LÀ NGUỒN CƠ BẢN, CHỦ YẾU CỦA LUẬT QUỐC TẾ NHƯNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ KHÔNG THỂ HOÀN THÀNH VAI TRÒ CỦA TẬP QUÁN QUỐC TẾ TRONG QUẤ TRÌNH ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ LUẬT QUỐC TẾ

Định nghĩa điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế là thoả thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể luật quốc tế và được luật quốc tế điều chỉnh, không phụ thuộc vào việc thoả thuận đó được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hay hai hoặc nhiều văn kiện có quan hê với nhau, cũng như không phụ thuộc vào tên gọi cụ thể của những văn kiện đó.

Định nghĩa trên đây đã thể hiện được những đặc điểm cơ bản nhất của điều ước, đó là:

– Hình thức của điều ước quốc tế;

– Chủ thể của điều ước quốc tế;

– Bản chất của điều ước quốc tế;

– Luật điều chỉnh việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

Dựa vào các yếu tố cơ bản nêu trên, có thể phân biệt điều ước quốc tế với văn kiện quốc tế không phải là điều ước, mặc dù văn kiện đó giống với văn bản điều ước quốc tế về tên gọi. Theo quy định của luật điều ước quốc tế, khái niệm điều ước quốc tế theo luật quốc gia có sự vận dụng cụ thể để thuận lọi cho việc ký kết và thực hiện, cụ thể:

>> Xem thêm: Công nhận DE JURE là gì ? Khái niệm về công nhận Công nhận DE JURE

Trong Luật điều ước quốc tế của Việt Nam năm 2016, điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên ký kết được hiểu là thoả thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thoả thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác. Bên ký kết nước ngoài theo quy định của Luật này được hiểu là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế. Cách xác định văn bản điều ước quốc tế theo pháp luật Việt Nam cho thấy phạm vi chủ thể của quan hệ điều ước quốc tế không chỉ là các quốc gia mà còn bao hàm cả các chủ thể khác của luật điều ước quốc tế. Mặt khác, nội hàm khái niệm điều ước quốc tế trong pháp luật Việt Nam nêu trên đã có sự tương đổng với quy định của luật điều ước quốc tế hiện hành và thực tiễn ký kết điều ước quốc tế của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

1. Điều ước quốc tế có ưu thế hơn so với tập quán quốc tế trong quá trình điều chỉnh các quan hệ quốc tế.

Nếu tìm hiểu và có sự hiểu biết mang tính khái quát về Điều ước quốc tế cũng như tập quán quốc tế sẽ thấy Điều ước quốc tế có nhiều ưu thế hơn so với tập quán quốc tế.

Có thể thấy tốc độ hình thành điều ước quốc tế nhanh hơn so với tập quán quốc tế vì tập quán quốc tế muốn được hình thành phải trải qua quá trình lâu dài thông qua nhiều sự kiện liên tiếp. Còn Điều ước quốc tế chỉ cần một sự kiện duy nhất là sự ký kết hay tham gia của các chủ thể theo đúng trình tự, thủ tục. Thời gian hình thành điều ước nhanh hơn, theo sát sự vận động của các quan hệ quốc tế.

Về vấn đề sửa đổi, bổ sung trong điều ước quốc tế đơn giản hơn rất nhiêu so với tập quán vì điều ước quốc tế tồn tại dưới hình thức văn bản.

Nếu trong cùng một vấn đề tồn tại cả điều ước quốc tế và tập quán quốc tế điều chỉnh thì nên áp dụng nguồn nào ? Tại sao ?

Về nguyên tắc việc chọn áp dụng nguồn nào là do các bên thỏa thuận lựa chọn áp dụng. Tuy nhiên trên thực tiễn quan hệ, nếu có sự xung đột pháp luật giữa hai loại nguồn này, các bên hữu quan sẽ thỏa thuận để áp dụng các quy phạm điều ước quốc tế vì các quy phạm thể hiện trong điều ước quốc tế rõ ràng, minh bạch và mức độ rằng buộc trách nhiệm cao hơn so với tập quán quốc tế.

Theo quy định tại Điều 38, Quy chế Tòa án công lý quốc tế có đưa ra một trật tự áp dụng các nguồn của Luật quốc tế, theo đó điều ước quốc tế sẽ được áp dụng trước tiếp sau đó mới đến tập quán quốc tế. Tuy nhiên, điều này không tạo ra sự bất hợp lý vì tòa án công lý vốn không có thẩm quyền đương nhiên, mà được các quốc gia thỏa thuận trao quyền. Do đó, đồng thời việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án là do sự tự nguyện của các bên đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa, điều này cũng đồng nghĩa với việc các bên chấp nhận quy chế của Tóa.

 

2. Vai trò của tập quán quốc tế trong quá trình điều chỉnh các quan hệ quốc tế

Quá trình hình thành tập quán quốc tế không thông qua hành vi ký kết mà nó được hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được sự thừa nhận của các chủ thể luật quốc tế. Có thể thấy tập quán quốc tế chủ yếu được hình thành theo các con đường sau :

  • Con đường truyền thống hình thành từ thực tiễn quan hệ quốc tế;
  • Từ thực tiễn thực hiện các nghị quyết có tính chất khuyến nghị của các tổ chức quốc tế;
  • Từ thực tiễn thực hiện các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế;
  • Hình thành từ một tiền lệ duy nhất;
  • Hình thành từ điều ước quốc tế được điển hình hóa và từ thực tiễn thực hiện điều ước quốc tế của bên thứ 3.

