1. Khái quát về chính sách pháp luật
Chính sách pháp luật, về bản chất là rất đa dạng. Chẳng hạn, tùy thuộc vào đối tượng của điều chỉnh pháp luật (tùy thuộc vào các ngành pháp luật), chính sách pháp luật có thê’ là chính sách pháp luật hiến pháp, chính sách pháp luật hành chính, chính sách pháp luật hình sự, chính sách pháp luật dân sự, chính sách pháp luật kinh tế, chính sách pháp luật tài chính, chính sách pháp luật thuế, chính sách pháp luật môi trường…
Từ cuối thế kỷ XIX đến dầu thế kỷ XX các nhà khoa học luật học đã phân chính sách pháp luật thành các loại chính sách pháp luật chuyên ngành khác nhau. Chẳng hạn, L.I. Petrazdckij chỉ rõ rằng, chính sách pháp luật với tư cách là một học thuyết có hệ thống chứng minh rằng, pháp luật cần phải như thế nào từ quan điểm của pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và của các ngành pháp luật khác vói tư cách là các bộ phận cấu thành hoặc các định hướng của chính sách pháp luật được hiểu với tư cách một bộ môn khoa học chung. Chính sách pháp luật dân sự (hoặc chính sách bất kỳ ngành pháp luật nào khác) tồn tại với tư cách là một khoa học khi nó chỉ rõ pháp luật cần phải như thế nào để đạt được lý tưởng, được phân biệt một cách cơ bản với luật học, với khoa học pháp luật thực chứng đang tồn tại về mặt hiện thực, chính là pháp luật thực chứng (theo theo: A.v. MaTko, V.A. Zatonskij: Chính sách pháp luật: Những cơ sở ỉý luận và thực tiễn, tổ hợp phương pháp giảng dạy, Sđd, tr.261 (bản tiếng Nga). G.Ph. Shershenevích cũng khẳng định rằng, chính sách pháp luật ở mức độ nhiều hay ít đều đặc trưng cho mọi khoa học pháp lý chuyên ngành (theo G.Ph. Shershenevich: Lý luận chung về pháp luật, Mátcơva, 1992, tr.17, tr.805 (bản tiếng Nga).
2. Vai trò của chính sách pháp luật hiến pháp
Do tầm quan trọng và tính cấp thiết của mình, chính sách pháp luật hiến pháp là loại chính sách pháp luật giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống các loại chính sách pháp luật.
Tác phẩm “Chương trình môn học chính sách pháp luật hiến pháp” (1816-1820) của B. Konstan được các nhà khoa học luật học coi là một trong những tác phẩm đầu tiên nghiên cứu định hướng này, nhà khoa học luật hiến pháp hiện đại, N.v. Vitruk khẳng định rằng, “khoa học luật hiến pháp hiện nay được làm phong phú, giàu có thêm bằng các phạm trù như: tính hợp hiến, trật tự hiến pháp, hiến định hóa, giám sát hiến pháp, tư pháp hiến pháp, ý thức pháp luật hiến pháp và thế giới quan pháp luật hiến pháp, chính sách pháp luật hiến pháp, văn hóa hiến pháp”. Tiếp đến, “cần phải có tư duy và việc sử dụng các phạm trù đó trong tất cả các lĩnh vực khoa học pháp lý”.
Trên thực tế phạm trù chính sách pháp luật hiến pháp chưa được nghiên cứu, do vậy, bản chất của chính sách pháp luật hiến pháp chưa được làm sáng tỏ, mối quan hệ của nó với các phạm trù và các khái niệm khác của khoa học luật hiến pháp chưa được phân tích, luận giải.
3. Khái niệm chính sách pháp luật hiến pháp
Chính sách pháp luật hiến pháp được thể hiện phần lớn ở việc soạn thảo và thực hiện các tư tưởng, quan điểm pháp luật mang tính chiến lược, ở việc thông qua, hoàn thiện và thực hiện Hiến pháp và các đạo luật mang tính chất hiến pháp.
