1. Công ty cổ phần là gì?
Theo Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó:
Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 3 năm đầu;
Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
2. Đặc điểm của công ty cổ phần
Bên cạnh việc sở hữu những đặc điểm chung của loại hình doanh nghiệp khác như: được công nhận là một tổ chức kinh tế; có tư cách pháp nhân; có tài sản, trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh. Thì công ty cổ phần cũng có nhiều đặc điểm riêng để phân biệt với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể như sau:
Về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần
Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần phải là cá nhân, từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp.
Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật
Doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Nếu công ty cổ phần có 1 người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Về vốn điều lệ công ty cổ phần
Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Các loại cổ phần
Theo quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có hai loại cổ phần chính là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.
Trong cổ phần ưu đãi lại được phần thành: Cổ phần ưu đãi cổ tức; cổ phần ưu đãi hoàn lại; cổ phần ưu đãi biểu quyết; cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán
Cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần thì được gọi là cổ đông. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
Về cổ đông công ty cổ phần
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần chỉ giới hạn số lượng cổ đông tối thiểu là 3 (điều kiện quyết định để thành lập công ty) nhưng không giới hạn số lượng cổ đông tối đa của công ty cổ phần. Vì thế, công ty cổ phần có thể gia tăng số lượng cổ đông góp vốn theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Có 3 loại cổ đông :
Cổ đông sáng lập: là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;
Cổ đông phổ thông: là người sở hữu cổ phần phổ thông;
Cổ đông ưu đãi: là người sở hữu cổ phần ưu đãi.
Khả năng huy động vốn
So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác, thì có thể nói công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có khả năng huy động vốn công ty cao và linh hoạt nhất. Bởi, công ty cổ phần không bị không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn và được phát hành cổ phần các loại, phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác để huy động vốn. Hơn nữa thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần cũng rất dễ dàng, các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình theo quy định của Luật này.
Các hình thức huy động vốn của công ty cổ phần là: chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; chào bán cổ phần riêng lẻ; chào bán cổ phần ra công chúng (theo Khoản 2 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020)
3. Tổ chức quản lý trong công ty cổ phần
So với các loại hình doanh nghiệp khác, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp thường có sự tham gia của rất nhiều thành viên. Do đó, hoạt động của công ty cổ phần được đặt dưới sự quản lý và điều hành của một bộ máy có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ. Cơ cấu quản lý trong công ty cổ phần gồm:
– Đại hội đồng cổ đông:
Gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất trong công ty cổ phần. Đại hội đồng cổ đông không làm việc thường xuyên mà chỉ tồn tại trong thời gian họp hoặc lấy ý kiến của các cổ đông có quyền biểu quyết bằng văn bản. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên hoặc bất thường, ít nhất mỗi năm 1 lần. Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong trường hợp không tiến hành họp trong thời hạn kể trên, Hội đồng quản trị có thể đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh gia hạn việc tổ chức cuộc họp thường niên của Đại hội đồng cổ đông nhưng không được quá 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
– Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị là cơ quan quả lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị không được ít hơn 3 thành viên và không quá 11 thành viên, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác. Hội đồng quản trị phải có thành viên thường trú tại Việt Nam, số thành viên này do điều lệ công ty quy định. Thành viên của Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông trong công ty.
– Chủ tịch hội đồng quản trị
Chủ tịch hội đồng quản trị được bầu theo quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch hội đồng quản trị thì Chủ tịch được bầu trong số thành viên Hội đồng quản trị. Chủ tịch hội đồng quản trị có thể kiêm giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác. Trường hợp chủ tịch hội đồng quản trị công ty vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình thì ủy quyền bằng văn bản cho 1 thành viên khác để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch hội đồng quản trị theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có người được ủy quyền thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị theo nguyên tắc đa số.
– Giám đốc/ Tổng giám đốc
Hội đồng quản trị bổ nhiệm 1 người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người Đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty và chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm, có thể được bổ nhiệm lại số số nhiệm kỳ không hạn chế.
– Ban kiểm soát
Ban kiểm soát có từ 03 đến 05 thành viên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Nhiệm kỳ không quá 05 năm, thành viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Các thành viên Ban kiểm soát bầu 1 người trong số họ làm Trưởng ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số thành viên thường trú ở Việt Nam. Trưởng ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn khác cao hơn. Trong trường hợp vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ mà kiểm soát viên mới chưa được bầu thì kiểm soát viên đã hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ cho đến khi Kiểm soát viên nhiệm kỳ mới được bầu và nhận nhiệm vụ.
4. Ưu điểm của công ty cổ phần
Chế độ trách nhiệm của Công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn. Các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp. Nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao.
Khả năng hoạt động của Công ty cổ phần rất rộng, trong hầu hết các lịch vực, ngành nghề.
Cơ cấu vốn của Công ty cổ phần hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty.
Khả năng huy động vốn của Công ty cổ phần rất cao. Thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Công ty cổ phần có thể phát hành trái phiếu. Đây là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần.
Việc chuyển nhượng vốn trong Công ty cổ phần là tương đối dễ dàng. Do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng. Ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của Công ty cổ phần. (Đối với công ty Đại chúng, công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán thì chỉ có công ty cổ phần mới có quyền này).
5. Nhược điểm của công ty cổ phần
Việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần rất phức tạp. Do số lượng các cổ đông có thể rất lớn. Có nhiều người không hề quen biết nhau. Và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích.
Khả năng bảo mật kinh doanh và tài chính bị hạn chế. Do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông.
Việc khống chế người vào công ty, mua cổ phần sẽ khó hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
Trân trọng./.
PHÒNG LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP
—————————————-
THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;
3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;