hiện công chứng, đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ khác, phòng ngừa vi phạm pháp luật, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
1. Khái niệm công chứng viên
Luật Công chứng năm 2014 nêu khái niệm công chứng viên như sau: “Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng”. Theo đó, những người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Luật Công chứng sẽ được bổ nhiệm là công chứng viên. Cụ thể: Công chứng viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo dức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
– Có bằng cử nhân luật;
– Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng;
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
– Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Như vậy, đây là khái niệm xét dưới góc độ điều kiện, tiêu chuẩn còn dưới góc độ công việc thực hiện, ta có thể hiểu: “Công chứng viên là người chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.”
2. Khái niệm các tổ chức hành nghề công chứng ?
Hiện nay, nhà nước chỉ ghi nhận hai hình thức đối với tổ chức hành nghề công chứng đó là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng (Khoản 5, Điều 2, Luật Công chứng năm 2014). Hai tổ chức này được thành lập và hoạt động rộng rãi trên phạm vi cả nước theo quy hoạch của nhà nước.
Trước khi luật Công chứng năm 2006 ra đời, chưa có sự xuất hiện của Văn phòng công chứng, chỉ có Phòng công chứng làm nhiệm vụ công chứng, nhưng do nhu cầu công chứng của người dân ngày càng cao đòi hỏi hoạt động công chứng cần được xã hội hóa theo hướng không chỉ giới hạn chức năng công chứng cho các cơ quan hành chính nhà nước mà trao cho cả các tổ chức tư nhân cung cấp dịch vụ công chứng. Sự ra đời của Văn phòng công chứng đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự.
3. Quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng là gì?
Quản lý nhà nước xuất hiện cùng với sự ra đời và tồn tại của nhà nước. Quản lý nhà nước về nghĩa rộng là hoạt động tổ chức, điều hành của cả bộ máy nhà nước thông qua các công cụ hỗ trợ trên các nhánh quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nếu xét quản lý nhà nước về nghĩa hẹp thì đây là quá trình tổ chức, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với quá tình phát triển của xã hội và định hướng hành vi của con người theo pháp luật nhằm đạt được những mục đích, yêu cầu nhà nước đề ra.
Như vậy, quản lý nhà nước về công chứng có thể hiểu là nhà nước thông qua các công cụ có được nhằm tổ chức, điều hành, tác động vào các tổ chức hành nghề công chứng nói chung và công chứng viên nói riêng trong việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các giao dịch, hợp đồng, đảm bảo cho hoạt động công chứng diễn ra theo định hướng của nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế – xã hội.
Luật công chứng năm 2014 đã dành ra một chương riêng để quy định về quản lý nhà nước về công chứng. Trong đó nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của từng chủ thể trong việc quản lý các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trong các tổ chức đó. Theo đó, pháp luật ghi nhận trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng tại các Điều 69, 70 của Luật Công chứng năm 2014.
4. Quản lý nhà nước đối với việc ổn định và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng
Sự phát triển rộng hệ thống công chứng đã xóa bỏ việc kiêm nhiệm chức năng công chứng của các cơ quan hành chính, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ công. Vì thế, sự xuất hiện của văn phòng công chứng mang tính xã hội hóa dịch vụ công chứng, điều đó đồng nghĩa với việc cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này. Nói cách khác, quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng sau khi hệ thống các văn phòng công chứng được thành lập có những điểm mới thay đổi căn bản, theo đó đối tượng của hoạt động quản lý nhà nước hiện nay ngoài các Phòng công chứng còn bao gồm các văn phòng công chứng.
Khác với sự phát triển của các mô hình dịch vụ công khác, sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng cần thiết phải có sự điều tiết, phân bổ và kiểm soát trong một quy hoạch nhất định, đặc biệt sau thời điểm hoạt động công chứng được xã hội hóa. Theo đó, nhà nước thực hiện quản lý về công chứng trên phạm vi cả nước để bảo đảm các văn phòng công chứng và phòng công chứng được thành lập và phân bố một cách hợp lý, khoa học và đáp ứng được nhu cầu công chứng của nhân dân một cách đầy đủ, thuận tiện nhất.
