1. Thực thi bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay

Hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan Việt Nam thời gian qua đã được hoàn thiện; trong thời gian ngắn, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng (PCT) Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan, hành lang pháp lý đầy đủ mới chỉ là điều kiện cần. Việc thực thi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức về quyền tác giả, ý thức về thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả của các đối tượng tham gia trong quá trình hoạt động kinh doanh.

– Phó cục trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng thực thi quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay

PCT Vũ Ngọc Hoan: Tôi cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện quyền tác giả và các quyền liên quan tại nước ta đã được tôn trọng. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền tác giả cũng như các quyền liên quan về cơ bản đã thực hiện đúng như xin phép, thanh toán nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu ở hầu hết các lĩnh vực như báo chí, xuất bản, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, tạo hình, kiến trúc, phát thanh, truyền hình. Hoạt động tự bảo vệ quyền đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chủ thể đã áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền của mình, kể cả biện pháp công nghệ. Nhiều chủ thể quyền đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả. Một số chủ thể đã thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và trung ương hoặc khởi kiện tại tòa án để yêu cầu được bảo vệ tài sản bị xâm hại.

Thực thi bảo hộ quyền tác giả: hành lang pháp lý mới chỉ là điều kiện cần

Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan với 4 tổ chức cũng đã ra đời để thực hiện việc đàm phán cấp phép sử dụng, thu tiền cho các chủ thể. Các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có nhân sự chuyên trách, đang hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Một số tổ chức hoạt động có hiệu quả, tạo niềm tin cho các văn nghệ sỹ, trí thức, nhà đầu tư ủy thác quyền. Việt Nam cũng đang từng bước thực hiện các cam kết quốc tế, tiếp tục đàm phán ký kết các Hiệp định có nội dung về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan. Đầu năm 2010, Tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã đến Việt Nam, làm việc với các vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước ta nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển sở hữu trí tuệ cũng như cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Việt Nam tiếp tục tham gia đàm phán các hiệp định về đầu tư, thương mại, dịch vụ, trong đó có các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, gần đây nhất là tham gia đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực trong bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, song kết quả thực thi vẫn chưa đạt mục tiêu, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn tiếp tục diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường đầu tư, hợp tác kinh tế quốc tế. Đó là tình trạng sao chép bất hợp pháp bản ghi âm, ghi hình, in lậu sách trong xuất bản, vi phạm bản quyền trong các lĩnh vực phát sóng vệ tinh, truyền hình cáp, internet, viễn thông, chương trình máy tính…

– Việc thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan tốt sẽ kích thích sự sáng tạo. Tuy nhiên, một số nước dựa vào vấn đề bản quyền này để độc quyền… Quan điểm của Phó cục trưởng về vấn đề này như thế nào?

PCT Vũ Ngọc Hoan: Bản chất của quyền tác giả là độc quyền có điều kiện và có thời hạn nên việc khai thác và sử dụng quyền này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền và phải thực hiện nghĩa vụ về kinh tế đối với chủ sở hữu quyền. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các đối tượng là chủ sở hữu, người sử dụng và công chúng hưởng thụ. Vì vậy, pháp luật quốc tế và quốc gia đều có các quy định về các ngoại lệ và giới hạn quyền. Pháp luật Việt Nam quy định tại các Điều 25, 26 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019 về các trường hợp sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép và không phải trả nhuận bút, thù lao và tại các Điều 32 và 33 về các trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao.

– Đối với các nước đang phát triển, việc kế thừa các sáng tạo đi trước là cần thiết. Theo Phó cục trưởng, cần kế thừa như thế nào?

PCT Vũ Ngọc Hoan: Kế thừa là quy luật của quá trình phát triển trong xã hội loài người. Kế thừa cũng là điều kiện và cơ sở cho sáng tạo. Kế thừa phải dựa trên các quy định của pháp luật cho phép. Sao chép trái phép không phải là kế thừa mà là ăn cắp (đúng ra phải gọi là ăn cướp). Hành vi sao chép trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự.

– Phó cục trưởng lý giải như thế nào về việc hành lang pháp lý của chúng ta đầy đủ; trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng 4 năm), nước ta đã tham gia 5 điều ước quốc tế về bản quyền. Vậy tại sao, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn khá nhiều?

