1. Số liệu tổng quan về di chuyển lao động quốc tế

Bài viết tập trung phân tích, phản ánh thực trạng di chuyển quốc tế về lao động những năm đầu thế kỉ XXI. Số người di cư quốc tế trên toàn thế giới tiếp tục tăng trong hơn 17 năm qua, đạt mức 258 triệu người vào năm 2017, tăng từ mức 173 triệu người năm 2000, 191 triệu người năm 2005, 220 triệu người năm 2010, 248 triệu người năm 2015. Trong giai đoạn 2000 – 2005, tỉ lệ người di cư quốc tế đã tăng trung bình 2% mỗi năm. Trong giai đoạn 2005 – 2010, tăng trưởng hàng năm cao hơn, đạt mức 2,9%. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, tốc độ tăng đã chậm lại, giảm xuống còn khoảng 2,4% mồi năm trong giai đoạn 2010 – 2015 và 2,0% mỗi năm trong giai đoạn 2015 -2017.

Gần một nửa (46,9%) lao động di cư thế giới tập trung vào hai nhóm quốc gia, đó là Bắc, Nam, Tây Âu (23,9%) và Bắc Mỹ (23%), tiếp theo là các nước Ả Rập (13,9%). Một số khu vực tiếp theo chiếm tỉ lệ từ 5 – 7%, đó là các khu vực như Đông Âu, Tiểu vùng Saharan châu Phi, Đông Nam Á và Thái Bình Dưong, Trung và Tây Á, trong khi Bắc Phi chỉ chiếm 0,7% tổng số lao động di cư thế giới.

Nếu phân tích riêng từng vùng, các nước Ả Rập có tỉ lệ người lao động di cư trong tổng số người lao động cao nhất, chiếm 40,8%. Tỉ lệ này tại vùng Bắc Mỹ là 20,6%, Bắc, Nam, Tây Âu là 17,8%, Trung và Tây Á là 11,1% và Đông Âu là 9,1%. Ngược lại, nhiều tiểu vùng khác có tỉ lệ lao động di cư trong tổng số lao động dưới 2%. Tỉ lệ thấp nhất là tại Đông Á (gồm cả Trung Quốc) với 0,6%, tiếp theo là Bắc Phi, Nam Á (gồm cả Ấn Độ), Mỹ Latinh và Caribbean, tất cả ở trong khoảng 1,0% -1,5%.

Số liệu năm 2013 cho thấy, hai nhóm Bắc Mỹ và Bắc, Nam, Tây Âu chiếm tới 52,9% tổng số người lao động di cư là phụ nữ và 45,1% tổng lao động di cư là nam giới. Ngược lại, tại các nước Ả Rập, sự khác biệt về giới lại trái ngược. Những vùng này chiếm 11,7% trong tổng số người lao động di cư, nhưng lại có tới 17,9% tổng số lao động di cư là nam giới và chỉ 4,0% lao động di cư là nữ giới.

Trong tổng số khoảng 164 triệu lao động di cư trên thế giới năm 2017, ước tính có 111,2 triệu (67,9%) là tại những nước được xem là có thu nhập cao, 30,5 triệu người (18,6%) là tại những quốc gia có thu nhập trên trung bình và 16,6 triệu người (10,1%) là tại những nước thu nhập dưới trung bình. Số người lao động di cư thấp nhất là tại những quốc gia thu nhập thấp, chỉ khoảng 5,6 triệu người (3,4%). Tỉ lệ người lao động di cư tại những quốc gia phân theo mức thu nhập cũng phản ánh tỉ lệ cao của người lao động di cư trong tổng số người lao động tại các quốc gia này. Lao động di cư chiếm 18,5% tổng số người lao động tại các nước có thu nhập cao, trong khi tỉ lệ này ở các nước thu nhập thấp hơn chỉ trong khoảng 1,4% đến 2,2%.

Người lao động di cư tập trung vào các lĩnh vực kinh tế nhất định, số liệu cho thấy phần lớn người lao động di cư trên

thế giới tập trung vào các ngành dịch vụ, với 106,8 triệu trong tổng số 150,3 triệu người, chiếm 71,1%. Ngành công nghiệp, bao gồm ngành sản xuất và xây dựng có tổng số 26,7 triệu người (chiếm 17,8%) và nông nghiệp với 16,7 triệu người (chiếm 11,1%)

Trong tổng số khoảng 164 triệu người lao động di cư năm 2017, có 141,7 triệu người (86,5%) trong độ tuổi lao động (25 – 64 tuổi). Những lao động trẻ (15-24 tuổi) chiếm 8,3%, trong khi những lao động lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 5,2% tổng số người lao động di cư. Phân bổ theo độ tuổi của người lao động di cư theo giới khá tương đồng nhau.