Hoạt động quản lý nhà nước đối với Văn phòng công chứng và Phòng công chứng thể hiện trong các quy định về tiêu chuẩn thành lập, cấp phép thành lập, bổ nhiệm Công chứng viên, giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và đánh giá hoạt động công chứng. Trên cơ sở đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng để hệ thống văn phòng công chứng và phòng công chứng trên cả nước được ổn định và phát triển dưới sự quản lý chặt chẽ, nghiêm nghặt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể là Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ ngành có liên quan cùng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Sở Tư pháp.
5. Quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng của công chứng viên
Thứ nhất, nhờ có quản lý nhà nước, công chứng viên thực hiện hoạt động công chứng độc lập.
Ở Việt Nam hiện nay, công chứng là hoạt động do nhà nước tổ chức và quản lý, song hành vi công chứng lại do Công chứng viên thực hiện một cách độc lập, không bị chi phối hoặc áp đặt bởi bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào, vì thế, người thực hiện hành vi công chứng phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về công việc do mình thực hiện. Cụ thể, công chứng viên trong tác nghiệp chuyên môn không phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý hay trước trưởng phòng, văn phòng công chứng mà tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Công chứng viên có sự độc lập khi tác nghiệp, vì thể ở khía cạnh này, công chứng viên không bị lệ thuộc vào cấp trên. Pháp luật không cho phép các cơ quan quản lý, trưởng phòng công chứng và văn phòng công chứng áp đặt mệnh lệnh hành chính hay can thiệp thiếu căn cứ pháp luật vào tác nghiệp chuyên môn.
Thứ hai, công chứng viên hoạt động theo phạm vi công chứng nhất định theo quy định pháp luật.
Quản lý nhà nước có vai trò định hướng sự phát triển của ngành theo lĩnh vực công chứng, xuất phát từ bản chất của hoạt động công chứng là một hoạt động công quyền của nhà nước. Công chứng là hoạt động được nhà nước ủy quyền để chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các hợp đồng, giao dịch. Vì thế, việc xác định phạm vi, ranh giới các việc công chứng, nói cách khác là xác định thẩm quyền của công chứng viên được thực hiện những công việc gì có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhà nước trong quản lý đối với công chứng viên nói riêng và các tổ chức hành nghề công chứng nói chung, nhằm phòng ngừa những vi phạm rất dễ xảy ra trong lĩnh vực này.
Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển năng động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của công chứng ngày càng trở nên quan trọng, giúp nhà nước quản lý tốt các hoạt động giao dịch. Luật Công chứng đã quy định mở rộng phạm vi công chứng theo hướng: Cơ quan công chứng được phép chứng nhận các hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu, trừ một số trường hợp pháp luật quy định. Đây là những quy định rất tiến bộ, vừa có tính khoa học, vừa có tính pháp lý. Theo đó, nhà nước thể hiện được vai trò quản lý đối với các hợp đồng, giao dịch cũng như giới hạn phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, tránh việc công chứng viên lạm dụng hoạt động công chứng để phục vụ lợi ích cá nhân.
Thứ ba, công chứng viên thực hiện hoạt động công chứng không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Việc xác định mục đích và nội dung hợp đồng khi công chứng không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội là giới hạn phạm vi hoạt động của công chứng viên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng được Bộ Tư pháp cùng các cơ quan hữu quan thực hiện thường xuyên và nghiệm ngặt. Nhà nước sẽ áp dụng trách nhiệm pháp lý rất nặng nề đối với các chủ thể vi phạm khi thực hiện hành vi công chứng, điều đó đòi hỏi Công chứng vên vừa phải có nghiệp vụ chuyên môn cao, vừa phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng mới có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Tóm lại, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nghề công chứng như hiện nay. Quản lý nhà nước đối với công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng được nhà nước chú trọng. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để quản lý chặt chẽ, nghiêm nghặt hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng nói riêng và công chứng viên nói riêng. Từ đó, các tổ chức này có thể phục vụ và giải quyết tốt hơn nhu cầu công chứng của người dân.