1. Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp chủ SMARTDOOR kiện “AUSTDOOR”
Trong đơn, Công ty Úc cho biết, ngày 15/12/2004, Công ty Tân Trường Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình số 8106.
Tháng 5/2007, Công ty Tân Trường Sơn ký “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình số 8106” cho Công ty Hưng Phát. Thời hạn hợp đồng đến ngày 7/8/2008.
Ngày 10/11/2008, Công ty Úc ký “Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106” với Công ty Tân Trường Sơn.
Hai bên đã tiến hành đăng ký hợp đồng với Cục Sở hữu trí tuệ để xác lập quyền sử dụng hợp pháp với kiểu dáng công nghiệp này và được cấp giấy chứng nhận. Thời hạn sở hữu của Công ty Úc đối với kiểu dáng công nghiệp này từ ngày 18/12/2008 đến 18/12/2009.
Sau khi được quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp thanh nhôm định hình nêu trên, Công ty Úc lại phát hiện Công ty Hưng Phát vẫn sản xuất sản phẩm cửa cuốn nhãn hiệu Austdoor có sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106.
Ngày 25/11/2008, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT Hà Nội tạm giữ một xe hàng của Công ty Hưng Phát để xác minh việc vi phạm.
Ngày 7/1/2009, Cục Sở hữu trí tuệ có công văn trả lời Đội QLTT số 14 về việc mẫu nan nhôm định hình của Công ty Hưng Phát trong lô sản phẩm thu hồi ngày 25/11/2008 vi phạm Kiểu dáng công nghiệp số 8106 đã được đăng ký của Công ty Tân Trường Sơn.
Tiếp đến, ngày 24/6/2009, Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT Hà Nội lại tiếp tục giữ 1 xe hàng của Công ty Hưng Phát.
Trong Công văn trả lời ngày 30/6/2009, Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận, mẫu nan nhôm có trong xe hàng tạm giữ của Công ty Hưng Phát vi phạm Kiểu dáng công nghiệp số 8106.
Ông Nguyễn Minh Chí, trợ lý Giám đốc, Công ty Hưng Phát cho biết, lượng hàng mà công ty này sản xuất có sử dụng Kiểu dáng công nghiệp số 8106 không tiêu thụ hết trong thời gian hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu với Công ty Tân Trường Sơn còn hiệu lực.
Chính vì thế, Công ty Hưng Phát đã nhiều lần liên hệ với Công ty Tân Trường Sơn đề nghị gia hạn hợp đồng hoặc cho một khoảng thời gian nhất định để tiêu thụ hết hàng, nhưng chưa nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ phía công ty về việc đồng ý hoặc từ chối ký tiếp phụ lục gia hạn hợp đồng…
Ngày 1/12/2008, Công ty Tân Trường Sơn gửi Công văn số 112 yêu cầu Công ty Hưng Phát chấm dứt không bán thanh nhôm định hình số 8106 vì hợp đồng đã hết hiệu lực từ ngày 7/8/2008.
Trong văn bàn này nêu rõ, “kể từ ngày giấy chứng nhận hết hiệu lực cho đến nay, Công ty Hưng Phát vẫn tiếp tục kinh doanh sản phẩm này là cố tình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền kiểu dáng công nghiệp của chúng tôi”. Như vậy là rõ câu trả lời của Công ty Tân Trường Sơn.
Lý giải về xe hàng mà Đội QLTT số 17 tạm giữ ngày 24/6/2009, ông Chí cho rằng, phía Công ty Úc đã không có khuyến cáo việc Công ty Hưng Phát có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là sai luật.
Mãi đến ngày 1/7/2009 (sau khi QLTT giữ hàng 1 tuần), Công ty Úc mới có công văn yêu cầu chấm dứt bán sản phẩm vi phạm bản quyền kiểu dáng công nghiệp cho Công ty Hưng Phát.
