Nguyên tắc nhân đạo là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Nguyên tắc này được biểu hiện rõ nét nhất trong ngành pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, và cả trong pháp luật thi hành án hình sự.

1. “Nhân đạo” được hiểu như thế nào?

Theo từ điển Tiếng Việt của viện ngôn ngữ học, “nhân đạo ” theo nghĩa chung được hiểu là: “Đạo đức, thể hiện sự thương yêu, quý trọng và bảo vệ con người.Giá trị của nhân đạo là giá trị về đạo đức của con người, về sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người, giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nâng niu, trân trọng, đề cao phẩm giá con người.

2. Cơ sở nguyên tắc nhân đạo trong thi hành án hình sự.

Nguyên tắc nhân đạo được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2019:

3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.

3. Mục đích của nguyên tắc nhân đạo.

Mục đích của hoạt động thi hành án hình sự là nhằm thực thi công lý, bảo đảm sự công bằng cần thiết cho mọi thành viên trong xã hội trước pháp luật, từ đó bảo vệ có hiệu quả các loại lợi ích trong xã hội. Do vậy, nguyên tắc nhân đạo đòi hỏi trước hết, hoạt động thi hành án hình sự phải bảo đảm bảo vệ có hiệu quả, hài hòa các lợi ích khác nhau, tôn trọng nhân phẩm và danh dự của cá nhân.

Thiết lập công lý là mục đích cuối cùng mà quá trình giải quyết vụ án hình sự hướng tới và cơ sở của nó không gì khác ngoài chân lý khách quan của vụ án. Nhưng rõ ràng, chất lượng của quá trình giải quyết vụ án không chỉ nên đánh giá từ góc độ mức độ đạt được của mục đích đề ra mà còn phải xem xét cả cách thức đã áp dụng để đạt được mục đích đó. Do vậy, công lí, mặc dù là đích đến cuối cùng của hoạt động tố tụng hình sự nhưng không thể chấp nhận việc đạt được mục đích đó bằng mọi giá. Nếu công lí là sự đánh đổi những giá trị thiêng liêng khác thì đó là điều không nên có và khi đó nó không còn hàm chứa những giá trị tốt đẹp thiêng liêng vốn có của mình. Cho nên, khi xem xét cách thức đạt được công lí, cần xuất phát không chỉ từ tính hợp pháp mà còn từ tính hợp lý của nó.

4. Ý nghĩa của nguyên tắc nhân đạo.

Ý nghĩa của nguyên tắc này nhằm tạo cơ hội cho những phạm nhân tích cực cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án ở các cơ sở giam giữ được sớm trở về với gia đình và xã hội, đồng thời tiếp tục chứng tỏ sự cải tạo của mình trong môi trường xã hội bình thường, có sự giám sát của chính quyền địa phương và của gia đình. Quy định này góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, xóa bỏ dần những định kiến của xã hội đối với người đã từng vi phạm pháp luật trong quá khứ nhưng có sự cải tạo tốt, thể hiện quyết tâm “hướng thiện”.

5. Biểu hiện của nguyên tắc nhân đạo trong thi hành án hình của sự.

– Nguyên tắc nhân đạo thể hiện ở việc pháp luật nghiêm cấm các hành vi đày đọa, hành hạ về thân thể, các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự đối với những người chấp hành án phạt tù.

Trong việc áp dụng các biện pháp thi hành án hình sự, tư tưởng nhân đạo được hiểu là yêu cầu đối với các chủ thể có thẩm quyền phải có thái độ tôn trọng đối tượng phải chấp hành án, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những đối tượng này. Trong quá trình thi hành án, có thể cơ quan thi hành án gặp phải những trở ngại khách quan như sự thiếu thiện chí, thái độ bất hợp tác của một số chủ thể chấp hành án. Khi đó, những cơ quan thi hành án phải sử dụng đến những biện pháp cưỡng chế thi hành án, và đây là lựa chọn tất yếu, bắt buộc và không mong muốn nhưng cần thiết của các cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, việc sử dụng các biện pháp trên phải xuất phát từ đòi hỏi thực tế của quá trình thi hành án, nhân danh công lý và vì công lý chứ không phải xuất phát từ mong muốn chủ quan của cá nhân chủ thể tiến hành thi hành án vì những động cơ không đúng đắn khác nhau.

Trong thực tế, khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, các chủ thể tiến hành không chỉ cần phải xem xét mối quan hệ của nó với mục đích cần đạt được, tính hợp pháp của quyết định đưa ra….mà cần phải cẩn trọng đánh giá khả năng gây ra những tác động không mong muốn cho việc đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong thi hành án hình sự để có thái độ xử xự phù hợp.