Chính sách pháp luật hiến pháp là hệ thống những vấn đề được ưu tiên trong lĩnh vực pháp luật hiến pháp, được xây dựng dựa vào các quy phạm pháp luật đã được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế.
Chính sách pháp luật hiến pháp xác lập định hướng tối ưu hóa sự điều chinh pháp luật hiến pháp, có nhiệm vụ tổ chức quá trình xây dựng hiến pháp, bởi vì, quá trình đó không thể và không được diễn ra trong mạch chạy tự phát, và lĩnh vực pháp luật hiến pháp cũng cần phải có chiến lược, lôgic và hệ thống các hoạt động của mình.
Chính sách pháp luật hiến pháp với tư cách một định hướng đặc biệt của chính sách, pháp luật có nội dung và các đặc điểm của mình. Trong phạm vi của chính sách này, các luận điểm mang tính nguyên tắc quan trọng nhất, có ý nghĩa với tư cách là những nền tảng xuất phát điểm đối với tất cả các ngành chính sách công khác được soạn thảo, được ghi nhận ở mức độ đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất – Hiến pháp và được đưa vào đời sống xã hội. Bằng cách đó, chính sách pháp luật hiến pháp hình thành nên một chiến lược chung về sự phát triển pháp luật của xã hội, về hoạt động của các thiết chế nhà nước và xã hội trong lĩnh vực điều chỉnh pháp luật.
Chính sách pháp luật hiến pháp có cơ sở khoa học được kết thúc trong việc thực hiện nhất quán tất cả các quy định của Hiến pháp trong mối liên hệ mang tính hệ thống của chúng, còn trong những trường hợp đặc biệt, trong việc bảo vệ các quy định đó. Chính sách pháp luật hiến pháp có vị trí đặc biệt, đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Hiện nay, giá trị của chính sách pháp luật hiến pháp Việt Nam được tăng lên một cách đáng kể, bởi vì, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 mới được thông qua, được hiện đại hóa một cách đáng kể, nội dung và những định hướng cơ bản của loại chính sách này được thay đổi một cách cơ bản.
Việc soạn thảo không đầy đủ quan điểm tổng thể về chính sách pháp luật hiến pháp phần lớn do nghiên cứu lý luận về luật hiến pháp và lý luận về chính sách pháp luật hiến pháp chưa được tiến hành đầy đủ, toàn diện. Hiện nay, chính sách pháp luật hiến pháp Việt Nam đang được hình thành và phần lớn được thực hiện với sự trợ giúp của phương pháp khác nhau. Chính sách pháp luật hiến pháp cần phải xuất phát và dựa vào bản chất khách quan của các nguyên tắc hiến định, của chủ nghĩa lập hiến, cần phải được luận chứng về mặt khoa học.
Việc không có một chính sách pháp luật hiến pháp có cơ sở khoa học rõ ràng, hệ thống và nhất quán sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Các chế định và các quy phạm pháp luật hiến pháp được thông qua khi thiếu một chính sách pháp luật hiến pháp có cơ sở khoa học, nhất quán và hệ thống thì các chế định và các quy phạm đó sẽ không có tính hệ thống, không bảo đảm được tính hiện thực và tính tương lai. Trong sách báo nước ngoài vấn dề về trách nhiệm hiến pháp được đánh giá trong mối liên hệ này.
Chính sách pháp luật hiến pháp gắn liền cả với việc phòng ngừa các chỗ hổng trong các đạo luật mang tính chất hiến pháp, với việc khắc phục và bổ sung kịp thời những thiếu sót và khoảng không pháp lý đã được phát hiện.