Còn xác nhận của Cục Sở hữu trí tuệ ngày 30/6/2009 về mẫu thanh nhôm trong lô hàng bị Đội QLTT số 17 tạm giữ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp là chưa thỏa đáng vì đây là “cơ quan cấp đăng ký quyền sở hữu và cũng là đơn vị giám định”.
Hiện nay, Công ty Hưng Phát đang đề nghị một cơ quan mới thành lập ngày 15/7/2009 giám định cho khách quan.
Ngoài ra, ông Chí còn cho biết thêm, trong hai mẫu thanh nhôm định hình mà Đội QLTT số 14 tạm giữ ngày 25/11/2008 của Công ty Hưng Phát được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ giám định, mẫu số 1 có “kiểu dáng về tổng thể khác biệt đáng kể với Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ số 8106”.
Vì thế, Chi cục QLTT Hà Nội có “Quyết định chuyển giao hoặc trả lại tang vật, phương tiện” cho Công ty Hưng Phát”.
Có lẽ, cần phải có phiên tòa dân sự để làm rõ ai đúng, ai sai cũng như trách nhiệm đền bù của bên vi phạm. Còn hiện tại, người tiêu dùng lại bị đẩy vào tình thế sử dụng sản phẩm mà không an tâm về xuất xứ, chất lượng
2. Tranh chấp sở hữu công nghiệp: Tranh chấp “TÁCH” VÀ “CỐC”
Tách giống cốc là nhái nhãn hiệu
Theo hồ sơ, trước năm 2006, Công ty Société des Produits Nestlé (Nestlé) đã tung ra thị trường sản phẩm cà phê sữa uống liền mang hình cái cốc đỏ có viền vàng. Ngay sau đó, công ty này phát hiện Gold Roast cũng có loại sản phẩm tương tự có in hình cái tách đỏ trên bao bì. Tháng 10-2006, Nestlé đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) thẩm định xem nhãn hiệu hình cái tách đỏ của Gold Roast có vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của Nestlé hay không. Nửa tháng sau, Cục phúc đáp Gold Roast sử dụng cái tách đỏ là gây nhầm lẫn với cái cốc đỏ đã được bảo hộ của Nestlé.
Dựa vào kết luận trên, Nestlé yêu cầu Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý hành vi vi phạm của Gold Roast. Vì không thuộc thẩm quyền nên nơi này đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương xử lý. Cuối năm 2007, Thanh tra Sở kết luận Gold Roast đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đầu năm 2008, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phạt Gold Roast 100 triệu đồng và buộc công ty này “loại bỏ các yếu tố vi phạm” trên bao bì sản phẩm cà phê sữa uống liền.
>> Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu quyền tại Việt Nam1900.0191
Luật sư Lê Minh Trường tham gia chương trình 60 phút mở trên VTV6 – Tư vấn luật về Sở hữu trí tuệ
Không có khả năng gây nhầm lẫn
Cho rằng bị phạt oan và để chứng minh mình không sao chép hình ảnh trên của Nestlé, Gold Roast liền nhờ Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) thẩm định lại. Một thời gian sau, viện này kết luận dấu hiệu tách cà phê màu đỏ trên sản phẩm của Gold Roast không có khả năng gây nhầm lẫn với cốc đỏ của Nestlé. Bởi theo viện này, người tiêu dùng nói rằng hình dáng giữa cái cốc và cái tách khác nhau (một cái hình trụ tròn, cái kia không tròn đều; một cái cao, một cái thấp…) cộng thêm các yếu tố chuyên môn nữa nên khó có thể gây ra sự nhầm lẫn.
Có được kết luận của Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ, Gold Roast đã kiện quyết định xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra Tòa hành chính. Gold Roast còn dẫn giải thêm từ năm 1996, sản phẩm của công ty này đã được nhập vào Việt Nam từ Singapore, có sử dụng hình ảnh cái tách màu đỏ trên bao bì. Đến năm 2001, Gold Roast có nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tiếp tục sử dụng hình ảnh này. Nestlé chỉ đăng ký bảo hộ hình ảnh cái cốc đỏ tại Việt Nam từ năm 2004. Vì thế, Gold Roast sử dụng hình ảnh cái cốc đỏ là ngay tình, không hề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như văn bản của Cục Sở hữu trí tuệ. Gold Roast còn bảo nếu cho rằng công ty này vi phạm, tỉnh cũng không được quyền phạt tiền vì thời hiệu phạt tiền đã hết (vì họ sử dụng hình ảnh này gần 10 năm).
