập trung bàn luận về tính liên chủ thể và các quan hệ liên nhân, ông nhờ đến điền dã dân tộc học để khảo sát lý thuyết hiện sinh.
Trong quyển sách cuối cùng của mình, Nhân học hiện sinh, ông khảo sát ý niệm về sự kiểm soát, bằng cách phát biểu rằng con người nhân hình hóa các vật thể vô tri vô giác xung quanh họ để đi vào mối quan hệ liên nhân với chúng. Theo cách này, con người có thể cảm nhận như thể họ kiểm soát mọi hoàn cảnh mà họ không thể nào kiểm soát được, bởi lẽ thay vì coi đối tượng như là một vật, họ lại coi nó như thể nó là một hữu thể có lý tính có thể hiểu được những xúc cảm và ngôn ngữ của họ. Những ví dụ dễ thấy nhất là cầu nguyện thần linh giải hạn hay trợ giúp người bệnh hay chửi rủa cái máy điện toán (computer) bị đứng máy.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).