4. Đặc trưng của chính sách pháp luật hiến pháp
Đặc trưng của chính sách pháp luật hiến pháp thể hiện ở chỗ, loại chính sách pháp luật này gần gũi nhất và gắn liền với tất cả các loại chính sách công nói chung. Hiến pháp là một loại văn bản chính trị – pháp lý quan trọng nhất mà ở đó chính trị và pháp luật cần phải được thể hiện dưới dạng chỉnh thể thống nhất, được cân bằng thành sự thống nhất, hài hòa bên trong.
Tính định hướng chính trị của hiến pháp – một trong những thuộc tính quan trọng nhất quyết định vai trò đặc biệt của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật, ý nghĩa xã hội đặc biệt của nó trong xã hội. Ở một phương diện nhất định, chính sách pháp luật hiến pháp là nền tảng hiến định của các loại chính sách công khác, chẳng hạn, của chính sách kinh tế, chính sách xã hội, chính sách văn hóa, chính sách môi trường, chính sách khoa học và công nghệ, chính sách giáo dục, chính sách quốc phòng và an ninh, chính sách đối ngoại…
5. Tính ưu tiên của chính sách pháp luật hiến pháp
Tính ưu tiên của chính sách pháp luật hiến pháp thể hiện ở chỗ, mô hình quy phạm về kiểu hiện thực lý tưởng được xác định trong các phạm vi của Hiến pháp, và toàn bộ hoạt động của các chủ thể xã hội được định hướng đến việc đạt được hiện thực đó.
Lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ rõ, “Nhân dân Việt xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Các luận điểm mang tính chương trình mục tiêu của Hiến pháp (các tuyên bố của Hiến pháp) đưa ra dự báo quy phạm và thực hiện dường như sự điều chinh vượt trước, xác định các đòi hỏi đối vói sự xuất hiện các quan hệ xã hội mới. Chính sách pháp luật hiến pháp cần phải soạn thảo các giải pháp pháp lý để giải quyết những vấn đề, những xung đột, những khủng hoảng hiến pháp, có nhiệm vụ phòng ngừa các tình huống tiêu cực tương tự, đưa ra “các cơ chế làm việc vượt trước” gắn liền với việc kế hoạch hóa pháp lý rõ ràng.
6. Nhiệm vụ của chính sách pháp luật hiến pháp
Chính sách pháp luật hiến pháp có nhiệm vụ quan tâm thường xuyên đến các văn bản luật mang tính chất hiến pháp hiện hành và trước hết là Hiến pháp. Chính sách pháp luật hiến pháp, một mặt, cần phải làm sáng tỏ và khẳng định các giá trị, các nguyên tắc hiến định, các nội dung cơ bản, quan trọng của pháp luật hiến pháp, nhưng mặt khác, cần phải có thái độ phê phán một cách có căn cứ khoa học đối với Hiến pháp và đặc biệt đối với tất cả các văn bản luật mang tính chất hiến pháp. Đối với Hiến pháp năm 2013 của nước ta cần phải phân tích mang tính khoa học một cách cụ thể, chi tiết những hạn chế, thiếu sót của nó và rút ra những kết luận tương ứng, từ đó đưa ra những đề nghị hoàn thiện chính sách pháp luật hiến pháp.
Một mặt, cần phải khẳng định rằng, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã tạo ra cơ sở pháp lý cho sự phát triển đất nước một cách ổn định trong giai đoạn chuyển đổi, đổi mới đất nước, khẳng định và ghi nhận nhiều quy phạm, nguyên tắc và cơ chế dân chủ.