Không giám định được, tòa vẫn bác đơn
Thụ lý vụ án, TAND tỉnh Bình Dương đã trưng cầu giám định vì kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ và Viện Nghiên cứu sở hữu trí tuệ không phải là văn bản giám định. Đầu tiên, tòa trưng cầu ở một viện nghiên cứu nhưng nơi này bảo rằng mình không có chức năng giám định vụ việc trên. Tiếp đến, tòa nhờ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh nhưng nơi này cũng “bó tay” vì nằm ngoài khả năng giám định của cấp tỉnh. Tòa nhờ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì viện này cũng lắc đầu do không thuộc lĩnh vực của mình.
Không có cơ quan nào giám định, trong khi hai cơ quan chuyên môn có ý kiến khác nhau, tòa án tỉnh quyết định lấy kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ (cho rằng Gold Roast vi phạm) để làm căn cứ xử lý. Tòa nhận định công văn của Cục là kết luận về hành vi vi phạm của Gold Roast nên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xử phạt Công ty Gold Roast là có căn cứ. Vì thế, tòa bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định xử phạt của chủ tịch tỉnh.
Chuyện cái cốc có gây nhầm với cái tách, Gold Roast có vi phạm hay không sắp tới sẽ được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM phán quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
(LVN GROUP FIRM: sưu tầm)
3. Tranh chấp sở hữu trí tuệ: Chứng cứ đâu?
Bản chất giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga là khi muốn vận chuyển xi măng từ nhà máy sản xuất đến các công trình xây dựng, thông thường phải dùng xe ô tô chuyên dụng (dạng như xe bồn). Muốn vận chuyển theo cách này thì ít nhất phải có đường sá để xe chở xi măng chạy đến được công trình. Do đó, Công ty Phương Nga đã mày mò tìm cách giải quyết và cuối cùng nghĩ ra cách lấy công nghệ của xe bồn sang áp dụng cho xà lan. Hiểu nôm na là, do xi măng có dạng hạt mịn và nhẹ nên Công ty Phương Nga dùng máy nén khí và các ống dẫn để tạo áp lực hút xi măng “chảy” trực tiếp từ nhà máy – theo ống dẫn – xuống tàu và khi đến công trình thì có thể bơm ngược xi măng từ tàu – theo ống dẫn – ra bồn chứa xi măng của công trình.
Tháng 5.2006, Công ty Phương Nga nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN xin được cấp bằng bảo hộ đối với giải pháp kỹ thuật: “Hệ thống chứa, bơm xi măng rời lên bờ từ phương tiện vận tải thủy bằng máy nén khí”. Đến tháng 11.2007, Cục SHTT đã cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho Công ty Phương Nga, có giá trị độc quyền trong vòng 10 năm (đến năm 2016).
Chính vì cách thức hiệu quả trên nên ngay sau khi Công ty Phương Nga áp dụng giải pháp hữu ích này thì một số đơn vị cung cấp xi măng khác cũng bắt chước làm theo. “Như vậy là vi phạm sự độc quyền về giải pháp hữu ích của công ty chúng tôi”, Công ty Phương Nga khẳng định và đã có văn bản yêu cầu hai công ty khác ngưng hành vi xâm phạm, nhưng đến nay hai đơn vị này vẫn chưa ngưng. Lý do là, các công ty bị cho là xâm phạm quyền cho rằng mình không xâm phạm gì – “Giải pháp của Công ty Phương Nga đã có từ lâu đời, nhiều nơi đã ứng dụng chứ không có gì mới lạ, độc quyền cả!”.
