Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
– Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
– Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
– Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
– Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
– Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
– Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
– Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Hội đồng thẩm định là Hội đồng do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập ra nhằm xem xét, đánh giá, cho ý kiến bằng văn bản để tư vấn về chuyên môn đối với một vấn đề cụ thể trước khi vấn đề đó được chính thức thông qua hoặc giải quyết. Hội đồng thẩm định có thể được thành lập ở phạm vi quốc gia, phạm vi từng ngành hay từng địa phương.
Hội đồng thẩm định làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, biểu quyết theo đa số, phiên họp của hội đồng phải đảm bảo có mặt ít nhất là 2/3 tổng số thành viên thì mới hợp lệ. Ý kiến thẩm định thông qua bằng biểu quyết, với ít nhất quá nửa tổng số thành viên tán thành thì được coi là ý kiến chính thức của hội đồng, những ý kiến khác với ý kiến chính thức của hội đồng được bảo lưu và trình thủ trưởng cơ quan tiến hành thẩm định xem xét.
Hội đồng thẩm định được bảo đảm các điều kiện phương tiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước được quy định tại Chương II của Nghị định 29/2021/NĐ-CP, theo đó Luật LVN Group chúng tôi biên soạn với những nội dung sau đây:
1. Tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng thẩm định nhà nước
– Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
– Hội đồng, thẩm định nhà nước gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
– Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định và các hoạt động thẩm định theo nhiệm vụ được giao; ý kiến đánh giá kết quả thẩm định, kết luận và kiến nghị của Hội đồng thẩm định nhà nước về các nội dung của dự án quan trọng quốc gia được phân công và theo quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước.
– Hội đồng thẩm định nhà nước có các quyền hạn sau:
+ Xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia;
+ Yêu cầu chủ đầu tư, nhà đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia, thanh toán các chi phí thẩm tra, thẩm định theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc thẩm định đã được phê duyệt;
+ Yêu cầu nhà thầu tư vấn (hoặc cơ quan có liên quan) cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án quan trọng quốc gia.
– Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được ủy quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là bằng nhau và đạt 50% số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.
Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.
– Hội đồng thẩm định nhà nước tự giải thể sau khi hoàn thành công việc thẩm định theo quy định.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước
– Xem xét phê duyệt kế hoạch thẩm định sau khi Hội đồng thẩm định nhà nước có ý kiến, quyết định triệu tập các cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước, chủ trì các phiên họp; phân công trách nhiệm Phó Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước.
– Quyết định thành lập Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành theo yêu cầu công việc đối với từng dự án quan trọng quốc gia.
– Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước có thể ủy quyền một Phó Chủ tịch Hội đồng triệu tập và chủ trì các phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước hoặc báo cáo trước Chính phủ một số nội dung hoặc công việc do Phó Chủ tịch Hội đồng trực tiếp phụ trách.
– Quyết định việc thuê và lựa chọn tư vấn thẩm tra dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
3. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước
– Giúp Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước điều hành các hoạt động của Hội đồng; theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng phân công; báo cáo thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện của Hội đồng.
– Giúp Chủ tịch Hội đồng xem xét, đánh giá các báo cáo chuyên môn và các hoạt động khác của Hội đồng để trình Thủ tướng Chính phủ.
4. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước
– Xem xét có ý kiến về các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan và địa phương do mình phụ trách và về những vấn đề chung của dự án quan trọng quốc gia theo kế hoạch thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước.
– Huy động nhân lực, phương tiện làm việc, cơ sở nghiên cứu thuộc quyền quản lý của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
– Tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định nhà nước, trao đổi đóng góp ý kiến về các nội dung xem xét, thẩm định và biểu quyết các kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước. Trường hợp đặc biệt không thể tham dự cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước phải ủy quyền người đại diện có thẩm quyền tham dự cuộc họp của Hội đồng và phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được lấy ý kiến.
– Chịu trách nhiệm về các ý kiến thẩm định và biểu quyết của mình.
5. Nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước
Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có các nhiệm vụ sau:
– Huy động bộ máy của Bộ giúp Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức công việc thẩm định dự án quan trọng quốc gia và các hoạt động chung của Hội đồng; phối hợp với các cơ quan liên quan, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, tư vấn thẩm tra để thực hiện các công việc thẩm định.
– Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ dự án, gửi hồ sơ dự án đến các thành viên Hội đồng, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
– Xây dựng kế hoạch thẩm định dự án quan trọng quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trình Hội đồng thẩm định nhà nước.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước giao.
– Lưu trữ các hồ sơ thẩm định dự án quan trọng quốc gia theo quy định.
6. Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành
Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành là bộ phận được thành lập để giúp việc cho Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm các chuyên gia của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan khác có liên quan.
Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành có các nhiệm vụ sau:
– Chuẩn bị các nội dung thẩm định để gửi cho các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước;
– Chuẩn bị các nội dung yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo đề nghị của các thành viên trong Hội đồng thẩm định nhà nước trong quá trình thẩm định, trình Hội đồng thẩm định nhà nước;
– Thực hiện các công việc để giúp Hội đồng thẩm định nhà nước lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy định tại Điều 11 Nghị định này trong trường hợp cần thuê tư vấn thẩm tra;
– Chuẩn bị các hợp đồng tư vấn thẩm tra, biên bản nghiệm thu hợp đồng và các chứng từ có liên quan khác để phục vụ việc thanh quyết toán chi phí thẩm định và thẩm tra dự án quan trọng quốc gia;
– Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, đề xuất, trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét, quyết định những vấn đề cần xử lý trong quá trình thẩm định;
– Dự thảo báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước để trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét trình Chính phủ;
– Thực hiện các công việc khác được Hội đồng thẩm định nhà nước giao.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).