Chẳng hạn, trong Chương II Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được công nhận khá đầy đủ, hệ thống, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy vậy, mặt khác, chế định quyền con người, quyền cơ bản của công dân chưa có hệ thống các bảo đảm có đầy đủ giá trị. Chẳng hạn, trong đạo luật cơ bản này chưa ghi nhận ở mức độ đầy đủ các phương tiện cơ bản – các nghĩa vụ pháp lý của Nhà nước, của các cơ quan nhà nước và của các chủ thể khác để bảo đảm, bảo vệ thiết thực, hiệu quả quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Quyền con người, quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ của Nhà nước, xã hội trong việc công nhận, tôn trọng và đặc biệt trong việc bảo đảm, bảo vệ các quyền đó trên thực tế. Quyền con người, quyền công dân không chỉ là khả năng mà còn là sự cần thiết, tính hiện thực và để biến khả năng thành sự cần thiết, tính hiện thực, ngoài chủ thể quyền được quyền thực hiện, quyền được yêu cầu các chủ thể khác – Nhà nước và xã hội phải có nghĩa vụ thực hiện những hoạt động nhất định để bảo đảm, bảo vệ các quyền đó. Do vậy, Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Các nghĩa vụ như vậy chưa được thực hiện rõ, đầy đủ trong quan hệ với quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Đồng thời, như đã phân tích, sự điều chỉnh pháp luật không chỉ bao gồm các quyền chủ thể mà còn bao gồm cả các nghĩa vụ pháp lý. Quyền không thể tồn tại thiếu nghĩa vụ. Nói cách khác, quyền mà chưa có nghĩa vụ thì đó chưa phải là điều chỉnh pháp luật. Do vậy, con người, công dân khi có và thực hiện quyền của mình, đòi hỏi Nhà nước và xã hội công nhận, ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ các quyền của mình thì cũng phải có trách nhiệm thực hiện tốt các nghĩa vụ hiến định và các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định.
Trong hệ thống các bảo đảm quyền con người, quyền công dân, các biện pháp về trách nhiệm pháp lý của các cơ quan công quyền và những người có chức vụ, quyền hạn giữ vị trí quan trọng nhất. Ở đây muốn nói về “cái lồng đối vói quyền lực” – cái lồng mà với sự trợ giúp của nó quy chế của cán bộ, công chức, viên chức phải chuyển từ “quy chế cai trị, đặc quyền, đặc lợi” sang “quy chế phục vụ, phụng sự con người và xã hội”. Cần phải xác lập và quy định rõ ràng, minh bạch trách nhiệm hiện thực cả đối với tất cả các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đối với những người có chức vụ, quyền hạn tương ứng lẫn đối với tất cả các cán bộ, công chức, viên chức còn lại.
Mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và xã hội pháp quyền là một trong những mối quan hệ lớn, cơ bản, rường cột cần được hiến pháp điều chỉnh. Chính sách pháp luật hiến pháp cần phải làm sáng tỏ mối quan hệ đó theo hướng luận giải sự tác động lẫn nhau của nhà nước pháp quyền và xã hội pháp quyền, các hình thức và cơ chế của sự tác động, các hình thức tổ chức và hoạt động mới trong xã hội, pháp quyền hóa mối quan hệ đó.
Chính sách pháp luật hiến pháp Việt Nam hiện nay, cần nghiên cứu mối quan hệ giữa chủ quyền nhân dân, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước và pháp luật. Mối quan hệ đó cần phải được giải quyết theo phương thức pháp quyền. Điều đó có nghĩa rằng, cần pháp quyền hóa quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, quyền lực xã hội để bảo đảm tính chính đáng, tính hợp hiến, tính hợp pháp của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước.
Từ sự phân tích trên có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng, chính sách pháp luật hiến pháp hướng đến việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh pháp luật hiến pháp, tức là hướng đến việc hoàn thiện chính hiến pháp và các đạo luật mang tính chất hiến pháp. Chính sách pháp luật hiến pháp cần phải có công việc thường xuyên, nhất quán và hệ thống theo định hướng đó.
7. Kết thúc vấn đề
Chính sách pháp luật hiến pháp là một loại chính sách pháp luật đặc biệt. Khoa học pháp lý Việt Nam nói chung, khoa học luật Hiến pháp Việt Nam nói riêng có nhiệm vụ nghiên cứu để đưa ra quan niệm tổng thể (hệ quan điểm) về chính sách pháp luật hiến pháp Việt Nam. Đây cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học – luật học Việt Nam trước xã hội, trước Nhà nước.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.