Từ thực trạng trên, Công ty Phương Nga đã gửi đơn yêu cầu Thanh tra Sở KH&CN xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu giải pháp của mình. Tuy nhiên, Thanh tra Sở cho rằng, muốn xử lý xâm phạm thì phải cung cấp chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm, trong đó có tài liệu mô tả hệ thống chứa và bơm xi măng của bên xâm phạm và so sánh hệ thống này với hệ thống được cấp bằng độc quyền.
Trong khi đó, Công ty Phương Nga cho biết, chỉ có cách dùng “gián điệp kinh tế” thì may ra mới xâm nhập nội bộ của công ty kia mà lấy tài liệu mô tả chứ làm sao mà có được chứng cứ như Thanh tra Sở yêu cầu. Do đó, hiện tại Công ty Phương Nga đang chuẩn bị hồ sơ để kiện ra tòa yêu cầu các đơn vị này chấm dứt hành vi xâm phạm.
(Nguồn: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh online, 30-31.12.2009).
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Bình luận
1. Chứng cứ là những gì được dẫn ra để làm căn cứ xác định sự việc là có thật. Chứng cứ trong sự việc xâm phạm quyền là những gì có thật, liên quan đến hành vi xâm phạm, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi xâm phạm, ai là người thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc.
Luật SHTT tại Điều 203 về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự có quy định về nghĩa vụ chứng minh của hai bên xâm phạm và bị xâm phạm. Nội dung này được cụ thể hoá tại Điều 22.2 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, khi gửi đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHCN, người yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo nhằm chứng minh hành vi xâm phạm và yêu cầu của mình. Vì vậy, việc Thanh tra Sở KH&CN yêu cầu Công ty Phương Nga khi gửi đơn phải kèm theo danh mục chứng cứ là đúng quy định.
2. Vậy những tài liệu, hiện vật nào được công nhận là chứng cứ và trong trường hợp cụ thể này, Công ty Phương Nga phải gửi chứng cứ nào? Theo Điều 23 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP thì tài liệu, chứng cứ, hiện vật, kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm có nhiều loại khác nhau:
Một là, chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền, nếu người yêu cầu là chủ sở hữu hoặc người được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền sở hữu các đối tượng SHCN. Trong trường hợp cụ thể này, đối với giải pháp hữu ích, chứng cứ có thể là bản gốc Văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích, hoặc bản sao có công chứng, hoặc xác nhận của cơ quan đã cấp các văn bằng trên. Chứng cứ loại này có thể là bản trích lục sổ đăng ký quốc gia về SHCN do Cục SHTT cấp.
Hai là, chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm đã xảy ra, chứng cứ nghi ngờ hàng hoá nhập khẩu xâm phạm (đối với trường hợp đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm). Trong trường hợp này là chứng cứ chứng minh hành vi sử dụng giải pháp hữu ích.
Ba là, bản sao Thông báo của Công ty Phương Nga cho các công ty có hành vi sử dụng giải pháp hữu ích, trong đó đã ấn định thời hạn hợp lý để các công ty này chấm dứt hành vi xâm phạm và chứng cứ chứng minh các công ty này không chấm dứt hành vi xâm phạm của mình.
Bốn là, chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt trong trường hợp Công ty Phương Nga đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp này.
Trong trường hợp này, Thanh tra Sở KH&CN yêu cầu Công ty Phương Nga cung cấp chứng cứ thuộc loại thứ hai. Đó là chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm các đối tượng SHCN. Có thể các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ:
Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tài liệu mô tả, vật mẫu, hiện vật có liên quan thể hiện đối tượng được bảo hộ; Vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị xem xét; Bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; Biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh có hành vi xâm phạm.
