1. Nội dung  

Tính hợp pháp của chứng cứ là sự phù hợp của nó với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tính hợp pháp của chứng cứ thể hiện trong các mặt sau đây: Chứng cứ được xác định bằng nguồn nhất định theo quy định của pháp luật. Những thông tin, tài liệu, đồ vật tuy tồn tại trong thực tế và có liên quan đến vụ án nhưng không được lưu giữ trong nguồn mà pháp luật quy định thì không được coi là chứng cứ.

Các nguồn của chứng cứ được xác định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án;

e) Kết quả thực hiện uỷ thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

Tính hợp pháp đòi hỏi chứng cứ phải được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Theo khoản 2 Điều 87: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”

1.1. Lời khai, lời trình bày

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ bằng cách lấy lời khai, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của pháp luật (Điều 88 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án chỉ được dùng làm chứng nếu họ nói rõ vì sao biết được tình tiết mà họ trình bày (các điều 91, 92, 93, 94 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Lời khai của người tham gia tố tụng được thể hiện trong các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung hoặc biên bản phiên tòa. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định khi hỏi cung bị can, lấy lời khai, đối chất bắt buộc hoặc có thể ghi âm, ghi hình có âm nhưng điều đó chủ yếu là để giám sát hoạt động tố tụng. lời khai, lời trình bày được xem là nguồn chứng cứ khi được thực hiện theo đúng quy định từ Điều 91 đến Điều 98 của BLTTHS năm 2015. 

1.2. Vật chứng

Vật chứng cứ phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật (Điều 105 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ); các tình tiết không được mô tả trong biên bản thu giữ vật chứng thì không phải là chứng cứ và không có giá trị chứng minh. 

1.3. Dữ liệu điện tử

Theo Điều 99 BLTTHS, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Trong đó, dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Để bảo đảm dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh, BLTTHS  năm 2015 đã ghi nhận một số nội dung: như  khái niệm về dữ liệu điện tử; các nguồn chứa dữ liệu điện tử; yêu cầu về giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử; trình tự, thủ tục thu thập, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo đảm tính khách quan, tính nguyên trạng và tính có thể kiểm chứng của loại chứng cứ này. Khi tiến hành thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử,các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án để bảo đảm tính hợp pháp của nguồn chứng cứ này.

1.4. Kết luận giám định, định giá tài sản

Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định (theo Điều 100). Các kết luận định giá nếu vi phạm quy định của BLTTHS, vi phạm các quy định về định giá sẽ không có giá trị pháp lý và không được xem là một nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự.

1.4. Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Những biên bản, tài liệu, đổ vật khác cũng có thể được coi là nguồn chứng cử khi đáp ứng các điều kiện do luật định và chúng được quy định cụ thể tại điều 77,78 BLTTHS . 

1.5. Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác

Thực tiễn cho thấy rất nhiều vụ án về tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức thì kết quà thực hiện ủy thác tư pháp là nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án, do đó Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định quy định rõ tại Điều 103: “Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án”. Đây là một nguồn chứng cứ mới được bổ sung vào Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác là một nguồn chứng cứ. Đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài như hành vi phạm tội được thực hiện kéo dài ở cả trong nước và nước ngoài, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, người phạm tội đã có tiền án ở nước ngoài… thì việc ủy thác tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong nhiều trường hợp quyết định đến hiệu quả giải quyết vụ án hình sự, và chứng cứ phải thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ là tính xác thực, tính liên quan và tính hợp pháp, đồng thời nó phải phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.

1.6. Các tài liệu, đồ vật khác

Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm theo Điều 89 quy định về vật chứng như trên thì được coi là vật chứng. Ngoài ra, những gì có thật nhưng không phải từ các nguồn trên, không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.

Các hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ như khám xét người (Điều 194 BLTTHS), khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện (Điều 195 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015), khám nghiệm hiện trường (Điều 201 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015), khám nghiệm tử thi (Điều 202 BLTTHS), xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 203 BLTTHS).., phải có người chứng kiến, nếu thiếu người chứng kiến thì thông tin, tài liệu, đồ vật thu giữ được trong các hoạt động đó không được sử dụng làm chứng cứ.