 

2. Di chuyển lao động quốc tế do kết quả của quá trình toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối quan hệ có ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và là một xu thế tất yếu đối với sự phát triển của thế giới ngày nay, thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và an ninh mà không một quốc gia nào nằm ngoài xu thế đó. Đồng thời, quá trình toàn cầu hóa làm tăng chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia. Mặc dù nhiều quốc gia đang phát triển như An Độ, Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao thu nhập trong nhiều thập niên qua, nhưng khoảng cách thu nhập/đầu người giữa các nước giàu và nghèo vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, khoảng cách về thu nhập giữa các nước có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, rất ít nước có thu nhập thấp và trung bình vượt lên trở thành nước có thu nhập cao. Mức chênh lệch ngày càng tăng về trình độ phát triển giữa các quốc gia, dẫn tới sự phát triển không đồng đều về kinh tế – xã hội.

Ở một số quốc gia, thương mại tự do hơn đã thay thế hoặc làm suy yếu sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong nước, dẫn tới sự thuyên chuyển người lao động; đồng thời, những hạn chế trong các chương trình chi tiêu công cũng bị thắt chặt, khiến việc làm được tạo ra ở một số quốc gia chậm hơn nhiều so với sự tăng lên của tình trạng thất nghiệp. Kết quả của sự giảm sút việc làm do thất nghiệp và thay đổi cơ cấu khiến một lượng lớn người lao động không có cơ hội có được việc làm đàng hoàng tại quê nhà và tìm cách di chuyển sang các quốc gia khác tìm cơ hội.

 

3. Di chuyển lao động quốc tế do sự liên thông giữa thị trường lao động của các quốc gia trên thế giới

Một điều kiện quan trọng giúp việc di chuyển lao động quốc tế ngày càng mạnh mẽ và phổ biến, đó là nhờ sự liên thông giữa những thị trường lao động của các quốc gia, tạo điều kiện để các nước thiếu hụt lao động cố gắng thu hút những lao động ở các nước khác, đặc biệt là từ những nơi có lao động dư thừa và sẵn sàng làm việc với mức lợi ích cao hơn họ được hưởng ở nước mà họ sinh sống. Trong nhiều năm qua, chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao của các nước phát triển đã chuyển từ hướng hạn chế sang tháo dỡ các rào cản và tiến tới động viên, khuyến khích và trực tiếp tuyển dụng để thu hút nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, do các nước đang phát triển không có đủ phương tiện và điều kiện để đối phó với sự mất mát nguồn nhân lực khoa học, không phát huy và khai thác được hết tiềm năng của những lao động trình độ cao. Điều này dẫn tới thực tế là sự chênh lệch về mức thu nhập trong cùng một công việc đòi hỏi nhân lực trình độ cao giữa hai nhóm nước ngày càng lớn, kết hợp với điều kiện làm việc ở các nước phát triển thuận lợi hon nhiều đã thúc đẩy lao động, đặc biệt là lao động chuyên môn di chuyển.

 

4. Di chuyển lao động quốc tế bắt nguồn từ sự thiếu hụt lao động của các nước nhận lao động

Tại các thị trường lao động riêng ở một số quốc gia, cầu nhiều hon cung trên thị trường lao động sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt lao động và nảy sinh nhu cầu thuê lao động nước ngoài để bù đắp.

Trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ tăng trưởng dân số tại các nước phát triển nhìn chung ở mức thấp, thậm chí có quốc gia có mức tăng trưởng dân sổ âm, dân số ngày càng già hóa, trong khi tại các nước đang và chậm phát triển, tỉ lệ tăng trưởng dân số lại cao hoặc rất cao, với một tỉ lệ lớn dân số trẻ đang ở độ tuổi lao động. Điều này dẫn tới nghịch lý là tỉ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước đang và kém phát triển, trong khi tại nhiều nước phát triển lại gặp tình trạng thiếu nhân công, đặc biệt cho những công việc cần lao động phổ thông. Đồng thời, do dư thừa cung lao động nên mức thu nhập, điều kiện làm việc tại các nước đang và kém phát triển ở mức không cao, dưới mức mong đợi của người lao động khiến họ không chịu cung ứng sức lao động và sẵn sàng tìm kiếm cơ hội làm việc ở nơi khác có mức lợi ích cao hơn. Điều này là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy dòng người trong độ tuổi lao động tại các nước đang và chậm phát triển hướng tới những nước phát triển hơn, đang có nhu cầu thu hút lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lao động, phục vụ các mục tiêu phát triển.

Nhìn chung, di chuyển lao động quốc tế hiện nay có thể được diễn giải bằng sự khác biệt giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, sự thiếu hụt về lao động tại một số quốc gia, sự gia tăng nhu cầu đối với cả lao động có kĩ năng cao và ít kĩ năng tại nước tiếp nhận, và sự gần gũi về mặt địa lý cũng như các mối liên hệ mang tính lịch sử giữa các quốc gia rời đi và tiếp nhận.

Luật LVN Group (tổng hợp)