Đối với xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, các đối tượng được bảo hộ bị sử dụng khi không được sự cho phép của chủ thể quyền được thể hiện cụ thể trên hàng hóa, hoặc bao bì bên ngoài, hoặc chính hình thức của sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, trên quảng cáo, giấy tờ giao dịch. Vì vậy, chủ thể quyền có thể thu thập được các chứng cứ xâm phạm các đối tượng này dễ dàng thông qua vật mẫu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi hình sản phẩm bị nghi ngờ xâm phạm. Do đó, bên chủ thể quyền bị xâm phạm độc quyền chỉ cần mua vài sản phẩm này trên thị trường là đã có trong tay chứng cứ xâm phạm.
Trong khi đó, việc sử dụng giải pháp hữu ích lại được thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp, trong nhà xưởng của doanh nghiệp. Một số giải pháp hữu ích là sản phẩm, thiết bị lớn trong dây chuyền công nghệ. Thậm chí, có thể có giải pháp hữu ích nằm sâu dưới lòng đất trong trường hợp giải pháp đó có bản chất là gia cố nền móng. Đối với các giải pháp hữu ích này, bên chủ sở hữu khó mà có thể nộp cho cơ quan xử lý các chứng cứ là hiện vật, là sản phẩm như trong trường hợp đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay tên thương mại. Do vậy, Điều 23 Nghị định 105/2006/NĐ-CP còn quy định chứng cứ không chỉ là hiện vật, ảnh chụp mà còn có thể là bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.
Vì vậy, trong trường hợp giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga bị xâm phạm, Công ty cần mô tả giải pháp của mình đang được bảo hộ, so sánh với giải pháp mà các công ty khác sử dụng, chỉ ra các nội dung tương tự trong quy trình vận hành, trong hệ thống thiết bị của các công ty này. Chỉ ra tên công ty, các địa điểm đang diễn ra hành vi xâm phạm. Thanh tra Sở KH&CN có trách nhiệm đến thanh tra tại hiện trường để xác minh sự thật. Khi đó, các công ty có hành vi bị nghi ngờ xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Phương Nga sẽ chứng minh giải pháp của họ sử dụng khác biệt với bản chất giải pháp của Công ty Phương Nga hay không. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở sẽ xem xét, đánh giá kết luận.
3. Bên xâm phạm cho rằng: “Giải pháp của Công ty Phương Nga đã có từ lâu đời, nhiều nơi đã ứng dụng chứ không có gì mới lạ, độc quyền cả”. Cần lưu ý là, một giải pháp được Cục SHTT cấp bằng phải không là hiểu biết thông thường và đáp ứng đồng thời hai điều kiện.
Thứ nhất là tính mới, được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký giải pháp hữu ích được hưởng quyền ưu tiên.
Thứ hai là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của giải pháp hữu ích và thu được kết quả ổn định.
Luật SHTT cho phép trong suốt thời gian hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN, người khác có thể gửi đơn đến Cục SHTT đề nghị hủy bỏ văn bằng đã cấp vì không đảm bảo yêu cầu tại thời điểm cấp.
Nếu các công ty khác cho rằng, giải pháp của Công ty Phương Nga không có tính mới, không đảm bảo một trong hai điều kiện trên thì họ có quyền gửi đơn đến Cục SHTT, chứng minh giải pháp này không có tính mới. Vì đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức đã được sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày Công ty Phương Nga nộp đơn đăng ký giải pháp hữu ích (5.2006). Do đó, không đảm bảo điều kiện để bảo hộ và đề nghị Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đã cấp cho Công ty Phương Nga.
4. Công ty Phương Nga dự định khởi kiện vụ kiện xâm phạm quyền giải pháp hữu ích ra Tòa án Dân sự. Đó là việc nên làm. Khi Công ty Phương Nga khởi kiện các công ty có hành vi sử dụng giải pháp của mình sẽ phải thực hiện Điều 203 Luật SHTT về Quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Theo đó, “trong vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế (giải pháp hữu ích) trường hợp một bên trong vụ kiện xâm phạm quyền SHTT chứng minh được chứng cứ thích hợp để chứng minh cho yêu cầu của mình bị bên kia kiểm soát, do đó không thể tiếp cận được thì có quyền yêu cầu Toà án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó”.
