1. Cơ sở pháp lý.
– Luật Thi hành án hình sự 2019;
– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
– Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
2. Quy định về thủ tục giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ
2.1. Điều kiện giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ.
Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
Thứ hai, Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật thi hành án hình sự 2019; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
– Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.
2.2. Mức giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án một lần, mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến chín tháng. Trường hợp trong năm đó, sau khi được giảm thời hạn chấp hành án mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công mới hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm tiếp nhưng tối đa là hai lần trong một năm.
Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có thể được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là người chưa thành niên thì phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án phạt là hai phần năm mức án.
Người chấp hành án đã lập công, ngườiđã quá già yếu hoặc ngườibị bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
Người chấp hành án là người dưới 18 tuổi nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được hai phần năm mức án thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.
2.3. Thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án có trách nhiệm rà soát người đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành án, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan để đề nghị giảm thời hạn chấp hành án.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và có văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ và có văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát quân sự khu vực. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản thông báo cho đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Hồ sơ đề nghị xem xét việc giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội, gồm:
– Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét giảm từ lần thứ hai trở đi thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án;
– Quyết định giảm thời hạn chấp hành án (nếu người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đã được giảm án);
– Văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội;
– Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (nếu có);
– Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật (nếu người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bị bệnh hiểm nghèo). Trường hợp người quá già yếu thì phải có xác nhận của y tế cấp xã trở lên hoặc quân y của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;
– Đơn xin giảm án của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ (nếu họ có đơn đề nghị).
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiênhọp để xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định cho giảm thời hạn chấp hành án có trụ sở.
3. Quy định về thủ tục miễn chấp hành án cải tạo không giam giữ
3.1. Điều kiện miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Người bị phạt cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực quyết định miễn chấp hành án phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp người chấp hành án đang bịnhững căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Thứ hai, Không còn nguy hiểm cho xã hội.
Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc được áp dụng cho tất cả các loại tội phạm được quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự khi có đủ căn cứ pháp lý. Căn cứ để xác định do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước bằng văn bản có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này phải có tính pháp quy.
Ví dụ: Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19, lập các chốt kiểm dịch, bắt buộc tất cả người dân phải chấp hành các biện pháp để phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, giản cách xã hội. Những hành vi chống đối như không chấp hành việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi đi qua các chốt kiểm dịch, không chấp hành cách ly tập trung trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 bùng phát sẽ bị xem là tội phạm và đều có thể bị xử lý, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng bị xử lý hình sự, tuy nhiên khi dịch bệnh hết, cuộc sống xã hội trở lại bình thường những hành vi như không đeo khẩu trang, không chấp hành việc đo thân nhiệt, không chấp hành cách ly tập trung lại không bị xem là tội phạm, không bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, có sự thay đổi chính sách, pháp luật để được miễn trách nhiệm hình sự ở đây phải được hiểu là sự thay đổi chính sách, pháp luật hình sự, không phải là sự thay đổi chính sách xã hội, chính sách kinh tế.
3.2. Thủ tục miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Trường hợp 1: Chưa chấp hành án
Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đã có quyết định thi hành án, nhưng chưa chấp hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hoặc Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người chấp hành án cư trú hoặc làm việc tự mình hoặc theo đề nghị của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn chấp hành án.
Trường hợp 2: Đang chấp hành án.
Trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ đang chấp hành án nếu có đủ các điều kiện quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này và có đơn xin miễn chấp hành án thì Trưởng Công an cấp xã có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp hoặc Thủ trưởng đơn vị quân đội phải tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc làm việc xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho họ.
– Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bao gồm:
+ Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định pháp luật;
+ Văn bản đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội;
+ Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp lập công (nếu có);
+ Văn bản kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp bị bệnh hiểm nghèo (nếu có).
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm xem xét, đề nghị bằng văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội gửi Viện kiểm sát cấp huyện hoặc Viện kiểm sát quân sự khu vực để xem xét, đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
– Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cư trú hoặc làm việc phải thành lập Hội đồng xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Thời hạn mở phiên họp không quá mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Trường hợp cần phải bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung tài liệu hoặc làm rõ thêm. Trong trường hợp này, thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày Tòa án nhận
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group