Tính hợp pháp của chứng cứ đòi hỏi việc thu thập phải đúng trình tự do pháp luật quy định. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có không ít trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành thu giữ đồ vật, tài liệu không đúng thủ tục rồi sau đó mới tiến hành “hợp pháp hoá” để đưa vào hồ sơ vụ án hoặc “hợp pháp hoá” tài liệu trinh sát để sử dụng làm chứng cứ… Trong các trường hợp đó chứng cứ đều thiếu tính hợp pháp nên không thể có giá trị chứng minh trong tố tụng hình sự.

2. Ý nghĩa

Tính hợp pháp chính là hình thức của chứng cứ. Chứng cứ là cơ sở duy nhất, là phương tiện duy nhất để chứng minh trong vụ án hình sự. Khi giải quyết vụ án hình sự, trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án cần xác minh những sự việc có liên quan đến tội phạm đang được tiến hành xem xét, cần phải khẳng định được rằng tội phạm đã xảy ra, xác định được người cụ thể đã thực hiện tội phạm và họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đã thực hiện. Tất cả các sự kiện và tình tiết của vụ án phải phù hợp với hiện thực khách quan. Để làm được điều đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào chứng cứ. Thông qua chứng cứ, kiểm sát viên thực hành quyền công tố trước toà án đưa ra lời buộc tội đối với bị cáo, còn người bào chữa và thân chủ của họ có thể bác bỏ lời buộc tội hoặc đưa ra những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Việc nghiên cứu, xác định các sự kiện, tình tiết của vụ án được tiến hành trên cơ sở của các chứng cứ và chỉ bằng cách dựa vào các chứng cứ mới làm sáng tỏ được những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự. Thông qua việc phát hiện chứng cứ, xem xét và ghi nhận chứng cứ về mặt tố tụng, kiểm tra tính xác thực của chứng cứ, đánh giá chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể nghiên cứu đầy đủ và toàn diện các tình tiết của vụ án, xác định sự phù hợp của chúng với hiện thực từ đó tìm ra chân lý khách quan.

Quá trình chứng minh thực chất và nói chung là quá trình giải quyết chứng cứ, mọi giai đoạn của tố tụng hình sự đều được mở ra và kết thúc từ vấn đề chứng cứ, xuất phát từ chứng cứ. Tính hợp pháp của chứng cứ thể hiện ở chỗ chứng cứ phải được rút ra từ những phương tiện chứng minh và được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tính hợp pháp được xác định nhằm đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy thông thường cơ quan tiến hành tố tụng ít coi trọng tính hợp pháp của chứng cứ. Nhiều trường hợp vụ án được giải quyết trên cơ sở những chứngcứ được thu thập bất hợp pháp như hợp thức hoá nguồn chứng cứ, thu thập không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, thu thập lời khai bằng cách bức cung, mớm cung, dùng nhục hình… nên dẫn đến sai lầm trong giải quyết thực chất vụ án. Trong số đó có những trường hợp xảy ra oan, sai nghiêm trọng.

3. Quy định trong Luật tố tụng hình sự 

 Để đáp ứng các yêu cầu của chứng cứ về tính hợp pháp, BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về loại trừ chứng cứ, theo đó: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”.

 Chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập phải được thu thập bằng các hoạt động điều tra (khám nghiệm hiện trườngkhám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, lấy lời khaihỏi cungkhám xétthực nghiệm điều tra,… ) hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Theo quy định, nếu cơ quan tiến hành tố tụng muốn thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ là lời khai, lời trình bày phải tuân thủ chặt chẽ quy định tại Điều 183 và Điều 184 khi hỏi cung bị can; các điều 186, 187 và 188 đối với trường hợp lấy lời khai người bị hại và người làm chứng về các vấn đề như hình thức biên bản, cách thức lấy lời khai, thời gian, địa điểm, việc giải thích quyền và nghĩa vụ trước khi lấy lời khai. Còn trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng muốn thu thập tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 105, Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các vấn đề như hình thức biên bản, việc mô tả vật chứng, tài liệu, đồ vật, việc niêm phong, sao lưu, bảo quản.

Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hạingười làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác; cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định tại điều 133 của BLTTHS năm 2015. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Theo đó, khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định ba quyền của người bào chữa liên quan đến chứng cứ: Quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Quyền kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá và  Quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản. Có thể nói, quyền thu thập chứng cứ, quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ và quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ là ba quyền rất quan trọng của người bào chữa, thể hiện vai trò, vị thế của người bào chữa trong quá trình tiến hành tố tụng.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày.

Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo đúng quy định tại Điều 133 BLTTHS năm 2015.