Trong trường hợp này, Công ty Phương Nga không thể có bản vẽ, quy trình vận hành của giải pháp mà các công ty kia áp dụng. Vì vậy, có thể đề nghị Tòa buộc các công ty kia cung cấp cho Tòa các tài liệu này. Đồng thời, họ có trách nhiệm chứng minh giải pháp mà họ sử dụng có bản chất không trùng hoặc tương tự với bản chất của giải pháp mà Công ty Phương Nga đang được bảo hộ.
Như vậy, các công ty xâm phạm buộc phải cung cấp cho Tòa giải pháp mà họ đang sử dụng (các tài liệu, hệ thống thiết bị, quy trình vận hành…) để làm rõ giải pháp đó có trùng hoặc tương tự giải pháp của Công ty Phương Nga đang được bảo hộ hay không? Rõ ràng áp dụng biện pháp dân sự để bảo vệ quyền của chủ thể quyền bằng cách khởi kiện vụ xâm phạm sáng chế, giải pháp hữu ích ra Tòa án Dân sự sẽ thuận lợi hơn cho Công ty Phương Nga trong việc tìm chứng cứ.
(LVN GROUP FIRM: sưu tầm)
4. Xác định chủ sở hữu của kết quả nghiên cứu khoa học
Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu lại không đơn giản, nhiều khi nó không có tác dụng kích thích khả năng sáng tạo của tác giả. Điều 26.1. Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chỉ quy định đơn giản: “Tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công trình khoa học và công nghệ là tác giả của công trình đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác trong hợp đồng khoa học và công nghệ”.
Quy định trên đây chưa giải quyết được các trường hợp cụ thể: kết quả nghiên cứu là sự sáng tạo của nhiều tác giả với các mức độ đóng góp khác nhau; kết quả nghiên cứu do nhiều người đầu tư tài chính để thực hiện; kết quả nghiên cứu vừa được bảo hộ theo pháp luật về quyền tác giả, vừa được bảo hộ theo pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp; cũng chưa giải quyết được việc phân định quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu trong trường hợp “sáng chế công vụ” (Employee Invention)…
Bài viết này góp phần xác định chủ sở hữu kết quả nghiên cứu và bàn về quyền tài sản của chủ sở hữu kết quả nghiên cứu.
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
1. Phân loại kết quả nghiên cứu theo đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Điều 2.4. Luật Khoa học và Công nghệ quy định: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải phápnhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng”.
Cách định nghĩa nghiên cứu khoa học trên đây của Luật KH&CN là chưa đầy đủ, theo quan niệm của UNESCO, thì nghiên cứu khoa học bao gồm: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai (toàn bộ chuỗi R&D).[2]
Theo Vũ Cao Đàm thì nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc, động thái của sự vật. Kết quả nghiên cứu cơ bản có thể là các khám phá, phát hiện, phát minh, dẫn tới hình thành một hệ thống lý thuyết mới.
Nội dung của kết quả nghiên cứu cơ bản không được bảo hộ theo pháp luật về sáng chế, nhưng bản viết về nó lại là tác phẩm khoa học và được bảo hộ theo quy định tại điều 14.1.a. Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và điều 2.1. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật [3].
Nghiên cứu ứng dụng là sự vận dụng quy luật được phát hiện từ nghiên cứu cơ bản để giải thích một sự vật hoặc tạo ra những nguyên lý mới về các giải pháp.
Cũng theo Vũ Cao Đàm, triển khai thực nghiệm (gọi tắt là triển khai) là sự vận dụng các lý thuyết để đưa ra các vật mẫu (prototype) và công nghệ sản xuất vật mẫu với những tham số khả thi về kỹ thuật , khái niệm triển khai được áp dụng cả trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật và trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn [4].
Nếu kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì nó chỉ tồn tại như một tác phẩm khoa học và được bảo hộ theo pháp luật quyền tác giả.