Ví dụ : Các quy định liên quan đến quan hệ ngoại giao, lãnh sự cũng hình thành từ nhu cầu bang giao giữa các quốc gia trên thế giới; hay hai quốc gia thỏa thuận một điều ước liên quan đến việc tránh đánh thuế hai lần, một nước khác thấy hợp lý nên áp dụng các quy định. Các quy định được nước đó áp dụng với tư cách là quy phạm tập quán quốc tế trong điều ước này.

 

2.1 Vai trò của tập quán quốc tế trong quá trình xây dựng quy phạm luật quốc tế

Tập quán quốc tế có ý nghĩa là cơ sở để hình thành điều ước quốc tế thông qua quá trình pháp điển hóa. Việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của Luật quốc tế cho phép khẳng định rằng nhiều quy phạm điều ước quốc tế có nguồn gốc từ quy phạm tập quán quốc tế.

Ví dụ : Nguyên tắc tự do biển cả, dù được pháp điển hóa trở thành nguyên tắc cơ bản của Công ước Luật Biển năm 1982 song nó vẫn tồn tại với tư cách là tập quán quốc tế.

 

2.2 Vai trò của tập quán quốc tế trong quá trình thực hiện Luật quốc tế

Đối với việc tồn tại của Điều ước quốc tế không có ý nghĩa là loại bỏ giá trị áp dụng của tập quán quốc tế tương đương về nội dung. Cả điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đề được hình thành từ sự thỏa thuận của các chủ thể luật quốc tế, do đó chúng có giá trị pháp lý ngang nhau, có thể cùng song song tồn tại.

Ví dụ : Hiệu lực của điều ước với bên thứ 3 do viện dẫn các quy phạm của điều ước quốc tế dưới dạng tập quán quốc tế.

 

3. Điều ước quốc tế không thể thay thế hoàn toàn vai trò của tập quán quốc tế

Để chứng minh cho khẳng định “ điều ước quốc tế không thể thay thế hoàn toàn vai trò của tập quán quốc tế ” ta có thể phân tích mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và tập quán quốc tế thông qua các khía cạnh sau :

  • Vị trí, vai trò của điều ước quốc tế và tập quán quốc tế
  • Sự tác động qua lại giữa điều ước quốc tế và tập quán quốc tế

 

3.1 Vị trí, vai trò của điều ước quốc tế và tập quán quốc tế

Khi xét về vị trí, vai trò của điều ước quốc tế và tập quán quốc tế chúng ta không thể khẳng định rằng điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế là nguồn quan trọng hơn.

Trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, tập quán pháp lý quốc tế với tư cách là nguồn của luật quốc tế xuất hiện sớm hơn nhiều so với điều ước quốc tế. Trong thời kỳ cổ đại và trung đại, quan hệ giữa các quốc gia chủ yếu được điều chỉnh bằng tập quán pháp lý quốc tế. Ngày nay điều ước quốc tế lại có chỗ đứng nhiều hơn trong việc điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể luật quốc tế. Sự thay đổi này chính là thay đổi về cơ cấu thành phần quy phạm luật quốc tế hiện đại chứ không phải thay đổi vai trò bản chất của mỗi loại nguồn này.

 

3.2 Sự tác động qua lại giữa điều ước quốc tế và tập quán quốc tế

Xét trên khía cạnh lịch sử, tập quán quốc tế xuất hiện sớm hơn điều ước quốc tế, nhưng giữa hai loại nguồn luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau, tác động qua lại và bổ xung cho nhau, cùng thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ liên quốc gia phát sinh trong đời sống quốc tế. Cơ sở của mối quan hệ qua lại này thể hiện ở quá trình hình thành quy phạm của chúng.

Trước hết tập quán pháp lý quốc tế tác động đến sự hình thành và phát triển của điều ước quốc tế. Việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của luật quốc tế cho phép khẳng định rằng, nhiều quy phạm điều ước quốc tế có nguồn gốc từ quy phạm tập quán quốc tế. Cùng với sự phát triển tiến bộ của luật quốc tế, nhiều quy phạm tập quán được thay thế hoặc phát triển thành quy phạm điều ước. Trong quá trình soạn thảo điều ước quốc tế, hàng loạt quy phạm tập quán được các nhà làm luật tập hợp và pháp điển hoá trong điều ước quốc tế. Sự tác động qua lại giữa hai loại nguồn của luật quốc tế thể hiện tiếp theo ở chỗ điều ước quốc tế tác động trở lại đến sự hình thành và phát triển của tập quán quốc tế. Sự tác động này thường xuất hiện chủ yếu từ các điều ước quốc tế có tính phổ cập.

Nhận xét : Trong quá trình quốc tế hiện đại, với sự gia tăng của các hình thức điều ước quốc tế như hiện nay, tập quán quốc tế có thể bị mất vai trò và bị thay thế hoàn toàn bằng các điều ước quốc tế hay không ? Điều ước quốc tế dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế sự tồn tại của các tập quán quốc tế. Đây là hai loại nguồn có sự độc lập nhất định và tồn tại trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Nhiều điều ước quốc tế có hiệu lực ngắn, do đó khi hết hiệu lực này điều ước quốc tế không còn tồn tại, và nếu các bên vẫn muốn áp dụng những quy định trong điều ước mà không muốn ký kết điều ước được áp dụng sẽ trở thành tập quán quốc tế. Vì vậy, điều ước quốc tế và tập quán quốc tế đều có vai trò quan trọng và không thể bị thay thế trong quan quá trình điều chỉnh các quan hệ quốc tế.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)