Đánh giá mức độ tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc nhân đạo khi tiến hành thi hành án cần xem xét không chỉ từ góc độ tính hợp pháp của hoạt động này với ý nghĩa là sự tuân thủ các quy định của pháp luật thi hành hình sự mà chủ yếu từ góc độ tính hợp lý của hoạt động đó biểu hiện qua thái độ của các chủ thể thi hành án cũng như các quyền và lợi ích liên quan của các chủ thể chấp hành thi hành án.

– Nguyên tắc nhân đạo cũng thể hiện ở quy chế giảm, miễn, hoặc tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, ở việc quy định rõ chế độ sinh hoạt, ăn ở học tập, lao động nghề nghiệp trong thời gian thi hành án phạt tù để một mặt, hình thành thói quen sinh hoạt cộng đồng, ý thức tôn trọng cộng đồng, ý thức tuân thủ, phục tùng pháp luật của người phải chấp hành hình phạt, mặt khác, tránh tâm lý mặc cảm, tự ti, hằn học, ác cảm, đó kỵ, thù địch, xa lánh cộng đồng…của những người này sau khi hết thời hạnchấp hành hình phạt để giúp họ dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng; ở chính sách đối với người chưa thành niên: “Thi hành án đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội”; khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyệnbồi thườngthiệt hại.

Về chế độ sinh hoạt, ăn ở, học tập của phạm nhân.

Điều 7. Chế độ ăn đối với phạm nhân

1. Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm:

a) 17 kg gạo tẻ;

b) 15 kg rau xanh;

c) 01 kg thịt lợn;

d) 01 kg cá;

đ) 0,5 kg đường;

e) 0,75 lít nước mắm;

g) 0,2 lít dầu ăn;

h) 0,1 kg bột ngọt;

i) 0,5 kg muối;

k) Gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

l) Chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để phạm nhân có thể ăn hết tiêu chuẩn.

2. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định tại khoản 1 Điều này, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căn-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

3. Phạm nhân được bảo đảm ăn, uống vệ sinh, an toàn thực phẩm.

4. Mỗi phân trại của cơ sở giam giữ phạm nhân được tổ chức ít nhất một bếp ăn tập thể. Định mức dụng cụ cấp dưỡng của một bếp tập thể dùng cho 100 phạm nhân gồm: 01 tủ đựng thức ăn có lưới hoặc kính che kín, 03 chảo to, 01 chảo nhỏ, 01 nồi to dùng trong 03 năm; các loại dao, thớt, chậu rửa bát, rổ, rá, bát, đũa dùng trong 01 năm và các dụng cụ, trang thiết bị cấp dưỡng cần thiết khác phục vụ việc nấu ăn và chia khẩu phần ăn cho phạm nhân.

Dụng cụ cấp dưỡng dùng cho 01 mâm ăn của 06 phạm nhân bao gồm 01 lồng bàn, 01 xoong đựng cơm, 01 xoong đựng canh dùng trong 02 năm; 02 đĩa thức ăn, 01 bát đựng nước chấm, 01 muôi múc cơm, 01 muôi múc canh dùng trong 01 năm.

Dụng cụ cấp dưỡng dùng cho 01 phạm nhân ăn riêng theo suất gồm 01 cặp lồng có 04 ngăn hoặc khay có 05 ngăn bằng nhựa chuyên dùng đựng đồ ăn cơm và 01 thìa ăn cơm bằng nhựa dùng trong 02 năm.

5. Phạm nhân được sử dụng điện, nước sinh hoạt theo định mức quy định.

Về chính sách học nghề đối với phạm nhân:

Điều 15. Chế độ học nghề của phạm nhân

1. Căn cứ vào khả năng, trình độ văn hóa, sức khỏe, giới tính của phạm nhân, thị trường lao động, điều kiện cụ thể và khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân, trại giam tổ chức dạy những nghề phổ thông, đơn giản hoặc tổ chức bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phạm nhân; trại giam hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp (có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật) để tổ chức dạy nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề cho phạm nhân.

2. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên đến 30 tuổi chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 05 năm và chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được ưu tiên bố trí học nghề, nâng cao tay nghề. Mỗi phạm nhân chỉ được học 01 nghề

Về các chế độ với người chấp hành án phạt tù là phụ nữ có thai, theo quy định của Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành án hình sự 2019, theo đó, quy định chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam như sau:

– Phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 133 và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ;

Phạm nhân nữ sinh con trong trại giam được cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 01 tháng định lượng ăn của trẻ em là con phạm nhân theo quy định. Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Kết luận: Thi hành án hình sự có nhiệm vụ giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa phạm tội mới.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật Minh Khu