Nhưng nếu kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm thuộc lĩnh vực công nghệ thì ngoài việc bản viết về chúng là tác phẩm khoa học thì nội dung của chúng còn được bảo hộ theo pháp luật sở hữu công nghiệp. Nếu kết quả nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm hội tụ đủ 3 tiêu chí: tính mới, trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp thì nó được bảo hộ là sáng chế, còn nếu chúng không hội tụ đủ 3 tiêu chí vừa nêu thì chúng được bảo hộ theo cơ chế thông tin bí mật.
Do hạn chế về số lượng chữ trên Tạp chí, nên bài viết này chỉ giới hạn 2 trường hợp: kết quả nghiên cứu là tác phẩm khoa học và kết quả nghiên cứu là sáng chế.
2. Kết quả nghiên cứu là tác phẩm khoa học
Tác giả của tác phẩm khoa học có các quyền nhân thân, đó là quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên đối với tác phẩm và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Các quyền nhân thân này vĩnh viễn thuộc về tác giả, kể cả trường hợp tác giả không là chủ sở hữu tác phẩm khoa học.
Nếu tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm khoa học thì tác giả là chủ sở hữu tác phẩm này. Trong thực tế nghiên cứu khoa học, người đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật phần lớn là tổ chức (có thể dùng ngân sách Nhà nước) hoặc cá nhân khác, bởi vậy những người này mới là chủ sở hữu tác phẩm khoa học. Chủ sở hữu có quyền công bố tác phẩm khoa học, đồng thời có toàn bộ nhóm quyền tài sản được quy định tại điều 20 của Luật SHTT.
Chúng ta có thể đã gặp trường hợp, tác giả kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước (hoặc do người khác đầu tư tài chính) đã ký hợp đồng cho phép một nhà xuất bản phát hành tác phẩm khoa học do mình sáng tạo nên, cho phép người nào đó dịch tác phẩm khoa học ra tiếng nước ngoài… các hành vi vừa nêu của tác giả thực chất là đã cho phép người khác công bố tác phẩm, làm bản sao tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh, như vậy tác giả đã vi phạm các quyền mà chỉ chủ sở hữu kết quả nghiên cứu mới có.
Trường hợp khác, một nhà xuất bản đã viết dòng chữ Nhà xuất bản X giữ bản quyền trên bìa tác phẩm khoa học, trường hợp này chỉ đúng khi chủ sở hữu tác phẩm khoa học chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu tác phẩm cho nhà xuất bản X, còn nếu chủ sở hữu tác phẩm chỉ ký hợp đồng cho phép nhà xuất bản X phát hành một số lượng hạn chế bản sao tác phẩm thì cách viết trên lại không đúng.
Trường hợp sinh viên của các trường đại học thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và được nhà trường (dùng ngân sách Nhà nước) hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, có ý kiến cho rằng trong trường hợp này Nhà nước (mà đại diện là hiệu trường đại học) là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu. Người viết bài này không đồng ý với ý kiến vừa nêu, bởi lẽ không thể coi việc hỗ trợ kinh phí như là sự đầu tư tài chính để tác giả thực hiện nghiên cứu khoa học. Do đó, tác giả mới là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu.
Nếu nhiều người cùng đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật cho nghiên cứu thì họ đồng sở hữu kết quả nghiên cứu, có thể chia ra 2 trường hợp:
– Trường hợp 1: đồng sở hữu chung duy nhất, kết quả nghiên cứu không thể phân chia, dẫn đến bất kỳ một người nào trong số đồng sở hữu cũng không có quyền thực hiện một quyền tài sản nào đối với kết quả nghiên cứu nếu không có sự đồng ý của tất cả các đồng sở hữu còn lại.
– Trường hợp 2: đồng sở hữu theo phần, kết quả nghiên cứu có thể phân chia, dẫn đến mỗi người là chủ sở hữu một phần kết quả nghiên cứu căn cứ theo phần đóng góp tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình cho nghiên cứu.