PCT Vũ Ngọc Hoan: Tôi cho rằng, hành lang pháp lý đầy đủ mới chỉ là điều kiện cần để thực thi bảo hộ quyền tác giả. Việc thực thi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức về quyền tác giả, ý thức về thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả của các đối tượng tham gia trong quá trình này. Ngoài ra, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa cũng tác động tới hiệu quả của công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả.

Trong tham luận của Cục Bản quyền tác giả trình bày tại Hội thảo về quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan có đề cập đến một nguyên nhân là do nhận thức còn hạn chế. Vậy phải chăng, luật và các văn bản dưới luật chưa đi được vào cuộc sống? Và như vậy, theo Phó cục trưởng, trách nhiệm thuộc về ai?

PCT Vũ Ngọc Hoan: Theo tôi, nhận thức còn hạn chế không có nghĩa là luật và các văn bản dưới luật chưa đi được vào cuộc sống. Hiện nay, luật về quyền tác giả và các quyền liên quan đang đi vào và phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống. Việc nhận thức về pháp luật nói chung, pháp luật về quyền tác giả nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội, trong đó việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan như xuất bản tài liệu, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn. Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan; phải có các hình thức và phương pháp hữu hiệu hơn như đưa kiến thức về pháp luật bảo hộ quyền tác giả vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học. Trong việc khắc phục hạn chế về nhận thức này thì vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí là rất quan trọng.

– Theo Phó cục trưởng, hướng đi lâu dài cho việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan trong thời gian tới là gì?

PCT Vũ Ngọc Hoan: Theo tôi, muốn thúc đẩy hoạt động này có bước phát triển mới, các tổ chức và cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 36/2008/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật và các công việc thuộc trách nhiệm được quy định tại Chỉ thị 36/2008/CT-TTg. Các cơ quan báo chí, ngoài việc gương mẫu thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với các chủ thể quyền tác giả, chủ thể quyền liên quan khi khai thác sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, cần tích cực tuyên truyền giáo dục pháp luật, phản ánh hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Luật LVN Group biên tập và sưu tầm trên internet

2. Tác giả của tác phẩm là ai?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Những người nào được coi là tác giả của tác phẩm?

Trả lời:

Những người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và tác phẩm khoa học là tác giả của tác phẩm. Tác giả bao gồm:

– Cá nhân người Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ.

– Cá nhân người nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam; có tác phẩm được công bố lần đầu tiên ở Việt Nam; có tác phẩm được bảo hộ tại Việt nam (Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).

– Ngoài ra, những người sau đây cũng được công nhận là tác giả như người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác được coi là tác giả tác phẩm dịch; người phóng tác từ tác phẩm đã có, người cải biên, chuyển thể tác phẩm từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình khác được coi là tác giả của tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể; người biên soạn, chủ giải, tuyển chọn tác phẩm của người khác thành tác phẩm có tính sáng tạo được coi là tác giả biên soạn, chú giải, tuyển chọn (Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009).

3. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ?

1. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

2. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

4. Tác giả kiểu dáng công nghiệp được đăng ký có những quyền cơ bản gì

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tác giả kiểu dáng công nghiệp được đăng ký có những quyền cơ bản gì ? Cảm ơn!

Trả lời:

Tác giả kiểu dáng công nghiệp là người trực tiếp sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì họ là đồng tác giả.

Tác giả hoặc các đồng tác giả kiểu dáng công nghiệp được hưởng các quyền sau đây:

– Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, trong Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và trong các tài liệu công bố, giới thiệu về kiểu dáng công nghiệp (quyền tinh thần).

– Nhận thù lao của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp theo quy định khi kiểu dáng công nghiệp được sử dụng (quyền tài sản)

– Tác giả kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao hoặc để thừa kế quyền tài sản và quyền yêu cầu xử lý, khởi kiện nêu trên cho người khác theo quy định của pháp luật.

5. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền được quy định như thế nào?

Điều 41 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định:

Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền được quy định như thế nào?

1. Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm theo thoả thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả được xác định.

>> Tham khảo: Tải Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Tải luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009

>> Tham khảo dịch vụ pháp lý: Tư vấn đăng ký mã số, mã vạch;

Mọi vướng mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu làm dịch vụ sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư của LVN Group/ chuyên viên tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài 24/7, gọi số: 1900.0191 để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn phòng Sở hữu trí tuệ – Công ty Luật LVN Group