Luật sư tư vấn:

Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, được tiến hành nhiều biện pháp không mang tính cưỡng chế nhằm xác định dấu hiệu của tội phạm. Kết thúc giai đoạn này, khi đã ra quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp điều tra, kể cả áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng để nhanh chóng phát hiện tội phạm và người phạm tội. Nếu không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định ở giai đoạn này rất có thể tội phạm sẽ bị bỏ lọt hoặc lợi ích hợp pháp, quyền dân chủ của công dân bị vi phạm, làm oan người vô tội. Trong giai đoạn khởi tố vụ án, Viện kiểm sát (VKS) có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng là thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện phải bị khởi tố, việc khởi tố vụ án có căn cứ và hợp pháp.

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm

Theo quy định tại điều 159, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định chức năng thực hành quyền công tố được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo đó, khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người bị giữ trong trường họp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; phê chuẩn, không phê chuẩn các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

– Khi cần thiết, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện.

– Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố vụ án hình sự.

– Yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự.

– Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong các trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định.

– Huỷ bỏ quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

Nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 160 BLTTHS năm 2015)

Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết nguồn tin tội phạm, viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát, kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; kiểm sát việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.

– Khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động: tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật; kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho viện kiểm sát; cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; khắc phục vi phạm pháp luật và xử lí nghiêm người vi phạm; yêu cầu thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra.

– Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm.

– Yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 BLTTHS năm 2015, thì Viện kiểm sát có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

– Yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

– Huỷ bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ và trái pháp luật.

-Trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của hội đồng xét xử không có căn cứ thì viện kiểm sát kháng nghị lên toà án trên một cấp;

– Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để thực hành quyền công tố trong việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Nhiệm vụ quyền hạn của viện kiểm sát khi kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự (khoản 2 Điều 161, BLTTHS năm 2015)

Khi kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, viện kiểm sảt có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố, việc khởi tố vụ án có căn cứ và đúng pháp luật.

– Yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự.

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này.

3. Vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với phúc cung bị can

Có thể hiểu phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố là hoạt động kiểm chứng lại tính đúng đắn những lời khai của bị can trong vụ án hình sự, khi có sự nghi ngờ về tính khách quan, chính xác của những lời khai trước đó; đó là hoạt động điều tra, xét hỏi nhằm kiểm tra, xác minh lại những lời khai của bị can còn nghi vấn do Kiểm sát viên thực hiện theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định.

Phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố nhằm giải quyết những nghi ngờ, mâu thuẫn và vướng mắc hoặc cần củng cố, bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án nói chung và lời khai của bị can nói riêng; do đó, phúc cung bị can trước khi xây dựng bản cáo trạng là nhiệm vụ của Kiểm sát viên, có ý nghĩa quan trọng đảm bảo tính khách quan khi buộc tội. Khi có căn cứ, cơ sở để nghi ngờ hoặc cần củng cố, bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng không thực hiện hoạt động phúc cung bị can trước khi truy tố là thiếu trách nhiệm khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Kiểm sát viên.

Căn cứ pháp lý để Kiểm sát viên thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố được quy định tại Điều 16, 17 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Điều 236, 237 BLTTHS năm 2015.

Đây là những quy định mở để Viện kiểm sát thực hiện triệt để nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong quá trình kiểm sát điều tra và truy tố vụ án trước khi chuyển sang Tòa án để xét xử, nhất là đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều bị can, nhiều tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn, thu thập ở nhiều nơi, nghi ngờ tính khách quan của tài liệu, chứng cứ. Vì vậy, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố là rất cần thiết, góp phần đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

4. Tính độc lập của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự

Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Kiểm sát viên được quyền thực hiện tất cả những công việc thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại Điều 42 BLTTHS 2013 mà không cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Điều này thể hiện rõ tính độc lập của Kiểm sát viên khi tham gia việc giải quyết vụ án hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phải thường xuyên báo cáo tình hình, tiến độ giải quyết vụ án với lãnh đạo Viện và tham mưu cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng ban hành các lệnh, quyết định thuộc thẩm quyền của họ. Hay nói cách khác, Kiểm sát viên sử dụng những thẩm quyền mà BLTTHS giao cho mình để thực hiện những lệnh, quyết định của lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành.

Như vậy, tính độc lập của Kiểm sát viên chỉ là sự độc lập tương đối, bởi lẽ, nó luôn nằm trong mối quan hệ quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên chỉ sử dụng thẩm quyền của mình để thực hiện ý chí, quan điểm giải quyết vụ án của Viện trưởng, Phó Viện trưởng thông qua các lệnh, quyết định.

5. Trong tố tụng hình sự, Kiểm sát viên bị thay đổi khi nào?

Theo Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

– Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

– Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm Sát trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group