5. Kết quả nghiên cứu là sáng chế
Tác giả sáng chế có các quyền nhân thân, đó là được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế. Như vậy, khác với tác giả của tác phẩm khoa học, tác giả sáng chế không có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của sáng chế, hay nói cách khác, tác giả sáng chế không có quyền ngăn cấm chủ sở hữu sáng chế hoặc người sử dụng sáng chế cải tiến sáng chế.
Nếu tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để nghiên cứu tạo nên giải pháp kỹ thuật được bảo hộ là sáng chế thì tác giả là chủ sở hữu sáng chế. Trong thực tế thì người đầu tư tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật phần lớn là tổ chức hoặc cá nhân khác, do đó chính những người này mới là chủ sở hữu sáng chế. Một trong những quyền quan trọng của chủ sở hữu sáng chế là được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế (license sáng chế) cho người khác, vì sáng chế là một dạng tài sản vô hình, bởi vậy chủ sở hữu có thể đồng thời license (không độc quyền) sáng chế cho nhiều người khác nhau.
Việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp vừa nêu không khó, nó căn cứ vào thỏa thuận giữa các bên hoặc theo luật định. Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả là 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do license sáng chế.
Trong lĩnh vực quản lý SHTT, có một thuật ngữ chuyên môn, đó là thuật ngữ “sáng chế công vụ” (Employee Invention) dùng để chỉ trường hợp sáng chế được tạo ra trong quá trình tác giả của nó thực hiện công vụ.
Nếu nhiệm vụ chính của tác giả trong quá trình thực hiện công vụ là phải nghiên cứu để tạo ra sáng chế thì tác giả (người lao động) không là chủ sở hữu sáng chế, mà chủ sở hữu sáng chế là người sử dụng lao động. Việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế trong trường hợp này như đã nói ở trên.
Nếu nhiệm vụ chính của tác giả trong quá trình thực hiện công vụ là việc khác với việc nghiên cứu để tạo ra sáng chế thì chủ sở hữu sáng chế vẫn là người sử dụng lao động, nhưng việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế lại không hề đơn giản.
Ví dụ, nhiệm vụ chính của giảng viên trường đại học là giảng dạy, nhưng giảng viên còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (có sử dụng phòng thí nghiệm của nhà trường). Trường hợp này, ta có thể tham khảo việc phân định quyền lợi vật chất đối với sáng chế giữa giảng viên – tác giả sáng chế và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – chủ sở hữu sáng chế, đã phân chia theo tỷ lệ: tác giả sáng chế được hưởng 50% lợi nhuận, Khoa (hoặc Trung tâm) nơi tác giả công tác được hưởng 7%, Bộ môn nơi tác giả công tác được hưởng 3%, phần lợi nhuận còn lại thuộc về Nhà trường[5]. Đại học Bách khoa Hà Nội là một đơn vị mạnh về nghiên cứu ứng dụng, chỉ trong 3 năm 2006-2008 đã có trên 30 giải pháp kỹ thuật được cấp Bằng độc quyền sáng chế do Nhà trường là chủ sở hữu, có lẽ một trong những nguyên nhân để Nhà trường tạo nên sức mạnh này là đã có chính sách để tác giả sáng chế hưởng mức lợi nhận cao (gấp nhiều lần mức tối thiểu do pháp luật quy định).
Cũng có thể tham khảo mô hình của Nhật Bản qua chính sách quản lý SHTT trong các trường đại học được ban hành năm 2003, đối với sáng chế mang lại lợi nhuận dưới 1 triệu Yên thì tác giả được hưởng tới 50% lợi nhuận, đối với sáng chế mang lại lợi nhuận trên 1 triệu Yên thì tác giả được hưởng theo công thức (lợi nhuận – 1 triệu Yên) x 25% + 500.000 Yên [6].
Hy vọng rằng bài viết này sẽ góp phần vào việc quản lý SHTT một cách tốt hơn và thúc đẩy mạnh khả năng sáng tạo của các nhà khoa học.,.
(LVN GROUP FIRM: sưu tầm)